Một luật sư giàu có – cùng sở hữu mảnh đất rộng của Hawaii chung với
các anh em họ của mình – phải chăm sóc cho hai đứa con gái khi vợ anh ta
bị tai nạn trong một chuyến đi trên tàu lướt sóng. Đứa con gái lớn
giận dữ với người mẹ hiện đang hôn mê chờ chết trong bệnh viện vì bà ta
đã ngoại tình, và ba cha con, cùng một cậu bạn có vẻ ngu ngốc vô duyên
của cô con gái lớn, bỏ qua những hờn giận trước đây để cùng đi tìm kẻ
đã dụ dỗ người vợ, người mẹ của họ
Cốt truyện không mới, cách thực hiện không mới và diễn xuất cũng không có gì đặc biệt, nhưng
The Descendants, như một số bộ phim độc lập khác gần đây –
50/50,
Blue Valentine,
(500) Days of Summer
– ít ra chứa đựng một sự mộc mạc ít thấy ở phim Mỹ với những nhân vật
là những con người bình thường trong cuộc sống bình thường. Phim tuy lấy
bối cảnh ở Hawaii với nhân vật chính Matt King là một địa chủ giàu có
nhưng nơi ở của gia đình King và ngay cả Matt không khác những gia đình
trung lưu ở Mỹ là bao. Có lẽ điểm đáng khen nhất của phim là xây dựng
nhân vật Matt với vẻ rất “bình dân”, từ lối ăn mặc tới cách cư xử; đó
cũng là triết lý sống của nhân vật này, “Tôi chỉ muốn cho con tôi có đủ
tiền để chúng làm những điều chúng muốn, nhưng không cho chúng đủ tiền
để chúng ăn không ngồi rồi.” Và như vậy, ta có thể liên hệ được với nhân
vật Matt trong vai trò người chồng, người cha bình thường, sau một thời
gian quá bận bịu trở nên bối rối khi phải chăm sóc hai cô con gái có
những thói hư tật xấu riêng, và sự hoang mang cùng nỗi tức giận của anh
ta khi biết vợ mình ngoại tình. Ngược lại với hình ảnh những tay luật sư
giàu có đào hoa, Matt là người khá mộc mạc, chỉ biết đến công việc và
lo để dành tiền chứ không có thú vui bao gái hay tiêu hoang sắm xe sắm
nhà. Nếu bỏ qua lô-gíc là người giàu có nhưng chừng mực như thế rất
hiếm, ta hoàn toàn có thể cảm thông được với tất cả những cảm xúc mà
Matt trải qua, khi tưởng tượng rằng gia đình của chúng ta cũng có những
chuyện y như gia đình nhà King.
“Khi tôi bảo tôi ở Hawaii, người
ta cho rằng chúng tôi sống một kỳ nghỉ dài hạn, vĩnh viễn. Như thể ở
Hawaii thì người ta không phải làm việc. Như thể ở Hawaii thì gia đình
của chúng tôi không lục đục như những gia đình ở bất cứ nơi đâu.”
Có lẽ một trong những điểm không liền mạch trong phim là câu chuyện khá
riêng biệt về Matt và những người anh em họ quyết định bán hay không
bán mảnh đất của tổ tiên cho các nhà đầu tư. Cho dù quyết định bán hay
không bán mảnh đất ở cuối phim, câu chuyện yêu quý mảnh đất của dòng họ
này không có mấy ảnh hưởng đến sự hàn gắn tình cảm của ba cha con Matt
và còn khiến câu chuyện chính nhạt đi một chút. Cho đến cuối, tựa phim
“The Descendants” – tạm dịch ra tiếng Việt là, “Con cháu”, muốn nhấn
mạnh tình cảm của những thành viên trong gia đình và rộng hơn là tình
yêu quê hương dòng dõi, nhưng khoản “tình cảm gia đình” phim làm rất
tốt, còn khoản “yêu quê hương dòng dõi” không mấy thuyết phục, vì lý do
khiến Matt không bán mảnh đất chưa chắc đã là “yêu mến Hawaii”, mà biết
đâu chỉ vì người đứng ra làm trung gian giữa nhà đầu tư và dòng họ King
là kẻ đã có mối quan hệ với vợ anh ta (???)
Dù thế, một điểm rất thành công của
The Descendants là tập trung miêu tả khái niệm
gia đình
chứ không đi lạc vào lãnh vực tình cảm lãng mạn giữa nam và nữ. Xuyên
suốt bộ phim, chưa có lúc nào khán giả được thấy Matt King nhớ về vợ
mình hay những lúc cả hai còn hạnh phúc bên nhau. Vợ của Matt,
Elizabeth, ngoại tình với Brian Speer, nhưng khi bị Matt và cô con gái
Alexandra đến "hỏi thăm", Speer thú nhận anh ta thương vợ, thương gia
đình của chính mình hơn hết và chỉ đến với Elizabeth trong một phút nông
nổi. Ta chỉ nhận thấy tình cảm mà Matt dành cho vợ qua những lần anh ta
hỏi người khác, "Cô ấy có yêu hắn không?" để rồi cuối cùng nhận ra dù
có hay không, anh cũng hoàn toàn không có quyền phán xét vợ, khi anh
không hề làm tròn bổn phận của một người chồng, người cha, mà chỉ có thể
chuộc lỗi - chăm sóc cho hai cô con gái thật tử tế khi vợ đã không còn -
trước khi quá muộn.
