Bình luận phim

Mamma Mia! Yêu lần nữa thuần vui vẻ nhưng bạn sẽ khóc

23/07/2018

Giữa lúc tối tăm muộn phiền, đôi khi tất cả những gì bạn cần là Cher với mái tóc giả vàng bạch kim óng ả hát Fernando. Một sự ca ngợi cảm xúc ngất ngây, lộng lẫy của Mamma Mia! phần tiếp theo.

Xem được nửa chừng Mamma Mia! Yêu lần nữa, cảnh ở quầy bar khi ca khúc Dancing Queen bắt đầu vang lên – người viết bắt đầu khóc.

Alexa Davies, Lily James, và Jessica Keenan Wynn trong phiên bản trẻ của Tanya, Donna, Rosie ngày tốt nghiệp đại học

Nếu có một nét chấm phá đặc biệt thiên tài trong phần tiếp theo của bộ phim nhạc kịch này, thì đó là cách nối liền nhạc pop của ABBA còn vang mãi trong tâm trí với cảm xúc sâu sắc, tột bậc.

Một phim Mamma Mia!, vốn là để nói: Cực kỳ! Ngớ ngẩn! Nhưng lại là một bộ phim nói về cuộc sống, cái chết, ước mơ, hôn nhân, tình bạn, và gia đình với cường độ bùng nổ chỉ có thể đạt được bằng cảnh Cher trong mái tóc giả màu vàng bạch kim, quần váy thắt đai hát Fernando với Andy Garcia giữa lúc pháo hoa tràn ngập thắp sáng bầu trời đêm Hy Lạp phía sau họ.

Ra mắt mười năm sau khi Meryl Streep mặc jumpsuit nhảy disco hát Super Trouper bất ngờ lấy 600 triệu USD ở phòng vé và trở thành bộ phim chiếu đi chiếu lại trong phòng khách các gia đình, Mamma Mia! Yêu lần nữa lấy những gì đã khiến bộ phim đó ngay lập tức trở thành kinh điển và lên âm lượng, mà không làm mất đi kết cấu (polyester) của phim đầu.

Khi Donna gặp Harry (Hugh Skinner)

Bầu trời và làn nước Hy Lạp ấy? Xanh hơn trước. Các ca khúc ABBA thì sao? Ngẫu hứng hơn. Sự lố lăng? Không chút xấu hổ hơn. Diễn xuất? Bạn không đọc phần về Cher hát Fernando ở trên à? Còn đặt cược cảm xúc, ôi, được nâng lên đến mức MERYL STREEP ĐÃ MẤT! Chúa ơi.

Phần tiền truyện, quay lại những cảnh nhân vật của Streep, Donna, là một con người tự do tuổi hai mươi, và phần tiếp theo, là một bộ phim về tình mẫu tử, các mối quan hệ khác nhau tạo thành một gia đình, và, ở một số khía cạnh, về quản lý khách sạn.

Cũng là một bộ phim mà Meryl Streep đã chết và mọi người không thể ngừng khóc khi đề cập đến cô, tới mức điều duy nhất có thể khiến họ vui lên là Cher đến và hát một ca khúc. Đây là một thực tế thay thế cực kỳ dễ hiểu.

Đây là tấm chăn len xinê, với sự ngốc nghếch, cảm xúc chân thành, phong cảnh Hy Lạp hữu tình, vũ đạo cuồng nhiệt, và niềm vui xưa cũ dệt nên cái đẹp quen thuộc mà bất kỳ ‘fan’ phim gốc nào cũng lập tức thấy dễ chịu để quấn mình vào, đặc biệt trong thời buổi này.

Donna gặp Bill (Josh Dylan)

Mamma Mia! Yêu lần nữa sẽ làm bạn cảm động: cảm động đến rên rỉ, cảm động đến khóc (ít nhất ba lần, theo như người viết đếm), cảm động đến tự phát hoan hô lúc Christine Baranski đọc thư, và cảm động đến mức khiêu vũ-ngồi trên ghế của bạn. Và, đối với sự yêu mến dành cho nỗ lực hát lần nữa của Pierce Brosnan, bạn cảm động mỉm cười.

