Nhân vật & Sự kiện

Động vật có thực sự được an toàn khi đóng phim cho Hollywood?

15/09/2014

Sự thật đằng sau dòng chứng nhận "Không có động vật nào bị hại trong phim này" - Kỳ 1

Giám sát viên Hiệp hội Nhân đạo Hoa Kỳ (American Humane Association – AHA) Gina Johnson tiết lộ trong một email gửi đồng nghiệp ngày 7/4/2011, về chú hổ ngôi sao trong Life of Pi của Lý An.

Trong khi nhiều cảnh có sự góp mặt của “Richard Parker”, chú hổ Bengal cùng sẻ chia đời thuyền chèo với cậu bé lạc giữa đại dương, được tạo ra bởi công nghệ CGI, thì King, một con thú thật, được chọn khi kỹ xảo không thể đáp ứng. “Có một cảnh quay với nó mà tệ đến nỗi nó bị lạc khi cố bơi bên mép,” Johnson viết. “Tí nữa thì chết đuối.”

Người huấn luyện King rốt cục lôi chú hổ vào bằng dây và kéo sang một bên bể nước, từ đó chú hổ trườn lên an toàn.

“Tôi nghĩ chuyện này trôi đi không một lời nào ngoại trừ ĐỪNG ĐỀ CẬP VỚI BẤT CỨ AI, ĐẶT BIỆT LÀ HIỆP HỘI!” Johnson tiếp tục trong email, The Hollywood Reporter ghi lại được. “Tôi đã phải giảm nhẹ nó đi.”

Là một đại diện của Hiệp hội Nhân đạo Hoa Kỳ - đơn vị cấp phép thương hiệu “Không động vật nào bị làm hại” quen thuộc thường được nhìn thấy cuối phim điện ảnh hay truyền hình – công việc của Johnson là giám sát sức khỏe của động vật sử dụng trong quá trình quay phim này tại Đài Loan. Hơn nữa, Johnson có một bí mật: cô có quan hệ thân thiết với một chuyên viên cấp cao của Pi. (Ban quản lý AHA sau đó cũng ý thức được cả mối quan hệ này và email của cô về tai nạn với chú hổ, tai nạn mà những người khác liên quan đến quá trình sản xuất đã mô tả ít nghiêm trọng hơn nhiều.) Dẫu vậy, Pi, bộ phim đạt bốn giải Oscar và 609 triệu USD doanh thu phòng vé, vẫn được chứng nhận “Không động vật nào bị làm hại”.

Một năm sau, trong quá trình quay một phim bom tấn khác, The Hobbit: An Unexpected Journey của Peter Jackson, có tin 27 động vật đã bỏ mạng, bao gồm cừu và dê chết vì phơi nắng và kiệt sức hoặc chết đuối trong mương đầy nước, trong giai đoạn tạm ngừng quay tại một nông trại không được giám sát ở New Zealand nơi chúng đã bị nhốt và huấn luyện.

Chú hổ King trong vai Richard Parker, cùng Suraj Sharma trong vai Pi trong Life of Pi của Lý An

Một người huấn luyện, John Smythe, cho The Hollywood Reporter biết rằng ban quản lý của AHA bổ nhiệm một đại diện giám sát việc sản xuất bộ phim này, từ chối điều tra khi anh đem vấn đề báo lên tổ chức vào tháng 8/2012. Đầu tiên, theo một email Smythe chia sẻ với The Hollywood Reporter, một nhân viên AHA nói với anh rằng thiếu các bằng chứng cụ thể sẽ làm khó việc điều tra. Khi anh trả lời rằng chính tay anh đã chôn những con thú đó và biết địa điểm, nhân viên này liền bảo anh rằng những vụ tử vong xảy ra trong quá trình ngừng quay, AHA không có quyền thực thi pháp lý. AHA cuối cùng ban một lời công nhận được chọn lựa từ ngữ cẩn thận rằng “đã giám sát các cảnh hành động quan trọng của động vật. Không động vật nào bị hại trong những hành động như vậy."

