Netflix có vẻ đang suy tính một nước đi chiến lược khi tự miêu tả mình là một “công ty giải trí”.
Suy cho cùng, Thung lũng Silicon đồng nghĩa với việc khai thác dữ liệu
người dùng và là mục tiêu đáng thèm muốn cho những ai muốn trở thành
kẻ phá bĩnh lòng tin. Nhưng có lẽ CEO Reed Hastings có ý định
tốt đẹp hơn.
Tác giả bài viết đã nghe nhiều đồn đại về cà phê và thức ăn vặt tại
văn phòng trụ sở chính hoành tráng của Netflix ở Los Angeles. Người ở
Hollywood đã mô tả chi tiết với tác giả thế này: Nước khoáng bổ sung
vitamin, rong biển sấy muối, trái cây và thậm chí là một núi thịt xông
khói vào buổi sáng. Kế đến, dĩ nhiên là máy pha cà phê espresso La
Marzocco, Ferrari của các dòng máy pha cà phê cappuccino. “Họ để những
cái máy La Marzocco đó ngay đây, tại hành lang, và ai cũng có thể dùng!”
một đạo diễn nói với người viết, biểu lộ sự háo hức y như cậu con trai
ba tuổi của người viết khi tìm thấy cây kẹo mút ở đáy túi đồ ăn trưa.
“Đồ miễn phí tràn đồng!”
Những chi tiết này — máy pha cà phê, đậu
phộng M&Ms không giới hạn, và bỏng ngô miễn phí đủ để cung cấp cho
cả Beverly Hills — có vẻ tầm thường. Nhưng là người đã kiểm soát Thung lũng
Silicon trong hơn một thập kỷ, những chi tiết đó nói rất nhiều điều. Vào hạ tuần tháng 3, trong một sự kiện báo chí kéo dài hai ngày tại trụ sở ở
Los Angeles, giám đốc sản phẩm của Netflix, Greg Peters đã đưa ra tuyên
bố táo bạo về công ty trị giá 160 tỉ USD này. Netflix, ông nói, “không
phải là công ty nội dung giải trí mà cũng chẳng là một công ty công
nghệ.” Thay vào đó, ông lập luận, đây là “một công ty giải trí” chỉ sử
dụng công nghệ để kể chuyện theo cách hấp dẫn hơn.
Nhân viên Netflix trong phòng chiến tranh sẵn sàng cho việc tung ra mùa hai của loạt phim Daredevil ngày 17/3/2016 tại trụ sở Netflix ở Los Gatos, California
|
Nhưng tất nhiên, Netflix không trông có vẻ hay có cảm giác giống một
công ty giải trí truyền thống. Văn phòng công ty thường phản ánh cách
thức mà các ngành công nghiệp khác nhau hội tụ về tính thẩm mỹ và đặc
quyền giống nhau. Đi vào bất kỳ phòng tin tức nào các nhà báo và biên
tập viên đều mặc đồ công sở không quá trang trọng và uống cùng một loại
cà phê dở tệ (mà gần như chắc chắn là họ phải mua). Đi vào bất kỳ hãng
phim Hollywood nào bạn sẽ được mời nước và dẫn đến khu vực chờ để nhìn
chằm chằm vào các áp phích phim, mặc dù thực ra chẳng còn những mô hình
hóa cho áp phích phim nữa. Trong khi đó, ngành công nghệ thể hiện văn
hóa độc đáo riêng, hoàn chỉnh với máy làm bia mini và cà phê nitro có
sẵn, thức ăn tự phục vụ miễn phí và những chiếc máy pha cà phê
cappuccino cực kỳ lạ mắt. Nói cách khác, các công ty công nghệ trông
giống y như Netflix. Đó là vì Netflix, như người viết đã nhận ra khi
tham dự sự kiện báo chí kéo dài hai ngày đó, không hẳn là một hãng phim.
