Danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú là phần thưởng cao quý mà Nhà
nước phong tặng cho nghệ sĩ nhằm ghi nhận công lao đóng góp của họ cho
nền nghệ thuật nước nhà. Nhưng có những con người đáng được hưởng phần
thưởng cao quý đó đã bị bỏ quên.
Ông già chuyên đóng vai khổ
Vượt qua dãy ki-ốt dài trước
cửa ga Hà Nội để đến gặp ông. Nghệ sĩ nổi tiếng một thời, chủ nhân của
không ít giải thưởng vàng, bạc ngồi đó, với chiếc áo pull xám tuềnh
toàng, lọt thỏm giữa những hàng quán. Giấu đôi mắt buồn sau đôi kính
râm, nghệ sĩ Trần Hạnh nói như thanh minh, chục năm rồi, những lúc không
tham gia đóng phim, ngày nào ông cũng ngồi đây trông hàng cho con.
“Không có nghề gì hay ho hơn thì nhì nhằng buôn bán kiếm sống vậy. Tuổi
này, còn khỏe mạnh, giúp được con cái cái gì thì giúp. Được làm việc là
vui rồi.”
Nghệ sĩ tài năng
Khởi đầu sự nghiệp từ
một nghệ sĩ sân khấu. Nghệ sĩ ưu tú Trần Hạnh tự hào ông đã có được
những vai diễn xuất sắc trên sân khấu Nhà hát Kịch Hà Nội với nhiều giải
vàng, bạc ở các liên hoan sân khấu toàn quốc. Thời hoàng kim của ông là
cuối những năm 70, đầu 80 của thế kỷ trước, khi vào vai Nguyễn Trãi
trong vở kịch thơ Lam Sơn tụ nghĩa, đảm nhận một vai chính trong vở Tiền tuyến gọi hay có mặt trong Âm mưu và tình yêu được dựng bởi cố đạo diễn Nguyễn Đình Nghi.
Ông kể lúc đóng Nguyễn Trãi trong Lam Sơn tụ nghĩa,
một tháng diễn hơn 30 buổi, diễn cả sáng, chiều, tối mà khán giả ngồi
dưới im phăng phắc. Vui nhất là nhà viết kịch tài danh Lưu Quang Vũ, khi
nhận xét về vai Nguyễn Trãi này đã dành những dòng thật ưu ái cho ông.
Trong tập sách Người Hà Nội, Lưu Quang Vũ viết: “Bốn, năm người đóng vai Nguyễn Trãi, riêng Trần Hạnh có phong thái hào hoa của người Hà Nội."
Điều
này làm ông vô cùng sung sướng, sướng hơn cả khi nhận được huy chương
vàng Liên hoan Kịch toàn quốc cho vai diễn này. Rồi khi đóng Âm mưu và tình yêu,
hồi đầu những năm 1980, chính cố Tổng Bí thư Trường Chinh đã tìm ông và
khen “anh đóng hay lắm, tôi không biết dùng từ thế nào nhưng có thể nói
là nó rất lãng mạn”. Trong đời làm nghệ thuật, không phải ai cũng nhận
được những lời khen như vậy từ khán giả, từ đồng nghiệp, nếu không phải
là nghệ sĩ xuất sắc.
Nghệ sĩ ưu tú Trần Hạnh - một trong những nghệ sĩ được phong tặng
danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú từ đợt đầu tiên, năm 1984 - mỗi ngày ngồi trông
hàng cho cô con dâu tại ki-ốt nhỏ trước cửa ga Trần Quý Cáp, Hà Nội, nếu
không đi đóng phim
Đạo diễn “ới” là đi
Sau khi nghỉ hưu, rời Nhà hát Kịch Hà
Nội hồi năm 1989, ông trở thành gương mặt quen thuộc với cả điện ảnh và
truyền hình. Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần khi tìm vai nam chính cho phim Chiếc bình tiền kiếp đã chọn ngay Trần Hạnh, đó cũng là vai diễn đầu tiên của ông trên màn ảnh rộng. Sau đó là hàng loạt phim khác, như Tướng về hưu, Hãy tha thứ cho em, Cỏ lau, Người đàn bà thứ hai, Làng nổi… Các đạo diễn nhìn thấy ở ông sự chuyên nghiệp, nhiệt tình và đặc biệt là tài năng.
