Bình luận phim

Thiếu Lâm

14/03/2011

Miền trung Trung Quốc những năm đầu Cộng hòa, thập niên 1920. Tại Đăng Phong, tỉnh Hà Nam, một trận chiến tranh giành thành phố vừa xảy ra giữa những tướng lĩnh thù địch nhau.

Poster phim Thiếu Lâm (2010)

Khi đông đến, các nhà sư Thiếu Lâm tự giúp thu xếp nơi ăn chốn ở cho người dân địa phương. Vị tướng bại trận Hỏa Long (Trần Chí Huy thủ vai) lánh nạn trong chùa, nhưng anh vẫn bị người tướng thắng trận Hậu Nhai (Lưu Đức Hoa thủ vai) truy lùng và hạ sát, thậm chí dù đã giao nộp cho Hậu Nhai tất cả của cải có được. Sau khi nắm quyền kiểm soát thành phố, Hậu Nhai bảo phó tướng Tào Man (Tạ Đình Phong thủ vai), người vài năm trước anh cưu mang như em trai, đi ám sát tướng Tống Hổ (Thích Tiểu Long thủ vai), người muốn chia đôi thành phố với họ. Vợ của Hậu Nhai (Phạm Băng Băng thủ vai) cầu xin anh đừng làm vậy, vì Tống Hổ là anh kết nghĩa của Hậu Nhai, nhưng anh không nghe. Tại bữa tối sắp diễn ra vụ thích khách, kế hoạch hóa hỏng bét, và Hậu Nhai chỉ xoay sở trốn thoát cùng đứa con gái nhỏ bị trọng thương. Hậu Nhai ẩn náu trong Thiếu Lâm tự và khẩn cầu các nhà sư cứu con mình, nhưng cô bé đã chết. Vợ Hậu Nhai phẫn nộ nên bỏ anh ra đi. Sau khi gặp nhà sư phiêu bạt Vũ Đạo (Thành Long thủ vai) làm việc trong nhà bếp của Thiếu Lâm tự, Hậu Nhai ở lại chùa làm sãi, dù bị nhiều nhà sư thù hằn – trong đó có Kinh Năng (Ngô Kinh thủ vai), Kinh Hải (Dư Thiếu Quần thủ vai) và Kinh Không (Thích Diên Năng thủ vai) – vì hành động trước giờ của anh với họ. Tuy nhiên, anh dần gầy dựng được niềm tin nơi họ và xuống tóc thành sư với pháp danh Tịnh Quyết. Trong Lúc đó, Tào Man, sau vụ thích khách Tống Hổ đã phản Hậu Nhai, bắt tay với quân lính Anh để giúp họ xây đường sắt, đổi lại anh được súng máy. Mờ mắt vì quyền lực, Tào Man yêu cầu Hậu Nhai tái hợp sức với hắn, nhưng anh từ chối, đặt cả hai vào tình thế đối đầu – và có cả Thiếu Lâm tự bên họ.

Dù tựa đề tiếng Hoa (Tân Thiếu Lâm tự) báo hiệu đây là bản làm lại bộ phim của đại lục năm 1982 đã giới thiệu Lý Liên Kiệt vào nghề, Thiếu Lâm cũng chỉ là một phim hành động thị trường gợi nhớ các tác phẩm của Hồng Kông quay ở Trung Quốc 20 năm trước. Kịch bản tập trung vào một người đàn ông tìm sám hối nơi cửa phật, và bộ phim cũng có sự tham gia của nam diễn viên kiêm bậc thầy wushu Vu Hải trong bản gốc, nhưng bối cảnh được chuyển đến cập nhật hơn vào đầu thế kỷ 20 – với một thông điệp mạnh mẽ cho thời nay về việc “các ông lớn vấp chân khi thâm nhập Trung Quốc”, theo lời giới thiệu phim – và trong Thiếu Lâm không tập trung quá mức vào việc rèn luyện và kỹ thuật như phiên bản 1982, những yếu tố đã từng là một phần của các phim võ thuật thời đó. Là một phim giải trí đơn thuần, Thiếu Lâm là một chuyến du hành dài hơn hai tiếng, với các nhân vật được vẽ nên mạnh mẽ, vài trường đoạn hành động tốt (lần Lưu Đức Hoa chạy thoát nhờ rìu và ngựa hay trận sụp đổ cuối cùng của ngôi chùa), và phối màu tốt với vẻ xám xịt cũ kỹ của cảnh chùa. Vấn đề chính là, như nhiều phim của đạo diễn Trần Mộc Thắng (Siêu cảnh sát, Bao vây toàn thành), vẫn “hứa nhiều làm chẳng bao nhiêu”.

