Việt Nam

Hy vọng từ phim hợp tác đầu tiên của Việt Nam và Indonesia

27/03/2012

Đến nay, chúng ta chưa thể bình luận nhiều về phim Ranh giới trắng đen (đạo diễn: Najantolisa, hợp tác với Indonesia, Hồng Kông và cả Singapore) vì nó vẫn trong giai đoạn sản xuất, nhưng với Hãng phim Vinacinema thì đây là cơ hội để họ “phục thù”. Bởi các phim gần đây như Cảm hứng hoàn hảo (đạo diễn Nguyễn Lê Dũng), Hoán đổi thân xác (Nhất Trung), Giấc mộng giàu sang (đạo diễn Công Hậu) do họ liên kết sản xuất đã được xếp vào “thảm họa”.

Với kinh phí khoảng 10 tỉ đồng, kịch bản phía Việt Nam viết, Indonesia (Hãng phim Jelita Alip) và Hồng Kông chỉnh sửa, phần lớn bối cảnh quay ở TPHCM, êkíp kỹ thuật thì gần 100% của Indonesia... có thể nói Ranh giới trắng đen là một sản phẩm “đa quốc gia”. Dự kiến công chiếu tại Việt Nam và Indonesia vào tháng 6/2012, nhưng đến nay vẫn chưa xác định được ngôn ngữ chính trong phim.

Thêm một tín hiệu vui…

Mặc cho những lời “xầm xì” phía sau cuộc hợp tác này, chúng ta vẫn có thể nhìn nó như là tín hiệu vui của nền điện ảnh đang tìm hướng đi mới và đối tác mới. Chọn đối tác Indonesia hay được đối tác này chọn cũng không quan trọng bằng việc đây là một cơ hội - dù khá nhỏ và hẹp - để hiểu thêm về nền điện ảnh lân cận, nơi có lịch sử phim khá giống Việt Nam, nhưng nay đã phát triển khá mạnh.

Nói về cuộc hợp tác này, ông Trần Văn Hùng (Tổng giám đốc Vinacinema) khá tự tin: “Việc hợp tác làm phim với nước ngoài là hướng đi đang và sẽ được công ty ưu tiên. Điều này không chỉ thể hiện năng lực, uy tín của Vinacinema mà quan trọng là thông qua sự hợp tác sẽ tăng cường giao lưu văn hóa để quảng bá điện ảnh Việt Nam đến bè bạn bốn phương.”

Võ Thành Tâm (đội mũ) đóng vai chính trong Ranh giới trắng đen [Ảnh: TL]

Giám đốc sản xuất Ricky K.K.Wong (phía Indonesia) thì cho rằng: “Tôi đến Việt Nam từ 1996 và nhận thấy thị trường điện ảnh của các bạn rất tiềm năng, đồng thời tôi cũng biết đến nhiều hãng phim Việt Nam, nhưng đây là bộ phim đầu tiên chúng tôi muốn hợp tác. Việc tôi chọn Công ty Vinacinema và Công ty Nghiệp Thắng để hợp tác, ngoài chuyện quen biết, cơ duyên, thì còn là sự tin tưởng lẫn nhau. Tôi hy vọng sự hợp tác giữa chúng tôi với Việt Nam nói chung không dừng lại ở đây.”

Ông Hùng cũng từng cho biết chiến lược của Vinacinema như sau: “Trong năm 2012 chúng tôi làm sáu phim liên kết với các đối tác Mỹ, Trung Quốc, vùng lãnh thổ Hong Kong, Indonesia và sẽ tiến đến 12 phim/năm, để một tháng có một phim mới.” Nếu quả thật như vậy, thì lời xì xầm về việc “phục thù” của Vinacinema chẳng còn quan trọng, bởi nếu họ có phục thù được - nghĩa là làm ra được phim hay - thì cái lợi vẫn thuộc về khán giả và nền điện ảnh còn khá ít phim hay như hiện nay.

Hy vọng gì từ “ranh giới”?

Ranh giới trắng đen thuộc thể loại “phim trong phim”, đậm chất hành động và xã hội đen, khi chàng diễn viên võ thuật Nguyễn Lữ (do Võ Thành Tâm thủ vai) bất đắc dĩ phải rơi vào vòng quay của một vụ truy bắt tội phạm ma túy. Ở trong đó, anh bị đưa đẩy để thành người hùng, với nhiều hành động dũng cảm và ý nghĩa. Còn làm thế nào để anh thoát ra khỏi hoàn cảnh này thì xem phim sẽ rõ. Ở tuyến chính, phim còn có sự tham gia của Phan Như Thảo, Thúy Diễm và Guntur Tripyono, Siti Dewi Rahmawati Roger Danuarta (Indonesia), Pang Swee Teow (Singapore)…

Được Vinacinema giới thiệu là đạo diễn ăn khách tại Indonesia nhưng trên Google thì có khá ít thông tin về Najantolisa, có lẽ do “cách trở” ngôn ngữ? Đạo diễn này cũng khá kiệm lời, tại cuộc họp báo ra mắt đoàn phim, ông nói rất ngắn gọn về phim và gần như từ chối nói về bản thân mình.

“Hàng ngày trên thế giới có biết bao vụ án xảy ra, công việc đấu tranh phòng chống tội phạm của lực lượng cảnh sát gặp không ít khó khăn. Chúng tôi hy vọng làm được một phim phản ánh xã hội và đề cao tình cảm con người,” đạo diễn Najantolisa nói.

Dù không được truyền thông rầm rộ và có nhiều thông tin bị “ém nhẹm” trong cuộc họp báo ra mắt đoàn phim trước đây, nhưng những ý kiến công tâm về phim Việt vẫn hy vọng cuộc hợp tác này thành công. Bởi thực sự, dù có những khởi sắc về số lượng, nhưng mùa phim cuối năm vừa qua đã cho giới phân tích và giới làm phim quá nhiều bài học, trong đó nan giải nhất vẫn là chất lượng phim.

Khán giả Việt từng quay lưng lại với phim Việt, khi chất lượng của nó xuống tận đáy, để rồi khi nó có đôi chút hồi sinh, họ lại quay mặt về khích lệ. Có thể nói hiện nay phim Việt đang được người Việt ủng hộ, dù ở rạp luôn có phim nước ngoài hay hơn rất nhiều lần, giá vé như nhau, chính vì vậy mà Vinacinema hay bất kỳ hãng phim nào của Việt Nam cũng nên thấy rõ điều này, để cố gắng tạo ra những sản phẩm không quá tệ. Nếu cứ như Cảm hứng hoàn hảo, Hoán đổi thân xác… mà “tiếp bước” thì ngày tàn chắc không xa.

Nguồn: Thể thao & Văn hóa


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi