Có biết bao câu chuyện tình yêu đã được kể trong sách báo, tiểu thuyết,
trên màn ảnh.., câu chuyện tình tôi kể sau đây được vẽ trên một bức bình
phong, phông nền là khung cảnh tuyệt vời với sông núi, đồng lúa, con
người của đất nước Trung Hoa và chủ thể của bức tranh là một người đàn
ông và một người phụ nữ đến từ nước Anh: Kitty và Walter.
Đây là một bức tranh đặc biệt vì điều nó vẽ không chỉ là cảnh vật, con
người mà chính là “tình yêu”. Bức tranh ấy vẽ nên một chuyện tình không
phải bằng giấy, mực, cọ màu… mà bằng một chất liệu đặc biệt: điện ảnh.
Bạn sẽ tìm thấy điều đó qua bộ phim
The Painted Veil (tạm dịch là
Bức bình phong).
Nàng Kitty xinh đẹp kiêu kỳ (Naomi Watts, phải) lần đầu gặp bác sĩ Walter (Edward Norton)
|
Mở đầu phim là những hồi ức đan xen của hai nhân vật, hai con người lúc
này đang trên hành trình đến một thị trấn Trung Quốc xa xôi. Giữa những
cánh đồng lúa xanh rì và cơn mưa ảm đạm, Kitty nhớ về thời gian hai năm
trước, trong buổi đầu hai người gặp nhau. Đó là một buổi tiệc tại nhà
Kitty, Walter dường như đã yêu Kitty ngay từ cái nhìn đầu tiên. Trong
khung cảnh buổi dạ hội xa hoa và cổ điển của những năm 20, nàng Kitty
xinh đẹp kiêu kỳ có vẻ chẳng hề chú ý đến nhà vi khuẩn học Walter, anh
mời nàng nhảy và nàng đồng ý. Chẳng bao lâu sau, Walter ngỏ lời cầu hôn
Kitty. Dưới sức ép muốn thoát khỏi người mẹ và số phận phải lấy chồng đã
định đoạt sẵn, Kitty đồng ý lấy Walter, người mà cô chưa biết, chưa
hiểu và chưa yêu.
Vì công việc của chồng, Kitty buộc phải theo
Walter đến Trung Quốc. Những tháng ngày cô đơn trên đất khách, phải sống
với người chồng khô khan, kiệm lời khiến Kitty ngã lòng và ngoại tình.
Cuộc hôn nhân của họ đứng bên bờ vực đổ vỡ, Walter ép buộc Kitty phải
rời Thượng Hải, theo anh đến Mai Đàm Phủ, một thị trấn xa xôi đang bị
dịch tả hoành hành. Kitty, một mặt vì là người sai trước, không thể danh
chính ngôn thuận ly dị chồng, một mặt phát hiện ra người tình bấy lâu
của mình chỉ đang chơi đùa và là một kẻ hèn nhát, phải đau khổ uất ức
rời bỏ thành phố để theo Walter đến một nơi đáng sợ.
Kitty xa lạ, cô đơn trên đất nước Trung Hoa rộng lớn đồng thời xa lạ, cô đơn ngay trước mắt người bạn đời của mình
|
Đến đây, đa phần mọi người sẽ trách cứ Kitty. Nhưng hãy khoan, Kitty, nàng thực ra đáng thương hơn đáng trách. Vì sao?
Cuộc
hôn nhân của hai người diễn ra quá nhanh mà tình yêu chủ yếu đến từ
phía Walter. Kitty chưa kịp yêu, chưa kịp hiểu gì về đối phương thì đã
kết hôn. Đang là một tiểu thư được nuông chiều, muốn gì được nấy bỗng
chốc phải rời xa quê hương đến một nơi quá đỗi xa xôi và xa lạ với cô.
Và quan trọng hơn cả, từ một con người phóng khoáng, tâm hồn lãng mạn,
Kitty phải sống cùng một người chồng khô khan, một nhà vi khuẩn học chỉ
biết có công việc và nghiên cứu. Kitty xa lạ, cô đơn trên đất nước Trung
Hoa rộng lớn đồng thời xa lạ, cô đơn ngay trước mắt người bạn đời của
mình.
