Trong một tình tiết mang tính hủy hoại, trích từ cuốn sách mới gây tranh
cãi tiết lộ việc các hãng phim lớn, quá muốn bảo vệ công việc làm ăn ở
Đức, để cho Đức Quốc xã kiểm duyệt kịch bản, gỡ những người Do Thái ra
khỏi phần ghi công (credit), bắt ngừng làm phim và thậm chí buộc một
điều hành của hãng MGM ly dị người vợ Do Thái của mình.
Thập niên 1930 được khen ngợi là kỷ nguyên vàng son của Hollywood, nhưng
trong một trích đoạn độc quyền từ cuốn sách gây tranh cãi của ông,
The Collaboration: Hollywood's Pact with Hitler
(Harvard University Press, bắt đầu bán từ ngày 9/9), Ben Urwand, nghiên
cứu sinh sau tiến sĩ Harvard, tiết lộ một khía cạnh đen tối trong quá
khứ của Hollywood.
Tiếp cận những tư liệu lưu trữ phong phú ở Mỹ và ở Đức, ông tiết lộ sự
cộng tác và chung sức với Đức Quốc xã của Hollywood trong thập niên dẫn
tới Thế chiến thứ II để bảo vệ công việc kinh doanh của mình, ở mức độ
gây sốc.
Thực ra, "cộng tác" (tiếng Đức là
Zusammenarbeit) là một
từ xuất hiện thường xuyên trong thư từ qua lại giữa các quan chức hãng
phim với Đức Quốc xã. Mặc dù từ này được nghe đầy lỗ tai thời nay, thời
đó việc sử dụng từ này mỗi ngày đã nhấn mạnh sự hăm hở của cả hai phía
nhằm giải quyết những khác biệt của họ để bảo vệ công việc kinh doanh.
Đức
Quốc xã đã đe dọa cấm phim Mỹ -- hơn 250 phim được chiếu ở Đức sau khi
Hitler nắm quyền vào năm 1933 – trừ phi các hãng phim chịu cộng tác.
Trước Thế chiến thứ I, Đức đã là thị trường lớn thứ nhì thế giới, và dù
nó đã bị co lại trong thời kỳ Đại suy thoái, các hãng phim vẫn tin rằng
nó sẽ phục hồi và lo ngại rằng nếu từ bỏ thị trường này, họ sẽ không bao
giờ quay lại được.
Bắt đầu bằng những thay đổi đối với bộ phim
All Quiet on the Western Front
của hãng Universal ra mắt năm 1930, Hollywood đều đặn chuyển kịch bản
và phim hoàn chỉnh để được quan chức Đức duyệt. Khi họ phản đối cảnh hay
lời thoại nào mà họ cho rằng làm xấu nước Đức, chỉ trích Đức Quốc xã
hoặc xoáy vào việc ngược đãi người Do Thái, các hãng phim sẽ phải điều
chỉnh – và cắt ở phiên bản Mỹ cũng như phiên bản chiếu ở các nơi khác
trên thế giới.
Mà không chỉ có các cảnh: Đức Quốc xã buộc hủy bỏ
toàn bộ những dự án phê phán sự lên ngôi của Adolf Hitler. Thực tế,
Hollywood đã không làm phim chống phát xít nào quan trọng cho đến tận
năm 1940. Hitler bị ám ảnh với sức mạnh tuyên truyền của điện ảnh, và
Đức Quốc xã tích cực quảng bá cho những phim Mỹ như
Captains Courageous năm 1937 mà chúng cho là đề cao giá trị chủng tộc da trắng.
Captains Courageous: Đức Quốc xã xem bộ phim kinh điển năm 1937 do
Spencer Tracy và Freddie Bartholomew đóng chính này là "có giá trị nghệ
thuật" vì câu chuyện về một cậu bé hư hỏng học được giá trị của sự hy
sinh.
|
Các sử gia từ lâu đã biết về các công ty Mỹ như IBM và General Motors đã
làm ăn ở Đức đến cuối thập niên 1930, nhưng sức mạnh văn hóa của điện
ảnh – khả năng định hình suy nghĩ của con người – khiến sự cộng tác của
Hollywood với Đức Quốc xã là một chương ghê rợn trong lịch sử. -- Andy
Lewis
'Thắng lợi là của chúng ta'Vào thứ năm, 5 tháng 12 năm 1930, một đám Đức quốc xã ở Berlin bao vây một mục tiêu bất thường: bộ phim
All Quiet on the Western Front.
Được hầu hết các quốc gia xem là một tài liệu về những nỗi kinh hoàng
của Thế chiến thứ I, ở Đức phim này bị xem là một nỗi đau và tái hiện
thất bại của nước Đức.
