Tin tức

Thế hệ nhà làm phim thứ 5 của Trung Quốc chính thức được trân trọng

25/07/2019

Trong một phần dành riêng cho các tác phẩm kinh điển được phục hồi tại Liên hoan phim quốc tế Thượng Hải năm nay, Cục Lưu trữ điện ảnh Trung Quốc chiếu bộ phim năm 1990 của Lý Thiếu Hồng, Blood Morning, một phiên bản phỏng theo cuốn tiểu thuyết năm 1981 Chronicle of a Death Foretold / Ký sự về một cái chết được báo trước của Gabriel Garcia Marquez.

Lấy bối cảnh ở một ngôi làng hẻo lánh, nghèo khó, câu chuyện xoay quanh vụ giết chết một giáo viên, người đã bị buộc tội oan “đánh cắp” trinh tiết của một cô gái làng.

Một cảnh trong Bloody Morning (1990) của Lý Thiếu Hồng, bản phục chế của bộ phim này đã được trình chiếu tại Liên hoan phim quốc tế Thượng Hải 2019

Với cấu trúc phi tuyến tính của một vụ giết chóc bị thúc đẩy bởi cơn giận dữ không đúng chỗ, bộ phim giữ nguyên những phê phán xã hội lạnh lùng, khắc nghiệt, củng cố vị trí của Lý Thiếu Hồng trong số các đạo diễn “Thế hệ thứ 5” ở Trung Quốc.

“Câu chuyện, hình ảnh và cảm xúc của Bloody Morning vẫn mang đến sức mạnh khiến người xem cảm động tận ngày hôm nay,” Zuo Heng, phó giám đốc bộ phận nghiên cứu văn hóa điện ảnh của Cục Lưu trữ điện ảnh Trung Quốc cho biết. Sự sâu sắc của nó là lý do cục lưu trữ phục chế bộ phim – một quá trình được hoàn thành đúng lúc cho các buổi chiếu tại Bảo tàng Điện ảnh Thượng Hải trong thời gian diễn ra liên hoan.

Bloody Morning là tác phẩm từ các tác gia thế hệ thứ năm được phục chế gần đây nhất. Zuo đã có mặt tại Liên hoan phim Cannes vào tháng trước để giới thiệu một phiên bản phục chế của The Horse Thief, bộ phim của Điền Tráng Tráng năm 1986 về những cuộc đấu tranh sinh tử và cứu chuộc tâm linh ở Tây Tạng trong những năm 1920.

Một cảnh trong The Horse Thief (1986) do Điền Tráng Tráng đạo diễn

Bộ phim đã được sự ủng hộ rộng rãi tại Cannes, nơi nó được công chiếu với sự khen ngợi của Martin Scorsese (“Sự lựa chọn của tôi cho phim số 1 vào thập niên 90,” ông viết) và sự xuất hiện của đạo diễn và nhà quay phim, Hầu Vịnh. Buổi chiếu cũng được đưa tin rộng rãi ở Trung Quốc.

Trước Bloody MorningThe Horse Thief là bản phục hồi bộ phim năm 1987 King of the Children của Trần Khải Ca, được công chiếu tại Liên hoan phim quốc tế Bắc Kinh vào tháng 3. Cũng đang được triển khai là Cao lương đỏ, tác phẩm đầu tay từng đoạt giải thưởng năm 1987 của Trương Nghệ Mưu, một cái tên nổi bật khác của Thế hệ thứ 5.

“Chúng tôi chọn tập trung vào nhóm đạo diễn này bởi vì có gì đó thực sự đặc biệt trong hình ảnh các bộ phim của họ,” Zuo nói. “Những gì họ muốn làm hồi đó là tạo ra cái nhìn trực quan về Trung Quốc. Một thứ gì đó được sinh ra từ niềm đam mê nghệ thuật và văn hóa vào những năm 1980, một thứ mang lại cho những bộ phim này những thủ pháp nghệ thuật đặc biệt.