Cũng không là một studio truyền hình. Nếu bạn hỏi, thì thậm chí đó cũng
không hẳn là một công ty truyền thông. (Hầu hết các công ty truyền
thông đều dựa vào quảng cáo để thanh toán hóa đơn, và Netflix chắc chắn
không thế). Ở cốt lõi, Netflix là một công ty công nghệ. Và vì
điều đó, hầu hết mọi người nhìn công ty này lâu nay đều sai.
Mặc
dù Netflix chi hàng tỉ đôla cho nội dung, lợi thế cạnh tranh thực sự
của nó là khả năng sử dụng dữ liệu để suy luận ra cách cung cấp đúng nội
dung cho đúng người tiêu dùng. Các công ty truyền hình cáp truyền thống
không thể làm điều này, tất nhiên, đó là một lý do tại sao 33 triệu
người Mỹ đã cắt thuê bao truyền hình cáp. Đáng kể hơn, các đối thủ cạnh
tranh như Hulu và Apple đều không tìm ra cách làm được điều này. Ví dụ:
nếu người viết mở Apple TV của mình và quý vị mở Apple TV của quý vị,
chúng ta sẽ xem khá nhiều bộ phim tương tự được cung cấp: tốp những phim
thành công đình đám và phim mới và đáng chú ý, v.v... Tuy nhiên, nếu
quý vị và người viết mở Netflix, chúng ta sẽ được giới thiệu hai nội
dung hoàn toàn khác nhau, được cá nhân hóa. Màn hình chính liên tục thay
đổi, chọn cách thể hiện và giới thiệu khác nhau để thu hút người xem
đến với chương trình nguyên bản mà có thể họ đã bỏ qua, đo tốc độ phản hồi,
tổng hợp dữ liệu về sở thích của chúng ta — thậm chí tính toán chỗ đặt
và kích cỡ màn hình chúng ta đang xem — và đẩy những hiểu biết sâu đó
đến các nhà điều hành hãng phim.
Tất cả điều này đang xảy ra trên quy mô toàn cầu. Trong một phần của
chuyến tham quan, các nhà báo được mời tham gia hai phiên riêng biệt
cho thấy Netflix năng nổ thế nào với việc mở rộng quốc tế. Trong một
phiên tập trung vào việc lồng tiếng, các nhà báo đã xem một màn trình
diễn đáng kinh ngạc của công ty lấy một phim hoạt hình và lồng hàng chục
ngôn ngữ khác nhau cho các nhân vật, cho phép nhanh chóng phát hành lại
nội dung này trên toàn cầu trong cùng một lúc. Trong phiên khác, công
ty trình bày cách đặt lại tựa phim, thiết kế và siêu chuyên biệt hóa tựa
phim, thiết kế, mô tả và hình ảnh cho các khu vực và phương ngữ đặc
thù, có tính đến những gì không thể chuyển ngữ từ vùng này sang vùng
khác. Trong mọi ví dụ, các nhóm dữ liệu của Netflix đang theo dõi cách
người ta phản ứng với nội dung ở mọi ngóc ngách thế giới, và áp dụng
hiểu biết đó vào nội dung trong tương lai sẽ được sáng tạo, lồng tiếng
và thiết kế để phát hành toàn cầu. Netflix có các nhóm nhân viên và máy
móc để ý xem người ta đang nói gì trên mạng xã hội khắp thế giới. Một
chương trình thử nghiệm tốt ở Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Brazil có thể tìm thấy bản
khởi động lại bằng tiếng Anh, nhưng được giới thiệu đến khán giả theo
một cách hoàn toàn khác.
Netflix có sự vênh vang của một công ty
biết mình oách, ngay cả khi họ sống trong nỗi sợ mất đi danh hiệu đó.
