Nhiều bộ phim hoạt hình lịch sử và dã sử do các nhà làm phim Việt Nam
thực hiện đã phá tan định kiến “kém hấp dẫn và khô cứng” gắn với dòng
phim này lâu nay.
Hình ảnh trong phim Cậu bé cờ lau
|
Phải đến đầu mùa thu năm nay, loạt phim hoạt hình lịch sử
Loa thành rực lửa
mang tham vọng tái hiện đời sống người Việt thời Âu Lạc, do Hạc Thần
Studio sản xuất, mới ra mắt tập đầu tiên, song đoạn giới thiệu về phim
chỉ dài vỏn vẹn 5 phút đã ngay lập tức gây “sốt” trên mạng xã hội.
Loa thành rực lửa
được thai nghén cách đây hai năm. Một nhóm các nhà làm phim thuộc thế
hệ 7X, 8X và 9X - những người có cùng đam mê với hoạt hình và lịch sử
cùng góp sức thực hiện: đạo diễn Huyền Vũ (đạo diễn loạt phim
Thỏ và rùa),
họa sĩ Nguyễn Hoàng Vĩnh Khang (thiết kế đồ họa của Creative Circle,
San Francisco, Mỹ), biên kịch Lê Thắm, Lê Di… Sau loạt phim này, nhóm sẽ
tiếp tục thực hiện loạt
Bạch Đằng dậy sóng.
Cuối năm ngoái, bộ phim
Con rồng cháu tiên
với câu chuyện lý giải cội nguồn người Việt chỉ sau bảy tháng đăng tải
trên kênh YouTube đã thu hút hơn 9 triệu lượt xem. Cũng không khó để tìm
những bộ phim hoạt hình “triệu view” của Công ty TNHH MTV Hãng phim
Hoạt hình Việt Nam - vốn được coi là “anh cả” trong lĩnh vực sản xuất
phim hoạt hình hiện nay tại Việt Nam, trong đó phải kể đến phim
Anh Kim Đồng hay
Cậu bé cờ lau (kể về thời niên thiếu của vua Đinh Bộ Lĩnh).
Hình ảnh trong phim Con rồng cháu tiên
|
Bên cạnh các nhóm làm phim hoạt hình độc lập, hãng phim tư nhân và nhà
nước, nhiều nhóm sinh viên cũng quan tâm đến việc làm phim hoạt hình
lịch sử.
Sáu năm trước, bộ phim
Đại chiến Bạch Đằng khắc
họa trận chiến huyền thoại đại phá quân Nam Hán của người Việt dưới sự
lãnh đạo của Ngô Quyền vào năm 938 của một nhóm sinh viên Trường đại học
quốc tế Hồng Bàng (TPHCM) khiến khán giả ngạc nhiên và thích thú. Sau
đó, nhiều nhóm sinh viên, học sinh khác cũng thử sức với phim hoạt hình
lịch sử.
Những thước phim sử sống động“Tôi vừa vô tình được xem
Hào khí Thăng Long
và thấy không hề uổng phí khi dành 1 giờ đồng hồ để xem trọn bộ phim
này,” khán giả Đức Bảo (Q. Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ. Khán giả Cao
Phong đã bình luận trên YouTube khi xem
Huyền thoại Trần Quốc Toản: “Hay quá! Làm thêm phim về nhiều vị anh hùng nữa đi bạn. Xem mà hứng thú quá!”
Lâu
nay, hoạt hình Việt vốn gặp khó trong việc ra rạp chiếu hay chiếu trên
truyền hình. Bên cạnh các hình thức chiếu phim “truyền thống” như chiếu
tại trường học, nhiều phim hoạt hình Việt - trong đó có những bộ phim
lịch sử, dã sử đã sử dụng hình thức quảng bá mới là sử dụng mạng xã hội,
các kênh online. Chưa đến ba năm, kênh YouTube của Hãng phim Hoạt hình
Việt Nam đã có tới hơn 400 triệu lượt người xem.
Theo đạo diễn Phùng Văn Hà (Hãng phim Hoạt hình Việt Nam) - đạo diễn và đồng đạo diễn của hàng loạt phim hoạt hình lịch sử như
Anh Kim Đồng,
Cậu bé cờ lau,
Người anh hùng áo vải,
Hào khí Thăng Long,
việc thực hiện một bộ phim hoạt hình lịch sử tốn công sức và chi phí
khoảng năm lần so với thực hiện một bộ phim hoạt hình khác, bên cạnh đó
còn phụ thuộc vào việc có kịch bản tốt hay không. Nhiều đơn vị làm phim
hoạt hình lịch sử để lấy thương hiệu, gặp được nhà đầu tư, nhưng bên
cạnh đó cũng là bởi tình yêu lịch sử.
“Chưa nhiều người có sự
quan tâm đúng mức đến lịch sử Việt Nam. Ngay cả sau khi đã tiếp thu
những bài giảng trên lớp, nhiều em học sinh được hỏi về lịch sử nước
mình còn chưa biết trả lời đúng. Tôi muốn mang những kiến thức về lịch
sử một cách hấp dẫn không chỉ cho khán giả trẻ con mà cả khán giả người
lớn,” đạo diễn Phùng Văn Hà nói.
Mặc dù, theo nhìn nhận của
những người trong giới làm phim, hoạt hình sử Việt vẫn còn thiếu những
định hướng sản xuất theo quy mô, hệ thống lớn, nhưng có thể thấy, dòng
phim này đang dần thay đổi diện mạo về chất và lượng.
Sau khi gây "sốt" trên mạng, bộ phim
Con rồng cháu tiên
đã được một kênh truyền hình mua bản quyền để phát sóng. Theo ông Phan
Gia An, Giám đốc Hãng phim Trẻ: “Trước giờ, nhiều người vẫn cho rằng
phim để tuyên truyền lịch sử là khô khan, nhưng những hiệu ứng trên mạng
xã hội cho thấy rõ ràng nếu biết cách làm tốt thì sẽ tạo ra những hiệu
ứng tốt.”
Nguồn: Thanh Niên