Bình luận phim

The Man From U.N.C.L.E. có gì khác ngoài gợi cảm và thời trang không vậy?

13/08/2015

The Man From Uncle mở màn một cách thích thú.

Lấy bối cảnh năm 1963, phim giới thiệu một điệp viên CIA tinh tế có tên Napoleon Solo (Henry Cavill), được giao nhiệm vụ đưa một cô thợ máy xinh đẹp người Đức, Gaby (Alicia Vikander), thoát khỏi Đông Berlin. Không may cho anh, Illya Kuryakin (Armie Hammer) của KGB muốn làm khác, thế nên chẳng bao lâu hai anh chàng gián điệp này đuổi nhau khắp thành phố, luân phiên đánh lừa nhau, dí nhau sát rạt đến độ hai xế hộp Đông Đức của họ đâu đầu. Kết hợp phong cách thuần khiết của phim Bond thời kỳ đầu với cảnh thành thị u ám của The Third Man, phim có tính giải trí, duyên dáng, hóm hỉnh và hồi hộp. Điều gây bực mình là phần còn lại của cả bộ phim lại không được hay như vậy.

Có rất nhiều nguyên nhân, mà nguyên nhân lớn nhất là Solo và Kuryakin kết hợp quá nhanh ngay sau khi họ đụng độ nhau ở Berlin, và không ai khác trong The Man From Uncle có thể gây khó khăn cho họ bằng họ gây khó khăn cho nhau. Một phim tiền truyện cho loạt truyền hình hợp thời hồi thập niên 1960 với Robert Vaughn và David McCallum, đặt câu hỏi tại sao hai kẻ ở hai phía của Bức màn sắt đối đầu nhau thời Chiến tranh lạnh lại có lúc chung sức: làm thế nào hai kẻ thù không đội trời chung ép buộc được bản thân bỏ qua sự khác biệt? Nhưng câu trả lời là: hai kẻ thù không đội trời chung đó không hề ghê gớm chút nào.

Do Guy Ritchie đạo diễn và đồng biên kịch, The Man From Uncle có Solo và Kuryakin vận hết nguồn lực để cứu một nhà khoa học nguyên tử của Đức – cha của Gaby – thoát khỏi mưu đồ của phát xít Ý. Và, nói thế này, có vẻ chẳng phải chuyện gì lớn lao. Tuy nhiên, hóa ra sứ mệnh chung sức của các người hùng của chúng ta lại là một công việc chẳng có gì khó. Họ nhanh chóng thâm nhập lực lượng phát xít, dẫn đến thắng được nhân vật phản diện chính, Victoria (Elizabeth Debicki), một người có vai vế hợm hĩnh một cách buồn cười nhưng chẳng mảy may đáng sợ. Để làm được điều này, họ phải lượn lờ ở những địa điểm du lịch và khách sạn xa hoa ở Rome, như những người mẫu mà họ đóng giả. Công việc khó nhằn nhất của họ – mảng miếng trung tâm của cả bộ phim – là nhâm nhi champagne và nói chuyện phiếm ở bên lề cuộc đua mô tô. Chắc chắn anh chàng gián điệp CIA có thể xoay xở được chuyện này.

Elizabeth Debicki trong vai Victoria

Giọng điệu ung dung nhàn nhã của bộ phim có vẻ do nhân vật Solo của Cavill ấn định, và cái vẻ vô tâm không suy suyển một sợi tóc của anh ta. Trong khi anh chàng Kuryakin cộc cằn của Hammer đôi lúc hành xử như thể chuyện mình đang làm là rất quan trọng, Solo được giới thiệu như một kẻ từng đầu cơ trục lợi chiến tranh và cựu đạo chích tác phẩm nghệ thuật chỉ làm việc cho CIA để tránh ngồi tù lâu. Anh ta chả màng chấn chỉnh hay cứu lấy nền văn minh, mà cũng chẳng quan tâm đến Kuryakin hay Gaby. Có vẻ mô phỏng thái độ thờ ơ lố bịch và quá rõ ràng ám chỉ đặc vụ Smith của Hugo Weaving trong The Matrix, Cavill đóng vai Solo như một gã nghểnh đầu và nhướn mày khi xúc động, mà cũng là một kẻ nhìn chung thỏa chí đến độ ngừng lại vì một miếng bánh sandwich hay một ly rượu trong khi cộng sự của mình đang né đạn bắn như mưa. Cavill quả là can đảm chọn cách miêu tả nhân vật đáng ghét như vậy, và thoạt đầu cũng vui khi thấy anh phản ứng trước hiểm nguy với cái kiểu bối rối của một chú mèo gà gật bên bậu cửa sổ một ngày nắng đẹp. Nhưng, cuối cùng, khán giả trông đợi có nhiều hơn yếu tố hồi hộp căng thẳng về một khả năng tiềm ẩn Thế chiến thứ III trong khi Solo rõ ràng là không hề căng thẳng. Anh quan tâm đến việc liệu có làm rơi vãi vụn bánh mì Ý lên bộ vét ba lớp (three-piece suit) may đo của mình không nhiều hơn.

Tương tự, Ritchie chỉ đạo bộ phim với vẻ thờ ơ giả tạo. Sau màn dạo đầu oai phong, anh nỗ lực thấy rõ để quăng ra những cảnh hành động: quay từ xa, mỉa mai bằng những ca khúc nhạc pop, đốn chặt trong cắt cảnh. Khán giả được mời để cười khẩy chứ không phải để nín thở vì hồi hộp. Như diễn xuất của Cavill, đây có vẻ là một cách tiếp cận khác thường táo bạo, nhưng nếu Ritchie khinh khỉnh phim hành động đến thế, lẽ ra anh chớ nên ký hợp đồng đạo diễn phim này.

Hai kẻ thù trở thành đối tác Napoleon Solo của CIA (Henry Cavill, trái)
và Illya Kuryakin của KGB (Armie Hammer)

Có nhiều thứ để thưởng thức trong chuyến dạo chơi vui vẻ của Ritchie băng qua bẫy rập của hoạt động gián điệp ở vùng Địa Trung Hải thập niên 1960. Khác biệt hóa một cách khôn ngoan với những phim muốn trở thành phim Bond khác ở rạp chiếu, The Man From Uncle chìm đắm trong những cảnh chia đôi màn hình, thời trang hoài cổ xa hoa và nhạc nền bật ngón tay: từ sau Anchorman không được nghe sáo flute chơi nhạc jaz nhiều đến thế trong một phim Hollywood. Còn có vài trò đùa và thắt nút khiến người ta bật cười.

Cuối cùng, đáng để nhớ rằng phim Sherlock Holmes đầu tiên của Ritchie lên đỉnh với cảnh mở màn vui vẻ phởn phơ trước khi tuột dốc không phanh, và rằng phim thứ hai là một sự cải thiện lớn. Nếu The Man From Uncle có phần tiếp theo, có lẽ cũng có thể thú vị, giá như phần đầu không phải làm công tác tư liệu về sự hình thành tổ chức Uncle, thì phim có thể để cho ông sếp nhăn nhở của nhóm này (Hugh Grant) có thêm thời lượng xuất hiện rồi. Bộ phim thong thả nước kiệu này có được ưa thích đủ để xứng đáng có phần tiếp theo hay không lại là chuyện khác.

Đánh giá: ★★★☆☆

Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: BBC News


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.