Bình luận phim

Chiến binh bất tử

23/11/2011

Nói trước ngay từ đầu - Immortals (phát hành ở Việt Nam với tựa đề Chiến binh bất tử) sẽ không tranh giải gì về mặt kịch bản hết. May thay, bất kỳ ai quen thuộc với hai phim trước của Tarsem là The CellThe Fall đều biết rằng cựu đạo diễn quảng cáo nổi tiếng với việc kết hợp cảm xúc, chủ đề và nội dung phim với khả năng sử dụng hiệu ứng chuyên nghiệp.

Immortals là câu chuyện về Theseus (Henry Cavill), một thường dân có thể là hy vọng duy nhất của loài người nhằm chống lại tên vua điên loạn Hyperion (Mickey Rourke), kẻ đã tuyên chiến với không chỉ nhân loại mà còn với các vị thần ông ta căm ghét vì đã không can thiệp lúc ông ta và thần dân cần đến họ nhất. Luật cổ định rằng thần linh không được can dự vào việc của người trần, trừ khi các vị thần bị đánh thức và tàn phá mặt đất. Kế hoạch của Hyperion là chiếm lấy cây cung Epirus, vũ khí duy nhất đủ mạnh để giải phóng các vị thần khỏi nơi giam giữ, và buộc thần linh phải đối đầu với ông ta.

Theseus (Cavill) đang giương cây cung Epirus

Sau khi mẹ anh và cả làng bị Hyperion thảm sát, Theseus thề độc sẽ diệt trừ tên vua bạo ngược này. Theseus không hay rằng, anh được chính thần Zeus (Luke Evans) giám hộ suốt đời trong lốt một ông già (John Hurt) trong bối cảnh đen tối này. Theseus còn được Phaedra (Freida Pinto) hộ tống, một nữ pháp sư xinh đẹp tiên đoán được tầm quan trọng của Theseus đối với kết quả của trận chiến này, và muốn đảm bảo rằng anh đi đúng đường, cùng Stavros (Stephen Dorff), tên trộm cùng chí hướng với Theseus, tỏ ra là một đồng minh trung thành.

Tuy những đoạn phim giới thiệu và quảng bá cho Immortals khiến phim trông như một phiên bản khác của 300, thì những khoảnh khắc mở đầu đã cho thấy phim này chẳng giống với phim của Zach Snyder chút nào. Hiệu ứng hình ảnh Snyder dùng trong 300 dựa trên việc tái tạo hình ảnh và cảm nhận đầy gai góc, tương phản mạnh mẽ từ tiểu thuyết bằng tranh của Frank Miller, thì cách Tarsem tạo hiệu ứng trong Immortals lại đậm chất nghệ thuật cao cấp Baroque (phong cách nghệ thuật Phục hưng Ý), lấy cảm hứng từ các họa sĩ như Caravaggio và Rembrandt. Kết quả thực sự vượt trội.

Ví dụ một cảnh quay hoành tráng gợi nhớ nghệ thuật Baroque

Nghệ thuật Baroque có thể truyền tải kịch tính và sự hỗn loạn của một cảnh lịch sử nổi tiếng chỉ trong một bức tranh, và Tarsem cố nắm bắt được chính xác tinh hoa đó bằng bố cục cảnh quay xuất sắc với kỹ thuật ánh sáng tuyệt vời của anh và đạo diễn hình ảnh. Tarsen còn dùng hiệu ứng chuyển động chậm trong nhiều cảnh hành động, nhờ đó đem lại cho chúng ta ấn tượng sâu sắc hơn khi được chiêm ngưỡng một bức tranh chuyển động, và còn giúp ta chìm đắm trong khung cảnh mênh mông đang diễn ra trên màn hình.

Ít thành công hơn là cách phim tận dụng hiệu ứng 3D chuyển đổi hậu kỳ. Tuy hiệu ứng này khá tốt trong vài tình huống, vẫn có nhiều cảnh được thực hiện quá tối để thực sự hiệu quả với 3D. Dù không đạt được chiều sâu như bản làm lại 3D cực kỳ tối tăm của Fright Night, phim có lẽ sẽ ấn tượng hơn nếu có cách thể hiện tươi sáng và sống động hơn cho phép chúng ta thấy rõ mọi chi tiết tuyệt diệu.

Đây là vai chính đầu tiên của Henry Cavill sau khi được công bố là Siêu nhân tiếp theo, anh đã chứng tỏ bản thân là một ngôi sao điện ảnh trong hiện tại (điều mà người hâm mộ Cavill từ The Tudors chắc biết lâu rồi). Vai diễn của anh thể hiện sự nghiêm túc và thành thật giúp anh trở thành một ngôi sao màn bạc được yêu mến, điều này có lẽ đã mất đi sau khi phim thụt lùi thành một phim anh hùng đặc trưng. Anh vạm vỡ và hung bạo, mà không cần miễn cưỡng dùng đến hóc-môn và những câu nói sáo mòn.

Anh hùng Theseus (Henry Cavill), nữ pháp sư Phaedra (Freida Pinto) và tên trộm Stavros (Stephen Dorff)

Mickey Rourke vào vai vua Hyperion, một kẻ có tâm hồn tràn ngập sự báo thù. Anh có khả năng truyền tải nỗi buồn và cơn giận cùng một lúc, mà anh đã thể hiện rất hiệu quả những năm sau này kể từ vai diễn trong Sin City. Anh có phong thái trang trọng, giúp cho tầm ảnh hưởng của trận chiến giữa Theseus và Hyperion thêm mạnh mẽ, và nhờ đó cảm xúc thêm phần thỏa mãn. Freida Pinto diễn tròn vai, mặc dù nhân vật của cô có vẻ chìm vào cuối phim, và được thấy Stephen Dorff trên màn ảnh rộng luôn là điều hay ho.

Các thần linh - như đã nói phía trên, gồm Evans vai thần Zeus, Isabel Lucas vai Athena, Kellan Lutz vai Poseidon, Daniel Sharman vai Ares and Steve Byers vai Heracles (Héc-quyn) - đều có khoảnh khắc tỏa sáng, bất chấp phần lớn cảnh phim là họ nhìn xuống trần gian từ đỉnh Olympus. Rõ ràng họ không thất vọng, mà còn gần như chiếm lấy bộ phim với cảnh đánh nhau dữ dội được quay châm dẫn đến hàng tá cái đầu và tứ chi nổ tung tóe được chiếu chậm. Cũng nhờ công của Tarsem, mỗi khi phim bùng nổ cảnh hành động máu lửa như thế, vẫn cố giữ được vẻ đẹp đầy nghệ thuật.

Với Immortals, Tarsem đã tạo ra một phim sử thi thần thoại lộng lẫy và hoành tráng bằng sức mạnh hình ảnh vượt xa những thiếu sót trong kịch bản khá bình thường. Tuy cách thể hiện đó có thể không phù hợp với mọi khán giả, những ai chấp nhận được cách kể chuyện bằng hình ảnh như thế này sẽ thấy như họ vừa bước vào một tác phẩm nghệ thuật sống động như thật.

Điểm: 4/5 sao (8/10)


Dịch: © Thái Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: IGN


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi

+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.