Đầu tháng 10 năm ngoái, cổ phiếu của Netflix đã giảm khoảng 7% trong một
ngày, chủ yếu dựa trên nỗi lo sợ của các nhà đầu tư về sự cạnh tranh
đang lù lù hiện ra. Năm tháng sau, cổ phiếu tăng trở lại, nhưng Phố Wall
đã cảnh giác. Đầu năm nay, sự tăng trưởng lên tới gần 140 triệu người
dùng của Netflix đã được thúc đẩy bởi rất nhiều khoản nợ. Trong khi tạo ra 1,4 tỉ đôla mỗi tháng từ người dùng của mình, Netflix cũng đã
vay hơn 8 tỉ đôla để tạo nội dung mới nguyên. (Công ty hiện có khoản nợ
khoảng 11,8 tỉ đôla.)
Đáng kể hơn, thị trường phát trực tuyến theo yêu cầu sắp trở nên đông
đúc với các công ty đầy tiền. Apple, WarnerMedia, và Disney có tổng trị
giá hơn 1,2 nghìn tỉ đôla. (Disney đã chính thức chốt thương vụ 71 tỉ
đôla thâu tóm 21st Century Fox.) Apple có 285 tỉ đôla tiền mặt trong
tay. Disney và WarnerMedia sẽ chẳng cần phải vay xu nào để tạo ra hàng
trăm giờ nội dung mới; họ chỉ cần hút tiền từ các doanh nghiệp có lợi
nhuận ‘khủng’ khác của họ. Netflix, có dòng tiền âm khoảng 3 tỉ đôla vào
năm ngoái, có thể theo kịp không?
Khi người viết đặt ra một biến
thể của câu hỏi này với Reed Hastings, nhà sáng lập và Giám đốc điều
hành của Netflix, trong một phiên hỏi đáp trên Netflix Lot, ban đầu ông
đùa rằng ông sẽ chấp nhận cạnh tranh “có khó khăn”, nhưng sau đó có vẻ
lập luận cạnh tranh nhiều hơn là tốt cho Netflix. “Họ sẽ làm một số
chương trình tuyệt vời. Tôi sẽ trở nên ghen tị. Họ sẽ đưa ra một số ý
tưởng tuyệt vời. Chúng tôi sẽ muốn mượn những ý tưởng đó,” Hastings nói,
đề cập đến các đối thủ cạnh tranh như Apple và Disney. “Về cơ bản,
chúng tôi sẽ khiến cho ngành công nghiệp này trở nên tốt hơn nếu chúng
tôi có những đối thủ cạnh tranh tuyệt vời.” Chắc chắn, về lý thuyết thì
hay, nhưng trong thâm tâm người viết không thể tưởng tượng Netflix lại
không mảy may lo lắng một vài năm tới đây sẽ có chuyện gì.
Nhưng,
giống như tất cả các công ty công nghệ giỏi giang, Netflix vẫn đang tìm
cách định đoạt họ muốn giới truyền thông tin rằng họ sẽ cạnh tranh với
ai. Chẳng hạn, Facebook đã khẳng định hết lần này đến lần khác rằng họ
không phải là một công ty truyền thông bởi vì họ không trả tiền cho
người ta để tạo ra nội dung. Tuy nhiên, Facebook đặt quảng cáo dựa trên
nội dung được tạo trên trang web của họ, vốn dĩ điều đó giống một công
ty truyền thông quá đi rồi! Tại sao lại phải làm sự phân biệt phi lý
này? Bởi vì Facebook phụ thuộc vào tiền quảng cáo từ các công ty truyền
thông — chứ còn ai vào đây nữa? Nếu họ thừa nhận cái họ thực sự là,
Facebook có thể phải theo tiêu chuẩn báo chí áp dụng cho các phương tiện
truyền thông. Hoặc tệ hơn, có thể mất tiền bằng cách được định giá như
một phương tiện truyền thông.
