Nhân vật & Sự kiện

Hoạt hình Nhật Bản ghi kỷ lục phòng vé và tác động quốc tế cũng mở rộng

31/03/2024

Hoạt hình Nhật Bản không còn thống trị phòng vé chỉ ở quê nhà nữa. Giờ đây, các chuỗi phim như Demon Slayer, Dragon BallJujutsu Kaisen thường xuyên kiếm được hàng triệu đôla từ phát hành rạp quốc tế và các nhà rạp đang để mắt.

Quảng bá Demon Slayer: Kimetsu no Yaiba ở Quảng trường Thời Đại, New York. Ở Việt Nam Demon Slayer: Kimetsu no Yaiba đã ra rạp với tựa Thanh gươm diệt quỷ: Đường đến làng rèn gươm vào tuần cuối tháng 2 năm 2024

Theo Hiệp hội Hoạt hình Nhật Bản, ngành công nghiệp hoạt hình Nhật Bản, bao gồm phim điện ảnh, phim truyền hình dài tập, vật phẩm và sự kiện, trị giá 20 tỉ USD (2,9 nghìn tỉ yen) vào năm 2022, tăng 6,8% so với năm 2021 và là con số cao nhất từng được ghi nhận. Giá trị tổng thể của ngành đã tăng hơn gấp đôi trong thập kỷ qua và gần một nửa tổng doanh thu — gần 10 tỉ USD (1,46 nghìn tỉ yen) năm 2022 — đến từ bên ngoài Nhật Bản.

Phim hoạt hình thống trị phòng vé Nhật Bản năm 2023, dẫn đầu là The First Slam Dunk, thu về 108,1 triệu USD (15,87 tỉ yen); tựa phim The Super Mario Bros. Movie của Mỹ, dựa trên các nhân vật trong trò chơi điện tử mang tính biểu tượng của Nhật Bản, thu về 95 triệu USD (14 tỉ yen); và Detective Conan: Black Iron Submarine, phim mới nhất trong loạt anime, 94,2 triệu USD (13,88 tỉ yen). The Boy and the Heron của Studio Ghibli đánh dấu bộ phim có thể sẽ là cuối cùng của bậc thầy hoạt hình Hayao Miyazaki xếp thứ tư với 60 triệu USD (8,84 tỉ yen), bất chấp lựa chọn bất thường của Studio Ghibli là không quảng bá bộ phim trước khi phát hành.

Fan tham gia suất chiếu Detective Conan the movie: Black Iron Submarine dành cho người hâm mộ tại GSC Mid Valley Kuala Lumpur, Malaysia. Ở Việt Nam, bộ phim Detective Conan thứ 26 này đã ra rạp với tựa Thám tử lừng danh Conan 26: Tàu ngầm sắt màu đen ngày 21 tháng 7 năm 2023

Nhưng anime cũng đang phát triển bên ngoài Nhật Bản và được hưởng lợi ở các thị trường phương Tây từ mong muốn “lập trình đối trọng” của các nhà rạp, Chance Huskey, giám đốc phân phối của GKids, nhà phân phối độc lập nội dung hoạt hình ở Bắc Mỹ, cho biết.

“Nhu cầu về các loại nội dung khác nhau đang ngày càng mở rộng, cả về phía người tiêu dùng và nhà rạp,” Huskey nói. “Có quan niệm cho rằng chỉ phim bom tấn thôi là không đủ để thúc đẩy hoạt động kinh doanh lành mạnh.” Ông cũng chỉ ra các nhà phát trực tuyến đã đầu tư rất nhiều vào phim hài lãng mạn và phim tâm lý dành cho người trưởng thành có kinh phí trung bình, “mở ra cơ hội [ở rạp chiếu phim] cho các phim thể loại và phim hoạt hình.”

“Hai mươi năm trước, các nhà rạp thậm chí còn không thèm mở cửa gặp bạn,” Andrew Partridge, giám đốc điều hành của Anime Limited có trụ sở tại Anh, công ty phân phối ở Anh và châu Âu và được Plaion Pictures của Đức mua lại vào năm 2022, nói. “Giờ có sự chấp nhận rằng trình chiếu anime là chuyện bình thường.”