Cảnh trong phim King of the Children (1987) của Trần Khải Ca

“Cả khán giả Trung Quốc và quốc tế từ lâu đã mong đợi việc hoàn thành các bản phục chế, vì vậy tôi chắc chắn những bộ phim này có thể được trình chiếu rộng rãi hơn và có ảnh hưởng trên toàn thế giới.”

Mặc dù được ca ngợi là một dấu mốc nghệ thuật trong điện ảnh Trung Quốc ngày nay, các tác phẩm thuộc Thế hệ thứ 5 đã không được trọng thị trong thập niên 80. Bloody Morning là một trường hợp điển hình: trong cuộc phỏng vấn năm 2013 với Phoenix New Media, Lý Thiếu Hồng nói rằng bộ phim của bà đã được phân phối cho các rạp chiếu phim trên toàn quốc thì chính quyền đột ngột hủy bỏ việc phát hành.

Thực hiện bộ phim này trong biên chế của Hãng phim Bắc Kinh thuộc sở hữu nhà nước, Lý Thiếu Hồng cho biết bà không bao giờ được nghe giải thích lý do tại sao phim của bà bị gỡ khỏi rạp chiếu. “Tôi còn trẻ và rất cứng đầu, vì vậy tôi quyết định đứng bên ngoài Cục Điện ảnh mỗi ngày, ngay cả trong những cơn gió mùa đông lạnh giá, bởi vì tôi cảm thấy họ nên nói gì đó với tôi,” bà nhớ lại.

Nhà làm phim Lý Thiếu Hồng (trái) và diễn viên Ngô Kinh (phải) trao giải Golden Goblet đạo diễn xuất sắc cho đạo Iran Reza Mirkarimi tại Liên hoan phim Thượng Hải 2019

Nhưng không ai làm gì. “Tôi đã nói rằng tôi thực sự không hiểu tôi làm gì sai, và liệu sẽ có một văn bản hoặc một cái gì đó để tôi có thể nhìn vào [...] nhưng họ chỉ nói, ‘Đừng chờ bên ngoài nữa, không có ích gì cả.’

Nỗi thất vọng của bà có lẽ có thể hiểu được: trong cùng một cuộc phỏng vấn, Lý Thiếu Hồng nhớ lại bộ phim đầu tay được hãng phim phân công làm The Case of the Silver Snake – phim tội phạm ly kỳ năm 1988 về một nhà chiếu phim tàn bạo cầu toàn đặt những con rắn chết người lên nạn nhân của mình – đã chính thức bị tố cáo là một “ví dụ tiêu cực” cực kỳ bạo lực chỉ tám tháng sau khi được nhà nước ủng hộ tại rạp chiếu phim.

Điền Tráng Tráng có nhiều may mắn hơn khi làm The Thief Horse – nhưng chỉ một chút. Mặc dù thực hiện bộ phim với sự chấp thuận của Hãng phim Tây An – và trong trường hợp này, dưới sự lãnh đạo của người đứng đầu nổi tiếng của hãng, Ngô Thiên Minh – Điền Tráng Tráng đã được triệu tới các cuộc họp với các nhà kiểm duyệt và được yêu cầu cắt những cảnh liên quan đến nghi lễ Tây Tạng “lạc hậu”. Ông cũng được lệnh đưa vào một đoạn văn ngắn, khi bắt đầu phim, giải thích câu chuyện xảy ra như thế nào trước năm 1950 – năm những người Cộng sản Trung Quốc đặt chân đến Tây Tạng và tuyên bố “giải phóng” nơi này khỏi chế độ phong kiến.

Củng Lợi (phải) trong một cảnh phim Cao lương đỏ năm 1987 của Trương Nghệ Mưu. Tác phẩm đầu tay này của đạo diễn Trương đang được triển khai phục chế

Việc phục chế Bloody MorningThe Horse Thief có lẽ đóng vai trò là một bài học về bản chất biến động của các chính sách kiểm duyệt của Trung Quốc.

Dịch: © Ngô Bình @Quaivatdienanh.com
Nguồn: South China Morning Post


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.