Tôi không rõ là vì đang trong cơn hứng
X-Men mà đi tìm phim có hoặc James hoặc Mike đóng để xem cho thỏa, hay vì bài
Come Undone vô tình được nghe trong một clip của 'fan' làm về
Shame trên YouTube, hay vì một buổi chiều cao hứng thế nào đó mà tôi tải
Shame về máy. Và xem ngay sau khi vừa tải xong.
Thế
là bắt đầu một buổi chiều buồn. Buồn không đâu tả xiết. Không phải đau
đớn, không phải bức bối, mà là buồn. Buồn đến nước mắt chảy chẳng thiết
lau, buồn đến nấc lên lúc nào không biết.
Poster Shame
Shame nói về một người đàn ông có thể xem là thành đạt mắc
chứng nghiện tình dục. Không cần nói thì ai cũng biết mức độ các cảnh
làm tình xuất hiện như thế nào trong phim này. Đây là lần đầu tiên tôi
dùng chữ "làm tình" trong các bài viết, vì nó thực sự là như thế. Không
có một chút nào vui vẻ hân hoan của ân ái, không có một chút nào trần
tục thấp hèn như một cơ số chữ trong cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt. Các
cảnh "nóng" trong phim không "nóng", các cảnh "tình" trong phim không
"tình", mà buồn đến thắt ruột. Đó là những cuộc chạy trốn không lối
thoát, ảm đạm, và vô vọng.
Khác với Jon Martello trong
Don Jon của Joseph Gordon-Levitt thoải mái với thói nghiện phim khiêu dâm của mình, Brandon của Michael Fassbender trong
Shame không
tìm thấy niềm vui hay sảng khoái nào trong các cuộc mây mưa. Anh như
một kẻ khát nước uống hoài vẫn khát, như một đứa trẻ mắc tật tè dầm vừa
sợ các bạn chê cười vừa không cách nào tự chữa cho mình được. Anh hổ
thẹn với chính mình, với Marianne, và có lẽ là với một quá khứ bi thương
hơn nhiều mà phim không thể hiện ra rõ ràng.
Hình ảnh đầu tiên của Brandon trong phim, kéo dài suốt hơn 30 giây
Khác với David (James Badge Dale thủ vai) luôn thích tán tỉnh để qua đêm
cùng các cô gái khác dù đã có vợ con, Brandon không thích những gì mình
đang làm, nhưng lại không thể dứt mình ra khỏi nó. Trớ trêu thay, David
cố gắng nhiều cũng không mấy lần thành công, còn Brandon chỉ đi ngang
cũng đủ để phụ nữ ở quầy bar quay đầu nháy mắt. Điều này cũng không có
gì lạ, Brandon lịch sự, đứng đắn hơn David rất nhiều, và sự cuốn hút của
Mike là điều khó cưỡng lại nổi. David sẵn sàng vứt bỏ lương tâm với gia
đình để đi theo tiếng gọi bản năng, còn Brandon đấu tranh ngày ngày để
dứt khỏi chốn tăm tối đó, nhưng không làm được. David đáng khinh hơn
Brandon rất nhiều, nhưng nếu bị phát hiện thì sao? David bất quá chỉ bị
xã hội chê trách một thời gian hay bên nhà vợ từ mặt vì "chán cơm thèm
phở", còn Brandon thì sẽ bị xa lánh. Tất cả những cố gắng bất lực của
Brandon sẽ đều bị gạt đi, chỉ còn chứng nghiện của anh là người ta nhớ.
Bao nhiêu tiếng gào thét kêu cứu của Brandon sẽ chẳng ai nghe, người ta
chỉ thấy "cơn khát" của anh. Người ta thấy Brandon dán mắt vào một
người phụ nữ hấp dẫn trên đường, có ai thấy anh không bao giờ cưỡng ép
ai hay lừa lọc ai chưa? Người ta thấy Brandon mở laptop lên xem các đoạn
phim tình ái của chính mình, có ai thấy sự vô cảm trên mặt anh hay
không? Người ta thấy ổ cứng đầy những thứ đáng xấu hổ của Brandon, có ai
thấy anh ngày ngày hổ thẹn với chính mình hay không? Người ta thấy anh
làm tình tay ba, bước vào bar đồng tính nam tìm khoái lạc, có ai thấy
giọt nước mắt cay đắng của anh hay không? Chẳng khoái, chẳng lạc thú gì
cả. Chỉ có nỗi đau lúc nào cũng hiện diện.
Brandon không chỉ xấu
hổ với lương tâm, mà còn hổ thẹn với Marianne (Nicole Beharie thủ vai).
