Nhiều phim được phát sóng gần đây chất lượng đã được nâng lên, đủ sức
giữ chân khán giả bằng những câu chuyện kịch tính, gần gũi, chân thực.
Không có diễn viên “ngôi sao”, lên sóng lặng lẽ lại bị gián đoạn lịch chiếu trong những ngày Tết nhưng bộ phim
Gọi yêu thương (đạo
diễn: Lê Bảo Trung, Hãng phim TFS sản xuất, đang phát sóng lúc 20 giờ
trên kênh HTV7) vẫn luôn có sức hút người xem. Có thể thấy điều này qua
sự chờ đợi từng tập phim của khán giả cộng đồng mạng YouTube - một hiện
tượng hiếm hoi của phim truyền hình lâu nay.
Hai diễn viên trẻ Kim Dung và Quốc Hải trong phim Gọi yêu thương của đạo diễn Lê Bảo Trung [Ảnh: TFS]
Đa dạng, dễ xemTừng bị chê khi làm phim giải trí trên màn
ảnh rộng nhưng trở lại lần này với khán giả màn ảnh nhỏ, Lê Bảo Trung
đã mang đến cho người xem những tập phim thật sự thú vị. Câu chuyện khó
tin nhưng được xử lý một cách thuyết phục, vừa hài hước vừa kịch tính,
lãng mạn và hấp dẫn. Không riêng
Gọi yêu thương, các bộ phim
Đi qua dĩ vãng (đạo diễn: Nguyễn Duy Võ Ngọc),
Khoảnh khắc tình cờ (đạo diễn: Nguyễn Mạnh Hà),
Ba đám cưới, một đời chồng
(đạo diễn: Khải Hưng, đang phát sóng trên các kênh truyền hình VTV)
cũng nhận được nhiều lời khen. Những bộ phim này khai thác về sự trắc
trở của thân phận, những lựa chọn toan tính, đánh đổi và trả giá của
người trẻ trong cuộc sống hiện đại. Đề tài không mới nhưng hay nhờ cách
thể hiện, xâu chuỗi các tình tiết thuyết phục và diễn xuất tốt của diễn
viên.
Cùng thời điểm, các phim “nhẹ nhàng, hài hước, trẻ trung”:
Mười hai bến nước,
Hương bưởi (phát sóng trên HTV9 và Truyền hình Vĩnh Long) cũng có sức hút không kém. Hay trước đó có
Thời gian để yêu,
Hạnh phúc trong tầm tay,
Chuyện làng bè…
Mỗi phim khai thác một góc độ, hài hước nhẹ nhàng hay sóng gió bi kịch
cũng được yêu thích theo cách riêng. Nhưng điểm chung đáng khích lệ là
hầu hết không khiến người xem phải nhặt sạn đến nản lòng như trước đây.
Nói
như thế để thấy rằng màn ảnh nhỏ đã dần có lại những “món ăn dễ chịu”,
được khán giả đón nhận. Dù vẫn chưa phải là những phim tạo sóng dư luận
nhưng đã có thể nói: “Xem được!”. Phim Việt để lại dấu ấn “dở nhạt, thảm
họa” quá lâu, tạo dựng lại không phải là một sớm một chiều. Nhưng nếu
nhà đài quyết liệt ở khâu kiểm duyệt - nói như bà Trường Sơn - Trưởng
ban Khai thác phim truyện Đài Truyền hình TPHCM: “kiên quyết loại bỏ
kịch bản dở, tránh phim thảm họa” - với chất lượng đồng đều dễ xem như
một số phim mới đã và đang phát sóng thời gian gần đây thì thực đơn phim
Việt vẫn có thể là sự lựa chọn của khán giả.
