Nhân vật & Sự kiện

70 năm điện ảnh Trung Quốc

11/05/2019

Trung Quốc là nơi có số lượng người mê phim ảnh đông nhất thế giới.

Hơn 10.000 rạp chiếu khắp Trung Quốc đã nhận hơn 1,7 tỉ khán giả trong năm 2018. Thị trường điện ảnh lớn thứ nhì thế giới này đã thu về tổng doanh thu phòng vé 60,98 tỉ nhân dân tệ (khoảng 8,87 tỉ đôla Mỹ), chiếm hơn một phần năm doanh thu phòng vé toàn cầu.

Năm nay là năm kỷ niệm 70 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, nhưng lịch sử điện ảnh Trung Quốc có thể bắt nguồn từ trước đó nữa.

Một bộ phim câm đen trắng chuyển thể tác phẩm Kinh kịch kinh điển Núi Định Quân lấy cùng tên được sản xuất tại một studio ảnh nhỏ ở Bắc Kinh vào năm 1905, đánh dấu sự ra đời của bộ phim Trung Quốc đầu tiên cũng như sự khởi đầu của ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc.

Một bức ảnh được phục chế cho thấy một cảnh trong phim Núi Định Quân (1905), bộ phim Trung Quốc đầu tiên / Ảnh gốc từ Douban

Sau một thời kỳ hoàng kim đáng chú ý từ thập niên 1920 đến 1930, lĩnh vực điện ảnh của quốc gia này đã bị đình trệ hoàn toàn do hơn một thập kỷ xung đột đau thương khiến người dân rơi vào cảnh khốn cùng.

Tuy bắt đầu từ tay trắng, những bộ phim Trung Quốc sau năm 1949 đã chứng kiến nhiều cái lần đầu tiên trong lịch sử và những kỷ lục nhờ vào các thế hệ nhà làm phim và người trong nghề đã cống hiến toàn bộ sự nghiệp của họ cho điện ảnh Trung Quốc.

Theo dõi dấu chân điện ảnh của Trung Quốc, chúng ta sẽ thấy những bức ảnh vô giá phản ánh những thay đổi to lớn của quốc gia này và người dân trong 70 năm qua.

Như Robert McKee, bậc thầy nổi tiếng toàn cầu về nghệ thuật kể chuyện, nói: “Câu chuyện là một phép ẩn dụ cho cuộc sống và cuộc đời được sống theo thời gian.”

Bình minh của một kỷ nguyên mới

Được mệnh danh là “Cái nôi của ngành công nghiệp điện ảnh mới của Trung Quốc”, Hãng phim Đông Bắc, được thành lập vào năm 1945, là hãng phim đầu tiên bắt đầu hoạt động sau gần 15 năm chiến tranh liên tục.

Đổi tên thành Changchun Film Studio (Hãng phim Trường Xuân) vào năm 1955, cũng trở thành nhà máy sản xuất phim được đăng ký đầu tiên từ khi thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Hãng phim này là một cột mốc trong sự phát triển và lịch sử điện ảnh mới của Trung Quốc.

Tác phẩm Bridge năm 1949, được công nhận rộng rãi là bộ phim truyện đầu tiên được hoàn thành sau khi thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, được sản xuất tại đây, khởi đầu một kỷ nguyên mới của điện ảnh Trung Quốc. Bộ phim đã ấn định đề tài cho các xuất phẩm trong những năm 1950 và 1960 – đó là nhấn mạnh thắng lợi cách mạng gian khổ và củng cố niềm tin và bản sắc dân tộc.

Một số bộ phim quan trọng của thời kỳ này cũng lấy chiến tranh và hậu quả chiến tranh làm chủ đề, kể câu chuyện về những thường dân Trung Quốc chật vật dưới sự chiếm đóng của Nhật Bản, như bộ phim Little Soldier Zhang Ga / Tiểu binh Trương Kiết năm 1963.

Áp phích cho các bộ phim của Tạ Tấn, một trong những nhân vật hàng đầu của các nhà làm phim Trung Quốc Thế hệ thứ 3 / Ảnh qua Douban

Giai đoạn này cũng chứng kiến phim tiểu sử Trung Quốc vào thời hoàng kim. Nhiều tác phẩm thống trị rạp chiếu vào thời điểm đó đề cao các anh hùng và liệt sĩ từ tác phẩm kinh điển Đổng Tồn Thụy năm 1955 cho đến tác phẩm tiểu sử năm 1959 về nhạc sĩ Trung Quốc Niếp Nhĩ, người sáng tác quốc ca Trung Quốc Nghĩa dũng quân tiến hành khúc.

