Bình luận phim

Quan Vân Trường chiến đấu ở thế kỷ 21

23/05/2011

Vị danh tướng Trung Hoa xuất hiện trên màn bạc trong những cảnh chiến đấu ấn tượng và ly kỳ.

Nếu có một nhân vật lịch sử mà danh tiếng của ông vẫn vững vàng qua khảo nghiệm của thời gian và vượt qua mọi biên giới quốc gia, thì đó chính là Quan Vũ, hay thường gọi là “Quan Công”.

Trong hơn một nghìn năm, Quan Vũ được tôn kính như một vị tướng chính trực và can đảm của câu chuyện kinh điển thời cổ Tam quốc diễn nghĩa.

Danh tiếng của ông đã vượt qua mọi thời đại và ngày nay ông được phong là “Thần Chiến tranh” và là thần bảo hộ cho những người kết nghĩa anh em.

Ở thời hiện đại, có những đền miếu được xây dựng để tôn thờ vị tướng lịch sử này ở các quốc gia như Việt Nam, Đài Loan, Nhật Bản, Hồng Kông, Singapore, Malaysia, Trung Quốc và Macao.

Với gánh nặng tâm lý như thế, Chân Tử Đan quyết định nhận vai Quan Vũ trong The Lost Bladesman (phát hành ở Việt Nam với tựa đề: Quan Vân Trường). Không nghi ngờ gì, anh đã phải trải qua nhiều ngày cân nhắc làm sao để thể hiện hình ảnh Quan Công vĩ đại này.

Chân Tử Đan trong vai Quan Vũ

Với độ dài 107 phút, nhận định công bằng dành cho bộ phim sẽ là “một bản miêu tả trên trung bình về một chiến binh Trung Hoa” là biểu tượng của ba tôn giáo lớn nhất Trung Quốc – Lão giáo, Phật giáo và Khổng giáo.

Sau Diệp VấnDiệp Vấn 2, nhiều người háo hức chờ xem Chân Tử Đan sẽ nổi trội trong các vai diễn khác như thế nào. Và rồi, The Lost Bladesman là một điểm sáng khác trong sự nghiệp của anh. Anh đã vẽ nên bức chân dung đáng ca ngợi về Quan Vũ, người anh em trung thành của chủ công Lưu Bị.

Nếu muốn đưa lên màn ảnh toàn bộ câu chuyện về Quan Vũ thì thời lượng phim sẽ không thể chịu được, vậy nên các đạo diễn/biên kịch Mạch Triệu Huy và Trang Văn Cường quyết định thu hẹp lại vào cuộc hành trình có tài liệu dẫn chứng miêu tả sự kiện “vượt năm ải, chém sáu tướng”.

Mạch Triệu Huy và Trang Văn Cường đã tạo nên tiếng tăm từ loạt phim Vô gian đạo (Internal Affairs) năm 2002. Nếu bạn chỉ vừa xem The Lost Bladesman và bị ấn tượng với những cảnh hành động, thì bạn sẽ phải nhớ đến Chân Tử Đan, người tham gia với vai trò chỉ đạo hành động.

Phim cũng có những khoảnh khắc suy tư đầy ý nghĩa nêu bật một số phong cảnh đồng quê hấp dẫn nhất của Trung Quốc.

Ngay cả phần âm nhạc cũng rất tuyệt. Đó là vì Henry Lai, người chịu trách nhiệm cho bộ phim rất thành công Echoes of the Rainbow (Tuế nguyệt thần thâu), đã thêm vào phim cảm xúc cá nhân của ông.

Cảnh chiến đấu ngoạn mục nhất chính là cảnh đấu kiếm giữa Quan Vũ và một đối thủ rất mạnh dọc theo một con hẻm nhỏ.

Quan Vũ sử dụng loại binh khí yêu thích nhất của ông là cây thanh long đao để đỡ nhát đâm từ cây trường thương của đối thủ trong một chuỗi động tác phức tạp. Những người say mê binh khí Trung Quốc có thể thấy quen thuộc với thanh long đao được biết là nặng khoảng hơn 18kg.

Cách Quan Vũ tướng quân vung đao, như đã được mô tả đại trà, là kéo lê cạnh đao dọc theo mặt đất khi đang phi nước đại trên lưng ngựa và sau đó vung đao theo hình vòng cung chí tử vào quân địch đang ngáng đường ông.

The Lost Bladesman có vô số cảnh chiến đấu đáng chú ý với những động tác múa kiếm và động tác chân phức tạp và tinh vi có thể được những người đang tập wushu quen thuộc với binh khí Trung Hoa yêu thích.

Một cảnh chiến đấu của Quan Công

Người diễn viên đã giúp nâng cao thanh thế của bộ phim này theo một chừng mực nào đó chính là Khương Văn, trong vai Tào Tháo, một trong những vị thống lĩnh quan trọng của thời nhà Hán muốn vượt mặt các đối thủ là Lưu Bị và Viên Thiệu.

Khương Văn làm nên tên tuổi khi diễn xuất trong bộ phim Cao lương đỏ (Red Sorghum) của Trương Nghệ Mưu năm 1986 cùng với Củng Lợi. Ở Trung Quốc, ông nổi tiếng là một đạo diễn/diễn viên phim điện ảnh và phim truyền hình. Vai diễn Tào Tháo của ông đã đem đến cho bộ phim sức sống cần thiết.

Với một nữ diễn viên Trung Quốc đại lục khác là Tôn Lệ trong vai Kỳ Lan, ái thiếp của Lưu Bị và là người Quan Vũ đem lòng yêu thương, The Lost Bladesman đã có được cảm giác lãng mạn vốn hỗ trợ cho câu chuyện Tam quốc từ bấy lâu nay.

Tình yêu thoáng qua chưa trọn vẹn giữa Quan Vũ và Kỳ Lan đã làm nhẹ bớt khía cạnh cứng rắn, sắc nhọn của The Lost Bladesman – bộ phim chắc chắn được xem là “phim của nam giới”.

Những cảnh chiến đấu ấn tượng và ly kỳ chiếm ít nhất một nửa thời lượng phim, đáng chú ý với tính phức tạp và được biên đạo tựa như nhạc kịch.

Chân Tử Đan xứng đáng được tuyên dương với danh hiệu mà chắc chắn sẽ dẫn anh đến với một ngày tươi sáng hơn nữa trong sự nghiệp. Anh có sở trường đóng những vai có cá tính nổi bật mà các diễn viên khác có thể sẽ gặp khó khăn khi thể hiện ra những nét mặt của vai đó.

The Lost Bladesman là một bộ phim giải trí tuyệt vời. Khán giả người Hoa chắc chắn sẽ yêu thích phim hơn do ảnh hưởng của Quan Vũ đối với lối sống của cộng đồng này suốt nhiều thế kỷ qua.


Dịch: © Trúc Phương @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Free Malaysia Today

+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.