Bối cảnh làng quê dựng tại phim trường Cổ Loa trong phim Thái sư Trần Thủ Độ
[Ảnh: đoàn phim cung cấp]
Từng lấy tên Trần Thủ Ðộ và người tình, 33 tập phim Thái sư Trần Thủ Ðộ (kịch
bản: Nguyễn Mạnh Tuấn, đạo diễn: Ðào Duy Phúc) là câu chuyện xảy ra từ
biến động náo loạn Thăng Long năm 1210 đến thời kỳ gia đình Trần Lý (gồm
hai con Trần Thừa, Trần Tự Khánh và cháu ruột là Trần Thủ Ðộ) cùng Tô
Trung Từ phò thái tử Sảm chiếm lại Thăng Long, giúp thái tử Sảm lên ngôi
vua lấy hiệu Lý Huệ Tông (1211-1225). Thời gian diễn biến câu chuyện
này, theo ghi nhận trong chính sử, có các nhân vật chính như: Trần Thủ
Ðộ, Trần Thị Dung, Trần Thừa, Trần Tự Khánh, thái tử Sảm, Ðoàn Thượng...
Xong rồi, xem đâu?
Ðang
tất bật làm phim tại TPHCM, giám đốc Công ty cổ phần Phim truyện I, đạo
diễn Ðặng Tất Bình vừa chấm mồ hôi vừa thở phào thông báo: “Chúng tôi
đã nộp 15 tập đầu bộ phim lên hội đồng thẩm định. Các tập còn lại đang
được chuốt lại khâu hậu kỳ.” Trước câu hỏi bao giờ phim ra mắt, đạo diễn
ngập ngừng giây lát: “Chiếu ở đâu, bao giờ chiếu... việc này do Ủy ban
Nhân dân Thành phố Hà Nội quyết định. Chúng tôi là đơn vị thực hiện,
thật sự không nắm rõ!”
Một hội đồng nhiều thành viên đã được thành lập để thẩm định bộ phim Thái sư Trần Thủ Ðộ,
gồm nhà giáo nhân dân - đạo diễn Lê Ðăng Thực, Nghệ sĩ Nhân dân Ðình
Quang, Giao1 sư sử học Lê Văn Lan, Nghệ sĩ Nhân dân - đạo diễn Bùi Ðình
Hạc... Các thành viên khác là những cán bộ quản lý của Ủy ban Nhân dân
Thành phố Hà Nội, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, lãnh đạo ngành điện
ảnh và lãnh đạo Sở Văn hóa - Thông tin & Du lịch Hà Nội.
Phim
không được phép chiếu trước cho phóng viên, chúng tôi đi tìm câu trả
lời về chất lượng nội dung phim, kế hoạch phát hành phim từ các nhà thẩm
định, quản lý. Chủ tịch hội đồng thẩm định phim Lê Ðăng Thực cho hay:
“Với 15 tập đã được duyệt, theo tôi, về mặt nghệ thuật và nội dung bộ
phim không mắc vấn đề gì lớn. Tuy nhiên sẽ phải điều chuyển một số đoạn
cho hợp lý. Việc này đã và đang được anh Ðặng Tất Bình và đạo diễn Ðào
Duy Phúc thực hiện. Ðáng lẽ theo lịch, ngày 15/7 chúng tôi phải thẩm
định những tập còn lại, do vẫn chưa thấy bên sản xuất giao nộp những tập
này nên chưa thể đưa ra ý kiến tổng hợp cuối cùng.”
Về quy
trình, ông Lê Ðăng Thực giải thích: sau khi các tập cuối cùng được trình
chiếu cho hội đồng duyệt, sẽ có hai buổi thảo luận trước khi hội đồng
có tiếng nói chính thức và cụ thể về bộ phim bằng văn bản. Sau quá trình
thẩm định này, bộ phim được giao lại cho Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà
Nội tổ chức khâu phát hành.
