Câu chuyện về một người đàn ông và một người đàn bà, hai người bình thường như bao người khác. Họ có tên – ông Châu, và bà Trần, nhưng điều đó không quan trọng, họ có thể là bất kỳ ai. Họ tình cờ chuyển đến cùng một nhà trọ – trên tầng lầu chật chội chỉ có một nhà bếp cho tất cả những gia đình ở đó. Vì vậy, họ là hàng xóm. Cả hai đều đã có gia đình. Buồn cười thay, một ngày nọ không ai bảo ai, họ cùng để lộ cho nhau biết rằng vợ ông Châu và chồng bà Trần rất có thể đang ngoại tình với nhau. Họ xích lại gần nhau hơn vì cùng có chung bí mật này, và vì họ đều muốn biết mọi chuyện đã bắt đầu như thế nào – giữa vợ ông Châu và chồng bà Trần.
Giữa họ cũng có thể xem như chưa có gì xảy ra, hoặc cũng có thể nói rằng họ đã có một mối tình đẹp đến mức đáng ghen tị, đẹp một cách thuần khiết. Một mối tình đầy chất thơ, lãng mạn và đau buồn, buồn vì những cơn mưa rào những đêm họ hẹn gặp, vì nỗi cô đơn tột độ vây quanh lấy cả hai những ngày người vợ, người chồng của họ vì công việc – hay vì cái gì khác – mà để họ lại một mình trong căn hộ chật ních. Buồn, không bởi những gì đã xảy ra mà vì những gì cả hai đều biết sẽ không xảy ra. Rằng, dù có yêu nhau đi nữa, họ đều biết họ sẽ không đến với nhau.
Giữa ông Châu và bà Trần luôn có khoảng cách nhất định
Thật ra, trên đời này có rất ít cái gọi là “không thể”, nhất là ở thời hiện đại ngày nay. Hai người yêu nhau không thể đến với nhau lại càng hiếm hoi, nếu ta quên đi những trường hợp vô cùng “trùng hợp” nhan nhản trên phim ảnh như chàng hay nàng ung thư, tai nạn, bị cha mẹ nhốt trong chuồng khỉ cấm không cho gặp nhau (tình huống này chưa lên phim nhưng nếu có lên thì sẽ hay lắm đó), v.v... Chỉ như thế thì mới không thể đến với nhau được. Vì thế, người đàn ông và người đàn bà trong phim không phải là không thể đến với nhau, mà là họ sẽ không đến với nhau.
Vì sao ư? Chẳng vì lý do gì cả, mà nói ra thì cũng sẽ có rất nhiều lý do.
Thứ nhất, vì họ là người đã có gia đình. Họ hoàn toàn có quyền hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn khi vợ hay chồng của họ có thể hàn gắn với họ và cuộc sống gia đình lại tiếp tục một cách mệt mỏi nhưng theo quy luật tự nhiên của nó. Thứ hai, vì lời đồn ra tiếng vào, vì sự phán xét đánh giá của xã hội. Con người ta sống trên đời không chỉ có một mình, cũng không phải hai mình, trừ phi họ chạy ra hoang đảo giống Robinson Crusoe (hay vào chuồng khỉ).
Và thứ ba, vì họ chẳng có lý do gì để đến với nhau. Rất có thể chuyện tình của họ chỉ là một giấc mơ thoáng qua mà cả hai đều đã chọn để tạm thời quên đi nỗi đau bị chồng và vợ lừa dối và tổn thương. Nhiều khoảnh khắc đẹp như những bức tranh ghép lại thành một bộ phim đẹp và đáng nhớ, nhưng người ta cũng không thể sống mãi trong phim hay trong tranh được.
Và vì vậy, họ có rất nhiều lý do để không đến với nhau nhưng chỉ có một lý do để đến với nhau – họ yêu nhau.
Phần phân tích trên cũng chỉ cốt muốn nói rằng, việc phân tích logic tình huống trong một phim như Tâm trạng khi yêu là điều không cần thiết, tốn thời gian, và không thể thực hiện. Phim là những khoảnh khắc đẹp đến nao lòng – khi bà Trần một mình bước đi trong mưa, máy quay chỉ chiếu phần chân của Trương Mạn Ngọc chứ không chiếu mặt, đôi chân gầy guộc bước đi trong mưa đẩy nỗi cô đơn của nhân vật lên đến đỉnh điểm. Ngày qua ngày, cô cứ một mình đi mua mì bán sẵn về ăn rồi lại một mình thui thủi trong căn phòng. Ông Châu cũng không khá hơn – ngày nào cũng một mình đi từ sở làm về, những cuộc điện thoại gọi cho vợ rủ vợ ăn tối, yêu cầu được đi đón vợ đều bị từ chối vì lý do vợ “bận việc”. Và những khi một mình trở về căn phòng nhỏ xíu, cả hai đều gặp nhau. Dĩ nhiên, chuyện sẽ chỉ dừng ở đó nếu họ không liên tục để ý đến những chi tiết nhỏ đáng khả nghi ở người vợ, người chồng của họ cho thấy rằng chồng bà Trần và vợ ông Châu có thể đang ngoại tình với nhau.