Một điều tra của The Hollywood Reporter đã phát hiện rằng, công chúng không được biết, những tai nạn trên những xuất phẩm nổi bật nhất của Hollywood kể trên chỉ là hai trong số những trường hợp đáng lo ngại về việc động vật bị thương và bị chết chất vấn thẳng dòng khẳng định “Không động vật nào bị làm hại” của tổ chức phi lợi nhuận có lịch sử 136 năm đặt tại Washington D.C này trên các xuất phẩm mà AHA giám sát. Đáng lo ngại là, hóa ra những khán giả đã được bảo đảm bằng lời chứng nhận trứ danh của AHA không nhất thiết coi nó là đúng. Thực tế, AHA lại thưởng cái câu chứng nhận “Không động vật nào bị hại” cho chính những phim điện ảnh và truyền hình mà động vật bị thương trong quá trình sản xuất. AHA biện minh điều này trên cơ sở là động vật không bị cố tình làm hại hoặc những tai nạn xảy ra khi máy quay ngừng quay.

Quy mô đầy đủ về việc động vật bị thương và bị chết trong các sản phẩm giải trí là không thể biết được. Nhưng trong nhiều trường hợp mà The Hollywood Reporter điều tra, AHA đã không làm đúng vai trò chuyên nghiệp của mình là những người kiên quyết bảo vệ động vật – không như con người, những con thú không tự mình ký hợp đồng để làm những việc như vậy. Mặc dù việc bốn con ngựa tử vong trong Luck của HBO rùm beng năm ngoái, còn có rất nhiều sự cố dễ sợ khác chưa bao giờ được đưa lên mặt báo.

Martin Freeman trong vai Bilbo Baggins cưỡi một trong số những con ngựa dùng trong phim The Hobbit

Một con chó Husky đã bị đấm liên tiếp vào ức trong bộ phim trượt tuyết Nam cực Eight Below (2006) của Disney do Paul Walker đóng chính, và một con sóc chuột bị nghiến chết trong phim hài tình cảm Failure to Launch với Matthew McConaughey-Sarah Jessica Parker của Paramount năm 2006. Năm 2003, AHA chọn không công bố về hàng tá cá và mực ống chết trôi giạt vào bờ trong bốn ngày quay phim Pirates of the Caribbean: The Curse of the Black Pearl của Disney. Các thành viên trong đoàn làm phim không có biện pháp nào để bảo vệ cuộc sống của các sinh vật biển khi họ cho những vụ nổ dùng hiệu ứng đặc biệt trên đại dương, theo đại diện của AHA trên phim trường.

Và danh sách còn tiếp tục: một con hươu cao cổ chết trên phim trường Zookeeper (2010) của Sony và nhiều chó bị sưng phù và ung thư chết lần lượt trong quá trình sản suất Marmaduke của New Regency và Our Idiot Brother của The Wainstein Co. (một phát ngôn viên AHA xác nhận rằng nhiều con chó bị sưng phù và nói ung thư “không liên quan đến công việc”). Trong tháng 3/2013, một con cá voi dài 5 bộ (khoảng hơn 1,5m) chết sau khi bị cho vào bể bơi bơm hơi nhỏ trong một quảng cáo của Kmart quay ở Van Nuys.

Tất cả các sản phẩm trên được AHA giám sát tại hiện trường.

“Thú vị và trớ trêu: từ chỗ là người bảo vệ của động vật họ đã biến thành đồng lõa với những kẻ độc ác với động vật,” Bob Ferber, cựu công tố viên văn phòng Luật sư thành phố Los Angeles người sáng lập và chỉ huy Đơn vị Bảo vệ Động vật cho đến khi nghỉ hưu hồi tháng 3/2013.

Luck bị HBO ngừng sản xuất sau vụ làm tử vong ba chú ngựa trên phim trường

Ferber không ngạc nhiên bởi lời buộc tội rằng AHA đang thất bại trong việc giám sát thỏa đáng nhiều xuất phẩm phim. Năm 2005 khi ông nỗ lực điều tra vụ hai con ngựa chết trong quá trình sản xuất Flicka của Fox (dựa trên tiểu thuyết được thiếu nhi yêu mến), ông cho biết lãnh đạo Bộ phận Truyền hình & Điện ảnh (Film & TV Unit) của AHA khăng khăng rằng cái chết trên phim trường tại thung lũng Simi và San Fernando là những tai nạn không thể tránh được. Khi ông cử các viên chức kiểm soát động vật Los Angeles đi nói chuyện với AHA, “Họ nói bên kiểm soát động vật đi chết đi," ông cho biết. "Điều này còn tệ hơn là không làm gì. Giống như cảnh sát không những làm ngơ tội phạm mà còn che đậy chúng."

Phần chứng nhận cuối phim mà rốt cuộc AHA trao cho Flicka, không có sự soạn thảo kỹ lưỡng, là “Hiệp hội Nhân đạo Hoa Kỳ đã giám sát hoạt động của động vật.” (“American Humane Association monitored the animal action.”)

Từng là một thực thể độc lập bên ngoài, ban đầu đã từng chiến đấu cho quyền giám sát độc lập các xuất phẩm phim, ngày nay AHA đã biến thành tay cho ngành công nghiệp này. AHA không thể phủ nhận là đã cải thiện sự chăm lo và an toàn của động vật được sử dụng ở Hollywood. Nhưng phỏng vấn với bốn nhân viên AHA và xem xét một số lượng lớn tài liệu nội bộ AHA, bao gồm những bản ghi lại tai nạn, email, những cuộc họp, đánh giá kiểm toán và nhiều thứ khác, cho thấy một cách mạnh mẽ rằng công việc cơ bản của tổ chức này – bảo vệ động vật qua sự giám sát trên hiện trường của đơn vị trung lập đáng tin tưởng – ngày nay là không thỏa đáng.

Cảnh trong phim Marmaduke

Những nhân viên này tuyên bố, và chứng cứ nội bộ của AHA đã chứng minh tuyên bố của họ, rằng tổ chức này đã bóp méo phân loại phim, hạ thấp hoặc không công khai thừa nhận những việc gây hại hoặc đôi khi không nghiêm túc theo đuổi điều tra. Những nhân viên AHA đồng ý phát biểu vì họ nói đã mất hy vọng vào khả năng cải cách có ý nghĩa trừ khi chịu áp lực từ bên ngoài. (Tất cả họ đều nhất định không tiết lộ danh tánh vì sợ bị trừng phạt.)

Gần đây, tổ chức này — những nỗ lực khác của họ đối với động vật khắp nước Mỹ bao gồm giúp đỡ nơi nương náu và giải cứu sau những thảm họa quy mô lớn đến chương trình xác nhận không nuôi nhốt trong lồng đối với những nhà sản xuất thịt, gia cầm, trứng và sữa — đối mặt với xung đột lợi ích bắt nguồn từ ước muốn trở thành một phần của ngành công nghiệp mà tổ chức này phải quản lý.

Bằng chứng A: Ngày 1/10/2011, kênh Hallmark phát sóng Love’s Everlasting Courage, một phim truyền hình về nước Mỹ thời khai hoang được AHA giám sát. Cũng buổi chiều đó, AHA giới thiệu giải thưởng Hero Dog đầu tiên của họ, có sự tham dự của những diễn viên như Whoopi Goldberg, Betty White và Hayden Panettiere, tại Beverly Hilton. Về sau Hallmark phát sóng cuộc tranh giải Hero Dog, được thực hiện mỗi năm kể từ đó. Đây là sự phù hợp tự nhiên – suy cho cùng, người đứng đầu mạng lưới này, giám đốc điều hành Crown Media, Bill Abbott, có trong ban cố vấn Điện ảnh và Truyền hình của AHA (ông gia nhập Ủy ban Quốc gia của AHA ngay sau Lễ trao giải Hero Dog năm 2011).

