Tin tức

Thảm sát lên phim: Tại sao điện ảnh phải tra tấn người trẻ?

10/07/2019

Từ Utøya tới The Hate U Give, một làn sóng phim mới đưa ra những viễn cảnh bạo lực với trẻ con không nao núng. Những pha lấy máu này nói gì về cách ta sống hiện giờ?

Cảnh trong phim Utøya – July 22 của đạo diễn Na Uy Erik Poppe

Sự thật là hiểu biết đại chúng. Ngày 22 tháng 7 năm 2012, mặc bộ đồng phục cảnh sát mua trên mạng, Anders Behring Breivik đi phà MS Thorbjørn tới đảo Utøya, ở Tây Bắc Oslo. Tại đây, các thiếu niên đang tham dự một trại hè do Đảng Lao động Na Uy tổ chức. Hai tiếng trước, Breivik đã cho nổ một quả bom xe ngoài văn phòng thủ tướng Jens Stoltenberg, giết chết tám người. Lúc này, trong vòng chỉ hơn một giờ đồng hồ, hắn bắn chết thêm 69 người nữa. Đa số nạn nhân ở tuổi thiếu niên.

Hai phim ngày nay đưa ta về ngày đó. Đạo diễn người Anh Paul Greengrass cho chúng ta 22 July; Utøya – July 22 của đạo diễn Na Uy Erik Poppe. Utøya của Poppe diễn ra trong thời gian thực u ám thê lương, giới hạn trên hòn đảo suốt 72 phút của vụ thảm sát. Greengrass đưa ra thêm hậu quả, sự hồi phục mong manh của những người sống sót và vụ xử Breivik – với tất cả cuộc đời ảo tưởng còi cọc, không phải một đứa trẻ mà là một người đàn ông 32 tuổi.

“Hắn hoàn toàn hiểu màn kịch của việc giết trẻ con,” Greengrass nói, khi tác giả gặp ông vào một sáng mùa thu ở London. “Tính biểu tượng của nó. Bạn chặt đầu tương lai. Hắn kiến thiết vụ việc như thế.”

Đạo diễn Paul Greengrass (phải) trên trường quay 22 July

Người lớn mặc đồng phục cảnh sát, xác chết của người trẻ: những hình ảnh tương tự phủ lên một phim khác trong năm 2018, nhiều khả năng có số đông khán giả thiếu niên xem. Do George Tillman Jr đạo diễn, The Hate U Give, dựa trên tiểu thuyết tuổi mới lớn bán chạy của Angie Thomas, ra rạp năm ngoái ở Mỹ và nhận được phê bình mạnh mẽ. Nhân vật nữ chính là Starr, một học sinh Mỹ gốc Phi 16 tuổi chứng kiến bạn thân nhất bị một sĩ quan cảnh sát da trắng bắn chết trong một cuộc dừng xe khám xét. Từ đêm đó, cô lao mình vào các hoạt động đấu tranh.

Độc giả cuốn sách biết nó bắt nguồn từ thế giới thật – một loạt vụ việc thảm khốc những cậu bé và nam giới Mỹ da đen bị cảnh sát da trắng giết. Vụ án khét tiếng nhất vẫn là của Tamir Rice 12 tuổi, bị bắn chết ở Cleveland, Ohio năm 2014 trong khi đang chơi với một khẩu súng đồ chơi. Tháng 6 năm 2018 ở Pittsburgh, Antwon Rose, 17 tuổi, bị bắn vào lưng khi đang chạy thoát cảnh sát nghi cậu liên quan tới một vụ bắn ngang đường. Cậu được chứng minh không mang vũ khí.

Cảnh trong phim chính kịch tài liệu 22 July: mặc một bộ đồng phục cảnh sát mua trên mạng, Anders Behring Breivik (Anders Danielsen Lie) đi phà tới đảo Utøya bắn chết 69 thiếu niên đang tham dự một trại hè tổ chức ở đây

Ngoài là một buổi tối đi chơi, phim là một cuộn băng đang ghi lại những sự việc có thật – và phản ứng tâm linh bập bùng thành những kịch bản và câu chuyện. Người trẻ tuổi vẫn chiếm đa số khán giả ở rạp, nên có lý khi điện ảnh phản ánh những vấn đề ảnh hưởng tới họ – cảnh sát phân biệt chủng tộc và bạo lực cực hữu, đúng, nhưng cả những thù hằn mang tính kinh tế và môi trường nữa. Trong cơn hỗn loạn của năm 1968, có lời nói về “cuộc chiến chống lại người trẻ”. 50 năm sau, nghe y như vậy – một cuộc chiến tạo ra phim chiến tranh.

