Movie Blogs

Batman v Superman: Cuộc chiến tâm lý thật sự

03/04/2016

Để bắt đầu bài viết này, tôi xin mạn phép kể một câu chuyện về nhân vật á thần nổi tiếng nhất trong Thần thoại Hy Lạp – Hercules.

Chắc ai cũng biết, Hercules mang trong mình sức mạnh sánh ngang với thần thánh, luôn bảo vệ con người, và cũng được coi là một trong số những hình tượng anh hùng bất diệt. Một quyền năng vô song, đầy chính nghĩa, luôn đứng về lẽ phải. Thế rồi, trong một cơn điên cuồng không tự chủ, chỉ một phút giây nhỏ nhoi, chính người anh hùng đó đã xuống tay hạ sát dã man vợ mình, công chúa Megara cùng ba đứa con trai và mang nỗi ô nhục cho đến cuối đời.

Có được sự bảo vệ đầy quyền năng là điều ai cũng muốn, thế nhưng liệu chúng ta có thật sự được an toàn?

Zach Snyder đã bắt đầu Batman v Superman bằng câu hỏi đó.

Trước tiên, hãy bỏ hết những suy nghĩ, phán xét về một bộ phim hành động, siêu anh hùng cùng các chi tiết phụ thêm kiểu 'egg easter'… trận chiến thực sự xảy ra là ở bên trong nội tâm mỗi nhân vật.

Batman và Superman, biểu tượng của chính nghĩa nhưng đối lập hoàn toàn

Có thể nói, Batman và Superman là hai trong số những nhân vật truyện tranh thành công và vĩ đại nhất trong lịch sử. Tuy đều do DC Comics sáng tạo, cùng mang vai trò người hùng chính nghĩa dưới lớp cải trang, nhưng về cơ bản, Batman và Superman lại khá đối lập nhau.

Ra mắt lần đầu tiên năm 1938, với biểu tượng của sức mạnh vô địch, luôn bảo vệ con người yếu đuối, Superman (Clark Kent) nhanh chóng được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Với tinh thần trượng nghĩa, luôn xả thân vì người khác, cùng những chiến công ngoài sức tưởng tượng, Superman là hình mẫu của một người hùng chính trực, một sự bảo hộ tối thượng, chỗ dựa đầy vững chãi của con người trước tất cả hiểm họa. Dù chiến đấu dưới hình hài Siêu Nhân để che giấu thân phận thật sự - phóng viên Clark Kent - nhưng khi đã khoác lên mình chiếc áo choàng đỏ sẫm, anh luôn đứng trong ánh sáng và được công chúng tung hô, là biểu tượng của nước Mỹ.

Trái lại, Batman là người hùng thầm lặng của bóng đêm.

Được công chúng biết đến muộn hơn (1939), nhưng Batman (Bruce Wayne) lại rất sớm trở nên nổi tiếng và có được tiêu đề truyện tranh cho riêng mình ngay sau đó. Batman là một anh hùng rất “người”, không có siêu năng lực nào cả và cũng có thể coi là hình mẫu nhân bản nhất trong một rừng các siêu anh hùng hiện nay. Tất cả những gì anh có chỉ là kinh nghiệm chiến đấu, trí tuệ, khoa học công nghệ và một tinh thần bất khuất: một người đàn ông không biết đến nỗi sợ hãi!

Trong cuộc đời mình, Batman luôn âm thầm bảo vệ thành phố về đêm; chống lại những tên tội phạm nguy hiểm với khả năng võ thuật và tinh thần thép của mình. Batman không cần sự tung hô, không cần ánh sáng hào quang; thứ anh tìm kiếm là sự yên bình cho mọi người, cũng như sự yên bình cho chính mình.

Sự đối lập là gần như tuyệt đối, nói như Lex Luthor, Batman v Superman giống như:

“Đen đấu với Xanh, Chúa đấu với Con người, Ngày đấu với Đêm!”

Khi Con người đối mặt với Thần

Quay trở lại câu truyện tôi đã kể ở phần mở đầu, được bảo vệ bởi một siêu anh hùng toàn năng, nhưng liệu con người có thật sự an toàn?

Lý do của Batman là như thế. Đối với Batman, khi Superman còn đứng về phía nhân loại, đó là điều tốt, nhưng sẽ ra sao nếu trong hàng chục, thậm chí hàng trăm năm, chỉ một giây phút anh ta nghĩ khác? Câu trả lời là sự tuyệt diệt.