À, dĩ nhiên điều này cũng không quan trọng. Chuyện quan trọng là, họ đều bị vợ hoặc chồng của mình bỏ rơi, và chi tiết chồng bà Trần - vợ ông Châu ngoại tình với nhau chỉ là cái cớ đưa bà Trần và ông Châu lại gần nhau hơn.
Lẽ ra với một phim khác, những tình huống được tạo nên chỉ để đưa hai nhân vật đến với nhau như thế này sẽ thật đáng buồn cười và ngô nghê, nhưng rơi vào tay Vương Gia Vệ thì lại hoàn toàn khác – khán giả đắm chìm vào câu chuyện của ông Châu, bà Trần đến nỗi không hề để ý đến chi tiết có thể bị xem là khiên cưỡng này – vì chuyện hai người đến với nhau quá tự nhiên. Những đêm cô đơn, trời mưa cả hai một thân một mình đi về, hay sở thích đọc truyện kiếm hiệp chung, tất cả đều đã đủ để họ đến với nhau.
Rồi họ bắt đầu nói với nhau những câu thân mật, “Tối nay đi với tôi nhé” và “Chồng tôi chắc sẽ không đợi tôi đâu”, không phải vì họ muốn tán tỉnh nhau, mà vì họ muốn đóng giả làm người chồng, người vợ của họ để thử xem chuyện vợ chồng họ ngoại tình đã bắt đầu ra sao. Chi tiết chồng bà Trần - vợ ông Châu ngoại tình với nhau là một chi tiết chưa bao giờ được chiếu trên màn ảnh, và ngay cả mặt chồng bà Trần, vợ ông Châu cũng không hề xuất hiện. Ta chỉ biết đến họ qua lời kể của ông Châu và bà Trần. Thế nhưng câu chuyện không xuất hiện trong phim này lại là mấu chốt đưa họ lại gần nhau, tạo cho họ cơ hội “đóng kịch”, giả vờ nói những câu thân mật với nhau để rồi những câu thân mật đó tuy giả nhưng tình cảm lại thật tự lúc nào không hay. Yêu nhau rồi, họ mới hiểu tình yêu bắt đầu như thế nào, đơn giản thôi, qua những lần gặp gỡ bất chợt, cùng nhau tán gẫu về tiểu thuyết võ hiệp, cùng nhau chia sẻ một bí mật, cùng chịu đựng nỗi cô đơn như nhau.
Dù yêu nhau, ông Châu và bà Trần
chưa bao giờ vượt qua giới hạn của hai người bạn
Có lẽ cái hay nhất của phim là sự tiết chế – của đạo diễn, và của các nhân vật. Không có gì xảy ra giữa ông Châu, bà Trần đi quá giới hạn hai người bạn. Hai lần nắm tay, một lần bà Trần tựa đầu vào vai ông Châu, và một lần bà Trần ôm ông Châu bật khóc khi ông Châu “đóng giả” cảnh mình sắp đi xa mãi mãi. Sự tiết chế được thể hiện rất tinh tế qua khoảng cách giữa hai người. Tuy yêu nhau nhưng họ vẫn giữ khoảng cách đúng mực của hai người đã có gia đình, và sự lãng mạn của mối tình này được phác họa trong sáng – những đêm ông Châu thức khuya viết truyện, bà Trần ngủ thiếp đi trong cùng một căn phòng, cảnh hai người say mê thảo luận chương sách ông Châu đã viết, hay khi hai người cùng nhau đứng chờ mưa tạnh, không dám đi về chung vì sợ lời đồn đại nhưng cũng lại không nỡ để người kia đứng tránh mưa một mình, cả cảnh bà Trần phải trốn trong phòng ông Châu vì sợ bị người khác nhìn thấy và hai người đành chia nhau ăn phần mì mua vội vàng từ tiệm mì trong hẻm. Những cảnh đóng giả tình huống đó một lần nữa cho thấy những gì là thật, là giả rất mơ hồ trong phim. Ngay cả cảnh cao trào của phim – cảnh “chia tay”, cũng chỉ là ông Châu đóng giả tình huống lúc mình thật sự ra đi, nhưng lúc họ thật sự chia tay không bao giờ xuất hiện trên màn ảnh. Lại thêm một lần nữa khi khán giả tưởng rằng sẽ chứng kiến một cảnh chia ly đầy nước mắt thì hóa ra đó chỉ là một cảnh giả tình huống – vừa đẩy phim lên cao trào, Vương Gia Vệ vừa tiết chế cao trào đó lại, tạo cho phim một sự cân bằng hoàn hảo.