Đảng viên Đảng Quốc xã, mới đây đã tăng sự hiện diện trong Quốc hội Đức từ 12 lên 107 ghế, lợi dụng sự căm phẫn dân tộc đối với
All Quiet on the Western Front.
Chúng mua khoảng 300 vé xem buổi công chiếu đầu tiên, và khi chúng
chứng kiến quân Đức rút khỏi Pháp, chúng gào lên: "Lính Đức có lòng can
đảm. Thật nhục nhã thay một phim lăng mạ như thế này được làm ở Mỹ!"
Phòng chiếu bị buộc phải tắt máy chiếu phim. Từ hàng đầu của khu ghế lô,
Joseph Goebbels, nhà truyền giáo cho Đảng Quốc xã đã đọc diễn văn khẳng
định rằng bộ phim này là một nỗ lực nhằm hủy hoại hình ảnh của nước
Đức. Các đồng chí của hắn đã ném bom hơi cay và thả chuột vào đám đông
khán giả. Ai nấy chạy thoát thân, và rạp hát bị đặt dưới sự canh gác.
All Quiet on the Western Front, phim của hãng Universal Pictures
dựa theo tiểu thuyết ăn khách của Erich Maria Remarque về lính Đức trong
Thế chiến thứ I trở thành phim đầu tiên đầu hàng sức ép của Đức Quốc xã
sau khi Joseph Goebbels gây náo động trong buổi cống chiếu ở Berlin
|
Hành động của Đức Quốc xã đã được ủng hộ rộng khắp. Tình hình lên đến
đỉnh điểm vào ngày 11/12, khi hội đồng kiểm duyệt tối cao của Đức nhóm
họp để định đoạt số phận của bộ phim. Sau một cuộc thảo luận dài, chủ
tịch hội đồng đã ban hành lệnh cấm: Trong khi lính Pháp tiến tới cái
chết một cách lặng lẽ và can trường, lính Đức gào rú và la thét sợ hãi.
Bộ phim này không phải là một sự trình bày trung thực về thất bại của
nước Đức – tất nhiên công luận đã phản đối. Bộ phim đã xúc phạm cả một
thế hệ người Đức trải qua cuộc chiến tranh này.
Và thế là, sáu ngày sau sự chống đối ở Berlin,
All Quiet on the Western Front
bị trục xuất khỏi các rạp chiếu trên khắp nước Đức. "Thắng lợi là
của chúng ta!" nhật báo của Goebbels tuyên bố. "Chúng ta đã buộc chúng
phải quỳ gối!"
Ở Hollywood, chủ tịch của Universal Pictures, Carl
Laemmle, gặp rắc rối bởi sự tranh cãi xung quanh bộ phim của ông. Ông
sinh ra ở Đức, và ông muốn
All Quiet on the Western Front được
chiếu ở đó. Theo một đại diện, công ty của ông đã "đánh mất một tiềm
năng kinh doanh tốt, vì bộ phim lẽ ra đã thắng đậm ở Đức nếu nó được
trình chiếu không bị ngăn trở."
Tháng 8 năm 1931, Laemmle cho ra
một phiên bản được biên tập mạnh tay mà ông tin là sẽ không làm cho Bộ
Ngoại giao Đức bực mình. Ông đi châu Âu để quảng bá phiên bản mới này.
Bộ Ngoại giao Đức nhanh chóng đồng ý ủng hộ
All Quiet on the Western Front
được chiếu đại trà ở Đức, với một điều kiện: Laemmle sẽ phải bảo tất cả
các chi nhánh của Universal trên khắp thế giới cũng cắt bỏ tương tự tất
cả các bản phim. Cuối hè đó, Laemmle đồng ý cộng tác theo yêu cầu.
Joseph Goebbels (1897-1945) là Bộ trưởng tuyên truyền của Đệ tam
Quốc xã từ năm 1933 cho đến khi tự vẫn vào cuối Thế chiến thứ II. Ông ta
sách động chống All Quiet on the Western Front, động thái này đã hình thành quan hệ phức tạp giữa Hollywood và Đức Quốc xã
|
Tuy nhiên, nhiều tháng sau, Laemmle, vốn là người Do Thái, đã phải lo
lắng đến một điều còn quan trọng hơn cả số phận bộ phim của ông nữa.
"Tôi gần như chắc chắn," ông viết vào đầu năm 1932, "rằng việc lên nắm
quyền của Hitler… sẽ là dấu hiệu cho một đợt tàn sát hàng triệu người Do
Thái vô phương tự vệ, đàn ông, đàn bà và cả trẻ em." Ông thuyết phục
quan chức Mỹ rằng ông có thể lo cho người Do Thái, và đến lúc ông mất
năm 1939, ông đã giúp ít nhất 300 người Do Thái rời khỏi nước Đức.
Và
vào đúng cái lúc ông dấn thân vào cuộc thập tự chinh này, nhân viên của
ông ở Universal đã làm theo lệnh của chính phủ Đức. Trong vòng mấy
tháng đầu năm 1932, Bộ Ngoại giao Đức đã phát hiện những phiên bản chưa
bị cắt của
All Quiet on the Western Front chiếu ở El Salvador
và Tây Ban Nha. Hãng phim đã xin lỗi. Sau đó, không có than phiền gì
nữa; Universal đã cắt tất cả các phiên bản trình chiếu khắp thế giới
theo yêu cầu.
Năm sau, Laemmle lại nhượng bộ Bộ Ngoại giao Đức lần nữa: ông hoãn phát hành
The Road Back, phần tiếp theo của
All Quiet on the Western Front.
Con trai ông, Carl Laemmle Jr., cũng đồng ý thay đổi nhiều phim để lấy
lòng Đức. Bộ Ngoại giao Đức nhìn nhận, "Universal không cộng tác
[
Zusammenarbeit] suông mà là chịu sự chi phối bởi mối quan ngại của công
ty đối với sự tồn vong của chi nhánh của hãng này ở Berlin và thị
trường Đức."
Suốt thập niên 1930, thuật ngữ "cộng tác" được lặp
đi lặp lại để miêu tả các đàm phán ở Hollywood. Thậm chí lãnh đạo các
hãng phim đã dung nạp từ này. Một điều hành ở RKO hứa hẹn rằng bất cứ
khi nào ông làm phim liên quan đến nước Đức, ông sẽ "cộng tác chặt chẽ"
với lãnh sự quán địa phương. Một điều hành hãng Fox cũng nói tương tự.
Ngay cả United Artists cũng đề nghị "cộng tác chặt chẽ nhất" nếu chính
phủ Đức không trừng phạt hãng này vì bộ phim về trận không chiến
Hell's Angels
năm 1930 gây tranh cãi. Theo Bộ Ngoại giao Đức, "Mỗi lần đạt đến sự
cộng tác này, các bên liên quan đều thấy có lợi và hài lòng."
Carl Laemmle, người Do Thái sinh ở Đức, chủ tịch Universal Pictures đã đầu hàng sức ép kiểm duyệt của Đức Quốc xã đối với All Quiet on the Western Front, nhưng ông cũng giúp cho hơn 300 người Do Thái thoát khỏi Đức trước khi mất năm 1939
|
Tất cả chuyện đó là kết quả hành động phản ứng
All Quiet on the Western Front
của Đức Quốc xã. Chẳng bao lâu mọi hãng phim đều nhượng bộ sâu chính
phủ Đức, và khi Hitler lên nắm quyền hành vào tháng giêng năm 1933, các
hãng phim đã đàm phán trực tiếp với đại diện của ông ta.
Đại diện
quan trọng nhất của Đức trong toàn bộ các cuộc dàn xếp này là một nhà
ngoại giao tên Georg Gyssling, là đảng viên Quốc xã từ năm 1931. Ông ta
trở thành lãnh sự Đức ở Los Angeles năm 1933, và chủ ý áp đặt chính sách
lên ngành điện ảnh Mỹ. Chiến lược chính của ông này là đe dọa các hãng
phim Mỹ bằng một quy định về điện ảnh của Đức được gọi là "Điều luật
15." Theo quy định này, nếu một công ty phát hành phim chống Đức ở bất
cứ đâu trên thế giới, thì tất cả phim của hãng đó sẽ bị cấm ở Đức. Điều
luật 15 tỏ ra hết sức hiệu quả trong việc khống chế ngành công nghiệp
điện ảnh Mỹ vì Bộ Ngoại giao Đức, với mạng lưới bao la các đại sứ quán
và lãnh sự quán, có thể dễ dàng phát hiện ra có phim chống Đức nào phát
hành ở đâu trên toàn thế giới.