“Superman có sức mạnh để quét sạch toàn bộ nhân loại, và nếu chúng ta tin rằng, dù chỉ có một phần trăm anh ấy là kẻ thù, chúng ta phải coi điều đó là tuyệt đối.”

Trong những phân cảnh đầu tiên của bộ phim, đạo diễn Zack Snyder cố tình để chúng ta thấy mất mát của Batman trong trận chiến giữa Superman và tướng Zod (Man of Steel, 2013), tuy nhiên, Batman chưa bao giờ mang lòng hận thù với Superman. Suy nghĩ này chỉ nảy ra khi Batman cảm thấy Superman đang ngày càng mất lý trí, hoặc trên bờ vực của sự mất kiểm soát, vì xét cho cùng, về kinh nghiệm cuộc sống, cũng như trải nghiệm với xã hội, Bruce Wayne chắc chắn hơn hẳn Clark Kent.

Hãy nhìn nhận thật công bằng về Superman, ngoài tấm thân bất hoại Man of Steel, sức mạnh vô địch của thể xác; bên trong con người đó là chàng thanh niên trẻ tuổi Clark Kent, vốn được nuôi dưỡng trong xã hội loài người từ thủa lọt lòng. Về mặt tinh thần, bản chất của Superman cũng giống như một con người bình thường mà thôi. Đó chắc chắn là một tâm hồn tốt, một nhân cách chính trực, nhưng dẫu sao cũng vẫn chỉ là một con người, không phải thánh thần.

Batman là một con người đa nghi, anh không bao giờ tin tưởng tuyệt đối cái gì mà luôn có kế hoạch dự phòng. Và điều Batman lo sợ nhất đó là sự mất kiểm soát của Superman.

Batman không biết Superman thực sự là ai, nhưng anh không tin vào sự tồn tại của thần thánh, và càng không tin vào lòng tốt tuyệt đối. Khi nhân loại đang sống bằng hy vọng vào sự ban ơn của Superman thì điều đó thực sự quá nguy hiểm. Suy nghĩ tiêu diệt Superman chỉ thực sự lên đến đỉnh điểm khi Batman nhận ra Superman đang chịu sự công kích của đám đông, dưới âm mưu của Lex Luthor. Không có gì tàn nhẫn hơn búa rìu dư luận và cũng không có gì đáng sợ hơn miệng lưỡi thế gian. Batman cần chuẩn bị cho tình huống xấu nhất của nhân loại, phải tiêu diệt Superman.

Diễn biến tiếp theo cũng cho chúng ta thấy, Superman đúng như những gì Batman đã lo lắng, anh ấy không mang lòng tốt của một vị thần bất khả chiến bại. Sâu thẳm bên trong, khi chịu sức ép hay sự đe dọa bất khả kháng, không giống như máu thịt được bảo vệ bởi cơ thể bất hoại, ý chí của Superman cũng đã bị bẻ gãy khi phải đau đớn thốt lên:

“Superman chưa bao giờ có thật, đó chỉ là giấc mơ của một nông dân Kansas mà thôi!”

Người nông dân Kansas đó là Jonathan Kent (Kevin Costner), bố nuôi của Superman. Clark đã thừa nhận chưa từng thực sự muốn sống với thân phận Siêu Nhân, hay chịu gánh vác trách nhiệm bảo vệ loài người. Và như vậy, Batman đã đúng.

Không cần nhắc đến lý do chiến đấu của Superman, vì khi đã chọn giải pháp bạo lực thì mọi lý do đều là vô nghĩa. Cuộc chiến chỉ là thứ tất yếu sẽ xảy ra để giải quyết xung đột mà thôi.

Sau khi bộ phim được công chiếu, có nhiều ý kiến cho rằng Batman vs Superman đã tốn 90 phút để đi lòng vòng, và thêm 30 phút còn lại để đánh nhau chí tử… Về việc này, tôi sẽ không bàn đến nội dung mà để các bạn tự khám phá, nhưng, xin hãy xem bằng lý trí thật sự của chính mình.

Diễn xuất

Đến giờ phút này, chắc chắn đã có không ít lời khen dành cho diễn xuất của Ben Afleck với nhân vật Batman.