Điều mà tôi thích và cũng không thích ở phim là phần nhạc nền. Thích, bởi vì nó quá hay, buồn da diết khiến tôi tưởng tượng ra những nốt nhạc đang rơi xuống như những giọt mưa nặng hạt trải dài theo bước chân cô đơn của bà Trần. Sau khi xem xong phim, cảnh bà Trần bước đi trong mưa một mình và tiếng nhạc nổi lên vẫn còn đọng lại y nguyên trong trí nhớ, chứng tỏ nhạc phim có hiệu quả như thế nào. Thế nhưng không thích, là vì mỗi lần bà Trần bước đi thì tiếng nhạc lại nổi lên làm tôi có cảm giác đạo diễn muốn chúng ta để ý đến chi tiết đó, muốn nhấn mạnh chi tiết đó khiến nó không tự nhiên. Và tôi sẽ thích hơn nếu chỉ có tiếng guốc bà Trần bước đi trong đêm. Có thể nếu không có nhạc nền hay như thế, tôi sẽ không nhớ lắm hình ảnh bà Trần đi trong mưa, nhưng nếu không có tiếng nhạc, biết đâu tôi sẽ lại càng cảm nhận được nỗi cô đơn đó, khi trong đêm đen chẳng có tiếng động nào khác ngoài tiếng guốc lê?
Diễn xuất của hai diễn viên chính trong phim góp phần vào sự thành công của phim rất nhiều. Thậm chí tôi còn nghĩ rằng, nếu hai diễn viên chính không phải là Lương Triều Vỹ và Trương Mạn Ngọc thì tôi sẽ không thể cảm và thích phim chút nào mà sẽ nghĩ nó thật nhạt nhẽo. Họ đã diễn một cách thật tự nhiên, như thể ban đầu họ là hai người hoàn toàn không quen biết rồi dần dần yêu nhau. Cái tinh tế nhất, khó diễn nhất, chính là chuyển biến trong suy nghĩ và tình cảm của cả hai – ban đầu thờ ơ, xã giao, nhưng khá thoải mái, càng về sau khi có tình cảm với nhau họ lại càng căng thẳng, căng thẳng vì phải giữ khoảng cách, vì trong thâm tâm họ biết họ đang phản bội người vợ, người chồng mình dù chỉ là trong tư tưởng, vì họ sợ lời ra tiếng vào của xóm giềng. Sự tiết chế của kịch bản chỉ có thể chuyển đến người xem khi diễn viên biết cách tiết chế tình cảm của mình, biết cách thể hiện sự kìm nén của nhân vật – cảm xúc càng nhiều, tính căng thẳng càng cao và càng khó biểu lộ tình cảm ngày càng sâu đậm đó.
Ở đoạn cuối, khi ông Châu đi Singapore, cả hai đều đã nghĩ đến việc bỏ đi cùng nhau, nhưng họ chưa bao giờ nói với nhau điều đó.
“Nếu tôi có thêm một chiếc vé, anh có đi với tôi không?”
“Nếu tôi có thêm một chiếc vé, em có đi với tôi không?”
Hai câu hỏi chưa bao giờ đến với người vừa muốn nghe nó vừa sợ không dám nghĩ đến câu trả lời. Bởi vì họ chưa bao giờ có ý định phản bội chồng hoặc vợ mình, như bà Trần đã nói, “Tôi chưa bao giờ dám nghĩ anh sẽ có tình cảm với tôi”, và ông Châu trả lời, “Tôi cũng thế, tôi tưởng rằng mình có thể kiểm soát tất cả.”
Và cảnh cuối cùng khép lại, khi ông Châu đến Campuchia (có lẽ là đền Angkor kwat) giấu vào thân cây bí mật của mình. Rằng ông đã từng yêu, hay vẫn còn yêu, bà Trần. Khi quay về căn hộ cũ, có lẽ ông Châu đã nhìn thấy bà Trần cùng đứa con, và vì vậy ông đã mỉm cười. Nhưng ông không hề đến gặp họ. Bởi khi xưa họ lựa chọn không đến với nhau, và bây giờ cũng thế. Cảnh quay cuối mờ ảo như thể cả cảnh và người đều chìm trong một làn khói hư vô – là mơ, hay là thật?
Chỉ duy có một điều là sự thật – tình yêu của họ. Những phút giây họ chia sẻ nỗi cô đơn vô tận là thật, đêm mưa họ cùng nhau trú mưa đợi mưa tạnh là thật, và mảnh giấy chứa đựng bí mật giấu trong vỏ cây của ông Châu cũng là thật.
© Hạnh Nguyên @Quaivatdienanh.com