Khi phần tiếp theo được sinh ra từ một bộ phim (và trước đó là một vở nhạc kịch Broadway) điên rồ như thế — Meryl Streep điều hành khách sạn trên một hòn đảo xa xôi của Hy Lạp, con gái cô sắp kết hôn và cô ấy mời ba người đàn ông có thể là bố mình đến dự đám cưới — có những câu hỏi rõ ràng cấp bách rằng, sau một thập kỷ, nhóm sáng tạo quyết định chọn câu chuyện xảy ra khi nào.

Nhân vật của Meryl Streep chết thật sao? Đúng thế, thiên địa thánh thần ơi!!!??? Thành thật mà nói, bạn nhớ sự hiện diện của cô ấy khủng khiếp. Lily James, đóng vai Donna trong những cảnh hồi tưởng, rất quyến rũ, và Amanda Seyfried, vai Sophie trong hiện tại, là bộ đánh lửa. Nhưng họ không phải là Meryl Streep mặc quần yếm hát về việc cô ấy bị lừa dối như thế nào và cô ấy nghĩ người đó biết là khi nào! Thực sự gai hết cả người và khá là tàn nhẫn. Đây là Mamma Mia! phần tiếp theo bạn đã thèm khát, nhưng người ta lại giết Meryl!

Sam (Jeremy Irvine) và Donna trên hòn đảo thần tiên

Thậm chí còn lại ca khúc nào của ABBA để hát không? Vâng, chắc chắn người ta sẽ vét thùng, trừ khi tình cờ bạn là ‘fan’ lớn của When I Kissed the TeacherAndante, Andante. May thay, bộ phim cũng thể hiện các ca khúc Waterloo Fernando nói trên, cả hai bài không có trong phim đầu tiên, và sau đó bắt đầu hát lại tất cả các ‘hit’ hay nhất: Mamma Mia, Dancing Queen, và Super Trouper.

Cher có bù đắp được việc không có Meryl không? Không thể nào không đề cao Cher trong bộ phim này, dù cô chỉ xuất hiện gần cuối. Cũng không chỉ là vì Fernando. Lời thoại của cô nghe hay chết đi được. Có thật là bạn nghĩ sẽ không hay? Là Cher đó! Chớ có mà nghĩ như vậy!

Rốt lại, thế thì phim có dở tệ không? Dường như là nỗi sợ mang tính bản năng. Cái tựa ‘Here We Go Again’ nghe hội hè vui nhộn. Phần tiếp theo của một phim nhạc kịch — có ai nhớ Grease 2 không? Có thể hay chứ? Nghe nè, thưa bà con. Nếu bạn sắp mua vé xem phim này, bạn đang mua vé để xem Colin Firth và Stellan Skarsgard diễn lố trong khi nhảy nhót theo các ca khúc của ABBA. Bạn mua gì thì nhận được nấy, và một vài thứ khác.

Christine Baranski (Tanya hiện tại), Julie Walters (Rosie hiện tại), và Amanda Seyfried trong vai Sophie, con gái của Donna

Nửa đầu phim công nhận có chút ì ạch. (Nói thẳng là: chán.) Nhưng có một nốt thăng — một nốt thăng đúng nghĩa đen; xảy ra khi Lily James bắt đầu hát Mamma Mia — mọi thứ trở lại và trái tim bạn đập rộn ràng đúng nghĩa đen từ khoảnh khắc đó cho tới bùng nổ khi tất cả dàn diễn viên phục trang hoàn chỉnh (cả Meryl!) ra trình diễn lần cuối để chào tạm biệt.

Điều độc đáo về Mamma Mia! là chúng ta luôn viết đùa về việc trong một dự án phim như thế này, cốt truyện là thứ yếu. Nhưng cốt truyện Mamma Mia! phức tạp một cách buồn cười, với ba ông bố điên rồ, và Yêu lần nữa đi theo tuyến truyện đó một cách đầy trách nhiệm.

Để tưởng nhớ người mẹ đã mất — vẫn chưa thể vượt qua nỗi buồn — Sophie của Seyfried hoàn thành ước mơ của Donna biến khách sạn trở thành một điểm nghỉ mát sang trọng. Đêm trước lễ khai trương khách sạn và cả nhóm tề tựu với nhau để ăn mừng. Có thể hiểu được, Sophie liên tục nghĩ về mẹ mình, hồi ở tuổi của cô khi đến đảo này, và đó là khi bộ phim quay về Donna thời trẻ của Lily James.

