Giải thưởng - LHP

Điện ảnh Hoa ngữ tại Liên hoan phim Berlin

09/03/2011

Không có mặt trong hạng mục tranh giải chính, nhưng điện ảnh Hoa ngữ vẫn tạo dấu ấn riêng ở liên hoan phim năm nay.

Berlin dành vị trí đặc biệt cho Triệu Thị cô nhi

Bộ phim Triệu Thị cô nhi của Trần Khải Ca được chọn chiếu trong một chương trình chiếu phim đặc biệt tại Liên hoan phim Berlin. Tác phẩm hợp tác sản xuất Úc – Anh The Kings Speech – một đối thủ nặng ký cho giải Oscar, cũng được lựa chọn.

Những thông báo ngày 21/1 hầu như đã kết thúc chuỗi thông báo về những phim được chọn vào các hạng mục khác nhau trong liên hoan phim. Đồng thời những thông tin này cũng nhấn mạnh sự thiếu vắng các phim châu Á có mặt trong những vị trí lớn của liên hoan phim năm nay.

Chỉ duy nhất một phim của Đông hay Nam Á, bộ phim chính kịch Hàn Quốc Come Rain Come Shine là được chọn vào hạng mục cạnh tranh chính. Còn những hạng mục dành cho các phim của những tên tuổi đạo diễn lớn của châu Á Trần Khải Ca và Trương Nghệ Mưu, dường như không được thích hợp lắm. Bộ phim Tình yêu dưới cây sơn trà của Trương Nghệ Mưu lại được xếp vào hạng mục Generation K-Plus dành cho đối tượng tuổi thiếu niên.

Triệu thị cô nhi của Trần Khải Ca

Hạng mục Berlin’s Forum được tổ chức nhằm thể hiện sự rộng lớn của khu vực làm phim có nhiều tác phẩm nhất thế giới này. Hạng mục này chọn ra 12 phim trong đó có những phim đến từ trung tâm làm phim lớn như Ấn Độ, Thái Lan, Philippines và Hồng Kông.

Trong một thông báo khác, liên hoan phim đã thông báo rằng nhà sản xuất phim vốn là siêu sao Ấn Độ Aamir Khan và nhà sản xuất phim Úc Jan Chapman sẽ nằm trong thành phần ban giám khảo của hạng mục cạnh tranh chính. Liên hoan phim cho biết sẽ dành một vị trí trong hội đồng giám khảo cho Jafar Panahi, nhà làm phim Iran vừa bị giam giữ gần đây, nhằm đề cao cuộc đấu tranh giành tự do của ông.

Bộ phim Trung Quốc sâu sắc về căn bệnh thế kỷ làm lay động liên hoan phim Berlin

Một bộ phim tài liệu bóp nghẹt trái tim người xem về những nạn nhân của căn bệnh HIV/AIDS ở Trung Quốc và sự kỳ thị mà họ phải đối mặt trong cuộc sống hằng ngày đã được đón nhận nhiệt tình ở Liên hoan phim Berlin.

Dựa trên các cuộc phỏng vấn và e-mail với nhiều người bị dương tính với HIV khác nhau, đạo diễn Triệu Lượng nói rằng anh hy vọng bộ phim của mình – Bên nhau (Together), có thể thay đổi được thái độ của mọi người ở Trung Quốc, nơi có ít nhất 740.000 người bị nhiễm virus HIV/AIDS.

Đạo diễn Triệu đã sử dụng phương tiện chat nhóm trên mạng Internet để tìm kiếm các đối tượng cho bộ phim, phần lớn những người này đã từ chối lộ diện vì sợ "khiến gia đình mình thất vọng". Một số người còn hoàn toàn từ chối xuất hiện trước ống kính.

Những câu chuyện đã khiến rất nhiều khán giả rơi nước mắt vì xúc động.

Poster phim Together

Một người sử dụng ma tuý 30 tuổi, chỉ được biết đến với biệt danh "Bèo tấm ", đã giải thích về việc khi phát hiện ra mình bị nhiễm virus, cô đã quyết định giết chết chính mình và cậu con trai bốn tuổi cũng bị nhiễm bệnh như thế nào.

