Tin tức

Tranh luận về sự chọn lựa Chiến lang 2 đại diện Trung Quốc ở đấu trường Oscar

16/10/2017

Vào ngày 27 tháng 7, bộ phim hành động quân sự Chiến lang 2 / Wolf Warrior 2 đã rầm rập đổ bộ các rạp chiếu ở Trung Quốc làm khán giả ngất ngây với những cảnh hành động tốc độ.

Nhanh chóng phá hết kỷ lục này đến kỷ lục khác ở phòng vé, Chiến lang 2 hiện là phim có doanh thu cao nhất lịch sử Đại lục với tổng cộng 5,67 tỉ nhân dân tệ (852 triệu đôla), đồng thời là phim có doanh thu toàn cầu đứng thứ năm năm 2017 tính đến nay với 870 triệu đôla, theo Box Office Mojo.

Chiến lang 2 đã trở thành một thành công không thể phủ nhận đối với ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc, tuy nhiên việc chọn bộ phim này để cạnh tranh với 91 phim khác trong hạng mục Phim tiếng nước ngoài hay nhất tại Giải thưởng Viện Hàn lâm lần thứ 90 gây tranh cãi.

Cuối cùng chỉ có năm trong số 92 bộ phim sẽ được vào danh sách đề cử.

Có người hoan nghênh tin này, trong khi những người khác suy đoán rằng lựa chọn đó có động cơ chính trị. Một số khác cho rằng Trung Quốc không cần phải tìm kiếm sự công nhận Oscar, vì giải thưởng này đặc trưng giá trị Mỹ.

Chất vấn về giá trị

Là phần tiếp theo của Chiến lang / Wolf Warrior năm 2015, Chiến lang 2 theo chân Lãnh Phong, một cựu đặc nhiệm Trung Quốc, khi anh cố gắng bảo vệ thường dân Trung Quốc và địa phương ở một quốc gia châu Phi sau khi bạo loạn bùng phát.

Chiến lang 2 hiện là phim có doanh thu cao nhất lịch sử Đại lục với tổng cộng 5,67 tỉ nhân dân tệ

Là thành công bất ngờ của mùa hè, trong vòng mấy tháng qua bộ phim đã trở thành tâm điểm tranh luận. Mặc dù cả khán giả và giới phê bình điện ảnh thừa nhận những cảnh hành động thuộc hàng đỉnh, nhiều người nhận thấy phim thẳng thừng ca ngợi Trung Quốc và kêu gọi chủ nghĩa yêu nước hơi quá tay.

Thành tích của bộ phim trên thị trường toàn cầu chỉ càng tiếp thêm nhiên liệu tranh cãi.

Ví dụ, Chiến lang 2 nhận được đánh giá 70% tươi trên Rotten Tomatoes, nhưng điểm đánh giá trung bình của phim trên trang này chỉ 5,5/10. Trên IMDB phim đang phân cực, với một số bình luận nói đây là "bộ phim hành động hay nhất lịch sử điện ảnh Trung Quốc", trong khi có những bài bình phim khác chỉ trích hơn, như một tác giả đăng tải, "Tôi đã tin vào những khẳng định cường điệu quá mức về sự vĩ đại của bộ phim và rồi đi đến cảm giác như thể tôi đã lãng phí hai tiếng đồng hồ trong cuộc đời mình mà không thể nào lấy lại được."

Trong cuộc thảo luận về giá trị của giải Oscar, một vài cơ quan truyền thông chỉ ra rằng xét các tiêu chuẩn mà một bộ phim cần phải đáp ứng cho hạng mục Phim nước ngoài, Chiến lang 2 có thể là lựa chọn phù hợp nhất của Trung Quốc.

Nhân vật Lãnh Phong của Ngô Kinh trong Chiến lang 2, đây là tác phẩm đạo diễn thứ hai của anh

"Tuy Chiến lang 2 không hoàn hảo, không có nhiều phim khác phù hợp với yêu cầu dự tranh giải Oscar," blog giải trí Yule Yingtang bình luận, thêm rằng Chiến lang 2 là một trong số ít phim Trung Quốc thu hút sự chú ý của toàn cầu.

Trang blog này tiếp tục chỉ ra rằng câu hỏi mọi người nên đặt ra không phải là liệu Chiến lang 2 có được hưởng lợi từ việc gắn với giải Oscar hay không, mà là giải Oscar sẽ hưởng lợi thế nào từ Chiến lang 2.

"Nhiều năm qua, lễ trao giải Oscar ‘cao giá’ đã đánh mất khán giả, trong khi nó cũng bị lôi kéo vào các vấn đề chính trị và các vấn đề về sự đa dạng,” trang blog này viết.

Điều này đã khiến một số ‘fan’ của Chiến lang 2 thắc mắc liệu rốt cuộc có phải bộ phim sẽ đem đến cho giải Oscar một cú huých cần thiết không.

Cảnh trong phim Huyền Trang, phim đại diện Trung Quốc dự tranh Oscar năm 2016

Lịch sử tranh cãi

Đây không phải lần đầu tiên một đấu thủ Oscar của Trung Quốc Đại lục, do nhà nước chọn, gây tranh cãi.

Ví dụ, phim chính kịch lịch sử Huyền Trang năm ngoái đã khiến nhiều người gãi đầu vì bộ phim chỉ có 5,4/10 trên trang phim Mtime của Trung Quốc và 5,2/10 trên trang bình phim Douban và chỉ kiếm được 33 triệu nhân dân tệ ở phòng vé.

Go Away Mr. Tumor được chọn năm 2015 là một thành công về phê bình lẫn thương mại, nhưng vẫn bị chỉ trích vì không đủ sâu sắc.

Mặc dù quy trình lựa chọn không công khai, blog giải trí Yule Zibenlun tóm tắt ba yếu tố mà blog này tin rằng các quan chức Trung Quốc xem xét khi lựa chọn đấu thủ dự tranh Oscar: Bộ phim phải nổi tiếng với công chúng, phải trình bày xã hội và cuộc sống ở Trung Quốc, và phải có giá trị chính trị, một yếu tố được đặt cao hơn giá trị nghệ thuật của bộ phim.

Tầm quan trọng của các yếu tố này đã biến động qua thời gian, dẫn đến một số xu hướng thú vị.

Go Away Mr. Tumor của đạo diễn Hàn Diên đại diện Trung Quốc dự tranh Oscar năm 2015

Trong những năm 1980 và 1990, các bộ phim miêu tả cuộc sống của thường dân như Hibiscus Town (1986) và Story of Qiu Ju (1992), là lựa chọn số 1 của nhà nước. Tuy nhiên, sau khi Ngọa hổ tàng long của Lý An thắng nhiều giải Oscar, đã kích hoạt một thời kỳ vàng cho những phim hành động cổ trang như Hero (2002), The Promise (2005) và The City of Golden Armour (2006). Nửa cuối thập niên 2000 đã chứng kiến sự chuyển sang các phim hiện thực hơn như Aftershock (2010) và Back to 1942 (2012).

Những năm gần đây cơ quan chức năng Trung Quốc đã lảng xa các đạo diễn lớn. Ví dụ, đạo diễn của Go Away Mr. Tumor, Hàn Diên, vẫn là một cái tên mới và Chiến lang 2 là tác phẩm đạo diễn thứ nhì của Ngô Kinh.

Dịch: © Xuân Phong @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Global Times


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.