Nhiều sinh vật biển bị chết tấp vào bờ trong quá trình quay
Pirates Of The Caribbean: The Curse Of The Black Pearl

Mối quan hệ cộng sinh giữa hai tổ chức này là nghiêm trọng vì một sự cố xảy ra ngày 9/6/2010, trong quá trình quay phim Courage. Hôm ấy, một chú ngựa tên Glass — nổi tiếng hiền lành, có một con mắt màu xanh và chiếc bờm rực rỡ trắng sáng đặc trưng tương phản với bộ lông đen lấp lánh — bị thương nặng khi chiếc xe ngựa “lồng lên” mất kiểm soát và xà ngang của xe bị gãy (tưởng tượng một cây viết chì gãy ngang), xiên qua chân trái sau của nó. “Nó bị choáng vì mất nhiều máu và bác sĩ thú y quyết định cho nó cái chết êm ái để không phải chịu đau đớn thì nhân đạo hơn,” theo một báo cáo nội bộ của AHA.

Mặc dù nhân viên AHA cho The Hollywood Reporter biết có lý do để nghi ngờ sự bất cẩn — họ nói nếu cảnh phim được dựng khác đi, Glass và những chú ngựa khác đã không lâm vào tình cảnh bị thương trong một tai nạn — AHA đã không điều tra. Theo tuyên bố của AHA với The Hollywood Reporter, người điều khiển cỗ xe ngựa không mất kiểm soát, và một cuộc điều tra là không cần thiết. “Chúng tôi có mặt, chứng kiến toàn bộ ngày quay phim hôm đó và có báo cáo của thú y. … Đó là một sự tính toán nhầm lẫn, chứ không phải là một hành động cẩu thả.” (Phim đã không có chứng nhận của AHA trong phần ‘credit’, nhưng đây không phải là chuyện lạ đối với một phim truyền hình.)

Abbott, trong một cuộc phỏng vấn với The Hollywood Reporter, nói thêm, “Chúng tôi xem xét và không thẹn với lương tâm. … Chúng tôi không nghĩ một cuộc điều tra bên ngoài sẽ tiết lộ bất kỳ điều gì khác.”

Về việc liệu mối quan hệ thân thiết với AHA có tạo nên một xung đột lợi ích hay không, ông nói, “Tôi có thể hiểu điều đó dấy lên sự hoài nghi thế nào. Song, cũng gần giống như khi một huấn luyện viên có con trai tham gia vào đội thể thao và huấn luyện viên đó đối với con mình nghiêm khắc hơn so với những người khác.”

May mắn còn sống: Một con khỉ trên vai Bradley Cooper trong quá trình quay Failure To Launch

Cáo buộc sự thỏa hiệp không phải phép giữa AHA và ngành giải trí đã dấy lên trước đó. Sự thỏa thuận mà theo đó ngân sách cho Bộ phận Điện ảnh và Truyền hình hầu như được tài trợ — số tiền tài trợ hiện giờ 2,4 triệu USD được quản lý bởi hai nhóm thương mại, Hiệp hội Diễn viên SAG-AFTRA mới hợp nhất gần đây và Liên đoàn Điện ảnh và Truyền hình qua quỹ hợp tác và phát triển ngành (IACF) — từ lâu đã bị chỉ trích vì xung đột lợi ích hiện diện trong việc Hollywood trả lương cho người quản lý. (IACF được chu cấp như một phần trong nghĩa vụ của nhà sản xuất đối với hiệp hội diễn viên.)

Thỏa thuận độc đáo này, trong đó một tổ chức phi lợi nhuận đóng vai trò nhà điều phối của ngành thay cho việc giám sát truyền thống hơn của chính phủ — và vì vậy không lệ thuộc vào luật công bố công khai, cho phép phần lớn công việc vẫn trong vòng bí mật — nghĩa là AHA chỉ chịu trách nhiệm với Hollywood.