Tháng 5 năm 1933, một biên kịch của Hollywood tên Herman J. Mankiewicz‚ về sau đã viết kịch bản phim
Citizen Kane,
có một sáng kiến đầy hứa hẹn. Biết chuyện đối xử với người Do Thái ở
Đức và ông nghĩ, "Tại sao không đưa lên màn ảnh?" Rất nhanh, ông viết
một kịch bản có tên
The Mad Dog of Europe, và gửi cho bạn mình
là Sam Jaffe, một nhà sản xuất tại RKO. Jaffe thích ý tưởng này đến độ
ông đã mua quyền làm phim và nghỉ việc. Giống Mankiewicz, Jaff là người
Do Thái, lên kế hoạch tập hợp một dàn diễn viên tuyệt nhất của Hollywood
và dồn hết mọi công sức vào một bộ phim sẽ làm cả thế giới phải chấn
động.
Tất nhiên, nhiều thế lực đã gây sức ép để bộ phim này không
bao giờ được làm ra. Trước tiên và tối cao là Gyssling. Đến thời
điểm này, ông ta chỉ viện dẫn Điều luật 15 đối với những phim gièm pha
quân Đức trong Thế chiến.
The Mad Dog of Europe đe dọa hơn rất nhiều: tấn công thẳng vào chế độ Đức hiện tại.
Lãnh sự Đức ở Los Angeles, Georg Gyssling, đảng viên Đảng Quốc xã, chụp hình với Leni Riefenstahl (phải), đạo diễn phim Triumph of the Will, giám sát công nghiệp điện ảnh Mỹ sau khi được bổ nhiệm năm 1933
|
Gyssling đã không dùng được Điều luật 15 áp cho
The Mad Dog of Europe
vì một lý do đơn giản rằng công ty độc lập sản xuất phim này không làm
ăn ở Đức. Ông ta chỉ còn một lựa chọn: Thông báo với Hiệp hội các nhà
sản xuất và phát hành phim Hoa Kỳ [Motion Picture Producers and
Distributors Association of America] (nổi tiếng với cái tên Hays
Office), là đơn vị điều tiết yếu tố bạo lực và tình dục trong phim
Hollywood, rằng nếu bộ phim này mà được làm ra thì Đức sẽ cấm tất cả
phim Mỹ ở Đức.
Hays Office phản ứng rất nhanh. Will Hays, chủ
tịch hiệp hội, đã gặp Jaffe và Mankiewicz. Ông ta kết tội hai người này
đã chọn một hoàn cảnh "giật gân" cho bộ phim, mà, nếu được làm ra, có
thể đem lại cho họ lợi nhuận khổng lồ trong khi gây thiệt hại nặng nề
cho cả ngành công nghiệp điện ảnh. Jaffe và Mankiewicz nói họ vẫn cứ xúc
tiến bất chấp mọi lệnh cấm mà Hays có thể đưa ra.
Hays đã phải
sử dụng một cách tiếp cận khác. Ông yêu cầu người đại diện của mình,
Joseph Breen, liên hệ với hội đồng cố vấn cho Liên đoàn chống phỉ báng
(Anti-Defamation League – ADL) ở Los Angeles. Hội đồng cố vấn này đã đọc
kịch bản và cảm thấy rằng việc nói thẳng về Hitler và Đức quốc xã như
vậy có thể kích động phản ứng chống phát xít ở Mỹ. Nhưng "nếu chỉnh sửa
để có vẻ như là ám chỉ một quốc gia hư cấu, và nếu yếu tố tuyên truyền…
được làm tinh vi hơn… bộ phim này sẽ là một công cụ hiệu quả nhất cho
việc đánh thức công luận về hiểm họa của chủ nghĩa Hitler."
Cho
dù kịch bản bị giảm tác dụng, ADL ngờ rằng Hays Office vẫn phản đối bộ
phim vì nhiều hãng phim lớn ở Hollywood vẫn đang làm ăn ở Đức. Không ai ở
ADL biết chính xác là bao nhiêu. Có người đã hình dung Đức sẽ cấm những
phim có diễn viên người Do Thái đóng; người khác thì nghĩ Đức sẽ cấm
toàn bộ "công ty nào do người Do Thái kiểm soát." Không ai mảy may nghĩ
thực tế Đức Quốc xã lại tạo điều kiện cho việc phát hành phim Mỹ ở Đức.
Herman J. Manckiewicz, nhà biên kịch của Citizen Kane, đã viết ra kịch bản chống phát xít Đức quan trọng đầu tiên năm 1936 - The Mad Dog of Europe - nhưng Gyssling gây sức ép khiến cho phim này chưa bao giờ được làm ra
|
ADL quyết định thực hiện một phép thử: Tổ chức này cử một biên kịch có tiếng soạn một đề cương kịch bản phim
The Mad Dog of Europe
không chứa đối tượng cụ thể nào. Sau đó biên kịch này nộp đề cương đó
cho ba cơ quan khác nhau, và không chút ngần ngừ, cả bao nơi đều nói
giống y nhau: "Nộp kịch bản của những thể loại này là vô ích vì các hãng
phim lớn đều 'ngón cái chỉ xuống' với bất cứ phim nào loại này."