Walter thực ra là một người đàn ông tốt, nhưng tiếc là anh
quá lý tính, không biết bộc lộ cảm xúc và không chịu chia sẻ. Nếu ví
hai người như hai bức bình phong thì Walter là một tấm bình phong khép
kín, ẩn giấu tất cả và chẳng ai có thể nhìn ra được điều gì. Nó xuất
phát từ lòng kiêu hãnh quá lớn của anh, vì kiêu ngạo mà ngay cả khi biết
vợ đang ngủ với kẻ khác trong phòng cũng không thèm xông vào đánh cho
một trận; tự thấy khinh bỉ chính mình vì đã yêu Kitty, tự cho rằng mình
đã luôn hạ thấp bản thân để yêu Kitty nhưng thực ra lại chẳng làm điều
gì cần thiết để khiến Kitty yêu lại mình. Đến nỗi, Kitty phải thốt lên
thật phũ phàng: “Nếu một người đàn ông không có những gì cần thiết để
làm người phụ nữ yêu anh ta thì đó là lỗi của anh ta.” Lòng kiêu hãnh,
sự lãnh đạm ấy như một tấm bình phong bao phủ con người Walter, che giấu
đi tình yêu chân thành của anh, khiến cho Kitty không thể chạm tới,
không thể cảm nhận được.
Walter là một người chồng khô khan, một nhà vi khuẩn học chỉ biết có công việc và nghiên cứu
|
Trái lại, Kitty lại như một tấm bình phong mở toang, mọi cảm xúc của cô
đều thể hiện ra ngoài, cô không che giấu điều gì, ngay cả chuyện ngoại
tình. Cô mang tâm hồn phóng khoáng, lãng mạn và không chịu gò bó; cô
quen với cuộc sống được cưng chiều và làm những điều mình thích. Chính
vì thế cuộc sống tẻ nhạt, tù túng của hôn nhân đã kìm hãm Kitty, khiến
cô đau khổ, buồn bã. Gã người tình Charles trong buổi xem kịch đọc được
những tâm sự dồn nén của Kitty, những lời nhận xét về vở kịch của hắn
đâu đó cũng chính là cuộc sống hiện tại của Kitty. “Cô ấy khóc thương
cho cuộc sống hoạt bát hồi trẻ của cô ấy và cho người phụ nữ cô đơn mà
cô ta đã trở thành. Và hơn tất cả, cô ấy khóc cho tình yêu mà cô ta
không bao giờ cảm nhận được, cho tình yêu mà cô ta không bao giờ cho đi
được,” người hàng xóm Waddington lần đầu gặp cô thấy ngay “sự yếu đuối,
mệt mỏi… và rất không hạnh phúc… là chồng cô không bao giờ nhìn cô cả.”
Hầu như ai cũng thấy ngay nỗi u sầu của Kitty nhưng lạ kỳ là chồng cô
lại không thấy, không cảm nhận được điều đó.
Thế mà trong lúc hôn
nhân bên bờ vực thẳm Walter lại yêu cầu Kitty phải theo anh đến một nơi
xa xôi, nơi bệnh dịch đang hoành hành. Đó là một nơi đường sá cách trở,
thiếu mọi tiện nghi sinh hoạt, buồn bã, nóng bức, ngột ngạt; người dân
Trung Quốc trong hoàn cảnh bị nước ngoài xâm chiếm tỏ ta thù ghét đôi vợ
chồng châu Âu. Kitty và Walter căng thẳng, bức bối không chỉ trong đời
sống hôn nhân và mà cả ở cuộc sống xã hội bên ngoài. Ta tự hỏi: Lối
thoát nào cho họ? Lối thoát đó chính là: Tình yêu luôn nảy nở trong
những hoàn cảnh chẳng ai ngờ nhất. Đó là trong lần Kitty đến thăm cô nhi
viện cũng là nơi Walter đang làm việc, cô đã có cái nhìn thiện cảm hơn
về anh, khi biết rằng anh rất thích trẻ con. Từ đó, Kitty đã có vẻ muốn
hàn gắn lại mối quan hệ của cả hai. Tuy nhiên, Walter vẫn luôn bảo thủ
và lạnh nhạt. Nhưng ngạc nhiên là điều đó lại càng khiến Kitty quyết tâm
hơn, cô đến cô nhi viện và mong muốn giúp đỡ mọi người ở đó. Đấy là lần
đầu Kitty thay tã cho trẻ con, đàn hát cho những đứa bé mồ côi và cũng
là lần đầu ta thấy gương mặt cô rạng rỡ trở lại. Quan trọng hơn, ta bắt
gặp ánh nhìn của Walter khi vô tình chứng kiến cô đàn cho bọn trẻ, ta
như thấy lại cái nhìn đầy say đắm của anh khi lần đầu gặp Kitty trong
buổi dạ vũ.