Như phim
Sideways cũng do Alexander Payne thực hiện năm 2009, điểm sáng của
The Descendants là
câu chuyện khá bi kịch đặt trong những tình huống dở khóc dở cười, mà
tiêu biểu là đoạn Julie, vợ của Brian Speer, đến viếng vợ của Matt,
Elizabeth,
Julie (nói với Elizabeth đã chết): Tôi tha thứ cho chị, cho dù chị đã phá hoại gia đình tôi, cho dù tôi phải hận chị.
Matt: Thế là đủ rồi, tôi nghĩ thế là đủ rồi.Julie: Tôi tha thứ cho chị, tôi tha thứ cho chị, dù tôi phải hận chị, hận chị!
Matt: Thôi đủ rồi, chồng chị không yêu vợ tôi đâu.
Julie: Tôi biết, tôi biết, vì thế tôi mới đến viếng chị ta!
…cùng những tình huống buồn vui lẫn lộn khác khi ba cha con nhà King cố
gắng trở lại thành một gia đình để cùng vượt qua thảm kịch người mẹ mất
đi, khi Matt muốn dạy dỗ con theo cách một người cha nhưng lại không
thể, vì sau thời gian bỏ bê con cái, anh thấy mình không có quyền khuyên
bảo dạy dỗ chúng, khi hai cô con gái đã quen thói cư xử xem cha như một
đứa bạn cùng trang lứa vô trách nhiệm và tha hồ làm bất cứ điều gì, nói
bất cứ câu gì chúng muốn. Nhân vật người bạn Syd của Alexandra nếu xuất
hiện ít hơn thì sẽ thú vị, nhưng cậu này xuất hiện quá nhiều khiến
nhiều đoạn bị vô duyên. Tuy vậy, tất cả các nhân vật trong phim, dù là
Syd hay người cha vợ đối xử tệ bạc với Matt hay cô con gái lớn Alexandra
hỗn hào đều được kịch bản dành cho những khoảnh khắc đáng cảm thông
khiến ta dần yêu mến họ hơn, với Syd, là lúc cậu ta ý tứ gọi cô con gái
út Scottie cùng Alexandra ra khỏi phòng để Matt và Julie có thể nói
chuyện "của người lớn" với nhau, với cha vợ Matt khi ông ta vuốt tóc và
hôn người con gái đã mất của mình, và với Alexandra ở cuối phim khi cô
quay về với vị trí của một cô bé sắp lớn nhưng vẫn chưa phải là người
lớn, vẫn ngồi ăn kem và xem truyền hình cùng cha và em
Về mặt diễn xuất, lúc đầu tôi đã ngần ngại xem phim vì luôn có ác cảm
với những “diễn viên” được bầu làm “Người đàn ông gợi cảm nhất của
năm,” nhưng khi xem phim đã phần nào có thiện cảm với George Clooney.
Clooney không đặc biệt cũng không diễn quá hay, nhưng anh chịu khó nhập
vai một ông bố bình thường ăn mặc nhếch nhác chạy xộc sang nhà hàng xóm
hỏi xem vợ mình đã ngoại tình với kẻ nào, và nhân vật Matt King của
Clooney là một nhân vật gần gũi, không mang hình dáng của một siêu sao
Hollywood giả trang làm người bình thường. Phim có những cảnh quay ngắn
gọn nhưng vừa đủ chuyển tải nội dung, như cảnh ba cha con đứng ngắm
Hawaii còn lại một chút hoang sơ của ngày xưa, và nhiều đoạn không có
nhạc nền làm phim có vẻ thực hơn, người xem có thể tập trung vào cảnh
quay mà không chịu tác động của âm nhạc.
Phim được đề cử ở hạng
mục Phim điện ảnh xuất sắc nhất ở giải thưởng Viện hàn lâm 2012 khiến
người viết khá ngạc nhiên nhưng cũng thấy vui khi một phim có nội dung
đơn giản như thế này được đề cử. Tuy vậy năm nay Oscar có vẻ chú ý các
phim về đề tài gia đình, nên khả năng
The Descendants thắng giải từ 1/1000 có lẽ sẽ lên được 1/100 (theo dự đoán của người viết).
Kết phim là cảnh ba cha con Matt ngồi trên ghế trường kỷ cùng xem
chương trình truyền hình và chuyền tay nhau ly kem, để một cảnh kết phù
hợp và đáng nhớ khép lại câu chuyện.
The Descendants tránh
được những chi tiết, những cảnh quay lấy nước mắt lộ liễu, thay vào đó
tập trung miêu tả những khó khăn cả gia đình nhà Matt King phải vượt qua
để tìm lại được nhau. Nếu cho rằng cả câu chuyện Hawaii dài dòng và
không mấy thuyết phục cùng tai nạn của người mẹ đều chỉ là những sự kiện
đưa ba cha con Matt trở lại thành một gia đình – bình thường và cũng
bất bình thường như gia đình mỗi người chúng ta – thì xem như phim đã
thành công.
© Hạnh Nguyên @Quaivatdienanh.com
Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên
Facebook của chúng tôi