Movie Blogs

Bá vương biệt Cơ - Quân vương của lòng ai?

21/05/2014

Con người không tồn tại mãi nhưng những gì họ làm thì có thể!

Lâu rồi không dám xem phim 'nặng', vì sợ bị ám ảnh lâu, đặc biệt những phim buồn hay làm tôi suy nghĩ và tưởng tượng. Nhưng hôm trước vô tình thấy lại cái poster cũ của Bá vương biệt cơ. Lần đầu xem thì suy nghĩ còn đơn giản và không hiểu nhiều, xem một lèo từ đầu đến cuối, khóc nhiều nhưng hết phim cũng chỉ là cảm giác buồn cho số phận và cuộc đời của Điệp Y.

Cuối tuần tự dưng có hứng lò mò lên Google tìm xem lại.

Sau mấy năm, cũng vẫn là bộ phim dài 171 phút nhưng tôi mất đến gần năm tiếng để xem, tuy nhiên lại không hề khóc! Chắc tại biết nội dung rồi nên tôi không sốt ruột, xem lại cũng chỉ là để ngắm Điệp Y. 171 phút chiều dài của phim, thêm một tiếng nghỉ giữa chừng ngồi nghĩ lan man vì cái cảm giác tức ngực khó thở không thể giải thích khi xem cảnh Điệp Y ngồi trên xe kéo trong đêm mưa, thêm một tiếng nữa chắc bởi vì tôi cứ 'playback' những đoạn có Điệp Y trên sân khấu, thích cái nghệ danh Điệp Y của nhân vật Đức Trí, thích nhìn Điệp Y khi đã hóa trang, nhưng thích nhất vẫn là ánh mắt đẹp buồn đó. Tôi không chắc Ngu Cơ đẹp đến nhường nào, yêu Hạng Võ đến đâu, nhưng nếu Ngu Cơ thật sự đẹp, có lẽ cũng đẹp như Điệp Y mà thôi, Ngu Cơ yêu chồng có lẽ cũng chỉ bằng Diệu Linh yêu Tiểu Lâu, và sự chung thủy của Ngu Cơ đối với quân vương cũng không thể hơn sự chung thủy của Điệp Y dành cho Kinh Kịch và vẻ đẹp thiêng liêng của sân khấu.

Sáu năm trước, tôi chưa hiểu vì sao Viên đại nhân lại nói: “Một nụ cười đem đến cả mùa xuân. Một giọt lệ làm đen tối đất trời… Chỉ có nàng, chỉ có nàng mới có được vẻ đẹp nhường ấy…”; tôi cũng không hiểu tại sao Điệp Y phải đợi đến 11 năm sau cái chết của Diệu Linh mới tự tử, tự tử ngay khi Điệp Y có thể đứng trên sân khấu cùng Tiểu Lâu mà không phải là lúc đau khổ phẫn uất tột cùng 11 năm về trước. Nếu có cuộc bình chọn “Nhân vật nào có vẻ đẹp điện ảnh nhất” chắc chắn tôi sẽ bỏ phiếu cho Điệp Y của Trương Quốc Vinh, và có lẽ sẽ bình chọn “Nhân vật 'bệnh hoạn' có duyên nhất” cho Viên đại nhân của Cát Ưu, hai nhân vật tôi thích nhất trong Bá vương biệt cơ.