Đối diện với cái bóng quá lớn của Christian Bale trong bộ ba phim Dark Knight của Nolan, Ben đã tạo nên một phong cách khác hẳn. Không có nhiều vẻ lịch lãm, sành sỏi như Bale, cũng không có nhiều pha khoe thân sáu múi nóng bỏng, Batman của Ben trầm lắng nhưng sôi sục và cả nguy hiểm hơn nữa. Có thể nói Ben đã vượt qua được Bale khi xây dựng cho mình một phong cách khác hẳn, một Batman đúng hơn với nguyên bản gốc được mô tả trong comic: gã đàn ông không hề biết sợ, kẻ đa nghi và đầy ắp toan tính, người lãnh đạo thật sự của Justice League! Chúc mừng Ben vì những gì anh đã làm được với Batman v Superman sau thất bại của siêu anh hùng gần nhất Daredevil (2003).

Còn Henry Cavil, vẫn một Superman hào nhoáng, cơ bắp, nhưng lần này thực tế hơn. Không còn những nụ cười đậm chất Mỹ, ánh mắt thân thiện, mà Superman phiên bản này có phần “độc ác” hơn, nhưng cũng con người hơn.

Điểm trừ lớn nhất về diễn xuất tôi dành cho Jesse Eisenberg. Lex Luthor của Jesse khiến cho người xem có cảm giác đó là Mark Zuckerberg chứ không phải tên tội phạm nguy hiểm nhất hành tinh.

Về tuyến các nhân vật nữ, tôi thực sự không đánh giá cao diễn xuất của Gal Gadot trong tạo hình của Diana Prince những giây phút đầu tiên; tuy nhiên nhận định đó đã thay đổi hoàn toàn khi cô quay lại con người thật của mình, Wonder Woman. Sự mạnh mẽ, cứng cỏi, những tiếng thét lạnh người khi tử chiến nhưng lại không kém phần quyến rũ đã tạo nên phiên bản Wonder Woman hấp dẫn nhất trên màn ảnh cho đến thời điểm này.

Amy Adams, dù tôi luôn yêu vẻ đẹp của Amy, nhưng công bằng mà nói như thường lệ, bông hồng Mỹ làm rất tốt khâu bình hoa di động và cũng chẳng thể hiện được nhiều.

Một số 'Easter Egg'

Có quá nhiều bài báo nhắc đến các 'Easter Egg' trong loạt phim này rồi, tuy nhiên cá nhân tôi thấy còn một số điểm thú vị khác:

1. Bốn tập file mà Batman đánh cắp được từ ổ đĩa của Lex, lần lượt là:
- Wonder Woman (đã xuất hiện trong phim)
- Aquaman (sức mạnh, sống được dưới nước, điều khiển sinh vật biển)
- Flash (siêu tốc độ, time travel)
- Cyborg (nửa người nửa máy – từ chiếc hộp mother box như trong video)

2. Cái tên của bộ phim: Batman v Superman: Dawn of Justice
Về cái tên này, có thể hiểu Dawn (bình minh) như là sự bắt đầu, sự thành lập; còn Justice là Justice League, biệt đội siêu anh hùng nổi tiếng nhất của DC Comics, với các thành viên cốt cán như đã hé lộ trong phim.

3. Bộ giáp có dòng chữ “Hahah! Jokes on you, Batman”: Là bộ giáp của Robin, trợ thủ của Batman, người đã bị Joker giết trong sự kiện A Death in Family.

4. Bộ giáp của Batman trong giấc mơ với Darkseid có tên là Knightmare, được chơi chữ từ việc ghép hai cái tên: Dark Knight và Nightmare (những giấc mơ mang điềm báo của Batman).

Lời kết

Đây là một bộ phim tương đối kén người xem. Với những khán giả quan tâm đến hành động và đánh đấm, siêu anh hùng, siêu năng lực thì quả thật là kém thú vị: bộ phim chỉ thực sự có hành động vào 30 phút cuối cùng mà thôi. Chưa kể đến quá nhiều chi tiết được nhồi nhét trong phim, rất khó tiếp cận với những người lần đầu xem, đặc biệt với khán giả Việt Nam, những người ít tiếp cận với truyện tranh của DC.

Một điểm cộng, đó là, như hầu hết các phim anh hùng khác, lần này dưới sự chỉ đạo của đạo diễn Snyder, Batman v Superman vẫn là một bộ phim có chiều sâu, có khai thác khía cạnh nội tâm nhân vật nhiều hơn các phim cùng đề tài.

Lời khuyên của người viết, đó là thực sự đáng để thử, nếu bạn đừng quá đặt nặng hình thức, và việc phải quá chú tâm vào chi tiết để hiểu trọn vẹn cả bộ phim. Với DC, từ từ tiếp cận và cảm nhận bằng chính trải nghiệm của mình luôn là cách tốt nhất.

© Đức Đạt @Quaivatdienanh.com


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.