Dragon Ball là một điển hình cho sự nổi tiếng trên màn ảnh nhỏ thông qua giải trí gia đình và phát trực tuyến đã nuôi lớn thành công trên màn ảnh rộng

Huskey cho biết hoạt hình Nhật Bản hiện cũng có nhiều thế hệ người hâm mộ bên ngoài Nhật Bản, từ “nhóm 18 đến 34… đến thế hệ X đã mua phim hoạt hình trên băng VHS và DVD ngày xưa,” Huskey nói thêm, “Trong nhiều trường hợp, sự nổi tiếng trên màn ảnh nhỏ thông qua giải trí gia đình và phát trực tuyến đã nuôi lớn thành công trên màn ảnh rộng. Nhiều bộ phim có doanh thu cao nhất là một phần của chuỗi phim như Dragon BallDemon Slayer, đã thu hút được lượng người hâm mộ truyền hình qua nhiều năm hoặc nhiều thập kỷ. Ngay cả thành công của The Boy and the Heron cũng nhờ vào việc phim Studio Ghibli xuất hiện trên các nền tảng phát trực tuyến như Max ở Mỹ và Netflix ở những nơi khác trên thế giới trong những năm gần đây.”

Hiệu ứng màn ảnh nhỏ

Phát trực tuyến là chìa khóa trong việc xây dựng lượng khán giả anime, Yoshi Ikezawa, một nhà sản xuất nội bộ kỳ cựu tại Toei Animation của Nhật Bản, đồng ý. “Người xem ngẫu nhiên trở nên đầu tư sâu hơn nhiều vào càng nhiều chương trình và nhân vật, và một số người trước giờ chưa từng xem anime đã xem lần đầu tiên và khám phá ra một thế giới hoàn toàn mới,” ông nói.

Suzume của Makoto Shinkai ra rạp ở Việt Nam ngày 10 tháng 3 năm 2023 với tựa Khóa chặt cửa nào Suzume

Thành công của các bộ phim dựa trên những thương hiệu đã có tên tuổi (thường là từ manga nổi tiếng) cũng có thể là do sự hòa quyện chặt chẽ hơn giữa câu chuyện trên màn ảnh rộng và màn ảnh nhỏ trong những năm gần đây. “Theo truyền thống, các chuỗi phim anime không theo hình thức luân khúc,” Partridge nói. “Nhưng bây giờ bạn phải đến rạp chiếu phim nếu muốn biết điều gì xảy ra giữa các mùa. Đó là sự dịch chuyển địa chấn.”

Trong khi các nhà rạp bên ngoài Nhật Bản nhận thức rõ hơn về khả năng thu hút khán giả đa dạng của anime, một thách thức đối với các nhà phân phối là “giáo dục các nhà rạp và giúp họ hiểu rằng đó không phải là một phương tiện truyền thông nguyên khối”, Huskey lưu ý. “Anime có những biểu đạt nhất định hướng tới một số khán giả nhất định, nhưng chỉ vì họ đi xem Dragon Ball không có nghĩa là họ sẽ đi xem những bộ phim như Suzume của [Makoto Shinkai].”

“Điều quan trọng nhất đối với các nhà phát hành là quyết định xem nên phát hành rộng rãi hay theo chuỗi rạp phim nghệ thuật sẽ hợp lý hơn,” Partridge nói. “Nếu bạn chơi lớn và thành thảm họa, ắt là tổn hại đến cơ hội của chính mình và của những người khác.”

The Boy and the Heron kiếm được gần 46 triệu USD ở Mỹ, 5,6 triệu USD ở Anh và 168 triệu USD trên toàn thế giới. Phim phát hành ở Việt Nam ngày 15 tháng 12 năm 2023 với tựa Thiếu niên và chim diệc

Một bộ phim đã thành công vang dội vào năm 2023 là The Boy and the Heron. Phim kiếm được gần 46 triệu USD ở Mỹ, 5,6 triệu USD ở Anh và 168 triệu USD trên toàn thế giới. Studio Ghibli đã hợp tác với Alibaba Pictures có trụ sở tại Thượng Hải để phát hành phim ở Trung Quốc Đại lục, mặc dù ngày tháng vẫn chưa được ấn định.

Nhưng dù bộ phim đoạt giải Oscar này là một thành công về mặt tài chính và phê bình, nhưng thành công của nó không dễ lặp lại. Huskey lưu ý: “Đó là một cột mốc quan trọng nhưng có lẽ sẽ không xảy ra thường xuyên.”

Năm 2024, danh sách các tựa phim sẽ được phát hành ở thị trường phương Tây bao gồm các bộ phim đã ra mắt ở Nhật Bản, chẳng hạn như Spy X Family Code: White, Haikyuu!! The Movie: The Battle at the Garbage DumpMobile SuitGundam SEED Freedom, tất cả đều dựa trên các manga và anime nổi tiếng, cũng như các phim sắp ra mắt ở Nhật Bản Detective Conan: The Million-Dollar Pentagram, bộ phim thứ 27 trong chuỗi phim lâu đời này; Dead Dead Demon’s Dededede Destruction, chuyển thể gồm hai phần từ manga được sùng bái của Inio Asano; và Your Color, phim nguyên tác mới nhất của đạo diễn nổi tiếng Naoko Yamada (A Silent Voice).