Câu chuyện tuổi mới lớn gần nhất có tác động như của The Hate U Give là một câu chuyện khác về bạo lực với giới trẻ được cấp phép – The Hunger Games, của tác giả Suzanne Collins, đã có kỷ niệm 10 năm vào năm ngoái. Trong một loạt những tiểu thuyết bán chạy được chuyển thể thành phim bom tấn, nước Mỹ của nhân vật nữ chính Katniss Everdeen ép trẻ con của quốc gia vào một nghi thức đổ máu được truyền hình trực tiếp, mà tùy vào quan điểm, phản ánh sang chấn vĩnh cửu của thời thiếu niên hoặc logic tàn bạo của chủ nghĩa tân tự do. Đối với phần lớn khán giả, cái hay của loạt truyện là nói về cả hai điều đó.

Nỗi kinh hoàng thời trung học... Amandla Stenberg trong The Hate U Give

Nhưng dù là miếng thịt béo bở tới đâu để thành một chuỗi phim Hollywood thương mại nhắm tới những khán giả 15 tuổi, The Hunger Games cũng đặt dấu ngoặc kép quanh những ý tưởng cực đoan của nó. Trẻ con từ gia đình nghèo bị đẩy vào các trận đấu tiêu khiển dưới lệnh của một chính phủ đàn áp – nhưng tất cả trong một tương lai còn-lâu-mới-đến. Cả về mặt thể chất, trong khi người lớn biến bạo lực trẻ trung thành môn thể thao, ngón tay đặt lên cò súng không phải của họ. Năm 2018, khoảnh khắc cho sự tương đồng cảm giác như đã đi qua rồi. Người lớn đang cầm súng. Thời điểm là lúc này.

Về mặt đó, The Hate U Give và các phim về Utøya thuộc về một truyền thống lâu đời hơn, kể cho trẻ con nghe rằng phải biết sợ người lớn – đặc biệt khi họ nắm quyền. Suy cho cùng, kinh Tân Ước bắt đầu với Herod và tàn sát người vô tội, và các câu chuyện cổ tích tràn ngập những bài học cho trẻ con với hiểm họa do ngay chính cha mẹ chúng đưa ra. Lời cảnh báo không có gì huyễn hoặc. Hansel vs Gretel được cho là lấy cảm hứng từ “nạn đói lớn” ở châu Âu vào thế kỷ 14, với dấu ấn là nạn giết trẻ con và ăn thịt người.

Hansel vs Gretel được cho là lấy cảm hứng từ “nạn đói lớn” ở châu Âu vào thế kỷ 14, với dấu ấn là nạn giết trẻ con và ăn thịt người

Cỗ máy kể chuyện vô độ của điện ảnh tiếp nối công việc. Các cuộc trò chuyện về sự khởi đầu của phim noir, phim kinh dị tội phạm và phim giết người hàng loạt thường kết thúc ở cùng một nơi – M, kiệt tác phim Đức năm 1931 của đạo diễn Fritz Lang. Và bộ phim cách tân hình thức nhất này là câu chuyện về một tay sát nhân trẻ em, trong một Berlin thời Cộng hòa Weimar bị ám bởi kẻ săn mồi Hans Beckert, do Peter Lorre thể hiện khó có thể quên.

Nhưng rồi người trẻ biến thành quái vật. The Midwich Cuckoos của John Wyndham được chuyển thể thành The Village of the Damned, nước Anh êm đềm bị những đứa trẻ ác mộng khủng bố. Lord of the Flies, bài học lâu đời của William Golding với Ralph, Piggy và những đứa khác có bạn đồng hành ở Mỹ là The Bad Seed và sau đó là các làn sóng phim kinh dị, từ The Exorcist tới Children of the Corn.

The Village of the Damned: nước Anh êm đềm bị những đứa trẻ ác mộng khủng bố

Một tâm trạng sau chiến tranh khác biệt tinh tế đã nổi lên – một tâm trạng bất an và hằn học với “các teen” có tiền và kỳ vọng. Phần lớn nửa sau thế kỷ 20, đời sống phương Tây bị ám ảnh bởi những thất bại về đạo đức của trẻ em và thanh thiếu niên – bị tất cả mọi thứ làm hư hỏng, từ băng đĩa bạo lực cho đến những buổi trình diễn âm nhạc điện tử cuồng loạn, đe dọa sẽ hủy hoại xã hội chân chính. Đến năm 2018, thời đại mà mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với xã hội là nhạc acid house thực sự cảm thấy đã xa vời. Chưa giờ thấy rõ ràng hơn rằng thế giới đã trở nên không an toàn cho trẻ em do người lớn.

