Tin tức

Thủy chiến đảo Hansan: Đạo diễn Kim Han Min làm một phim nữa về Đô đốc Yi Sun Sin

23/08/2022

Đạo diễn Kim Han Min, bộ óc tài hoa đằng sau Roaring Currents năm 2014, nói rằng ông quyết tâm làm một phim sử thi khác về đô đốc Yi Sun Sin (1545-1598), người chỉ huy một hạm đội nhỏ giành chiến thắng không tưởng trước hạm đội Nhật Bản lớn hơn nhiều vào cuối thế kỷ 16.

Hansan là phần thứ hai của bộ ba phim, có bối cảnh năm năm trước phần đầu

Phim mới của ông, Hansan: Rising Dragon, xoay quanh trận chiến đảo Hansan năm 1592, trong khi phim cổ trang năm 2014 đi sâu vào trận chiến Myeongnyang năm 1597.

Mặc dù Roaring Currents trở thành phim có doanh thu cao nhất trong lịch sử điện ảnh Hàn Quốc với hơn 17 triệu vé bán ra, một số người chỉ trích ông lợi dụng anh hùng hải quân Hàn Quốc để khơi gợi lòng yêu nước nồng nàn. Thế nhưng, Kim Han Min tiết lộ rằng ông ngay từ đầu dự định làm không chỉ có Roaring Currents mà là bộ ba phim.

“Người ta đặt nhiều câu hỏi cho tôi như, ‘Anh có thấy áp lực phải vượt hơn Roaring Currents không?’ Nhưng tôi xem hai phim là những thực thể riêng biệt. Dĩ nhiên, tôi cố gắng giữ nét cơ bản của đô đốc Yi Sun Sin, chẳng hạn như lòng can đảm và tài lãnh đạo, song đồng thời, tôi muốn cho khán giả điều gì đó khác biệt. Vì thế tôi chọn ba diễn viên khác nhau vào vai vị đô đốc này trong bộ ba phim,” ông nói trong buổi họp báo với Korea Times.

Phim thể hiện một “geobukseon”, tức chiến hạm bọc thép hình con rùa được phủ gai nhọn bằng sắt và có đầu rồng phun lửa phía trước

Ông giải thích làm phim Hansan khác với Roaring Currents như thế nào.

Roaring Currents như thể đập đầu người ta vào tường vì được quay ở tàu thật trên biển. Ngược lại, [về phần Hansan chúng tôi đã thiết kế nhiều bối cảnh và phụ thuộc nhiều vào kỹ thuật bắt chuyển động. Tôi cố gắng làm một phim sáng tạo, phong cách,” ông nói.

Mặc dù Hansan là phần thứ hai của bộ ba phim, phim này có bối cảnh năm năm trước phần đầu. Theo đạo diễn, sử sách cho thấy Yi Sun Sin từng là học giả ở độ tuổi 40 và hiếm khi chia sẻ tư tưởng của mình.

Kim Han Min cho biết để làm Hansan đoàn phim đã thiết kế nhiều bối cảnh và phụ thuộc nhiều vào kỹ thuật bắt chuyển động

Ông là một nhà chiến lược quân sự sử dụng những chiến thuật hải chiến tài tình như “hakikjin” (đội hình cánh sếu) và chiến thuật gián điệp để giành chiến thắng không tưởng trước Nhật Bản trong trận hải chiến vào thế kỷ 16.

Khi tuyển Park Hae Il vào vai Yi Sun Sin, Kim Han Min nói, “Bề ngoài Park trông nhân nhượng, song bên trong anh là người mạnh mẽ. Tôi nghĩ tính cách hiền lành và điềm tĩnh của anh rất hợp với vị đô đốc này.”

Phim thể hiện một “geobukseon”, tức chiến hạm bọc thép hình con rùa được phủ gai nhọn bằng sắt và có đầu rồng phun lửa phía trước.

“Hakikjin” tức đội hình cánh sếu trong trận hải chiến thể hiện trên phim

Không có nhiều thông tin về chiến hạm này, kể cả nó thật sự trông như thế nào và hoạt động ra sao, vì thế đội ngũ sản xuất thêm ý tưởng của họ vào tư liệu lịch sử.

“Nghiên cứu lịch sử đầy thử thách vì có nhiều giả thuyết về geobukseon thực tế trông thế nào. Vì thế chúng tôi xây dựng hai kiểu geobukseon — một với cấu trúc hai tầng và kiểu còn lại với cấu trúc ba tầng — mà sẽ được sử dụng trong trận chiến thực. Thế nhưng, tôi không muốn chiến hạm này quá khác biệt so với hình ảnh tàu chiến mà chúng ta thường nghĩ,” ông nói.

Kim Han Min chuẩn bị phát hành Noryang, phần ba đồng thời là phần cuối của loạt ba phim, vào cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023. Phần ba nói về trận đấu cuối cùng của cuộc chiến bảy năm vào năm 1598 khi đô đốc Yi Sun Sin trúng đạn hy sinh ngay trước thềm chiến thắng.

Đạo diễn Kim Han Min chỉ đạo Park Hae Il (phải) trong vai đô đốc Yi Sun Sin trên trường quay

Hansan: Rising Dragon ra rạp ở Việt Nam từ ngày 26/8 với tựa Thủy chiến đảo Hansan: Rồng trỗi dậy.

Dịch: © Xuân Phong @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Korea Times


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.