Cuối cùng, Jaffe bỏ cuộc và bán quyền làm phim
The Mad Dog of Europe
cho Al Rosen. Và khi Hays Office hối thúc Rosen bỏ bộ phim này, Rosen
đã kết tội Hays Office can thiệp ác ý và ra một thông cáo đặc biệt đến
Jewish Telegraphic Agency tuyên bố "có đầy đủ thông tin" rằng quan chức
Đức Quốc xã đang tìm cách ngăn cản bộ phim này.
Bảy tháng sau –
từ tháng 11 năm 1933 đến tháng 6 năm 1934 -- Rosen tiếp tục làm phim,
nhưng ông không thuyết phục được các nhà điều hành ở Hollywood đầu tư
vào dự án này. Louis B. Mayer bảo ông: "Chúng tôi quan tâm đến nước Đức;
tôi đại diện cho ngành công nghiệp điện ảnh Hollywood; chúng tôi có sự
trao đổi ở đó; chúng tôi có nguồn thu nhập lớn ở Đức và, theo như tôi
biết, phim này sẽ không bao giờ được làm."
Và thế là
The Mad Dog of Europe
không bao giờ trở thành phim. Đây trở thành chương hồi quan trọng nhất
trong tất cả những thỏa thuận của Hollywood với Đức Quốc xã. Nó xảy ra
vào thời gian đầu Hitler lên nắm quyền, và nó xác định những giới hạn
của điện ảnh Mỹ trong những năm còn lại của thập niên này.
Will Hays, lãnh đạo của Hiệp hội sản xuất và phát hành điện ảnh Hoa
Kỳ (còn gọi là Hays Office) từ năm 1922-1945, điều tiết yếu tố tình dục
và bạo lực trên phim, đã giúp Đức gây áp lực buộc Hollywood không làm
phim chống phát xít Đức
|
Zusammenarbeit: cộng tácNăm 1936, các hãng phim bắt đầu đụng độ với
những khó khăn nghiêm trọng về kiểm duyệt ở Đức. Đức Quốc xã kiểm duyệt
loại hàng tá phim Mỹ, có khi cho biết lý do mơ hồ, có khi không hề cho
biết lý do. Đến thời điểm này, những công ty nhỏ hơn thảy đều từ bỏ thị
trường Đức, và chỉ còn ba hãng lớn -- MGM, Paramount và 20th Century Fox
– trụ lại. Đến giữa năm 1936, ba công ty này cộng lại chỉ có tám phim
được kiểm duyệt Đức chấp thuận, trong khi họ cần 10 hay 12 phim mỗi hãng
mới mong hòa vốn.
Các hãng phim phải đối mặt với một quyết định
khó khăn: tiếp tục làm ăn ở Đức dưới những điều kiện bất lợi hay là rời
bỏ thị trường này và đưa Đức Quốc xã trở thành nhân vật phản diện ghê
gớm nhất mọi thời đại trên màn bạc. Ngày 22 tháng 7, MGM công bố hãng sẽ
'phắng' khỏi Đức nếu hai hãng còn lại, Paramount và 20th Century Fox,
cũng làm vậy.
Paramount và Fox nói không. Cho dù chẳng kiếm
được tiền ở Đức (Paramount công bố lỗ ròng 580 đôla năm 1936), họ vẫn
xem thị trường Đức là một sự đầu tư có giá trị. Họ đã ở đó bao nhiêu năm
nay. Bất chấp điều kiện làm ăn khó khăn, phim của họ vẫn cực kỳ được ưa
chuộng. Nếu họ tiếp tục trụ lại Đức thêm một thời gian nữa, không chừng
sự đầu tư của họ sẽ lại lãi to. Nếu rời đi thì có thể chẳng bao giờ họ
được phép quay lại.
Trong vài năm tiếp sau đó, các hãng phim chủ
động nuôi dưỡng các mối quan hệ cá nhân với các nhân vật nổi bật của Đảng Quốc xã. Năm 1937, Paramount chọn một quản lý mới cho chi nhánh ở Đức
của hãng: Paul Thiefes, một thành viên của Đảng Quốc xã. Trưởng đại diện
của MGM ở Đức, Frits Strengholt, ly dị bà vợ người Do Thái theo yêu cầu
của Bộ Tuyên truyền Đức. Bà này đã kết thúc cuộc đời trong trại tập
trung.
