Việt Nam

Phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long không phù hợp phát sóng dịp đại lễ

06/01/2011

Ý kiến của Hội đồng Duyệt phim lần hai là kiến nghị không phát sóng bộ phim trong dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đài truyền hình nào phát sóng thì tự chịu trách nhiệm với công chúng về chất lượng của bộ phim.

Ngày 25 và 26/9, Hội đồng Duyệt phim Quốc gia mở rộng (do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch thành lập) đã tổ chức thẩm định lại bộ phim 19 tập Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long.

Đây là bản phim đã được đơn vị sản xuất (Công ty Trường Thành) sửa chữa sau khi tiếp thu yêu cầu của Hội đồng Duyệt phim Quốc gia trong lần duyệt thứ nhất cách đây chưa lâu. Kết quả, ý kiến của phía thẩm định cho rằng bộ phim không phù hợp phát sóng trong dịp đại lễ.


Đoàn diễn viên Việt Nam chụp ảnh kỷ niệm cùng đạo diễn Cận Đức Mậu (giữa)

Đây là bản phim đã được đơn vị sản xuất là Công ty Trường Thành sửa chữa sau khi tiếp thu yêu cầu của Hội đồng Duyệt phim Quốc gia trong lần duyệt thứ nhất cách đây chưa lâu. Kết quả, ý kiến của phía thẩm định cho rằng bộ phim không phù hợp phát sóng trong dịp đại lễ.


Sửa không đạt
 
Sau lần thẩm định thứ nhất, Hội đồng Duyệt phim Quốc gia yêu cầu đơn vị sản xuất sửa bốn nội dung như: “Sửa một số lời thoại; sửa một số vấn đề liên quan đến lịch sử; cắt một số cảnh quá quen thuộc của Trung Quốc dễ gây sự hiểu nhầm cho khán giả, như cảnh vua đi lại ở cầu dích dắc trên mặt hồ, một số đại cảnh có đông diễn viên là người Trung Quốc, trang phục Trung Quốc...”.
 
Tuy nhiên, qua lần trình duyệt thứ hai này cho thấy việc sửa chữa vội vã của đơn vị sản xuất đã khiến hình ảnh và lời thoại trong phim nhiều đoạn không khớp, hình một đằng, thoại một nẻo, có những đoạn khá dài, các nhân vật đối thoại nhưng phim lại không có tiếng (toàn bộ tập 10).
 
Chu Tước, một địa danh không có thật trong lịch sử mà bộ phim đưa vào trong sự kiện Lê Hoàn đánh quân Tống, đã được sửa thành Ải Chi Lăng. Tuy nhiên, việc sửa chữa này vẫn không ổn.
 
Bởi, theo sử liệu ghi chép, trong cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ nhất, quân Tống đánh sang Việt Nam theo hai đường bộ và thủy. Đường bộ, quân ta chặn đánh ở Ải Chi Lăng; đường thủy, quân ta chặn đánh ở sông Bạch Đằng.
 
Hai đội quân này không gặp được nhau, thế yếu phải rút quân. Hoàn toàn không giống như những gì bộ phim thể hiện là “không cần đánh, quân Tống tự rút”. Dù là phim thì những sự kiện chính của lịch sử phải được tôn trọng.
 
Mặt khác, tuy tên bộ phim là Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long nhưng chỉ có một, hai tập phim đề cập chủ đề này, số còn lại phản ánh cuộc tranh giành quyền lực trong các triều đại.
 
Những cảnh chém giết nhau được mô tả khá kỹ, thể hiện tính dã man, tàn độc của những người tranh ngôi, đoạt vị.
 
 
Tấm lòng không thôi chưa đủ
 
Nếu để “nhặt sạn” ở bản phim đã sửa thì còn nhiều vô cùng. Tuy nhiên, cảm nhận chung của những ai đã tiếp cận với bản phim sửa này là yếu tố Trung Hoa vẫn đậm đặc ở bối cảnh, trang phục, đạo cụ, những cảnh diễn xuất sử dụng diễn viên quần chúng là người Trung Quốc.
 
Về điều này, có ý kiến cho rằng việc sử dụng bối cảnh, thuê mượn trang phục (dù ít) của Trung Quốc; sử dụng diễn viên, ê-kíp làm phim Trung Quốc... thì việc phim không thuần Việt (kể cả cách tiến hành câu chuyện, cấu trúc phim, cách trình bày các sự kiện...) là đương nhiên.
 
Nếu yêu cầu bỏ hết các chi tiết, yếu tố ảnh hưởng Trung Hoa trong phim thì chỉ có... bỏ phim. Trong khi tư nhân bỏ cả đống tiền làm phim, cần phải cân nhắc đến tấm lòng của họ.
 
Nhưng lại có ý kiến phản bác khi dẫn ra hàng loạt phim đề tài Trung Quốc do nước ngoài làm, như Hoàng đế cuối cùng (đạo diễn Bernardo Bertolucci) nhưng vẫn đậm chất Trung Hoa, có chút lai tạp nào đâu?
 
Vậy thì chỉ có thể lý giải là đơn vị sản xuất Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long thiếu kinh nghiệm về mọi mặt trong lĩnh vực sản xuất phim nên đã không đủ trình độ, bản lĩnh định hướng, giám sát, yêu cầu bắt buộc ê-kíp làm phim giữ cho bộ phim có yếu tố và không khí thuần Việt.
 
Được biết, ý kiến của phía Hội đồng Duyệt phim là kiến nghị không phát sóng bộ phim trong dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
 
Còn bao giờ phát sóng truyền hình và phát ở đài nào sẽ phụ thuộc vào các đối tác truyền hình của đơn vị sản xuất phim. Khi đó, đơn vị phát sóng sẽ phải lập hội đồng duyệt, yêu cầu sửa chữa theo đề nghị của họ đến mức có thể chấp nhận được và sẽ chịu trách nhiệm trước công luận về chất lượng của bộ phim.
 
 
Giáo sư sử học Lê Văn Lan “bị oan”
 
Cũng phải trách cả những người có trách nhiệm đã tham gia vào bộ phim này với các tư cách và vai trò khác nhau. Tuy nhiên, trong số những người tham gia phim, có tên trên phần giới thiệu (généricque), giáo sư sử học Lê Văn Lan lại là trường hợp “bị oan”
 
Được biết, ông không hề tham gia vào phim với tư cách là cố vấn sử học, thậm chí theo cách nói của ông là không hề “dính líu” một chút gì với tư cách này. Đơn vị sản xuất phim đã cố tình đưa tên ông vào phim và ông đã phản ứng điều này với đơn vị sản xuất. Nghe nói, sau khi ông phản đối, đơn vị sản xuất đã gặp ông và muốn ông ký kết một hợp đồng với trách nhiệm này như một sự “hợp pháp hóa” việc ghi tên “đã rồi” trên phim nhưng vị giáo sư này đã từ chối. Và tuyên bố sẽ tiếp tục phản ứng về cách làm không đúng của đơn vị sản xuất phim này.

Nguồn: Theo Thanh Niên Online

 

 

hptc advertisment