Pierce Brosnan, Colin Firth, và Stellan Skarsgård vẫn đủ phong độ trong vai ba ông bố

Những cảnh hồi tưởng cơ bản kịch tính hóa câu chuyện “chấm, chấm, chấm…” từ ca khúc Honey, Honey, trong đó Sophie đọc nhật ký của Donna và biết mẹ cô đã gặp Sam (Brosnan), Harry (Firth) và Bill (Skarsgard) như thế nào. Nhưng, tuy tất cả diễn viên trong vai các phiên bản trẻ của những nhân vật này chắc chắn hấp dẫn, và cuối cùng chúng ta cũng được nghe Waterloo, cảnh hồi tưởng càng nhiều càng trở nên không cần thiết.

Chúng ta đã có cả một bộ phim xác định mối quan hệ mẹ và con gái mãnh liệt của Donna và Sophie rồi, và lịch sử phức tạp của cô với ba ông bố. Chúng ta không cần những đoạn hồi tưởng này nhắc lại chuyện đó. Kéo dài một bài hát thành nửa bộ phim không làm căng thẳng kịch tính gia tăng. Chúng ta đã biết căng thẳng đó được giải quyết ra sao rồi. Hơn nữa, làm vậy khiến chúng ta phải rời khỏi căng thẳng kịch tính hơn hết thảy: Một thế giới mà Meryl Streep đã qua đời!

Điều thú vị của bộ phim là thăm lại các nhân vật từ phần đầu, và thật bực mình vì không dành toàn bộ thời gian cho họ. Sophie, sơ sài như những bộ phim này, là vai diễn tốt nhất mà Amanda Seyfried có được. Bản mô tả nhân vật cho Sophie cũng có thể là “phiên bản con người của Amanda Seyfried mắt to”, vì tất cả những cảm xúc dễ vỡ, khí khái, và kỳ diệu mà vai diễn đòi hỏi.

Cher với mái tóc giả vàng bạch kim óng ả hát Fernando cùng Andy Garcia

Christine Baranski và nhân vật cô nàng quậy tưng của cô quay lại phóng phi tiêu độc những kẻ ve vãn suông, và Julie Walters có thể một mình chịu trách nhiệm hồi tỉnh nhịp tim của phần tiếp theo mỗi khi hành động quay lại hiện tại. (Christine và Julie: thêm một bộ đôi biểu tượng. Chúng ta sẽ đợi xem.)

Brosnan, Firth, và Skarsgard là những diễn viên đủ kỹ năng để chạy cuồng theo tinh thần sến súa của bộ phim, loại phim trong đó một người tự nhiên bật hát một ca khúc ABBA và những người lạ ngẫu nhiên tại nhà hàng, khách sạn hoặc quảng trường thành phố trở thành vũ công nền.

Nên phần lớn vũ đạo là những đám đông chạy, đi xe đạp, đi bộ đường dài, nhảy tót qua và nhất tề nhảy múa từ chỗ này đến chỗ khác, cuối cùng luôn nhảy xuống nước. Cảnh người chầm chậm nhảy xuống nước là tương đương cảnh quay cháy nổ hoặc một vụ nổ CGI của Mamma Mia!, những cảnh quay tốn tiền mà vì đó khán giả đi xem. Tuyệt vời.

Chính đó là điều hết sức tuyệt vời của cảnh Dancing Queen khiến người viết khóc. Một cảnh tôn vinh tưng bừng.

Đỉnh điểm cảm xúc, những hợp âm quen thuộc ấy bắt đầu bùng nổ, những tiếng ‘aaa’ của ABBA bắt đầu thủ thỉ, và camera lia vào một hạm đội du thuyền chở hàng tá diễn viên quần chúng da rám nắng (cộng Colin Firth) nhảy múa tưng bừng hỗn loạn. Một cảnh sôi nổi: những nguồn vui siêu nhân này thăng hoa dưới ánh nắng mặt trời Hy Lạp và chỉ có nhạc pop Thụy Điển mới nuôi dưỡng, rung lắc và hát theo cách riêng để đoàn tụ một gia đình.

Thế giới lúc này đang vỡ mộng. Bộ phim, lố bịch cùng cực đấy, lại hết sức hàn gắn. Không thể chần chừ phải xem lại ngay mới được.

Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Daily Beast


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.