Từ năm 1949 đến giữa những năm 1960, số lượng các đơn vị có khả năng tổ chức các buổi chiếu phim đã tăng từ khoảng 400 lên hơn 20.300. Tập đoàn Trình chiếu và Phân phối phim Trung Quốc, được thành lập năm 1951, tính đến năm 1965 đã cấp phép và phát hành tổng cộng 1.213 bộ phim, bao gồm phim truyện và phim ngắn.

Trong 17 năm sau khi thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, ngành công nghiệp điện ảnh nước này đã tạo ra nhiều tác phẩm điện ảnh: 603 phim truyện và 8.342 cuộn phim tài liệu và tin tức đã được sản xuất.

Được chính phủ tài trợ, nhiều nhà sản xuất và đạo diễn đã tới Moscow để học các kỹ thuật làm và sản xuất phim. Trong khi đó, có 36 bộ phim thuộc nhiều thể loại giành giải thưởng ở nước ngoài.

Không ngừng khám phá

Những tiền bối điện ảnh, đã hoạt động tích cực trong ba thập kỷ đầu tiên sau năm 1949, được coi là Thế hệ thứ 3 của các nhà làm phim Trung Quốc, bao gồm bậc thầy điện ảnh quá cố Tạ Thiết Ly (1925-2015), Thủy Hoa (1916-1995), Cheng Yin (1918- 1984) và Thôi Ngôi (1912-1979).

Họ định hình thẩm mỹ của điện ảnh Trung Quốc trong kỷ nguyên mới và khám phá ban đầu các kỹ thuật làm phim. Các tác phẩm của họ, theo nguyên tắc hiện thực, đã nỗ lực bộc lộ bản chất của cuộc sống, mô tả các xung đột xã hội một cách sâu sắc.

Tạ Tấn (1923-2008) là một trong những đại diện nổi trội nhất của thời kỳ này. Ông được biết đến với các tác phẩm đoạt những giải thưởng đầu tiên như Hồng sắc nương tử quânVũ đài thư muội. Ông được coi là “thầy của các bậc thầy điện ảnh” vì sự nghiệp của ông có ảnh hưởng đáng kể đến các thế hệ đạo diễn Trung Quốc tiếp sau.

Làn sóng mới đã gây bão trên thế giới điện ảnh của Trung Quốc kể từ cuối những năm 1970 kết hợp với quá trình cải cách và mở cửa. Phong trào giải phóng ý thức hệ đã mang lại sức sống cường tráng cho những sáng tạo nghệ thuật. Ngành công nghiệp điện ảnh hồi sinh với các nhà làm phim thể hiện niềm đam mê chưa từng có, tạo ra một lượng lớn các tác phẩm xuất sắc.

Thế hệ thứ tư của các đạo diễn đã giới thiệu một thể loại phim có tên là “phim sẹo”, tập trung vào bi kịch cá nhân như là những biểu hiện vi mô của chấn thương xã hội lớn, thể hiện những phản ánh lịch sử đương đại gần đây nhất.

Áp phích phim của các đạo diễn thế hệ thứ 5

Những bộ phim có vẻ đơn giản và tan chảy này đã áp dụng một phong cách kể chuyện độc đáo, với những câu chuyện thân mật, quy mô nhỏ và chi tiết tinh tế, chứng tỏ tầm quan trọng và ảnh hưởng lớn trong thời đại ngày nay.

Giống như Tạ Tấn và các đồng nghiệp của ông, một số nhân vật nổi bật nhất của Thế hệ thứ 4, như Tạ Phi và Ngô Di Cung, cũng từng là cố vấn cho các nhân vật mang tính biểu tượng của Thế hệ thứ 5, như Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca và Điền Tráng Tráng, theo học tại Học viện Điện ảnh Bắc Kinh cùng năm 1978.