S. Kwane Stewart, bác sĩ thú y đảm nhận vai trò giám đốc chương trình “Không động vật nào bị làm hại” của AHA vào tháng 4/2013, đã bảo vệ thỏa thuận này. “Toàn bộ ý tưởng chúng tôi thoải mái với ngành công nghiệp – không phải là vấn đề,” ông nói với The Hollywood Reporter. “Trước tiên và trên hết chúng tôi muốn giữ an toàn cho động vật.” Tuy nhiên, ông nói thêm, “chúng ta cần ghi nhớ rằng [nhà sản xuất và đạo diễn mà AHA giám sát] muốn phim thành công.” Ví dụ, ông nói, nghĩ về những thách thức khi làm việc với ngựa. “Chúng là những con vật to lớn, nhanh nhẹn, nhạy cảm. Nếu bạn muốn tránh những sự cố, hãy giữ chúng trong chuồng suốt.”

Thực tế, chính sau cái chết của bốn chú ngựa trong quá trình sản xuất phim truyền hình về đua ngựa hiện đã ngưng thực hiện Luck trong năm 2010-2012 mà có những đơn kiện mới của những nhà hoạt động vì quyền lợi của động vật và những người tố giác ở phim trường về hiệu quả của AHA và mối quan hệ thân thiết của tổ chức này với ngành công nghiệp phim ảnh.

Luck

Tháng 1/2013, Barbara Casey, nguyên là giám đốc sản xuất của Bộ phận Điện ảnh và Truyền hình đặt tại Sudio City, kiện AHA, HBO và Swart Productions (không liên quan đến bác sĩ Stewart) ở tòa án cấp cao Los Angeles vì kết luận vô lý xuất phát từ bất đồng về cái chết của những con ngựa. Bà cho biết mình đã được báo tin về sự ngược đãi động vật trên phim trường Luck và cực kỳ ủng hộ những xử sự an toàn hơn, tức hoãn lịch làm phim. Kết quả là những nhà làm phim Luck “sử dụng sức mạnh chính trị và ảnh hưởng của họ đối với AHA,” bà nói, và sau đó người chủ dưới áp lực đã sa thải bà.

Casey cáo buộc việc sa thải bà là một phần của động cơ lớn hơn trong đó tổ chức này “khúm núm” trước ngành công nghiệp phim ảnh, một tuyên bố được ủng hộ bởi các nhân viên AHA mà The Hollywood Reporter đã nói chuyện. Trong hồ sơ tòa án, Casey liệt kê những việc nhân nhượng và câu kết liên tiếp. Từ cái chết của một con bò trong Temple Grandin của HBO và sự cố liên quan đến chú hổ King trong Life of Pi và cái chết của 27 động vật trong quá trình làm phim The Hobbit.

Vì sao? “Những người đại diện chỉ 'tốt' khi họ không cho qua,” một nhân viên giải thích. “Những người đại diện nào để huấn luyện viên phàn nàn thì bị kéo ra khỏi trường quay. Những người bảo vệ chất lượng sống của động vật bị coi là gây rối.” Một người khác bổ sung: “Quản lý gọi những người đại diện phàn nàn với quản lý [về các vấn đề trên trường quay] là “tiêu cực”. Những người đại diện có mâu thuẫn nghề nghiệp với huấn luyện viên hay nhà sản xuất là ‘không hợp tác.’” (Trong các hồ sơ pháp lý của cô, Casey đưa ra các lý lẽ tương tự.)