Anh thỏa mãn không biết bao nhiêu người phụ nữ qua đường, khi lòng chẳng
chút gợn sóng, vậy mà với người phụ nữ anh thực sự có cảm tình, anh lại
chẳng làm được gì cả. Nụ cười thật lòng của anh khi đi ăn và đi dạo
cùng Marianne khác nhiều lắm với nụ cười nhếch mép quyến rũ hàng ngày
anh dùng với phụ nữ. Đúng là không quyến rũ bằng, nhưng nụ cười hiếm hoi
đó làm tôi vui. Và có lẽ nụ hôn anh dành cho Marianne trong văn phòng
là lần duy nhất trong phim này tôi thấy anh vui khi thân mật (ngoài lề,
Mike hôn đẹp bá cháy). Anh chuẩn bị đường hoàng cho buổi thân mật với
Marianne, anh hy vọng nhiều, tôi thấy được điều đó. Nhưng rồi đau đớn
thay, những gì làm được cho mớ người anh không quan tâm, anh lại không
thể làm được cho người phụ nữ anh quý trọng. Trong khoảnh khắc đó, tôi
thấy sự hổ thẹn của anh với Marianne, và tôi thấy niềm hy vọng của anh
bị dập tắt thảm thương. Tính tự tôn đàn ông của anh bị tổn thương, đó là
điều chắc chắn (dù Marianne đã cư xử rất khéo trong tình huống này);
nhưng còn đó nữa là việc anh nhận ra mình thực sự không lối thoát. Anh
không thể dùng tình cảm của chính mình để chống lại bản năng, anh còn có
thể làm được gì, cho anh, và cho người anh yêu quý?
Brandon và Marianne trong nhà hàng
Còn một vấn đề nữa phim để ngỏ cho khán giả tự suy đoán, mà thực tâm tôi
không muốn suy đoán chút nào (Brandon chưa đủ đau khổ hay sao?). Đó là
mối quan hệ giữa anh và em gái Sissy (Carey Mulligan thủ vai). Dù là
khán giả vô tâm nhất cũng phải đôi lần đặt câu hỏi về cái nhìn kỳ lạ của
anh dành cho Sissy, cơn giận của anh đổ vào đầu Sissy, sự tránh né đầy
nghi hoặc của anh với Sissy. Cái nhìn của anh vào Sissy khi cô hát là
cái nhìn của một người đàn ông nhận ra sự thu hút và nét đẹp của một
người phụ nữ, chứ không phải cái nhìn anh trai dành cho em gái, nên
trong mắt anh có một nỗi buồn sâu đậm và một thứ phản kháng yếu ớt. Tôi
có thể thấy anh sợ tiếp xúc với Sissy, nhưng lại rất quan tâm cô. Không
phải ngẫu nhiên mà Steve McQueen để Brandon ở trần đứng ngoài cửa phòng
Sissy nghe cô khóc, không phải ngẫu nhiên mà cả hai khỏa thân trước mặt
nhau không ít lần, không phải ngẫu nhiên mà có cảnh Brandon nổi đóa lên
với Sissy khi anh bị bắt gặp "một mình". Trong cảnh ấy, không chỉ Sissy,
mà tôi tin không ít khán giả phải rùng mình hốt hoảng trước anh, dù là
người hâm mộ hay khán giả thông thường. Tôi sợ, thật sự sợ Mike vào lúc
đó.
"We are not bad people. We just come from a bad place." Đúng,
Sissy và Brandon không phải là người tệ, không đáng khinh, vậy cái nơi
khởi đầu đó tệ đến mức nào để có thể khiến hai người lún vào một bi kịch
không đường thoát đến vậy? Khác với nhiều phim khác hé lộ vừa đủ cho
khán giả phác họa quá khứ nhân vật,
Shame "trùm" lên quá khứ
của Brandon và Sissy một màn sương dày mờ mịt. Cũng trùng hợp (mà có lẽ
là hữu ý), các nhân vật trong phim đều được nhắc đến bằng tên, không có
một cái họ nào được đề cập. Có lẽ nhà làm phim không muốn trách quá khứ,
hoặc không muốn biện minh thêm cho bất kỳ nhân vật nào.
Brandon và Sissy
Quá khứ thế nào là một chuyện, nhưng tôi cho rằng chính thái độ của
Sissy với quá khứ là một vết thương nữa trong lòng Brandon. Câu nói của
Sissy thoạt nghe có vẻ như hiểu rõ tâm trí Brandon, nhưng tôi lại cho là
không phải, và Brandon có lẽ cũng nhìn nhận như thế. Trong đầu Sissy,
cô "xấu" là vì cô lụy tình, dựa dẫm, không dứt bỏ được mối quan hệ với
một người đàn ông đã có gia đình; Brandon "xấu" vì vô tâm bỏ rơi em gái
(một hình ảnh rất chi là vô tội nếu so với cái "xấu" của Brandon trong
tâm trí chính mình). Sissy dường như chả nhớ gì trong quá khứ cả, vì cô
vô tư bá vai bá cổ nhảy cả lên người anh, vào giường nằm cùng anh khi
trời lạnh (hay lòng cô lạnh), phản ứng đầu tiên khi thấy anh "một mình"
là cười như khi ta thấy người nào đó ngoáy mũi hoặc ăn mặc lỗi thời; cô
còn nghĩ anh muốn chơi trò đấu nhau khi anh sấn sổ chất vấn cô ngay sau
lần bị phát hiện đó nữa. Sissy yếu đuối hơn Brandon nhiều, nếu Brandon
phải chạy trốn cô, thì tôi không cho rằng Sissy đủ mạnh mẽ để quên đi
quá khứ và hành xử như anh em bình thường.