Thế hệ thứ 5 đã đưa điện ảnh Trung Quốc lên tuyến đầu trong giới phim nghệ thuật quốc tế với các tác phẩm được hoan nghênh đáng kể của họ, đánh dấu bằng việc sử dụng màu sắc táo bạo và diễn xuất cảm động. Một số phim sử thi nổi tiếng nhất của họ bao gồm phim thắng giải Gấu vàng Cao lương đỏ (1987) và Đèn lồng đỏ treo cao (1991) của Trương Nghệ Mưu, Yellow Earth (1984) và Bá vương biệt Cơ (1993) của Trần Khải Ca và The Horse Thief của Điền Tráng Tráng.

Cùng với các nhà làm phim Trung Quốc thế hệ trước, những nhà thực nghiệm nghệ thuật và thẩm mỹ cấp tiến này đã cùng nhau tạo ra thời kỳ hoàng kim thứ hai của điện ảnh Trung Quốc sau những năm 1930.

Một thị trường bùng nổ

Nguồn: Tổng cục Báo chí, Xuất bản, Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình Trung Quốc

Thế kỷ mới quan sát sự trỗi dậy của Thế hệ thứ 6 do Giả Chương Kha và Vương Tiểu Soái dẫn dắt, những người đóng vai trò ngày càng quan trọng như là lực lượng sáng tạo vững chắc nhất hiện nay trong ngành điện ảnh Trung Quốc, mặc dù thế hệ thứ 5 vẫn là rường cột.

Kỷ nguyên mới cũng chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc trở thành thị trường phim ảnh lớn thứ hai thế giới không thể bỏ qua. Ngành công nghiệp điện ảnh của quốc gia này đã chứng kiến sự phát triển ổn định kể từ buổi bình minh của thiên niên kỷ mới.

Đặc biệt từ năm 2014, tốc độ tăng trưởng của phim Trung Quốc đã tăng đáng kể, xác định khái niệm “tốc độ Trung Quốc” và thể hiện “phép màu Trung Quốc”. Phòng vé đã tăng vọt từ 29,63 tỉ nhân dân tệ (4,41 tỉ đôla Mỹ) năm 2014 lên 60,98 tỉ nhân dân tệ (8,87 tỉ đôla Mỹ) vào năm 2018.

Trong quý đầu tiên của năm 2019, thị trường Trung Quốc đã thu về 18,61 tỉ nhân dân tệ (2,77 tỉ đôla Mỹ). Mùa tết năm nay, phòng vé Trung Quốc đã đạt con số kỷ lục 5,84 tỉ nhân dân tệ (khoảng 869 triệu đôla Mỹ), vượt tổng doanh thu cả năm 2008.

Năm nay, Trung Quốc có kế hoạch đẩy nhanh việc phát triển và xây dựng thêm rạp chiếu cũng như thúc đẩy thị trường điện ảnh thông qua một loạt các chính sách mới.

Nguồn: Tổng cục Báo chí, Xuất bản, Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình Trung Quốc

Sẽ có hơn 80.000 phòng chiếu phim màn ảnh rộng trên cả nước vào năm 2020. Ngoài ra, thêm nhiều rạp chiếu sẽ được xây dựng ở những vùng xa xôi của Trung Quốc, theo một tài liệu chính thức do Cục Điện ảnh Trung Quốc công bố vào tháng 12 năm ngoái.

Thêm vào đó, có thể kỳ vọng có thêm nhiều hợp tác quốc tế nhiều hơn trong sản xuất phim. Tại Hội chợ phim năm ngoái – một phần cốt lõi của Liên hoan phim quốc tế Bắc Kinh (BJIFF) – Cinedigm, một trong những hãng phim độc lập lớn nhất của Mỹ, đã ký thỏa thuận hợp tác với sáu đối tác Trung Quốc.

Tại lễ ký kết, Chris McGurk, chủ tịch và giám đốc điều hành của Cinedigm, nói: “Tôi tin rằng chúng ta đang ở ngưỡng cửa của một thời đại toàn cầu mới thậm chí còn lớn hơn cho điện ảnh Trung Quốc.”

Hội chợ phim của BJIFF năm nay, đã khai mạc ngày 14/4, cho đến nay nhận được hơn 735 dự án chào hàng từ 10 quốc gia và khu vực.

Thật hợp lý khi nói rằng với việc tham gia nhiều hơn vào thị trường toàn cầu và được công nhận nhiều hơn trên thế giới, thời kỳ hoàng kim tiếp theo của điện ảnh Trung Quốc là có thể thấy trước.

Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: CGTN (Hong Yaobin, đồ họa: Li Jingjie)


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.