Các hãng phim cũng áp dụng những chiến thuật mới. Khi
Give Us This Night và
The General Died at Dawn
bị cấm, Paramount gửi thư cho Bộ Tuyên truyền Đức và tự biện cho điều
gì chướng tai gai mắt trong từng trường hợp. Nhạc nền của
Give Us This Night là của một nhà soạn nhạc Do Thái, thế nên hãng phim đề nghị thay bằng nhạc của một nhà soạn nhạc Đức.
The General Died at Dawn do Lewis Milestone đạo diễn, ông cũng là đạo diễn của
All Quiet on the Western Front, thế là hãng phim đề nghị xóa tên ông ra khỏi ‘credit’.
Tháng
1 năm 1938, chi nhánh Berlin của 20th Century Fox gửi thư thẳng đến văn
phòng Hitler: "Chúng tôi sẽ rất cảm kích nếu ngài có thể cho chúng tôi
một công hàm từ Quốc trưởng trong đó cho ý kiến của ông về giá trị và
tác động của phim Mỹ ở Đức. Chúng tôi xin ngài sự ủng hộ trong vấn đề
này, và chúng tôi sẽ rất cảm kích nếu ngài có thể cho chúng tôi một thư
ngắn về việc liệu yêu cầu của chúng tôi sẽ được Quốc trưởng chấp thuận
hay không. Heil Hitler!" Bốn ngày sau, 20th Century Fox nhận được trả
lời: "Cho đến nay về nguyên tắc Quốc trưởng từ chối cung cấp những loại
phán xét như vậy."
Phiên bản cuối cùngTháng 4 năm
1936, Laemmle mất quyền kiểm soát Universal Pictures về tay nhà tài
chính và thể thao Mỹ John Cheever Cowdin, ông này đã làm lại phần phim
tiếp theo của
All Quiet on the Western Front,
The Road Back.
"Khi kịch bản này xuất hiện lần đầu cách đây bốn-năm năm," một nhân
viên Universal giải thích với Hays Office, "bất đắc dĩ sản xuất… chỉ vì
nguy cơ mà nó có thể đem lại cho công việc kinh doanh của chúng tôi ở
Đức. … [Kể từ] đó hoàn cảnh đối với công nghiệp điện ảnh Mỹ đã hoàn toàn
thay đổi và giờ đây chúng sẵn sàng và nóng lòng làm câu chuyện này."
Carl Laemmle (trái), chủ tịch Universal Pictures, phát hành một
phiên bản bị biên tập mạnh chuyển thể tiểu thuyết của Erich Maria
Remarque (phải) All Quiet On The Western Front
|
Bất chấp tuyên bố đó, Universal không hề mất hứng thú với thị trường
Đức. Tháng 2 năm 1937, Cowdin đến Berlin, và theo Đại sứ Mỹ William E.
Dodd, ông ta đã đưa ra một "đề nghị bất thường" với Đức Quốc xã. "Hãng
phim này trước đây được quản lý vì quyền lợi của người Do Thái nhưng sau
khi tái tổ chức, hiện nó được hiểu là phi-Do Thái," Dodd viết, "[và sau
khi] thảo luận với các quan chức chính phủ… một kế hoạch được xem xét
theo đó, có thể cộng tác với Đức, công ty của ông ấy có thể tái nhập thị
trường Đức."
Ngày 1 tháng 4 năm 1937, Gyssling có hành động trơ
tráo nhất từ trước cho đến lúc bấy giờ. Ông ta gửi thư cho khoảng 60
người liên quan đến
The Road Back – đạo diễn, diễn viên, thậm
chí nhân viên phục trang – và ông ta cảnh cáo họ rằng bất kỳ phim nào mà
họ tham gia trong tương lai sẽ bị cấm ở Đức. Động thái này đã tạo ra
phản ứng dữ dội. Gyssling đã thẳng thừng đe dọa người lao động trong
ngành điện ảnh Mỹ vì hoạt động của họ ngay trên đất quê nhà. Ông ta đã
sử dụng Bưu điện Mỹ để đe dọa và hăm he các công dân Mỹ. Universal yêu
cầu mọi người giữ bí mật vụ này, nhưng tin tức vẫn bị rò rỉ. Nhiều diễn
viên tìm đến tư vấn pháp luật; những lời khiếu nại được gửi tới Bộ Ngoại
giao Hoa Kỳ. Một thành viên của Hays Office hy vọng rằng Gyssling rốt
cuộc sẽ bị trục xuất "vì xấu xa."
