Phim kể về Sam và Suzy, hai bạn nhỏ học lớp 6 vì... yêu nên cùng nhau trốn nhà ra đi.
Lẽ dĩ nhiên khi trẻ con bỏ nhà ra đi thì sẽ có một lô một lốc những
người lớn (và trẻ con) đổ xô đi tìm, dù là đi tìm trẻ con về rồi người
lớn lại chẳng biết làm sao để chúng khỏi bỏ nhà đi tiếp. Sam là cậu
hướng đạo sinh mồ côi cha mẹ, bị đẩy từ hết gia đình cha mẹ nuôi này
sang đến gia đình khác mà chưa bao giờ có được một nơi gọi là "nhà", còn
Suzy là con nhà khá giả, cha mẹ là luật sư nhưng cô bé luôn rơi vào
tình trạng trầm cảm và bị chính cha mẹ mình liệt vào loại trẻ "có vấn đề
tâm lý"
Sam, cậu hướng đạo sinh mồ côi cha mẹ
Moonrise Kingdom đưa ra cái nhìn hài hước về vòng lẩn quẩn đó -
Sam và Suzy bỏ nhà ra đi, bị người lớn lôi về nhà rồi lại tiếp tục bỏ
nhà ra đi, cũng như những cuộc giằng co bất tận giữa người lớn và trẻ
em. Nói cách đơn giản nhất, phim là chuyến phiêu lưu mạo hiểm trong thế
giới thật, thế giới không hư ảo huyền bí, nhưng vì có nhau, Sam và Suzy
vẫn tạo được ra cho mình yếu tố thơ mộng và kỳ diệu của những cuộc phiêu
lưu trong sách vở.
Nếu đã xem
The Royal Tenenbaums của Wes Anderson, khi xem
Moonrise Kingdom ta
sẽ thấy hai phim có một vẻ tương tự đến lạ lùng, nhất là sự xuất hiện
của Suzy hẳn sẽ khiến người xem nhớ ngay đến Margot - những cô bé lạc
loài trong chính gia đình của chúng, cô đơn (và có khuynh hướng bạo lực,
tự làm bản thân tổn thương) giấu đằng sau vẻ ngoài lạnh lùng bất cần
đời. Thế nhưng khác với
Royal Tenenbaums, tuy
Moonrise Kingdom cũng
miêu tả những đứa trẻ có phần lập dị, thông minh đặc biệt đến mức bất
bình thường, phim lại không tập trung vào những rạn nứt trong mối quan
hệ gia đình mà chú trọng miêu tả thế giới phiêu lưu mạo hiểm trẻ em
thường xây dựng nên, và vì thế giữa những chi tiết hài hước trào phúng
đặc trưng của Wes Anderson, điều nổi bật nhất của bộ phim vẫn là thế
giới mang màu sắc của sự tưởng tượng đẹp đẽ của trẻ em. Ở đó, những đứa
trẻ "không bình thường" trốn chạy thế giới thật nơi chúng đang sống,
đang khổ đau để đi tìm sự đồng cảm của những người bạn có cùng khao khát
được khám phá một thế giới mới, thế giới của riêng chúng.
Suzy, bị chính cha mẹ mình liệt vào loại trẻ "có vấn đề tâm lý"
Dĩ nhiên với phong cách làm phim thông minh và không bao giờ quên tô
điểm chút trào phúng cho những đoạn thoại của mình, Anderson không chỉ
miêu tả thế giới muôn màu của trẻ em như trong cổ tích. Những đứa trẻ
của Anderson vẫn rất "người", vẫn biết yêu biết ghét và bị những định
kiến của xã hội tác động như khi Sam hỏi một cậu hướng đạo sinh, "Tại
sao từ đầu mày đã ghét tao?", cậu bé nọ trả lời không cần suy nghĩ, "Sao
tao phải thích mày? Có ai thích mày đâu?" Vì trẻ con là thế, chúng đa
phần không có ác ý mà chỉ làm theo xu hướng của số đông. Thế nên dù
trước đây tất cả đều xác định là không ai ưa Sam, khi có một cậu hướng
đạo sinh anh hùng đứng lên đòi giải cứu đôi "tình nhân" Sam - Suzy bị
"xã hội" chia rẽ, tất cả những hướng đạo sinh còn lại cũng răm rắp nghe
theo - phần vì chúng vốn chẳng có thù oán cá nhân gì với Sam, phần vì
chúng thấy đấy lại là một cuộc phiêu lưu mạo hiểm khác vui ra phết! Tôi
nghĩ khi còn bé ai trong chúng ta cũng như những đứa trẻ ấy, trước khi
làm một điều gì đó thường ít khi suy nghĩ mà chỉ hứng lên thì làm, làm
vì thấy... vui.
Sam và Suzy trốn chạy thế giới thật nơi chúng đang sống, đang khổ
đau để đi tìm sự đồng cảm
của những người bạn có cùng khao khát được
khám phá một thế giới mới, thế giới của riêng chúng
Wes Anderson từng nói anh thường lặp lại bản thân dù hoàn toàn không cố ý, và ở
Moonrise Kingdom,
ta vẫn thấy rất rõ rệt những gia đình rạn nứt, khi những đứa trẻ trong
gia đình có một thế giới biệt lập với thế giới người lớn, không chỉ ở
khía cạnh tinh thần mà ngay ở không gian của chúng. Những gia đình với
những "bí mật" chẳng ai nói ra, nhưng không ai là không biết. Qua hành
trình phim, những thành viên trong gia đình cuối cùng cũng quay về với
nhau, không hẳn vì họ đã hàn gắn lại được tình cảm mà vì sau bao giông
tố, họ quyết định tập chấp nhận nhau dù vẫn hiểu hết những khiếm khuyết
của người kia.
Với những khung hình trau chuốt và sự hóm hỉnh duyên dáng,
Moonrise Kingdom mang
đủ tính hiện thực để những nhân vật trở nên "thật" hơn với khán giả,
nhưng vẫn giữ nguyên màu sắc mơ mộng của thế giới trẻ thơ, đem lại sự
hài hòa không gượng ép cho một bộ phim đáng yêu. Thế mạnh của Anderson
là sự trau chuốt tinh tế với những khung hình đầy màu sắc sống động, và
Moonrise Kingdom vẫn giữ nguyên kiểu làm phim đó, nhưng tôi lại thích nó hơn
The Royal Tenenbaums - giản dị hơn, ít tình tiết hơn, và cho dù đây đó vẫn có chút đắng cay của cuộc sống thực,
Moonrise Kingdom là một phim làm về trẻ em trung thành với thế giới trẻ em.
© Hạnh Nguyên @Quaivatdienanh.com
Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên
Facebook của chúng tôi