Không dễ có được
những phim “vang bóng một thời” nhưng phim Việt hiện tại cũng không đến
nỗi sẽ là món ăn dở tệ khiến người xem phải ngán ngẩm như nhiều phim
truyền hình trước đây. Khán giả màn ảnh nhỏ có thể chờ đợi tiếp những bộ
phim được đầu tư lớn, chăm chút sẽ lên sóng trong năm nay:
Bí mật Tam giác vàng,
Sông dài,
Trò đời,
Hồn đá…
NSƯT Chánh Tín và các diễn viên trong phim Đi qua dĩ vãng [Ảnh do đoàn phim cung cấp]
Chờ thêm ở người trẻPhim truyền hình tuột dốc không phanh
trong một thời gian dài khiến khán giả mất niềm tin đến mức “chẳng buồn
xem” như lời ta thán của nhiều người. Nhưng như thế không có nghĩa “phủ
định sạch trơn” nỗ lực của những người làm nghề tâm huyết. Bên cạnh
những đạo diễn dày dạn kinh nghiệm luôn tận tụy với nghề, còn có nhiều
đạo diễn trẻ đang làm phim đầy đam mê và trách nhiệm.
“Với tôi, mỗi
bộ phim cũng giống như một tác phẩm văn học, mình cứ muốn sống với không
gian đó, trải lòng cùng các nhân vật. Có khi phim làm xong rồi mà cảm
xúc, nỗi đau của nhân vật vẫn còn ám lấy mình” - biên kịch Trần Quế Ngọc
tâm sự. Cũng vì muốn “phiêu linh đến cùng” với các nhân vật mà Quế Ngọc
chọn cách tự viết kịch bản khi không tìm được kịch bản nào ưng ý.
Nhận được nhiều lời khen “phim chỉn chu, nội dung hay và góc quay đẹp” từ đạo diễn Đỗ Phú Hải cho bộ phim đầu tay
Đỗ Quyên trong mưa, Quế Ngọc tiếp tục viết kịch bản phim
Màu xanh đôi mắt;
rồi cùng chồng, đạo diễn Bùi Nam Yên, khăn gói ra tận Phú Yên ghi hình.
Bộ phim khai thác đời sống của những người dân nghèo miền Trung này
được đạo diễn Tường Phương đánh giá cao. Tên tuổi đã đủ độ tin cậy để
được các đơn vị sản xuất mời làm phim nhưng Quế Ngọc làm theo đam mê,
hiện tại, cô đang bắt tay viết kịch bản khai thác bối cảnh đời sống miền
Tây Nam Bộ.
Với đạo diễn Nguyễn Hoàng Trung, mỗi phim là một nỗ lực sáng tạo mới. Từ phim đầu tay
Bước qua bóng tối
(Công ty Sao Thế Giới sản xuất), anh đã ghi được dấu mốc ấn tượng cho
sự nghiệp bằng giải bạc tại Liên hoan Phim truyền hình toàn quốc lần thứ
32.
“Tôi không mong cầu một năm phải làm được nhiều phim, có
thể chỉ tập trung cho một phim thôi nhưng mọi thứ đều phải chuẩn bị kỹ
lưỡng, ít nhất phải mang đến cho khán giả một câu chuyện thuyết phục” -
Hoàng Trung nói. Sau bộ phim giúp diễn viên Quý Bình có được vai diễn
giang hồ hoàn lương ấn tượng
Bước qua bóng tối, Hoàng Trung cho biết anh đang bắt tay thực hiện bộ phim khai thác sâu về nghề múa.
Người
trẻ luôn có thừa nhiệt tâm và sức sáng tạo - điều mà nghệ thuật thứ bảy
luôn cần. Ở phía Bắc, đạo diễn trẻ Bùi Quốc Việt cũng từng có bộ phim
Đầm lầy bạc (thuộc loạt phim
Cảnh sát hình sự, từng nhận bằng khen tại Giải Cánh diều 2010), Vũ Trường Khoa với bộ phim bối cảnh quay tại Cộng hòa Czech
Hai phía chân trời - trở thành một trong những phim “đinh” của VFC trong năm 2012.
Năm
nay, theo đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Hãng phim VFC, Bùi Quốc Việt
cùng đạo diễn trẻ Vũ Trường Khoa sẽ là những người đại diện cho “thế hệ
đạo diễn trẻ năng nổ, sáng tạo” đảm trách các dự án phim của VFC, bên
cạnh những tên tuổi Bùi Huy Thuần, Phạm Nhuệ Giang, Đặng Tất Bình…
Nguồn: Người lao động online