Mặc dù phim võ thuật Hồng Kông đã bước vào thời kỳ suy thoái nhưng cũng hợp lý
khi sự hồi sinh gần đây có liên quan đến huyền thoại võ thuật Lý Tiểu Long.
Gần bốn mươi năm sau khi qua đời, Lý Tiểu Long vẫn là một trong những
biểu tượng của điện ảnh Hồng Kông thời kỳ hoàng kim. Diễn viên võ thuật đầu
tiên, một người con của Hồng Kông, người sáng lập nên Jeet Kune Do (Triệt quyền
đạo), môn võ chặn đường quyền của đối phương. Lý Tiểu Long thực hiện rất nhiều
bộ phim sau khi đột phá vào thị trường quốc tế. Ông mất năm 1973 ở tuổi 32.
Nhưng những tác phẩm võ thuật kinh điển như Tinh võ môn (1972) và
Long tranh hổ đấu (1973) là nguyên mẫu cho vô số bộ phim tưởng nhớ đến
ông và mô phỏng theo. Mặc dù phim võ thuật Hồng Kông đã bước vào thời kỳ suy
thoái nhưng cũng hợp lý khi sự hồi sinh gần đây có liên quan đến Lý Tiểu Long:
người anh hùng võ thuật trên màn ảnh hiện nay không ai khác chính là thầy của Lý
Tiểu Long, Diệp Vấn.
Lý Tiểu Long trong Long tranh hổ đấu
Sinh ra tại thành phố
Phật Sơn miền nam Trung Quốc, Diệp Vấn (1893-1972) định cư tại Hồng Kông sau khi
Đảng cộng sản nắm quyền vào năm 1949 và dành cả cuộc đời để luyện tập và truyền
bá Vịnh Xuân quyền, nổi tiếng với những đòn tầm gần mạnh mẽ. Trước đây, hình ảnh
của ông chỉ gói gọn trong những lần xuất hiện thoáng qua trong các phim về người
học trò nổi tiếng, nhưng hàng loạt phim về Diệp Vấn gần đây đã đưa chính ông trở
thành một người anh hùng.
Đầu tiên là Diệp Vấn (2008) của Diệp
Vỹ Tín, lấy bối cảnh những năm 1930, trước và trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng,
với vai chính do Chân Tử Đan đảm nhiệm. Phim rất thành công tại châu Á và năm
ngoái đã được chiếu tại Mỹ. Chân Tử Đan và Diệp Vỹ Tín tái hợp, cùng với biên
đạo võ thuật Hồng Kim Bảo, trong Diệp Vấn 2, theo chân nhân vật chính
trong những năm 1950 tại Hồng Kông, khi ông đối đầu với những môn phái đối địch
và thực dân Anh. Bộ phim Hồng Kông có doanh thu cao nhất năm ngoái, Diệp Vấn 2,
ra mắt tại New York và Los Angeles ngày 21/1.
Được sản xuất ngay sau phần
đầu tiên của Diệp Vấn, Diệp Vấn tiền truyện do Khâu Lễ Đào đạo diễn, là
một phần trước kể về tuổi trẻ của Diệp Vấn. Các nhà làm phim Diệp Vấn
và Diệp Vấn 2, với mục đích giới thiệu từng giai đoạn trong cuộc đời
của người anh hùng, đang để mở khả năng làm phần tiếp theo của loạt phim.
Nhất đại tông sư của Vương Gia Vệ
Và Vương Gia Vệ, có
lẽ là nhà làm phim đáng kính và nổi bật nhất Hồng Kông, cuối cùng cũng bấm máy
bộ phim về Diệp Vấn ông đã ấp ủ trong nhiều năm. Mang tên Nhất đại tông
sư, với sự tham gia của nam diễn viên Lương Triều Vỹ trong vai chính, cũng
giống như các phim khác của Vương Gia Vệ, được bao phủ bởi tấm màn bí mật. Biên
đạo võ thuật cho phim do Viên Hòa Bình, nổi tiếng với bộ ba phim Ma
trận và Ngọa hổ tàng long, thực hiện.