Có lẽ tuyệt tác phim giới trẻ hiện đại đầu tiên đến vào 2000, phim gay cấn hành động Nhật Bản Battle Royale, trong đó một lớp học sinh trung học được đưa tới một hòn đảo xa xôi để đánh nhau đến chết. Do Kinji Fukasaku đạo diễn, bộ phim có chút choáng váng siêu bạo lực quần chúng giúp nó chiếm vị trí làm phim thiêng gay cấn cho tối thứ bảy, được Quentin Tarantino ủng hộ (ảnh hưởng của nó tiếp diễn trong trò chơi Fortnite có mặt khắp nơi). Ít được bàn tán đến là tiền đề của phim, một thủ pháp loại bỏ dân số do chính phủ Nhật Bản dàn xếp để đối phó với suy thoái kinh tế. Ngoài màn hình, Nhật Bản đời thực vừa chịu đựng sự suy sụp kéo dài của “Thập kỷ Mất mát”. Phương Tây đã thoáng nhìn thấy tương lai của mình.

Battle Royale của Nhật Bản: một lớp học sinh trung học được đưa tới một hòn đảo xa xôi để đánh nhau đến chết

Từng là một tác giả cho các chương trình và truyện có hình cho trẻ em, Collins xuất bản quyển truyện đầu của loạt Hunger Games ngày 14 tháng 9 năm 2008. Sáng hôm sau, Lehman Brothers tuyên bố phá sản. The Hunger Games đến không sai phút nào trong những cửa hàng sách của một thế giới đã đổi thay. Thay đổi không chỉ về kinh tế – hay đúng hơn, kinh tế thay đổi tất cả. Greengrass cũng coi 2008 như một bước ngoặt. “Cha mẹ tôi đã sống qua khủng hoảng của những năm 1930 và những gì đến sau đó – chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa dân tộc. Và hậu quả trực tiếp của năm 2008 là chủ nghĩa dân tộc lại được thả rông. Đó là lý do dẫn tới Breivik.”

Từ khủng hoảng, sự phân chia bộ tộc đã là tất cả. Vào tháng 4 năm 1999, 12 thiếu niên và một giáo viên đã bị sát hại ở trường trung học Columbine dưới tay các học sinh Eric Harris và Dylan Klebold. Vụ án đã làm dấy lên cuộc tranh luận về việc thiếu niên đánh mất linh hồn (trong số những bộ phim được thực hiện để đáp lại là Elephant của Gus Van Sant). Nhưng những người sống sót không bị lên án. Điều đó sẽ chỉ xảy ra bây giờ. Tháng 2 năm 2018, sau khi 17 người thiệt mạng tại trường trung học Stoneman Douglas ở Parkland, Florida, những học sinh còn sống đã bị các blog cánh hữu phê phán là những diễn viên được thuê để thúc đẩy phong trào chống sở hữu súng. Năm 2018, trẻ em hai lần là mục tiêu – lần đầu tiên là của các tay súng, lần thứ hai của các nhà lý luận thuyết âm mưu.

Được quyền chém giết... Jennifer Lawrence trong The Hunger Games: Mockingjay – Part 2 (2015)

Ở châu Âu, “làn sóng cực hữu đang dâng” của Breivik giờ càng hiện rõ tới nôn nao. Tại Anh Quốc, những lời hùng biện phản đối người nhập cư đã trở nên tàn khốc hơn, ngay cả khi thấy rõ bao nhiêu trẻ em bị cuốn vào cuộc khủng hoảng tị nạn toàn cầu. Khi 14 thiếu niên từ trại tị nạn Calais được chấp nhận vào Anh năm 2016, nghị sĩ bảo thủ David Davies yêu cầu kiểm tra răng để chứng minh tuổi của họ.

Trước khi đạo diễn 22 July, Greengrass dự định làm một phim về người nhập cư lấy bối cảnh Lampedusa, hòn đảo ở Ý vẫn là đích đến của các thuyền từ bờ biển Libya. “Mọi người đến từ Niger hay Mali, bị giữ ở một nơi vô danh sau đó được chở trong xe tải xuống bãi biển, đây là những hành trình của thời đại chúng ta. Cuối cùng, tôi cảm thấy mình không phải là người thích hợp để kể câu chuyện đó, nhưng nỗi sợ hãi về những người này đến châu Âu được thúc đẩy bằng sụp đổ kinh tế – đó là khi tất cả những điều này trở thành một cuộc trò chuyện.

Elephant (2003) của Gus Van Sant ghi lại vụ thảm sát trường trung học Columbine

“Đây là những gì sắp tới cho những người trẻ tuổi. Thẳng thắn mà nói họ sẽ phải chiến đấu rất rành mạch chống lại thế hệ của tôi. Và họ sẽ phải chiến đấu hết mình để chống lại chủ nghĩa dân tộc.” Ông gật đầu khi đề cập đến một cuộc chiến tranh với giới trẻ. “Việc này chính xác là thế.”

Dịch: © Phương Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Guardian


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.