Đến giờ, tôi mới cảm được vẻ đẹp của Điệp Y, vẻ đẹp mà không phải để thấy bằng mắt như những thứ có vỏ bọc phù phiếm thông thường. Tôi cũng không còn trách sao đạo diễn quá nhẫn tâm để Đức Trí khổ đến vậy, cũng đã thôi tự hỏi sao cuộc đời quá bất công. Tôi cũng không còn thắc mắc sao Điệp Y không nói với đứa học trò ai là người cứu sống nó, tại sao không giải thích cho Tiểu Lâu vì sao chấp nhận đi hát cho người Nhật, tại sao chỉ có Điệp Y khóc khi Diệu Linh chết. Càng xem lại càng thích chi tiết Viên đại nhân bắt Tiểu Lâu diễn lại cảnh Hạng Võ bước ra phải đi đủ bảy bước chân nhưng cả hai lần Tiểu Lâu đều không làm được. Viên đại nhân nói nếu không diễn cho ra dáng một quân vương thì đó chỉ là dáng bộ của tên tướng cướp ngang tàng mà thôi, sự khác biệt chỉ hai bước chân nhưng đó lại là định mệnh cuộc đời của Điệp Y và Diệu Linh. Cũng phải, Tiểu Lâu vốn không phải là hoàng đế, chỉ là một con người bình thường, bình thường đến mức tầm thường. Ngu Cơ trong lịch sử chết oanh liệt và ít ra nàng được mỉm cười hanh phúc; Điệp Y và Diệu Linh chỉ là những nàng Ngu Cơ bạc mệnh, cả đời họ hy sinh mà không biết quân vương của họ là ai để rồi phải chết trong đau đớn. Đối với Diệu Linh, có lẽ chỉ có thể nói, đàn bà không sợ khổ, chỉ sợ lấy nhầm chồng. Lúc trước tôi ghét Tiểu Lâu cực kỳ, nhưng giờ chỉ thấy tội nghiệp.

Tôi không thích một số người nói Bá vương biệt cơ là phim về đồng tính nam, cũng không thích khi người ta dịch tựa phim ra tiếng Anh là Farewell My Concubine. Điệp Y đã phá vỡ mọi phân biệt thông thường về nam nữ, vậy thì sao người xem phải phân định là tình yêu đồng giới hay khác giới; trong phim tôi chỉ nhìn thấy những con người yêu nhau. Tôi cũng không thấy ranh giới giữa nam và nữ là lớn, tình yêu chỉ là tình yêu mà thôi. Tôi ngưỡng mộ tất cả những mối tình đẹp (ngoại trừ Romeo và Juliet, tôi chẳng bao giờ thấy là lãng mạn cả) điển hình như Ellen Degeneres và Portia de Rossi, nếu có người như Ellen yêu thì tôi cũng mơ mình được đồng tính.

Tình yêu trong Bá vương biệt cơ đẹp, đẹp vì sự thiêng liêng và không hề có chút vụ lợi, đẹp huyền diệu bởi những con người đó yêu một cách cao cả và biết hy sinh thật sự nhưng rất tự nhiên như bản năng chứ không phải là lý trí. Tình yêu của họ không phải là những dục vọng tầm thường, có ba người yêu nhau nhưng không có kẻ thứ ba và không ai có lỗi. Đó là sự tôn thờ đối với cái đẹp, đối với sự hoàn mỹ trong tình yêu. Sự hoàn mỹ mà Điệp Y hướng tới không phải là sự hoàn hảo của những tiêu chuẩn, mà là sự tinh khiết và niềm tin tuyệt đối. Cả Điệp Y và Diệu Linh không chết vì đau khổ, họ chết vì hình ảnh quân vương và hình ảnh người đàn ông dám bảo vệ cô trong lầu xanh đã vỡ vụn. Tôi thích Điệp Y nhất ở chỗ cảm thấy Điệp Y rất thật, có hờn ghen ích kỷ, có ngang bướng cố chấp mù quáng, có những lúc cư xử rất trẻ con vì bị lấy đi thứ mình yêu thích và không giấu ý muốn lấy lại. Điệp Y không biết che giấu, chứ ko phải týp nhân vật nữ chính hiền lành ngây thơ nhu nhược, tốt bụng đến khó tin.

Nếu có trách chắc chỉ có thể trách sao Điệp Y sống quá thật, nói những điều mà kẻ khác chẳng muốn nghe, lạc lõng trong đám đông xô bồ và trở thành người không thức thời giống như Nguyễn Tuân của Vang bóng một thời vậy (quyển sách này cũng hay lắm). Điệp Y vô tư hay dũng cảm, tôi không chắc, chỉ biết rằng có một người đang chống lại cả một xã hội thời bấy giờ, khi đối mặt với sự quay lưng của cả xã hội mà lại có khuôn mặt bình thản nhẹ nhõm đến vậy. Lúc đứng trước tòa, tôi nhớ Điệp Y nói chỉ có ba bốn câu, cũng không nói theo những lời mà người ta dặn vì muốn cứu anh. Đối với Điệp Y, sự thật chỉ có một.