"Tôi thấy không còn lý do gì để tồn tại trên đời nữa, vì thế nên tôi mua một ít thuốc chuột và trộn vào cơm. Con trai tôi lúc đó đã muốn ăn cơm ngay," cô nói bằng giọng thổn thức.

"Nhưng sau đó tôi lại nghĩ, ‘làm sao mình có thể bắt con rời bỏ thế giới này khi chỉ mới được vài tuổi như thế?’ Tôi đã thay đổi ý nghĩ, và vứt chỗ cơm đó đi."

Một người được phỏng vấn khác đã bật một đoạn ghi lại phản ứng của mẹ anh ta khi anh nói với bà về việc mình định xuất hiện trong bộ phim tài liệu này.

"Sao con có thể làm điều đó với cái gia đình này chứ? Con thật quá đáng thất vọng," bà nói với anh. "Không thể để lộ ra chuyện này được."

Ba nhân vật chính trong phim là Hồ Trạch Đào, một cậu bé 11 tuổi, thầy Lưu, người bảo hộ của em và lão Hạ, một diễn viên đóng thế. Cả ba người đều đã làm việc tại phim trường của một bộ phim Trung Quốc cũng nói về AIDS trước đó – Til Death Do Us Part - của đạo diễn Cố Trường Vệ

Trong cuốn "phim trong phim" này, Triệu Lượng cho thấy sự kỳ thị đối với người nhiễm HIV trong phim trường đã dần trở thành tình thương và sự quan tâm như thế nào.

Lúc đầu, một nhân viên trong đoàn đã lớn tuổi, không biết là có người nhiễm HIV ở phim trường, cho biết: "Bất kỳ ai bị mắc căn bệnh này đều biết là mình không nên nói ra điều gì vì nếu nói ra thì mọi người sẽ đều giữ khoảng cách. Tôi cũng sẽ làm như vậy."

Một thành viên khác cho biết khi biết được bạn mình bị nhiễm HIV, anh đột nhiên không thể nhìn thẳng người đó được nữa, và đã nghe được lời nhắc mang ý giễu rằng: "Đừng lo, chỉ nhìn thôi thì không lây bệnh sang cho cậu được đâu."

Đạo diễn Triệu cũng đưa người xem đến với nhà của Hồ Trạch Đào, nơi cậu bé đang sống cùng cha và mẹ kế của mình sau khi mẹ ruột của cậu đã chết vì căn bệnh thế kỷ này.

Gia đình cậu, vì không biết HIV lây lan qua những đường nào, đã không cho phép cậu chạm đũa vào trong những đĩa đồ ăn như mọi người và cũng phải dùng riêng đồ dùng giặt rửa.

"Bộ phim là một nỗ lực chống lại sự kỳ thị và xúc phạm mà nhiều người bị nhiễm HIV phải đối mặt ở Trung Quốc," đạo diễn đã nói với khán giả sau khi được đón nhận rất nhiệt tình.

"Trước khi thực hiện bộ phim, tôi biết rất ít về căn bệnh này và mục đích là nhằm để nhiều người Trung Quốc hiểu hơn về các con đường lây nhiễm virus HIV/AIDS và những ảnh hưởng nó gây ra cho các nạn nhân," anh nói thêm.

Đạo diễn Triệu Lượng

Các chuyên gia cho biết vẫn có một khoảng cách lớn trong sự hiểu biết của cộng đồng về căn bệnh này ở Trung Quốc, nơi mà bệnh lao và bệnh dại là những căn bệnh truyền nhiễm gây ra tỷ lệ tử vong cao nhất ở đất nước này.

Theo một bảng thăm dò gần đây với 6.000 người tham gia, gần một nửa cho rằng bệnh có thể lây lan khi bị muỗi cắn và gần như cứ năm người thì có một người tin rằng họ có thể mắc bệnh nếu bị một người nhiễm bệnh hắt hơi trúng vào người.

Bảng thăm dò cũng cho thấy những sự kỳ thị căm ghét gắn liền với căn bệnh AIDS vẫn còn rất phổ biến, với hơn 1/3 số người cho rằng những người bị nhiễm bệnh "đáng bị như thế" vì đã sử dụng ma tuý hay quan hệ tình dục bừa bãi.