Vấn đề này được xem xét ở cấp
tối cao. Một đại diện của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã gặp lãnh sự Đức và chỉ
ra rằng những hành động như thế không phải là chức năng đúng đắn của
một quan chức lãnh sự. Đại diện này không gửi khiếu nại chính thức; ông
chỉ yêu cầu lãnh sự Đức chuyển vấn đề này lên chính phủ Đức.
Trong khi đó, Universal Pictures đã cắt 21 cảnh trong
The Road Back.
Đến giai đoạn này, khó có cái gì trong phim mà đại sứ có thể phản đối.
Rất nhiều cảnh đã bị cắt bỏ và cốt chuyện chẳng còn nghĩa lý gì. Kết
phim, chỉ trích sự lên ngôi của chủ nghĩa quân phiệt ở Đức, giờ chỉ
trích sự lên ngôi của chủ nghĩa quân phiệt trên khắp thế giới. Nhưng Đức
Quốc xã vẫn không cho phép hãng phim này trở lại Đức.
Cảnh trong phim The Road Back
Còn Gyssling, tin tức đỡ u ám hơn. Bộ Ngoại giao Đức gửi một thư ngắn,
không có ý xin lỗi đến Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ giải thích rằng lãnh sự ở
Los Angeles đã được chỉ đạo không được gửi cảnh cáo đến công dân Mỹ nữa.
Kết quả, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ xem chuyện này đã khép lại.
Trong
tất cả những thỏa thuận với các hãng phim Hollywood, Gyssling đã hết sức
có chiến lược. Ông ta bác một loạt các phim về Thế chiến trong khi mục
tiêu thực nằm ở chỗ khác. Kể từ khi nghe nói về
The Mad Dog of Europe,
ông ta hiểu rằng Hollywood có khả năng sản xuất những thể loại phim gây
hại nhiều hơn xa mức hình dung của ông ta: một phim tấn công vào nước
Đức Quốc xã. Phản ứng của Gyssling đối với
The Road Back đã
được tính toán cẩn thận. Ông ta tập trung sức lực vào những phim lấy bối
cảnh quá khứ nhằm ngăn chặn các hãng phim không chuyển sang chuyện hiện
tại.
Tháng 4 năm 1937, phần cuối của bộ truyện ba tập
Three Comrades của Erich Maria Remarque, là chất liệu xuất sắc cho Hollywood, được xuất bản ở Mỹ. Trong khi
All Quiet on the Western Front nói về Thế chiến và
The Road Back nói về hậu quả của nó,
Three Comrades lấy
bối cảnh cuối thập niên 1920, khi Đảng Quốc xã nổi lên thành một thế
lực chính trị quan trọng. Nhà sản xuất của MGM, Joseph L. Mankiewicz
(anh của Herman) đã thuê không ai khác hơn là F. Scott Fitzgerald, viết kịch bản giáng một đòn mạnh lên sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít ở
Đức.
Khi Breen ở Hays Office Breen đọc kịch bản mới này, ông kinh hoảng. Ông vừa nhận được cảnh cáo thứ tư từ Gyssling về
Three Comrades,
và ông biết thừa lãnh sự Đức rất giỏi việc gì. Ông viết cho Mayer những
lời lẽ mạnh nhất: "Kịch bản chuyển thể này cho gây khó khăn khủng khiếp
cho chúng ta từ quan điểm kinh doanh phát hành ở Đức của công ty ông. …
[và] có thể dẫn đến hậu quả khó khăn đáng kể ở châu Âu cho các nhà sản
xuất phim Mỹ khác."
Bất chấp quan ngại của Breen, việc quay bộ phim
Three Comrades
được xúc tiến. Biên kịch Budd Schulberg kể lại việc MGM chiếu bộ phim
này cho Gyssling xem: "Có một số phim mà Louis B. Mayer của MGM thực sự
điều hành… với lãnh sự Đức quốc xã và sẵn sàng loại ra những gì mà vị
lãnh sự, đảng viên Quốc xã đó, phản đối." Mặc dù Breen không được biết
về cuộc gặp giữa Mayer và Gyssling, ông ta sớm bị chuyện khác khống chế:
một danh sách những thay đổi cần phải làm với bộ phim này. Không hề có
khả năng Breen tự mình nảy ra danh sách này, vì ông ta đã có những việc
khác (liên quan đến tình dục, ngôn ngữ tục, v.v...). Rất có khả năng tài
liệu mật này, liệt kê 10 thay đổi bất thường, là danh sách mà Mayer
cùng soạn với Gyssling vào cuối buổi chiếu
Three Comrades.