Kitty khám phá ra chồng rất thích trẻ con
|
Sau hai năm chung sống, thì tại đây, nơi miền quê heo hút đang bị dịch
tả hoành hành, họ đã có những buổi nói chuyện nghiêm túc và thoải mái
hơn, đã cùng chia sẻ những mệt mỏi, khó khăn mà mỗi người đang gặp phải:
sự bất lực của Walter khi anh cắt nguồn nước duy nhất của người dân
trong làng để ngăn chặn dịch bệnh, sự chán nản trước những công việc mới
mẻ ở cô nhi viện của Kitty. Và như Kitty nói: “Theo em thì chúng ta
cùng vô ích, cuối cùng thì cũng có một điểm chung.”
Và chính
hành động thổi chong chóng vô tình của Kitty đã khơi nguồn ý tưởng làm
guồng dẫn nước của Walter và khiến anh rất vui. Đó thực sự là một sự cổ
vũ khi hành động (dù là vô tình) của người này trở thành ý tưởng cho
người kia, giống như “vô tình hỗ trợ nhau” vậy. Mỗi người ít ra đã tìm
thấy đâu đó sự mới mẻ và niềm vui trong công việc của mình. Và nó cũng
đã tác động không nhỏ đến tinh thần của cả hai, tâm hồn của họ dường như
được làm mới lại và rộng mở hơn. Họ đã sẵn sàng đối thoại, bày tỏ quan
điểm và chấp nhận đối phương. Kitty đã dành những lời khen và bày tỏ sự
ngưỡng mộ đối với công việc của Walter, cô đã thẳng thắn nói rõ những sở
thích riêng của mình, rằng cô không phải là một phụ nữ hoàn hảo và cũng
như mọi người, cô có những sai lầm khó tránh khỏi. Walter cũng cởi bỏ
vỏ bọc lạnh lùng và thoát ra khỏi những định kiến trước đây, anh đồng ý
với Kitty rằng: “Chúng ta thật ngu ngốc khi tìm những phẩm chất tốt của
đối phương mà ta không bao giờ có.”
Kitty đến cô nhi viện làm việc
|
Qua việc cả hai đã biết chia sẻ với nhau một cách tự nhiên nhất có thể,
ta cũng cảm nhận được cuộc sống của cả hai dường như đã thoát ra khỏi
cái ách nặng nề, trở nên nhẹ nhàng và hòa hợp hơn, khác với những tháng
ngày trước, khi cả hai luôn phải cư xử gượng ép, lo sợ.
Và từ lúc
nào, người này đã trở nên quan trọng đối với người còn lại. Đó là khi
Walter sẵn sàng lao ra bảo vệ Kitty trước những người dân Trung Quốc quá
khích. Là khi Kitty biết mình có thai, hoang mang và lo sợ. Cô đau khổ
vì không rõ đó là con của Walter hay của gã người tình khốn khiếp. Đó
đúng là một nguyên nhân, nhưng một nguyên nhân khác cũng quan trọng
không kém là cô lo sợ sẽ làm tổn thương Walter, sợ Walter sẽ nguyền rủa,
bỏ rơi cô. Hẳn Walter đã chiếm một vị trí trong trái tim Kitty, mới có
thể khiến cô, vốn là một cô gái bất cần, trở nên yếu đuối như vậy.