Thật sự Bá vương biệt cơ là một bộ phim hay, hay xuất sắc đối với tôi. 171 phút không hề ngắn nhưng không có một phút nào thừa; tất cả các diễn viên chính và phụ đều rất hay và có cá tính. Tôi không phải là 'fan' của Trương Quốc Vinh, nhưng tôi dành cho anh nhiều tình cảm và trân trọng (gọi là anh nhưng Trương Quốc Vinh còn lớn tuổi hơn cả bố mẹ tôi). Ngoài đời, nhìn hình chụp tôi không thấy anh đẹp trai lắm, nhưng trên màn ảnh, lúc nào tôi cũng thấy anh rất đẹp, bất kể đó là đẹp trai hay đẹp gái, tôi hiếm thấy diễn viên nào có sự dịu dàng nữ tính nhưng cũng phong độ nam tính như Trương Quốc Vinh.

Vài năm trước (lúc đó chưa từng xem phim, chỉ mới nghe một hai bài hát của Trương Quốc Vinh ở nhà nhỏ bạn mê phim Tàu và Lưu Đức Hoa), khi đọc tin Trương Quốc Vinh tự tử, tôi chỉ thầm nghĩ: diễn viên được cho là nổi tiếng bậc nhất Hồng Kông, giàu có, được rất nhiều bạn bè trong giới yêu mến, không có scandal để bị ghét, không hề nghiện ngập thứ gì, được 'fan' tôn thờ thì liệu buồn đến mức nào mà phải tự tử khi đang ở đỉnh cao danh vọng, anh ra đi có phải là quá ích kỷ và yếu đuối. Bây giờ đã 10 năm sau cái chết của anh, không ai biết chính xác lý do vì sao anh tự tử, nhưng có lẽ tôi cảm nhận được vì sao anh lại chọn con đường đó. Những giọt nước mắt của người yêu mến anh rốt cục thì chỉ là sự thương yêu và tiếc nuối, có mấy người có thể hiểu và chia sẻ! Người ta khóc vì nỗi đau của họ khi mất anh, nhưng đâu có ai có thể khóc hộ Trương Quốc Vinh những nỗi đau mà anh gánh chịu. Con người ai không có nỗi buồn, nhưng khóc không có nghĩa là đau khổ và cười chắc gì đã hạnh phúc. Trương Quốc Vinh có lẽ cũng giống Điệp Y, không rõ đâu là sân khấu, đâu là cuộc đời. Tôi cũng không phân biệt được khi nào anh đang diễn và khi nào anh đang nói về cuộc đời của chính mình; xem phim nào của anh tôi cũng thấy có gì đó u uất và nhiều tâm sự, dù là phim hài. Buồn nhưng đẹp, chỉ tiếc là ngắn ngủi.

Trương Quốc Vinh (trước) và Trương Phong Nghị trong một cảnh phim

Có lẽ vài năm nữa khi già thêm vài tuổi, nếu có xem lại phim này tôi sẽ hiểu nhiều hơn. Sự trưởng thành không ai có thể dạy, đó vốn là quá trình trải nghiệm. Chỉ biết rằng dù bao lâu nữa thì Điệp Y của Trương Quốc Vinh vẫn rất đẹp và tôi hy vọng sau khi ra đi, Trương Quốc Vinh cảm thấy quyết định của anh là đúng và xứng đáng; tôi tôn trọng sự lựa chọn đó vì khi sống anh đã sống hết mình. Nếu bạn không thể hiểu và cảm thông thật sự thì đừng phán xét, vì không ai trong chúng ta có quyền đó cả.

Một bộ phim đáng xem (nếu bạn chưa xem), nội dung xuất sắc, diễn viên diễn hay, lời thoại tuy ít nhưng ý nghĩa, cảnh quay đẹp và rất điện ảnh, chỉ có thể nói thích hay không thích chứ không thể nào chê phim chán được. Tôi không khen vì phim nổi tiếng, hay đoạt nhiều giải thưởng, chỉ đơn giản là vì ngồi hơn ba tiếng đồng hồ mà tôi không hề thấy có lúc nào đáng chán.

An nghỉ nhé, Trương Quốc Vinh!

© Bánh Quy Nhỏ @Quaivatdienanh.com


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi

+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.