Chú hổ King “suýt chết đuối” trên phim trường Life of Pi

Xung đột lợi ích trở nên tồi tệ hơn vì thực sự một số giám sát viên được biết là duy trì quan hệ thân cận với các đồng nghiệp trong ngành, nhất là các huấn luyện viên động vật mà họ theo sát nhất trên phim trường. Một đại diện AHA chăm sóc chó cho các huấn luyện viên. Những người khác tiệc tùng với họ. (Nhiều giám sát viên và huấn luyện viên là bạn đồng học Chương trình quản lý và huấn luyện động vật ngoại nhập tại Đại học Moorpark, bắc Thousand Oaks.) Trường hợp nghiêm trọng nhất liên quan đến một vài đại diện AHA, giống như Gina Johnson, theo các nguồn tin, có quan hệ mật thiết với những người sở hữu trường quay mà họ giám sát. Stewart nói rằng sau sự việc AHA “bắt đầu nhận thức về [mối quan hệ] này”. (Cô Johnson không đáp ứng đề nghị đưa ra nhận xét của The Hollywood Reporter.)

Còn về email thảm thiết của Johnson về vụ chú hổ, “Tôi nghĩ Gina đã thể hiện, như cô có thể nói với bất cứ ai, có lẽ là phản ứng thái quá,” Stewart nói. “Đó có phải là thoát hiểm trong gang tấc không? Điều không thể phủ nhận là không tổn hại nào xảy ra với hổ King. Bạn có thể cãi lý rằng chú ta có một khoảnh khắc nguy hiểm ư? Nhưng chú ta vẫn tiếp tục làm việc.” Fox cũng nói vụ việc không nghiêm trọng. “Chú hổ King không bao giờ bị tổn hại và không “suýt chết đuối” trong quá trình sản xuất,” một phát ngôn viên nói. “Chúng tôi rất nghiêm chỉnh thực thi công tác an toàn trên phim trường và thực hiện mọi biện pháp phòng ngừa cần thiết nhằm đảm bảo rằng không một ai – động vật hay con người – bị làm hại trong quá trình sản xuất phim của mình.”

Về việc AHA có nên áp dụng chính sách truất quyền khi người đại diện trở nên quá thân thiết với đối tượng của họ, Stewart nói, “Câu hỏi của bạn khá hay. Tính khách quan nên được cân nhắc.”

Những người chỉ trích trong nội bộ AHA cũng bày tỏ quan ngại đối với chính sách của cố giám đốc truyền thông Jon Bouman về tiếp thị đảm bảo và thỏa thuận gây quỹ với các phim tập trung vào động vật, từ Hotel for Dogs (2009) của Paramount đến War Horse của Disney, trước khi quay phim hoàn tất. Các sáng kiến rất đa dạng. Trong Marley & Me (2008) của Fox là ví dụ, họ đưa vào một chiến dịch thông báo công khai về nhận nuôi thú cưng, cũng như quảng cáo trong đó các món quà được mua sau khi được widget Marley trên Amazon.com “tha về” dẫn tới 8 phần trăm quyên góp cho AHA.

Cảnh trong phim Marley & Me

“Chiều lòng Spielberg – hay bất cứ tên tuổi lớn nào khác – là điều cơ bản,” một nhân viên nói. “Quan hệ PR phải được thiết lập sớm hướng tới “cộng tác” vì mục đích quảng cáo làm lợi cho cả hai bên – trái ngược với chúng tôi thực thi nhiệm vụ trên phim trường. Khi đó áp lực đặt lên người đại diện phải ‘chơi đẹp’, hoặc họ sẽ chỉ đưa một người đại diện nổi tiếng ‘chơi đẹp’ đến phim trường, đồng thời xoa dịu bất cứ vấn đề nào có thể gây tranh cãi."

Theo các nhân viên, khát khao hợp tác với Hollywood bắt nguồn từ giới lãnh đạo. Họ nói CEO của AHA, Robin Ganzert, mới đảm nhiệm cương vị phó giám đốc ban nhân đạo của Pew Charitable Trust mà không có kinh nghiệm chuyên nghiệp về chất lượng sống của động vật trước đó, quyết tâm theo đuổi khoản thu tiềm năng – và quan hệ đối tác ngày càng được quan tâm với ngành giải trí, và tổ chức gala Hero Dog Awards hoành tráng hàng năm – tại đó các bàn 10 đại biểu bảo trợ từ 25.000 đôla trở lên – tâm điểm trong nhiệm kỳ ba năm của cô.

