Bình luận phim

Những cậu bé khiếm thính trưởng thành nhờ bóng chày

24/02/2011

Phim mới Glove của Kang Woo Suk kể câu chuyện về hy vọng.

Như nhiều môn thể thao khác, bóng chày là trò chơi giao tiếp. Các tay bắt bóng hét lên điểm mốc (base) nào cần đến, đám đông gào rú khi có người đánh được cú home-run, và huấn luyện viên liên tục la to việc cần làm khi các cầu thủ đến điểm mốc. Đây cũng là môn thể thao tập hợp sự cố gắng của cả đội. Chỉ một tay ném (pitcher) xuất sắc không làm nên một đội mạnh.

Phim mới của đạo diễn Kang Woo Suk, Glove, kể về mười cầu thủ bóng chày trẻ tuổi không thể giao tiếp theo cách hầu hết các cầu thủ khác làm. Dựa trên câu chuyện có thật về đội bóng chày thiếu niên của Trường khiếm thính Trái tim thánh Chungju – một trường Công giáo dành cho trẻ khiếm thính ở Chungju, phía bắc tỉnh Chungcheong – bộ phim mang đến bản khắc họa cảm động những tâm hồn trẻ trung trưởng thành nhờ môn thể thao này và nhiều thách thức khắc nghiệt họ đối mặt.

Bộ phim bắt đầu khi Kim Sang Nam (Jeong Jae Young thủ vai), một cựu cầu thủ nhà nghề từng là ngôi sao sáng của bóng chày Hàn Quốc, bị đuổi khỏi giải chuyên nghiệp vì những lời cáo buộc hành hung liên tiếp chống lại anh. Để cải thiện hình ảnh trước công chúng của anh, người quản lý tâm huyết của Kim và cũng là bạn anh Charles (Jo Jin Woong thủ vai) đề xướng Kim Sang Nam nên dẫn dắt đội bóng chày của trường Công giáo. Kim ngần ngừ đồng ý, và rốt cục cũng đến Chungju để huấn luyện các em. Xúc động bởi niềm đam mê bóng chày chân chính của các em dù khả năng và kỹ năng của các em còn kém, Kim bắt đầu dẫn dắt đội bóng gian khổ nhằm đến mục đích cuối cùng của các em: chiến thắng ít nhất một trận ở cuộc thi trung học toàn quốc.

Nam diễn viên Jeong Jae Young (bìa phải) trong vai một cựu cầu thủ bóng chày nhà nghề cuối cùng làm huấn luyện viên cho một đội bóng các em khiếm thính trong phim mới Glove của đạo diễn Kang Woo Suk [Ảnh: CJ Entertainment]

Đạo diễn Kang Woo Suk, từng có bước chuyển kinh ngạc trong phim gần đây nhất của mình Moss – một phim ly kỳ cực độ, cho biết ông muốn làm Glove như thể đây là lần đầu tiên ông làm phim.

“Tôi thấy bản thân muốn những thứ còn mạnh mẽ và kích thích hơn khi làm Moss,” đạo diễn Kang phát biểu tại buổi ra mắt báo giới tại CGV Wangsimni ở Seoul vào thứ hai 10/1.

“Và tôi thực sự không thích quá trình đó lắm. Thậm chí tôi đã nói ‘Tôi không làm thêm phim nào nữa sau phim này đâu.’ Nhưng quá trình làm phim Glove đã chữa lành cho tôi, kết quả là tôi nghĩ các phim tiếp theo của mình sẽ dễ lĩnh hội và linh hoạt hơn.”

Trong toàn tác phẩm, các em không chỉ tranh đấu với định kiến mà còn với lòng thương hại không mong muốn. Nỗ lực dữ dội của các em nhằm chứng tỏ giá trị của mình, trong lúc cố gắng vượt qua nhược điểm của mình trong quá trình tập luyện khắc nghiệt, gợi khán giả nhớ đến các nhân vật trong phim trước của Kang Woo Suk, Silmido (2003). Phim về quân đội thành công rực rỡ này kể về 31 người ngoài lề xã hội và tội phạm được chính quyền đảo Silmido bí mật đưa đi tập huấn quân sự nghiêm trọng, nhằm thủ tiêu lãnh đạo của Triều Tiên lúc đó là Kim Il Sung năm 1968. Tương tự như các em trong Glove, 31 người đàn ông trong Silmido tham gia đợt tập huấn, cảm thấy biết ơn rằng kỹ năng của họ thực sự được đề cao ở đâu đó, dù thậm chí đây là một dự án quân đội chết người.

Nhưng không giống như các nhân vật trong Silmido có cái kết bi thảm, các cậu bé trong Glove bước ra khỏi vỏ ốc và tựu hình nên tiếng nói của chính mình. Như giáo viên Joo Won (Yoo Seon thủ vai) của các em nói trong phim, các cầu thủ trẻ này chưa từng quen sống và làm việc với người khác trước khi chơi bóng chày, phần nhiều là vì khuyết tật của các em.

“Tự chăm sóc mình đã đủ khó cho các em rồi!” Joo Won nói trong phim, chỉ trích huấn luyện viên Kim khi bọn trẻ quá khắc nghiệt.

Đạo diễn Kang Woo Suk [Ảnh: Yonhap News]

Nhưng với nhiều mồ hôi và nước mắt, các em cuối cùng học được cách giao tiếp với nhau, bằng các dấu hiệu và phương pháp của riêng mình, và quan trọng nhất là, tin tưởng người khác khi chơi môn thể thao này. Sự tiến bộ như vậy, dù không dễ dàng chút nào, mang đến bản khắc họa cảm động về hy vọng của con người. Và không chỉ có các em. Kim, dù thành công vẫn phải tranh đấu, niềm đam mê bóng chày và trở thành con người vĩ đại hơn chính mình lúc đầu phim.

Các nam diễn viên trẻ vào vai mười cầu thủ dành ra ba tháng ở Trường khiếm thính Trái tim thánh Chungju, tham dự lớp và chơi bóng chày chung với các cầu thủ thật. Jang Ki Beom, trong vai tay ném duy nhất của đội – Cha Myeong Jae, mang đến diễn xuất nổi bật với vai một thiếu niên phải chịu đựng cả khuyết tật và tình trạng lạc lõng nghiêm trọng. Không như đồng đội bị khiếm thính bẩm sinh, Cha mất khả năng nghe khi lên trung học.

“Khi nói chuyện, các em ở trường Công giáo luôn nhìn vào mắt nhau,” Jang Ki Beom cho biết tại một buổi họp báo. “Đó là cách giao tiếp đặc biệt của họ và làm tôi cảm động theo nhiều cách.”

Bài hát chủ đề của bộ phim, The Best, được Hun Gak, quán quân chương trình Superstar K 2010 mùa thứ hai, và John Park, á quân của cuộc thi này, đồng biểu diễn.

Glove ra mắt vào ngày 20/1/2011.

Dịch: © Mai Khanh @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Korea Herald

+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.