Cảnh trong Thiếu Lâm

Bản gốc của phim này khoảng ba tiếng, và nhiều phần có vẻ đã biến mất trong phòng cắt phim khi các nhà làm phim cố giảm thời lượng xuống còn hơn hai tiếng. Sau mở đầu chia làm nhiều nhánh, dẫn đến tình cảnh khốn khổ của người dân sau trận chiến giữa các vị tướng lĩnh đối đầu nhau, và đặt nền cho mối xung đột giữa vị tướng tàn nhẫn của Lưu Đức Hoa và vai phó tướng hiểm họa khôn lường của Tạ Đình Phong, và giữa các nhà sư với nhau, bộ phim phác nên đời sống của Lưu Đức Hoa cùng vợ và con gái nhỏ, tiếp sau đó là trường đoạn nhịp độ tốt tại nhà hàng nơi kế hoạch thích khách của trở nên hoàn toàn trật chìa. Tuy nhiên, từ đó về sau, Thiếu Lâm dần dần cởi bỏ bất kỳ dấu hiệu nào giả vờ là một phim chính kịch tâm lý sử thi và trở thành phim hành động đúng công thức. Thậm chí nhân vật nhà sư nấu bếp của Thành Long cũng được dựng nên khá thú vị nhưng rồi lại bị bỏ phí khá nhiều: ngôi sao kỳ cựu này có cảnh giao đấu khéo léo bằng các dụng cụ bếp cùng bọn trẻ nhưng chưa bao giờ thực sự ăn rơ với kịch bản. Nữ diễn viên Phạm Băng Băng cũng đơn giản biến mất khúc giữa phim trước khi được mang trở lại nhằm làm mướt kịch bản.

Thiếu Lâm vẫn còn có thể tiến xa hơn về phương diện nhân vật so với Địch Nhân Kiệt của Từ Khắc, cũng có mở đầu hứa hẹn, và các màn hành động võ thuật, do các diễn viên gạo cội Nguyên Khuê và Nguyên Đức trình diễn, mang đến những màn diễn xuất mạnh mẽ mà không cần dùng đến hiệu ứng thị giác lớn. Nhưng với dàn diễn viên và mức kinh phí thế này, Thiếu Lâm đã có thể hay hơn. Phong cách diễn kinh điển của Lưu Đức Hoa trong nửa giờ đầu với vai một người đàn ông xấu chưa quay đầu lúc anh còn được Tạ Đình Phong yểm trợ với tư cách một trợ thủ tham vọng; về sau khi Lưu Đức Hoa vào vai nhà sư muốn chuộc lỗi và Tạ Đình Phong là vị tướng điên cuồng vì quyền lực thì lại có nét công thức hơn nhiều. Một vài cảnh giao đấu tuyệt nhất là giữa bộ ba nhà sư do ngôi sao hành động Ngô Kinh (từng tham gia Tây Phong Liệt), diễn viên tiềm năng Dư Thiếu Quần (đóng Mai Lan Phương lúc trẻ trong bộ phim cùng tên) và Thích Diên Năng trông có vẻ ngố. Tất cả đều được đào tạo wushu chuyên nghiệp và có sự xuất hiện đáng yêu trên màn ảnh, và Thích Diên Năng còn là một môn sinh Thiếu Lâm thực thụ.


Dịch: © Mai Khanh @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Film Business Asia

+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.