Ở một trong những khoảnh khắc sáng nhất của phim, Hồ Trạch Đào đã giải thích cách xử trí với sự kỳ thị độc đáo của mình.

"Những người hàng xóm trong làng rất sợ tôi. Họ luôn giữ khoảng cách. Vì thế điều tôi làm là nhắm đến những người giữ khoảng cách nhất và đuổi theo họ mà hét lên rằng ‘Tôi sẽ bắt kịp và lây virus cho các người.'"

"Thế là họ ba chân bốn cẳng chạy thật nhanh."

Tuy có nhiều phân đoạn rất tâm trạng nhưng bộ phim sau cùng vẫn là muốn nói đến hy vọng của những người nhiễm căn bệnh thế kỷ về một tương lai tươi sáng hơn và sự dũng cảm của họ khi đấu tranh chống lại làn sóng kỳ thị, vượt lên trên cả tình trạng suy nhược của bản thân.

Triệu Lượng cho biết trong số những đối tượng của anh có ba người cuối cùng đã quyết định lộ diện, với hy vọng điều đó sẽ nâng cao được nhận thức của cộng động.

Ông Hạ, cũng là một trong ba người này, đã nói: "Nếu khuôn mặt của tôi có thể giúp làm tăng lòng khoan dung, thì tôi không cần phải che giấu làm gì."

Bộ phim được chiếu trong hạng mục cạnh tranh tại liên hoan phim Berlin diễn ra đến ngày 20/2.

Câu chuyện tình của Trương Nghệ Mưu được trình chiếu cho khán giả thiếu niên

Bộ phim mới nhất của đạo diễn Trung Quốc nổi tiếng Trương Nghệ Mưu với tựa đề Tình yêu dưới cây sơn trà đã được chiếu vào cho các khán giả trẻ tuổi vào ngày thứ bảy tại liên hoan phim Berlin.

Phim kể về chuyện tình giữa Tịnh Thu và Lão Tam, đôi trai gái đang còn tuổi vị thành niên trong thời kỳ cách mạng văn hoá ở Trung Quốc (1966-1967), thời kỳ mà bối cảnh kinh tế - xã hội khác nhau gần như không cho phép một tình cảm như thế tồn tại.

Phim Tình yêu dưới cây sơn trà

Các diễn viên chính trong phim Đậu Kiêu (vai Lão Tam) và Chu Đông Vũ đã tham gia đêm chiếu mở màn tại Berlin. Đạo diễn nổi tiếng Trương Nghệ Mưu không thể đến được vì hiện ông đang ở phim trường để quay bộ phim tiếp theo

"Chúng tôi thực sự cảm thấy vinh dự khi được làm việc cho Trương Nghệ Mưu," Đậu Kiêu - hiện đang là sinh viên Học viện Điện ảnh Bắc Kinh nơi Trương Nghệ Mưu cũng từng tốt nghiệp - đã nói. "Ông đã dạy chúng tôi phải nhập vai như thế nào. Lúc đầu tôi không biết gì về diễn xuất cả. Đó quả thực là một kinh nghiệm khó quên, một bước ngoặt trong cuộc đời chúng tôi."

Trương Nghệ Mưu, đạo diễn đã đem giải Gấu vàng đầu tiên về cho Trung Quốc vào năm 1988 với Cao lương đỏ, cũng đã trình chiếu tác phẩm A Woman, A Gun and A Noodle Shop của mình tại Liên hoan phim Berlin lần thứ 60 diễn ra năm ngoái.

Trong suốt 34 năm nay, hạng mục Generation 14Plus của liên hoan phim nơi bộ phim được chiếu đã đem lại niềm thích thú và cảm hứng cho nhiều trẻ nhỏ và thanh niên, cho phép họ nhìn thấy lát cắt của cuộc sống ở một nơi khác bằng cách chiếu phim các phim đến từ khắp thế giới.

