Việt Nam

Song Lang - Đôi điều suy ngẫm

15/09/2018

Lần đầu tiên, một bộ phim sau khi ra rạp gặp cảnh “chùa Bà Đanh” khiến các nghệ sĩ đồng loạt kêu gọi “cho Song Lang thêm một tuần nữa” để phim có thêm cơ hội đến với khán giả.

Hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi khi cả nhà sản xuất đến dàn diễn viên đều là những gương mặt “hot”, khâu quảng cáo trước khi ra rạp cũng khá rầm rộ… Nhưng chưa đầy hai tuần công chiếu, Song Lang đã đứng trước nguy cơ bị đẩy khỏi rạp vì người xem quá ít.

Lần đầu tiên, nhiều nghệ sĩ đồng loạt thể hiện tình cảm của mình với một bộ phim và tạo nên làn sóng kêu gọi cho Song Lang cuồn cuộn trên mạng xã hội với hashtag: “Cho Song Lang thêm một tuần nữa”.

Trên trang cá nhân, đạo diễn Nhuệ Giang viết: “Nếu không đi xem ngay (Song Lang - PV) các bạn sẽ mất cơ hội xem một bộ phim nghệ thuật hay.” Và đúng là, suất chiếu cuối cùng của phim Song Lang vừa qua đã khá đông khán giả, nhưng có lẽ đó chỉ là số ít những khán giả thực sự có tâm huyết với nghệ thuật mà đi xem vì tiếc nuối cho số phận một bộ phim.

Phim Song Lang của đạo diễn Leon Lê được thực hiện nhân dịp kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương. Phim lấy bối cảnh Sài Gòn những năm 80 của thế kỷ trước - thời hoàng kim của nghệ thuật cải lương với những phận đời, phận người, phận nghệ sĩ. Sau khi ra rạp, phim được đánh giá cao về nghề, tái hiện tốt bối cảnh Sài Gòn những năm 80 bằng sự tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ. Đây cũng là bộ phim đầu tiên đưa nghệ thuật cải lương lên màn ảnh rộng bằng sự chân phương mà không kém phần lộng lẫy.

Có khán giả nhận định: Song Lang là bộ phim đẹp đến từng cảnh quay, từ giọt nước rơi xuống vũng máu, từ trang sách cũ, từ ánh nhìn của nhân vật… đều cho thấy sự chỉn chu, kỹ lưỡng. Rất khó để phục dựng Sài Gòn những năm 80, thật khó để phục dựng thời hoàng kim của cải lương, càng khó để tạo nên không khí nghệ thuật cải lương đong đầy, đúng nghĩa và chính xác, nhưng Leno Lê và êkíp của mình làm được điều đó.

Thế nhưng, đó là nhận xét của những khán giả “có nghề”. Còn nhìn vào thực tế, nhiều khán giả bước ra khỏi rạp với trạng thái… mệt mỏi.

Có rất nhiều biện giải, trong đó có ý kiến cho rằng, Song Lang là một phim dòng nghệ thuật, lại là nghệ thuật lồng ghép yếu tố văn hóa truyền thống, hẳn nhiên sẽ kén khán giả. Đương nhiên, khi đã quá quen với dòng phim giải trí, việc ngồi thưởng thức một sản phẩm có tính nghệ thuật cao, khán giả sẽ cảm thấy mệt mỏi. Dù diễn viên chính của bộ phim là Liên Bỉnh Phát (vai Dũng) khẳng định: “Nếu khán giả cho rằng đây là dòng phim nghệ thuật, thì tôi khẳng định đây là phim nghệ thuật dễ xem nhất”, phim vẫn cứ gặp cảnh hắt hiu.

Phải chăng đây chính cái kết chung cho những dòng phim có thiên hướng nghệ thuật?

Tự thân Song Lang đã làm khó mình khi lựa chọn đề tài “khoai”. Chính nhà sản xuất Ngô Thanh Vân ngay tại buổi công chiếu phim đã thừa nhận, Song Lang là phim kén khán giả nên khá lo lắng về doanh thu. Đạo diễn Leon Le còn nói: “Tôi đã chuẩn bị tâm lý cho sự hắt hủi từ đầu”. Nghĩa là cả đạo diễn, nhà làm phim lẫn diễn viên đều đã thấy trước được cảnh “chùa Bà Đanh” nhưng vẫn quyết dấn thân.

Dường như phim gắn với yếu tố lịch sử, nghệ thuật truyền thống… đều khó tìm khán giả, bởi khán giả Việt đã “nghiện” những dòng phim giải trí. Nên bấy lâu nay, rất ít nhà sản xuất phim điện ảnh dám mạo hiểm làm những dòng phim này. Bởi vậy, Song Lang thua ngay từ cái tên.

Dĩ nhiên, tự thân Song Lang vẫn còn không ít tiếc nuối. Về nội dung, Song Lang thiếu một chút tàn nhẫn của nhân vật Dũng, thiếu một chút sự tài hoa của Linh Phụng. Cải lương trong Song Lang cũng thiếu một chút thuyết phục khi để nhân vật hát chưa thực hay và cái kết thiếu bất ngờ, bỏ lại một nỗi buồn hụt hẫng nơi người xem. Nhưng, với những ai thật tâm đến với bộ phim đều nhận ra một điều rằng: Song Lang là một bộ phim riêng biệt và rất Việt Nam. Trong bối cảnh phim Việt đầy “remake” và hài nhảm như hiện nay, Leon Lê đã cho thấy mình là một người có thể “làm nên chuyện gì đó” với điện ảnh nước nhà.

Nhưng chắc rằng, sau thất bại của Song Lang thì Leon Lê cũng sẽ tỉnh ra được vài phần nếu muốn thu phục được “trái tim” khán giả với dòng phim nghệ thuật.

Nhà sản xuất Ngô Thanh Vân: “Chúng tôi cũng lường trước những khó khăn trong việc tìm khán giả khi lựa chọn đề tài cải lương, bởi đối tượng chính đến rạp là giới trẻ, nhưng không phải ai trong số đó cũng hiểu và yêu thích cải lương”.


Nguồn: PetroTimes


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.