Mark Stubis, người phát ngôn của AHA, bênh vực quan hệ đối tác: “Rõ ràng quảng cáo sẽ không nếu không được cấp câu bảo chứng. Đây là hoạt động hoàn toàn độc lập.”

Những người chỉ trích trong nội bộ AHA cũng nói các cuộc điều tra về chấn thương và tử vong hiếm khi do tổ chức tự động khởi xướng. Thay vào đó, họ nói, các điều tra của AHA là bị động và nhìn chung là kế giữ thể diện khi sự việc xảy ra trước mắt họ nổi lên trên báo chí, và các động thái tiếp theo trong những cuộc điều tra như thế là trò hề.

Cảnh trong phim War Horse

“Nếu chúng ta thừa nhận sai lầm và không phải là “tai nạn đáng buồn, không thể tránh khỏi,” đồng nghĩa với chúng ta phải chịu trách nhiệm phần nào,” một nhân viên nói. “AHA không muốn nhận trách nhiệm.”

Tương tự, khi các giám sát viên báo cáo các sự cố nghiêm trọng lên cấp trên của họ tại trụ sở ở Studio City của Bộ phận Điện ảnh và Truyền hình, họ thừa nhận hiếm khi có hành động tiếp theo đáng kể. “Có nhiều trường hợp chúng tôi báo cáo lên cấp cao hơn và quản lý ỉm đi,” một nhân viên khác nói. “Báo cáo chỉ được ghi nhận vào cơ sở dữ liệu và chẳng có gì xảy ra. Sự việc lặp đi lặp lại mãi; không bao giờ được triển khai tiếp.”

Thái độ đó, những người chỉ trích trong nội bộ AHA nói, dẫn tới sự chiếu lệ trong kiểm tra hiệu quả của chính tổ chức trong những năm gần đây. The Hollywood Reporter nhận được báo cáo mới nhất về bệnh tật, chấn thương và tử vong do AHA thu thập từ năm 2001 đến năm 2006 tập trung vào nhóm ngựa gặp nguy hiểm thường xuyên.

Báo cáo tổng kết có 82 con ngựa chịu ảnh hưởng tiêu cực khi làm việc trên trường quay trong thời gian đó – bắt đầu từ The Alamo, Hidalgo, Flicka đến 3:10 to Yuma – với 58 ca chấn thương và tám vụ tử vong (“va vào xe chở máy quay,” “giẫm lên dây thừng,” “bị đâm xiên qua”). Những chi tiết phong phú, rõ ràng đó về thực trạng thương tổn của của động vật trên trường quay không bao giờ được công khai.

Cảnh trong phim Flicka

Quản lý cao cấp của AHA “ngăn cản kiểu khai thác dữ liệu này vì thế tổ chức có thể tỏ ra không hay biết gì về sự thực,” một nhân viên suy đoán. “Vài người đại diện đã yêu cầu quyền khai thác dữ liệu và được hồi đáp rằng không có kinh phí cho việc đó và văn phòng không có thời gian để ưu tiên việc đó.” Một phát ngôn viên AHA nói với The Hollywood Reporter rằng họ “sẽ tiến hành một cuộc nghiên cứu nữa dưới sự cân nhắc kỹ lưỡng.”

PETA (People for the Ethical Treatment of Animals) vẫn lo ngại. “Chừng nào chúng ta có một tổ chức bị những nhà làm phim quyền lực hăm dọa, động vật sẽ luôn thua,” Kathy Guillermo, một phó chủ tịch cấp cao nói.

Dịch: © Ngô Bình - Minh Phát - Xuân Hoa @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Hollywood Reporter


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi

+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.