Chân Tử Đan trả lời
trong một bài phỏng vấn rằng loạt phim đã thu hút sự chú ý về cuộc đời và triết
lý sống của Diệp Vấn. “Giờ đây Diệp Vấn được coi là một người thầy huyền thoại
trong thời đại của ông,” Chân Tử Đan nói, và cho biết thêm phim “đã làm rất tốt
trong việc truyền bá Vịnh Xuân quyền ra thế giới”.
Nhiều phim võ thuật
dựa trên sự đối lập giữa các phương pháp đánh, “nam quyền bắc cước” là câu kết
luận chung nhất về sự khác biệt giữa các miền. Để chuẩn bị cho vai diễn, Chân Tử
Đan, coi mình là một võ sinh đa môn phái, đã sụt năm cân và miệt mài luyện tập
Vĩnh Xuân quyền, môn võ có nét đặc trưng “lấy nhu thắng cương”.
Anh dành
nhiều giờ mỗi đêm luyện tập với một hình nộm bằng gỗ. Nghiên cứu nhân vật phải
đi liền với thành thạo võ thuật. “Luyện tập tay không với dụng cụ truyền thống
này là cách tốt nhất để hiểu nhân vật và di sản võ thuật của ông,” Chân Tử Đan
nói.
Chân Tử Đan trong Diệp Vấn
Không phải một người chỉ biết
đánh đấm mà là một nhân vật mang tính biểu tượng, Diệp Vỹ Tín và Chân Tử Đan
tiếp tục truyền thống của các phim võ thuật, dựa trên hình tượng vị danh y – võ
sư huyền thoại thế kỷ 19 Hoàng Phi Hồng (từng được nhiều diễn viên như Thành
Long và Lý Liên Kiệt làm hồi sinh trên trên màn ảnh). Ở ông cũng phản chiếu lòng
tự hào dân tộc của Lý Tiểu Long.
Sinh ra tại San Francisco và lớn lên ở
Hồng Kông, Lý Tiểu Long xuất hiện trên truyền hình Mỹ vào cuối những năm 60
(trong The Green Hornet và Batman). Nhưng chính những bộ phim
Hồng Kông đầu thập niên 70 đã đưa ông trở thành ngôi sao thế giới. Chủ nghĩa yêu
nước thể hiện rõ nét trong vai trò đại sứ võ thuật của Lý Tiểu Long: phim của
ông được xây dựng nhằm phô diễn các kỹ năng của chính ông, và rộng hơn là sự
vượt trội của võ thuật Trung Hoa. (Tuy nhiên ông không phải là người theo chủ
nghĩa thuần túy khi tự tạo nên một phong cách xuất hiện thân thiện trước máy
quay và thường kết hợp nhiều yếu tố không phải của Trung Quốc). Trong Tinh
võ môn, lấy bối cảnh đầu thế kỷ 20 tại Khu định cư quốc tế Thượng Hải, Lý
Tiểu Long chiến đấu chống lại một loạt kẻ thù thực dân, còn Mãnh long quá
giang lại mang đến một cuộc đối đầu với Chuck Norris tại Đấu trường La Mã.
Tương tự, Diệp Vấn của Chân Tử Đan cũng phô diễn khả năng võ
thuật vượt trội của ông, đối đầu với những kẻ xâm lược phương bắc trong Diệp Vấn
và một võ sư phái Hồng gia quyền (do Hồng Kim Bảo đóng) trong Diệp Vấn 2. Nhân
vật phản diện trong phim là chân dung biếm họa những kẻ ngoại lai: một tên tướng
Nhật giận dữ và một chuyên gia karate trong phần một và một nhà vô địch quyền
Anh man rợ trong phần hai.
Loạt phim Diệp Vấn đề cập đến tính
kinh tế và chính trị của điện ảnh Hồng Kông thời kỳ hậu chuyển giao. Với nhiều
người, việc trao trả quyền lực của Anh cho Trung Quốc năm 1997 đã đặt dấu chấm
hết cho một trong những nền công nghiệp điện ảnh mạnh nhất thế giới.
Diệp Vấn 2
Học giả David Bordwell, trong phiên bản mới nhất của
nghiên cứu Planet Hong Kong, chỉ ra rằng sự suy thoái đã bắt đầu trước năm 1997,
xuất phát từ nhiều nhân tố như nạn sao chép bất hợp pháp, chảy máu chất xám, sức
ép từ Hollywood và sự trỗi dậy của các nền điện ảnh châu Á khác. Cuối cùng, điện
ảnh Hồng Kông trong suốt thập kỷ qua ngày càng phụ thuộc vào sức mạnh tài chính
và lượng khán giả đông đảo ở Trung Quốc đại lục.