Mỗi năm, có khoảng 50.000 khán giả cả già trẻ đã đến với hạng mục này, khiến cho Generation K (dành cho trẻ nhỏ) và 14Plus (người từ 14 tuổi) trở thành một nơi sôi động để xem phim tại liên hoan phim.

Để giới trẻ biết đến sự lớn lên và trưởng thành của thế hệ trước ở những vùng miền khác nhau trên thế giới là một điều quan trọng," quản lý hạng mục Generation đã nói với phóng viên Tân Hoa xã.

Redpath cho hay bộ phim đã được lựa chọn vì "câu chuyện tình yêu tươi đẹp và cảm động của một đạo diễn lớn". Các nhà phê bình điện ảnh trẻ cũng đồng ý với nhận định này.

Một nhà phê bình 14 tuổi Charlotte Hochegger đã nói với Tân Hoa xã sau đêm chiếu mở màn: "Câu chuyện trong phim rất xúc động. Trước đây tôi chưa bao giờ xem phim Trung Quốc cả, nhưng tôi nghĩ mình đã được biết rất nhiều về nền văn hoá của Trung Quốc từ bộ phim này."

Hầu hết tất cả các phim được đưa vào hạng mục Generation đều không đặc biệt hướng đến đối tượng khán giả trẻ, theo lời Redpath cho biết.

Khi được hỏi về khả năng đón nhận bộ phim của giới trẻ châu Âu thời nay, Đậu Kiêu nói, "Tất nhiên bối cảnh trong phim rất khác và Trung Quốc cũng có một nền văn hoá khác biệt, nhưng tôi nghĩ đối với tình yêu thực sự thì mọi người đều có cùng sự đồng cảm."

Bộ phim là một câu chuyện vĩnh hằng đã vượt qua những rào cản về ngôn ngữ và văn hoá.

Zelanie Ideller, một học sinh 16 tuổi của trường cấp III Berlin, nói với phóng viên Tân Hoa xã rằng, "Tôi chưa bao giờ tin vào một tình yêu chân thật cho đến khi được xem bộ phim này."

Tuy phim của Trương Nghệ Mưu không tham gia tranh giải Gấu vàng, nhưng đạo diễn cũng có thể đem về nhà giải Gấu pha lê trong hạng mục Generation 14Plus.

Giải thưởng Generation được trao vào ngày 18/2 và được chấm bởi hội đồng gồm bảy giám khảo trẻ.

Các công ty điện ảnh Đài Loan quảng bá phim của đất nước mình tại Berlin

Bảy công ty điện ảnh đến từ Đài Loan đã tham gia vào một buổi hội chợ triển lãm điện ảnh tại Liên hoan phim Quốc tế Berlin nhằm quảng bá các tác phẩm do Đài Loan sản xuất ở nước ngoài, theo lời của Văn phòng Thông tin Chính phủ cho biết.

Các hãng phim từ hơn 50 quốc gia đã đặt gian hàng tại hội chợ này. Sẽ có hàng nghìn nhà phân phối phim đến với triển lãm này.

Văn phòng Thông tin Chính phủ cho biết những người đứng đầu ngành, nhà tổ chức liên hoan phim và đại diện truyền thông sẽ được mời đến đêm tiệc điện ảnh Đài Loan tổ chức tại khách sạn Ritz-Carlton ở Berlin.

Tập sách giới thiệu phim tập trung vào 123 phim Đài Loan, trong đó có 51 phim truyền hình, sáu phim ngắn, 27 phim tài liệu, chin phim hoạt hình và 30 dự án phim sẽ được phát trong suốt bữa tiệc.

Một số phim châu Á đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Thái Lan và Trung Quốc sẽ tham gia tranh giải trong mục "Forum" tại Liên hoan phim Quốc tế Berlin năm nay. Không có phim Đài Loan nào được đề cử kỳ này.

Bộ phim Đài Loan Au Revoir, Taipei (Tạm biệt Đài Bắc) – một bộ phim hài lãng mạn – đã đoạt giải Phim châu Á xuất sắc nhất tại liên hoan phim năm 2010.


Dịch: © Phương Thanh @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Film Business Asia, AFP, Tân Hoa xã & Focus Taiwan

 

+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.