Dạo phố Hà Nội cùng Anya, quảng bá của CGV Việt Nam cho Spy x Family Code: White, ra rạp mùng một Tết năm nay (10 tháng 2) với tựa Gia đình x Điệp viên: Mã trắng

Giá trị văn hóa

Mạc dù thị trường Bắc Mỹ và châu Âu là rất quan trọng nhưng thị trường ở châu Á cũng quan trọng không kém. Theo số liệu của Hiệp hội Hoạt hình Nhật Bản năm 2022, bốn nhà nắm giữ hợp đồng lớn nhất là Đài Loan (với 651 tựa phim được cấp phép phát hành), Trung Quốc (587), Hàn Quốc (552) và Mỹ (529). Ở các vùng lãnh thổ châu Á, sự gần gũi về văn hóa và địa lý với Nhật Bản có thể mang lại lợi ích cho người cấp nhượng quyền và người được nhượng quyền.

“Quan điểm của tôi là khán giả thích giải trí dựa trên các giá trị văn hóa của riêng họ,” Ikezawa nói. “Giá trị văn hóa của một chương trình càng cụ thể thì càng có thể tiếp cận những người có cùng giá trị đó càng xa.”

Một ví dụ về bộ phim có thành tích khác biệt ở thị trường châu Á và phương Tây là phim hoạt hình bóng rổ The First Slam Dunk của Toei, phim có doanh thu cao nhất Nhật Bản năm 2023. Phim kiếm được hơn 38 triệu USD ở Hàn Quốc — nơi cũng mặn mà hoài niệm bộ truyện tranh Slam Dunk nguyên tác những năm 1990 — so với 1,3 triệu USD ở Mỹ.

The First Slam Dunk kiếm được hơn 38 triệu USD ở Hàn Quốc — nơi cũng mặn mà hoài niệm bộ truyện tranh Slam Dunk nguyên tác những năm 1990

“Mỹ vẫn là một thị trường lớn, nhưng ở cấp độ cơ bản, khán giả ở Đông Á và có lẽ rộng hơn là châu Á cởi mở hơn với các khả năng và thể loại khác nhau trong anime,” Huskey cho biết.

Một thách thức ngày càng tăng đối với các nhà phân phối nhỏ là sự hợp nhất ngành. Việc Sony mua lại công ty phát trực tuyến anime Crunchyroll (và việc sáp nhập với công ty phát trực tuyến Funimation thuộc sở hữu của Sony) đã biến công ty này thành một nhà phân phối rạp bên cạnh dịch vụ phát trực tuyến.

“Chuyện đó làm thay đổi động lực vì đột nhiên khiến lịch phát hành anime phụ thuộc nhiều hơn vào lịch phát hành của hãng phim,” Huskey nói. “Phim của Crunchyroll giờ đây phải nhường nhịn các bản phát hành của Sony Pictures.”

Mobile Suit Gundam SEED Freedom sẽ khởi chiếu ở Việt Nam ngày 5 tháng 4

Partridge cho biết, việc phân phối thông qua một công ty lớn như Crunchyroll có những lợi thế như triển khai quốc tế phối hợp và xây dựng thương hiệu nhất quán, nhưng khi nói đến quảng cáo thì các nhà phân phối nhỏ có thể cung cấp “kiến thức địa phương khó có thể sao chép.”

Ikezawa cho biết cái nhìn sâu sắc thực tế như vậy đã mang lại lợi ích cho Toei. “Việc có các đối tác ở các quốc gia khác, như CJ ENM ở Hàn Quốc, Studio La Cachette ở Pháp và Manga Productions ở Ảrập Saudi, giúp chúng tôi tìm ra loại câu chuyện nào phù hợp nhất cho thị trường nào, bởi vì chúng tôi có thể làm việc với những người nói lưu loát ngôn ngữ của thị trường đó.”

Về những thách thức ở phía sản xuất, Ikezawa nhấn mạnh rằng phim anime vẫn có kinh phí nhỏ hơn so với phim Mỹ và “được thực hiện với nguồn lực hạn chế hơn và đội ngũ nhỏ hơn”. Ông nói rằng thời gian sản xuất phim hoạt hình kéo dài có thể gây khó khăn cho việc bắt kịp xu hướng hiện tại.

Phim Doraemon thứ 43 dự kiến ra rạp ở Việt Nam ngày 24 tháng 5 với tựa Phim điện ảnh Doraemon: Nobita và Bản giao hưởng Địa cầu

Ông nói thêm: “Chúng tôi phải thực sự tin tưởng vào những dự án mà chúng tôi đang thực hiện và tin tưởng rằng chúng sẽ tìm được khán giả.”

Dịch: © Xuân Phong @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Screen Daily