Không
nề hà khó khăn, không kêu ca vì vất vả, thậm chí cát-sê cũng không hỏi,
ông cần mẫn một mình với chiếc xe máy hiệu Honda đời 82 chạy tới các
trường quay để còn “nhanh nhanh, chóng chóng quay về chăm bà vợ bị ốm
liệt giường”. Các đạo diễn truyền hình thì càng thích ông hơn, vì ông
“chuyên nghiệp”, bất cứ lúc nào thiếu vai cũng có thể gọi Trần Hạnh,
thậm chí còn không phải chuẩn bị phục trang cho ông, vì ông đã gói ghém
sẵn rồi. Trần Hạnh kể có đạo diễn buổi sáng lượn qua cửa hàng đưa cho
ông kịch bản, bảo “bố giờ này qua nhé”, thế là ông có mặt. Thậm chí đang
trông cửa hàng mà có người gọi bảo tập kết ở đâu đó, ông cũng đi ngay.
Cái tính xuề xòa khiến ông được các đạo diễn ưu ái, ai thấy có vai hợp
là gọi.
Hỏi ông, có đếm được bao nhiêu vai diễn của mình trong
phim, từ ngày về hưu? Ông lắc đầu: “Vai chính thì còn nhớ, chứ vai lặt
vặt thì chịu.”
Nỗi buồn giấu kín
Hỏi ông, là một
diễn viên chuyên nghiệp mà chỉ đi diễn lấp chỗ trống, ông có buồn không?
Ánh mắt nghệ sĩ già đượm lên nỗi buồn sâu kín nhưng ông vẫn bảo có gì
mà buồn, mà tủi. Nghề nghiệp của mình nó vậy, buồn mà làm gì. Mà tính
chi li ra, trong xã hội còn nhiều người buồn tủi hơn mình, mình có gì mà
thiệt. Nếu có buồn là buồn mình chưa có một vai diễn để đời, một vai
phản diện được đầu tư nghiêm túc khác hẳn hình ảnh ông già đau khổ đã
đóng đinh bấy lâu nay. Nhưng ông bảo đấy là mơ ước của mình thôi, chứ
ông vẫn biết có mong ước cũng chẳng được. Hình như cuộc sống khó khăn
cộng với chục năm trời vất vả chăm sóc người vợ bị ốm liệt giường đã
khiến Trần Hạnh bằng lòng với tất cả những gì ông có.
Dù thế nào,
được đi diễn với ông cũng là một niềm vui. Diễn để kiếm tiền chỉ là phụ
thôi, cái chính là “làm cho thỏa nỗi nhớ nghề”. Ông bảo giờ già rồi, có
ăn được bao nhiêu đâu, bữa cơm ăn lưng bát, mà cũng chỉ rau dưa thôi,
ít ăn thịt lắm. Cho nên lương hưu một tháng 2 triệu đồng đã là đủ cho
hai bố con (ông hiện giờ phải nuôi một người con mà ông gọi là “ất ơ”)
sống đủ. Nhà cửa to bé gì cũng là nhà, cơm ăn hai bữa rồi, ngon hay
không cũng gọi là hai lần đỏ lửa. Ấy thế nhưng khi đi làm phim, ăn được
hẳn ba bát, vui lắm.
Ở Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 11 - 1996, ông đã được xướng danh với giải Nam diễn viên xuất sắc nhất trong phim Nước mắt đàn bà
(ban tổ chức không gửi giấy mời ông tới nhận giải). Tại Liên hoan
Truyền hình toàn quốc năm 2010, Nghệ sĩ ưu tú Trần Hạnh cũng được vinh
danh ở hạng mục Giải thưởng Cống hiến cho vai diễn của ông trong phim Ngõ lỗ thủng, đạo diễn Quốc Trọng. Vậy mà ông không có tên trong danh sách được đề nghị xét tặng Nghệ sĩ nhân dân.
Khi
nói về các danh hiệu của mình, ông bảo đến tuổi này còn suy nghĩ gì
chuyện danh hiệu, mà ngẫm ra, ông còn may mắn hơn nhiều người khác. Năm
1984, trong đợt phong tặng danh hiệu đầu tiên, ông đã trở thành một
trong những người đầu tiên được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu
tú. Mà lúc ấy, không có chuyện nghệ sĩ phải khai hồ sơ như bây giờ,
nghệ sĩ nào có cống hiến, được khán giả yêu mến, Nhà nước sẽ công nhận.
Nhiều nghệ sĩ khác, như ông Văn Hiệp ấy, cả đời cống hiến, bao nhiêu
vai, già trẻ, lớn bé cả nước đều biết mà không có danh hiệu gì, đến nghệ
sĩ xuất sắc cũng không. “Bằng lòng với những gì mình có đã là hạnh
phúc, giờ này, tôi chỉ chờ đạo diễn nào gọi là lên đường cho thỏa nỗi
nhớ nghề thôi!”
Nguồn: Người lao động online