Việt Nam

Chủ tịch tỉnh - tiếp tục dòng phim chính luận trên VTV1

01/06/2011

Ngay sau khi kết thúc bộ phim giải trí tương đối nhạt Xin thề anh nói thật, từ ngày 31/5 (lúc 20 giờ 10 phút) VTV1 sẽ phát sóng bộ phim chính luận 38 tập với cái tên "nghe đã thấy nghiêm túc" - Chủ tịch tỉnh.

Chủ tịch tỉnh cùng Bí thư tỉnh ủy đã phát sóng trước đó một lần nữa chứng tỏ quyết tâm kiên định với dòng phim "khó, khô, khổ" của Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC). Nhưng Chủ tịch tỉnh sẽ nghiêm túc mà không khô khan - giám đốc VFC Ðỗ Thanh Hải cam đoan trước giờ phim lên sóng.

Phạm Cường (bìa trái) vào vai Tuệ - chủ tịch tỉnh mới - trong bộ phim chiếu vào
giờ vàng từ thứ hai đến thứ tư hằng tuần trên VTV1
[Ảnh do đoàn phim cung cấp]

Những cuộc đua quyền lực và những câu chuyện tình

Khẳng định đến hai lần là tên phim không "ăn theo" thành công của Bí thư tỉnh ủy, đạo diễn Bùi Huy Thuần và biên kịch Ðình Kính chứng minh bằng nội dung ly kỳ, hấp dẫn, nhiều tình tiết éo le, cơ bản là mới hơn, hoàn toàn thuộc về thời điểm hiện đại của Chủ tịch tỉnh.

Phim mở đầu bằng một cái chết. Chủ tịch tỉnh Ðông Giang, ông Sính, một người luôn được coi là hình mẫu của sự năng động, đổi mới, thanh liêm, đạo đức... chết đột ngột trên đường đi công tác. Căn phòng làm việc của ông được mở ra để kiểm kê tài sản trước sự chứng kiến của thuộc cấp và gia đình. Không khí im lặng đến nín thở đã òa vỡ bởi hàng xấp tiền ta lẫn tiền tây, hàng vốc vàng bạc và trang sức quý... được tìm thấy trong ngăn tủ riêng của vị chủ tịch "chuẩn mực".

Một cái chết kéo theo nhiều "cái chết" mới. Và cuộc chạy đua vào chức chủ tịch tỉnh bắt đầu! Theo đó là hàng chục, hàng trăm cuộc đua vào cái ghế trống của người sẽ được "hất lên". Giám đốc sở chạy lên phó chủ tịch, phó giám đốc chạy lên giám đốc, trưởng phòng lên phó sở... Sếp ông chạy cửa trước không đủ thì sếp bà chạy tiếp cửa sau. Tiền chưa ăn thua thì có thêm tình. Vợ sếp nhỏ sẵn sàng "đánh đổi" tất cả để lọt vào mắt sếp lớn, thu xếp cho chồng một chiếc ghế cao hơn. Hỉ nộ ái ố muôn nỗi "chạy" cứ xoay như đèn cù quanh cái ghế chủ tịch.

Và trong cái mớ bùng nhùng ấy, chủ tịch tỉnh mới xuất hiện, học thức, đẹp trai, năng động và... đa tình. Những câu chuyện tình của các nhân vật chằng chéo, phức tạp cũng mang đến một sự hấp dẫn khác, bên cạnh sự hấp dẫn của cuộc đua quyền lực.

Trái ngược hẳn với Bí thư tỉnh ủy mộc mạc, chân chất, dựa hẳn vào một nguyên mẫu có thật ngoài đời, Chủ tịch tỉnh như lời rào đón của nhà văn Ðình Kính "hư cấu 100%, nhưng có gom nhặt và sàng lọc những thực tế từ nhiều địa phương trong cả nước, được phản ánh qua dư luận, báo chí".

Phim để xem chứ không chỉ để nghe

Nhịp phim nhanh hơn, thoại ngắn hơn, đỡ rườm rà, ít giao đãi hơn và quay đẹp hơn, đó là những điều dễ nhận thấy nhất trong những tập đầu của Chủ tịch tỉnh. "Khán giả đã quen với các phim hành động nước ngoài trên HBO, Cinemax, sẽ khó chấp nhận tiết tấu phim chậm rãi, lê thê và những câu thoại kiểu "con tằm nó nhả ra tơ...", giải thích hộ khán giả, sợ người xem không hiểu của phim truyền hình lâu nay" - đạo diễn Bùi Huy Thuần chia sẻ.

Dàn diễn viên gạo cội, rất quen thuộc với khán giả truyền hình, nhưng không bị nhàm vì lâu nay luôn tròn vai, chuyên nghiệp trong các phim họ từng xuất hiện như Phạm Cường, Minh Hòa, Trần Nhượng, Minh Hằng, Vi Cầm... cũng là một yếu tố khiến phim có thể "đi" nhanh hơn. Ðạo diễn giải thích: các diễn viên có nghề, làm việc rất chuyên nghiệp, tìm hiểu vai khá kỹ, luôn thuộc thoại và chủ động trong các tình huống nên mạch phim đi tự nhiên, không có cảm giác "kịch".

Một mặc định đến mức gần như ác cảm lâu nay về phim truyền hình, nhất là phim truyền hình Việt Nam là "chỉ cần nghe thoại cũng hiểu" và "chưa xem đầu đã biết kết cảnh" cũng được xóa mờ đi một chút trong Chủ tịch tỉnh.

Chất "điện ảnh" qua ống kính của tay máy kỳ cựu Phạm Quang Minh - người vừa gây ấn tượng với phần hình ảnh của Bi, đừng sợ - đã được đạo diễn Bùi Huy Thuần xử lý chừng mực và hợp với số đông khán giả. Phim được quay với nhiều máy hơn, góc máy đa dạng hơn và dụng công hơn. Những góc tối, những khoảng lặng, những pha tương phản ánh sáng... nhiều hơn buộc người xem phải nhìn lên màn hình để theo dõi câu chuyện, chứ không thể vừa xem vừa rửa bát hay lau nhà. Tuy nhiên những cảnh đó cũng không quá nhiều để phim dễ xem hơn và để cả nhà đều có thể xem được trong giờ vàng của phim gia đình.

Một yếu tố nâng chất lượng cho các cảnh quay là thiết bị. "Từ nay, VFC chỉ quay bằng HD, chất lượng hình ảnh sẽ khác hẳn" - giám đốc trẻ Ðỗ Thanh Hải hào hứng.

Một chi tiết khác: nhạc phim. Cố gắng "trẻ hóa" và tiến gần thị trường, bài hát trong phim do diễn viên Tiến Minh, vào vai thứ trong phim, vừa sáng tác vừa tự trình bày khá "vừa tai" - điều này cũng có thể khiến khán giả dành cho bộ phim chính luận thêm một sự ưu ái.


Nguồn: Tuổi Trẻ online

+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.