Điệp khúc... chờ
Ông
Nguyễn Trọng Tuấn - chánh văn phòng ban chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1.000
năm Thăng Long (đã giải tán sau khi đại lễ kết thúc) - cho biết việc
phát sóng phim như thế nào còn phải tiếp tục... chờ. Chờ gì thì ông giải
thích: “Về chủ trương, chúng tôi cũng muốn phim được phát trên sóng
truyền hình trung ương (VTV) nhưng hiện nay vẫn chưa liên hệ được. Bởi
thực chất việc lên sóng VTV cũng khó khăn, ngay như đối với phim Huyền sử thiên đô
(đang phát sóng) bên đài có xếp hết sóng cho ngay từ đầu đâu! Hiện nay
với tình hình đã nghiệm thu xong 15 tập nên sau khi nghiệm thu 15 tập
còn lại, chúng tôi mới liên hệ với Ðài truyền hình Việt Nam hoặc Ðài
truyền hình Hà Nội để phát sóng bộ phim.”
Trước thắc mắc số phận
phát hành của bộ phim sẽ tiến hành ra sao khi ban chỉ đạo quốc gia đã
giải tán, ông Trọng Tuấn quả quyết: “Chúng tôi vẫn quan tâm đến phim,
mặt khác còn đang tính bù tiền lại cho một số đơn vị làm phim tư nhân đã
sản xuất phim lịch sử mừng đại lễ.” Câu nói của ông gợi nhớ đến trường
hợp phim Huyền sử thiên đô (Công ty Sao Thế Giới sản xuất), sau
thời gian một mình tự làm tự chịu, cũng đã từng gõ cửa xin hỗ trợ từ
ban chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Ðến nay, nhà sản xuất
vẫn chưa nhận được “tin mừng” từ ban chỉ đạo.
Trong khi đó, dù đã có ý kiến từ hội đồng thẩm định đồng tình với cách làm phim Thái sư Trần Thủ Ðộ
đầy chất ngôn ngữ điện ảnh, đạo diễn Ðào Duy Phúc vẫn từ chối chia sẻ
về quá trình làm bộ phim này. Anh muốn im lặng trước khi phim phát sóng
để chờ đợi phản hồi của khán giả.
Giữ nét Việt, hồn Việt
Vì
yêu cầu gấp gáp, song song với việc khởi công dựng lại một số bối cảnh
rất quan trọng tại trường quay Cổ Loa (thời điểm 2009 mới bắt đầu được
khôi phục), bộ phim Thái sư Trần Thủ Độ đã sử dụng một số bối
cảnh đang có tại trường quay Hoành Điếm (tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc)
để ghi hình. “Tuy nhiên, tất cả bối cảnh đều được cải tạo, sửa chữa để
trở thành một cảnh mang nét kiến trúc Việt Nam. Đó là cách mà Hoành Điếm
kinh doanh trường quay của họ, để các đoàn phim có toàn quyền sử dụng,
tái dựng, sửa chữa bối cảnh” - đạo diễn Đặng Tất Bình kể.
Ông lấy
ví dụ: “Khi mượn mặt tiền của cung nhà Tần để quay những cảnh xảy ra
tại đại điện trong thành Thăng Long, một tấm cửa gồm nhiều cánh, dài
khoảng 30m đã được xây dựng bằng vật liệu nhẹ, với đầy đủ họa tiết hoa
văn của người Việt. Mái điện được đắp thêm hình lưỡng long chầu nguyệt,
toàn bộ mái nhọn được sửa lại thành mái hình đầu đao... Con đường dài
gần 100m với gạch lát theo kiểu Trung Quốc dẫn tới cửa đại điện (mới)
cũng được trải kín bằng những viên gạch vuông đúc bằng cao su, trên mặt
gạch hoàn toàn là những hoa văn thời Lý. Ở một vài bối cảnh khác, những
việc tương tự đều được tiến hành như vậy. Nếu người xem phim cảm thấy
hài lòng vì mặc dù những cảnh quay đó diễn ra ngoài biên giới Việt Nam
nhưng quả thật vẫn mang hồn Việt thì công đầu thuộc về Nghệ sĩ Nhân dân,
họa sĩ Phạm Quang Vinh!”
|
Nguồn: Tuổi Trẻ online