Li Cheuk To, nhà phê
bình phim, giám đốc nghệ thuật Liên hoan phim Quốc tế Hồng Kông có hai giải
thích cho khuynh hướng dân tộc trong loạt phim Diệp Vấn, do Hồng Kông
và Trung Quốc hợp tác sản xuất. “Một mặt, phim là sự tưởng nhớ, hay sự khai thác
từ các tác phẩm của Lý Tiểu Long,” ông trả lời qua thư điện tử. “Mặc khác, đây
là một động thái được tính toán nhằm làm hài lòng khán giả, đặc biệt là khán giả
ở Trung Quốc đại lục, nơi quan điểm chống Nhật và bài ngoại mạnh hơn nhiều so
với Hồng Kông.”
Diệp Vấn mang khuynh hướng dân tộc
Diệp Vỹ Tín, đạo diễn
loạt phim, hiểu rằng tinh thần yêu nước có thể góp phần làm nên sức cuốn hút của
phim. Ông nói, “Diệp Vấn đã vượt qua một giai đoạn khó khăn trong cuộc đời, cũng
giống như chính đất nước Trung Quốc, và vẫn trở thành một người thầy vĩ đại của
võ thuật.”
Nhưng chính trị chỉ là thứ yếu. Là loạt phim võ thuật, thành
công của Diệp Vấn hoàn toàn phụ thuộc vào những cảnh chiến đấu và phản
hồi từ các chuyên gia võ thuật về loạt phim là tương đối tốt. Ông Li mô tả những
màn đấu là sự tiếp nối “phong cách mạnh mẽ dứt khoát nhưng phức tạp” mà Diệp Vỹ
Tín, Chân Tử Đan và Hồng Kim Bảo từng thực hiện trong lần hợp tác đầu tiên ở
xuất phẩm ly kỳ Kill Zone (2005).
Ở Hollywood, việc biên tập
được tiếp tay bởi kỹ thuật số và cách phối cảnh không ổn định, lệch tâm tạo được
ấn tượng về sự hỗn loạn nhưng phải trả giá bằng tính gắn kết. Nhưng ngay cả với
những pha hành động tốc độ nhất, các phim điện ảnh Hồng Kông xuất sắc nói chung
vẫn đảm bảo khán giả có thể theo dõi được từng cảnh hành động. Ngay cả trong
thập niên mà hình ảnh được xử lý trên máy vi tính, ưu tiên của điện ảnh Hồng
Kông vẫn là “biên đạo võ thuật kỹ lưỡng và một cảnh quay chi tiết cho thấy rõ
từng động tác”.
Hồng Kim Bảo và Chân Tử Đan trong Diệp Vấn 2
Những hình
ảnh rõ ràng này là niềm tự hào của các diễn viên võ thuật, một sự khẳng định khả
năng thực sự của họ. Lý Tiểu Long thường quay các cảnh ghi lại đầy đủ hình ảnh
của ông, cho thấy rõ hơn những động tác võ thuật. “Công nghệ mới chỉ nên sử dụng
để nâng cao chất lượng hình ảnh, chứ không phải để điều khiển toàn bộ phần biên
đạo võ thuật,” Chân Tử Đan nói. Anh tự hào cho biết một cảnh phim đặc biệt trong
Diệp Vấn 2, trong đó anh và Hồng Kim Bảo thủ thế trên một chiếc bàn
chông chênh, xung quanh ngổn ngang ghế, đã mất tám ngày để quay.
Với
người hâm mộ võ thuật, khả năng võ thuật chân chính vẫn là hiệu ứng ấn tượng
nhất. “Để thực hiện một động tác đơn giản như đứng trên một cọc gỗ cũng cần khả
năng nhất định,” Diệp Vỹ Tín nói. “Không một công nghệ nào có thể tạo ra điều
đó, kể cả trong thời đại ngày nay.”
Dịch: © Hồng Hạnh @Quaivatdienanh.com
Nguồn: New
York Times