Nhưng
nhờ sự việc đó, ta mới thấy được tấm lòng bao dung của Walter, khi anh
sẵn sàng chấp nhận đứa bé trong bụng Kitty. Walter vì cô đã trở nên khác
xưa, từ một người khô khan, lạnh lùng trở thành người đàn ông ấm áp,
tin cậy, sẵn sàng che chở và bảo vệ người mình yêu. Anh đã đúng khi cho
rằng không thể đòi hỏi những điểm tốt từ đối phương mà bản thân mình
không có nhưng tự trong sâu thẳm mỗi người, họ đã luôn nỗ lực thay đổi
mình và thay đổi nhau, khiến người này tốt hơn trong mắt người kia.
Ở nơi cuộc sống thiếu thốn, bệnh dịch hoành hành, hai người đã tìm thấy sự thấu hiểu lẫn nhau
|
Tình yêu của hai nhân vật chính trong phim không ồn ã, vội vàng, không
cháy bỏng, đam mê mà nhẹ nhàng, sâu lắng, đậm chất châu Á. Nó là tình
yêu của những con người trưởng thành đồng hành với công việc và cuộc
sống hôn nhân. Vì thế tình yêu ấy diễn ra chậm rãi, thâm trầm; nó đòi
hỏi hơn cả sự thấu hiểu, chia sẻ và trách nhiệm của mỗi cá nhân. Và nó
cũng nêu ra những vấn đề đáng suy ngẫm cho bất cứ ai trong việc gây dựng
và nuôi dưỡng tình yêu.
Một điểm hấp dẫn khác trong phim là
những cảnh quay thiên nhiên tuyệt đẹp, lãng mạn, nên thơ. Núi non hùng
vĩ, sông nước hữu tình, những hình ảnh đậm chất châu Á hiện lên trong
trẻo, cổ điển, đầy sức lôi cuốn. Thiên nhiên, con người, xã hội Trung
Hoa những năm nội chiến quân phiệt, với không khí oi ả, bức bối, với
những định kiến, thù hằn của đa số dân chúng Trung Hoa thời đó dành cho
những người châu Âu… đã tạo thành một bức bình phong làm nổi bật hình
ảnh tình yêu của hai nhân vật chính.
Và cái chết của Walter ở
cuối phim đã vĩnh viễn phủ lên tấm bình phong ấy một nỗi buồn khắc
khoải, xa xôi. Khi Walter chết đi cũng là lúc Kitty nhận ra cô yêu anh
đến nhường nào. Khi cô nhìn thấy người khác dọn dẹp đồ đạc của Walter,
khi xem những trang viết cuối cùng của anh cũng là lúc cô ý thức được
con người của Walter, cuộc sống, công việc của anh từ lúc nào đã gắn
liền với cuộc sống của cô và cô thấm thía được sự mất mát.
Walter bên nguồn nước duy nhất của ngôi làng
|
Tuy nhiên, cái chết của Walter không vì thế mà khiến bức tranh tình yêu
của hai người trở nên thảm đạm, thê lương. Cái chết của người chồng,
người cô yêu đã khắc một dấu vĩnh viễn trong trái tim Kitty và thay đổi
con người nàng. Kitty đã trở thành một người mẹ, một người phụ nữ mạnh
mẽ, độc lập, quan trọng là cô tìm được hy vọng, mục đích sống và biết rõ
ràng điều gì là quan trọng đối với mình.
Chính vì thế mà cảnh
cuối phim, ta thấy được gương mặt và nụ cười rạng rỡ của cô bên con
trai, thấy được sự quả quyết, tự tin và sẵn sàng dứt bỏ của cô khi nói
lời tạm biệt Charles, gã người tình mà cô vô tình gặp lại sau nhiều năm.
Bởi vì cô ý thức được tình yêu duy nhất của mình là gì: là gia đình, là
con trai và người chồng Walter của cô. Và ta có quyền tin rằng: Walter
vẫn sống, ít nhất là trong trái tim của Kitty.
The Painted Veil (2006)
Đạo diễn: John Curran
Biên kịch: Ron Nyswaner, chuyển thể tiểu thuyết của W. Somerset Maugham
Edward Norton trong vai Walter Fane
Naomi Watts trong vai Kitty Garstin Fane
Toby Jones trong vai Waddington
© Xương Rồng Sa Mạc @Quaivatdienanh.com