Netflix dường như đang thực hiện một tính toán tương tự bằng cách mô tả
mình là “công ty giải trí”. Đó có thể là một tín hiệu cho các nhà đầu
tư, về cách định giá cổ phiếu tiến lên. Cũng có thể là một nỗ lực để ấn
định kỳ vọng khi các giám đốc điều hành chuẩn bị cho sự xuất hiện của
Disney+ và WarnerMedia, và các đối thủ phát trực tuyến khác với túi đầy
tiền. Trong các phiên hỏi đáp, Hastings đã nói rõ “Amazon cũng gia nhập
dịch vụ trực tuyến vào năm 2007, cùng thời điểm với Netflix,” như thể để
làm giảm tầm quan trọng của kỷ nguyên cạnh tranh mới máu lửa này.
Hastings
có thể có nhiều lý do yếm thế hơn để cách ly Netflix với Thung lũng
Silicon, điều này trở nên đồng nghĩa với việc khai thác dữ liệu người
dùng và là mục tiêu hấp dẫn cho những kẻ phá bĩnh lòng tin như Elizabeth
Warren. Nhưng người viết cũng tin rằng những ý định của Hastings dành
cho 150 triệu thuê bao Netflix hoặc hơn phần lớn là vô hại. Mặc dù trước
hết Netflix rõ ràng là một công ty công nghệ, và thứ đến mới là một
kênh nội dung giải trí, công ty này không bán dữ liệu của quý vị cho các
nhà quảng cáo hoặc chiến dịch vận động tranh cử của Trump hay — xin
Chúa thương xót người Mỹ chúng con — cho người Nga. Mối quan hệ của họ
với người tiêu dùng là toàn diện, và chủ yếu là lành mạnh. Điều tồi tệ
nhất mà quý vị có thể nói về Netflix là họ liên tục phân tích chứng
nghiện của chúng ta để phát triển ma túy kỹ thuật số mạnh hơn bao giờ
hết. Bạn có thể quy lỗi cho thế hệ thiên niên kỷ và học máy (machine learning) đối với các bộ phim mới nguyên của Netflix như
Christmas Inheritance,
El Camino Christmas,
The Christmas Chronicles,
A Christmas Prince, và
A Christmas Prince: The Royal Wedding.
Bản thân Hastings không giống như hầu hết các nhà sáng lập công nghệ
khác mà người viết đã gặp. Tuy có lên Twitter, ông không bao giờ
tweet về bản thân để tăng cái tôi của mình. Ông không ném lựu đạn ngôn
từ chỉ để gây sự chú ý. Ông không làm mất uy tín người dùng của mình,
chọn cuộc chiến với giới truyền thông, hoặc lợi dụng sự thiếu kiểm soát
của cơ quan quản lý để thao túng người tiêu dùng. Giống như hầu hết các
công ty công nghệ khác ngày nay, Hastings rõ ràng có thể kiếm tiền tỉ từ
việc bán dữ liệu người dùng Netflix cho các nhà quảng cáo. Nhưng không
như Mark Zuckerberg và Jack Dorsey, Hastings đã chọn không làm vậy. Thực
tế, ông đã kiên quyết rằng dữ liệu người tiêu dùng của Netflix không
bao giờ được sử dụng để chống lại họ. “Chúng tôi không có bất kỳ quảng
cáo nào, vì vậy chúng tôi không bán bất kỳ dữ liệu nào,” ông nói một
cách tự tin trong khi các phiên dịch viên của vô số ngôn ngữ cung cấp thông
tin cho gần 60 nhà báo trên khắp thế giới. “Chúng tôi không nhập bất kỳ
dữ liệu nào, vì vậy chúng tôi hoàn toàn an toàn, tách biệt, chỉ là dữ
liệu giúp chúng tôi phục vụ các thành viên của mình tốt hơn.” Và quý vị
biết gì không? Không giống như hầu hết các CEO công nghệ khác, người
viết thực sự tin ông.
Dịch: © Yên Khuê @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Vanity Fair