Breen làm rõ danh sách này trong cuộc họp với các nhà điều hành MGM. Bộ
phim phải lấy bối cảnh thời gian trước đó nữa, ngay sau Thế chiến chừng
hai năm. "Vì vậy, chúng ta sẽ thoát khỏi bất cứ gợi ý nào là chúng ta
đang nói về bạo lực hay chủ nghĩa khủng bố của Đức Quốc xã." Ông ta đọc
to lên những cảnh cần cắt bỏ, và chỉ ra rằng những cảnh cắt bỏ này không
làm gián đoạn câu chuyện tình trung tâm của bộ phim. Các nhà điều hành
MGM đồng ý. Sau khi thực hiện tất cả những thay đổi,
Three Comrades không công kích Đức Quốc xã mà cũng chẳng đề cập đến người Do Thái. Phim hoàn toàn hết rắc rối.
Từ quan điểm của Gyssling, việc loại bỏ tất cả yếu tố chống đối trong phim
Three Comrades là
thành quả thực sự của cách hành xử của ông ta từ nhiều năm trước. Ông
ta đã phản ứng kịch liệt bộ phim thứ nhì trong loạt ba phim mà giờ đây
ông ta đã áp đặt được cách của mình lên phim thứ ba. Và đây nào phải
chuyện nhỏ,
Three Comrades lẽ ra đã là phim chống phát xít đầu
tiên của một hãng phim Mỹ. Ở thời điểm lịch sử then chốt này, một xuất
phẩm lớn của Hollywood lẽ ra đã có thể đánh động thế giới về chuyện gì
đang xảy ra ở Đức, nhưng đạo diễn đã không làm ra phiên bản phim cuối cùng;
Đức Quốc xã làm chuyện đó.
'Ném chúng ta ra'Sự cộng tác giữa Hollywood và Đức Quốc xã kéo dài đến tận năm 1940. Tuy Warner Bros. phát hành
Confessions of a Nazi Spy năm
1939, bộ phim hạng B này không ảnh hưởng đến hoạt động của hãng ở Đức.
MGM, Paramount và 20th Century Fox vẫn tiếp tục làm ăn với Đức Quốc xã,
và MGM còn quyên tặng 11 phim để giúp công cuộc cứu tế sau khi Đức đánh
chiếm Ba Lan vào ngày 1 tháng 9 năm 1939.
Chiến tranh tiếp diễn,
các hãng phim thấy hầu như việc phát hành phim ở Anh và Pháp là bất khả
thi, đây là hai nguồn thu lớn nhất từ thị trường nước ngoài. Trong bối
cảnh này, họ bớt quan tâm đến thị trường Đức tương đối nhỏ. MGM sớm dấn
mình vào một phim chống phát xít
The Mortal Storm, và 20th Century Fox bắt đầu làm
Four Sons.
Đức Quốc xã đáp trả bằng cách viện dẫn Điều luật 15 và đến tháng 9 năm
1940, cả hai hãng phim này đều bị trục xuất ra khỏi những lãnh thổ mà
Đức chiếm đóng.
Darryl F. Zanuck
Trong năm tiếp sau đó, các hãng phim chỉ phát hành một nhúm phim chống
phát xít vì một thế lực chính trị nữa, rất khác: những người theo chủ
nghĩa biệt lập ở Mỹ. Những người này kết tội Hollywood đã tuyên truyền
nhằm lôi kéo Mỹ tham chiến ở châu Âu, và mùa thu năm 1941, Quốc hội điều
tra cáo buộc này trong một loạt phiên xét xử. Thời khắc kịch tính nhất
đến khi lãnh đạo của 20th Century Fox, Darryl F. Zanuck, lên tiếng biện
hộ thức tỉnh Hollywood: "Tôi nhìn lại và nhớ lại những bộ phim mạnh mẽ
và có sức ảnh hưởng nhất đã bán một lối sống Mỹ, không chỉ cho người Mỹ
mà là cả thế giới. Những phim đã bán điều đó mạnh đến nỗi khi những nhà
độc tài lên cầm quyền ở Italy và Đức, thì Hitler và tay chân của hắn,
Mussolini, đã làm gì? Điều đầu tiên chúng đã làm là cấm phim của chúng
ta, ném chúng ta ra. Chúng không muốn thấy phần nào trong lối sống Mỹ."
Trong
tiếng vỗ tay như sấm dậy tiếp sau đó, không ai vạch trần chính hãng
phim của Zanuck chỉ mới năm trước thôi còn làm ăn với Đức Quốc xã.
Dịch: © Yên Khuê @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Hollywood Reporter
Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên
Facebook của chúng tôi