Về phần Brandon, khi
anh chỉ trích cô dựa dẫm, lụy tình, anh đã bảo cô "stop playing the
victim"/"đừng làm ra vẻ người bị hại nữa". Brandon rất thương em, nếu
anh cho rằng cô nhớ chuyện ngày xưa, anh sẽ không dám nói một câu tàn
nhẫn như thế. Vì nếu chuyện đau buồn đó có thật, Sissy chính là nạn
nhân, một nạn nhân vô tư, không oán hận, không trách cứ. Tôi thà cô thù
hận Brandon và chửi mắng anh, có lẽ Brandon không thấy tội lỗi đến như
thế. Cô càng suy nghĩ đơn giản như màu trắng cô hay mặc bao nhiêu,
Brandon càng thấy mình nhơ nhuốc bấy nhiêu.
Brandon cô đơn, bất lực, ngồi co ro trong phòng trông ra qua khe rèm kéo
một màn đêm nhấp nháy ánh đèn nhưng trống trải vô vọng
Tất cả những thứ nhơ nhuốc Brandon chứa trong nhà, với tôi nó như những
mảnh ghép xấu xa của quá khứ bám lấy anh không dứt. Anh càng chạy, chúng
càng níu chặt. Để rồi đến khi anh mạnh mẽ vứt bỏ hết thì anh còn lại
gì? Một người đàn ông cô đơn, bất lực, ngồi co ro trong phòng trông ra
qua khe rèm kéo một màn đêm nhấp nháy ánh đèn nhưng trống trải vô vọng.
Anh lạc lối, bơ vơ giữa cơn mưa, quay cuồng giữa thành phố sáng choang
mà không soi nổi cho anh một con đường thoát. Sissy cũng là một mảnh của
quá khứ đó. Brandon không đủ can đảm để ở gần bảo ban che chở Sissy -
những gì một người anh trai phải làm cho em gái - nên Sissy lại càng
tuyệt vọng khi thấy mình cô đơn và bị ruồng bỏ, dẫn đến lần tự vẫn
(không thành) gần cuối phim. Brandon lại không đủ tuyệt tình ích kỷ để
hoàn toàn ngó lơ em gái. Một lần nữa, chính cái tâm còn sáng của anh là
thứ đã làm bộ phim này buồn khôn xiết.
Phim có một kết thúc mở,
tôi không rõ là chừa cho khán giả một tia hy vọng cuộc đời anh có thể
vui lên, hay để khán giả tự lặp lại vòng xoay luẩn quẩn của phim trong
đầu?.
Brandon trong khách sạn sau lần gần gũi Marianne, một trong những cảnh Michael Fassbender diễn rất tốt
Michael Fassbender diễn Brandon rất tuyệt, đặc biệt là ánh mắt. Bao
nhiêu đau thương, tủi hổ, bơ vơ của Brandon đều được Mike thể hiện ra
đầy đủ. Ánh mắt buồn của anh trên tàu điện, trong nhà hàng, trên đường
phố, xoáy vào tim người xem. Tôi khóc còn trước khi anh đau đớn khóc lên
giữa cơn mưa. Tôi muốn tránh ánh mắt u uất đó, nhưng lại không thể rời
mắt khỏi màn hình, như sợ rằng mình cũng như thành phố New York nơi anh
đang sống ngoảnh mặt đi trước lời kêu cứu trong thinh lặng của anh. Nói
anh nên đoạt giải Oscar cho Nam chính xuất sắc nhất năm đó sẽ là hơi võ
đoán, nhưng đề cử Oscar bị vuột mất của anh quả là một điều đáng tiếc.
Tôi
muốn tin là Marianne sẽ là người cứu được Brandon khỏi hoàn cảnh nghiệt
ngã đó, hay chí ít cũng là một ngọn đèn nhỏ bắt đầu soi đường cho anh
tìm lối ra. Còn chuyện giữa anh và Sissy, có hay không, tôi cũng không
muốn nghĩ đến nữa. Có những lỗi lầm không bao giờ bù đắp lại được, có
những khoảng đời chôn giấu vĩnh viễn thì hơn. Và có những bộ phim in hằn
vào tâm trí của tôi, mà tôi không dám dùng chữ "thích" hay "thưởng
thức" để miêu tả, vì ý nghĩa vui trong hai động từ đó làm tôi thấy mình
có lỗi với Brandon, với Sissy, với Marianne.
Cái gì quên được thì nên quên, nhưng phải đâu bất cứ điều gì gió cũng có thể cuốn đi?
Shame (2011)
Thời lượng: 101 phút; Xếp loại: NC-17
Đạo diễn: Steve McQueen
Kịch bản: Steve McQueen, Abi Morgan
Các diễn viên chính
Michael Fassbender... Brandon
Carey Mulligan... Sissy
James Badge Dale... David
Nicole Beharie... Marianne
© Mai Khanh @ Quaivatdienanh.com
Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên
Facebook của chúng tôi