Nhân vật & Sự kiện

Elizabeth Taylor: Đỉnh cao sáng ngời của vẻ đẹp Hollywood

01/04/2011

Elizabeth Taylor, nữ diễn viên đã khiến nhiều thế hệ khán giả phải sững sờ vì vẻ đẹp lộng lẫy và tên tuổi của bà đồng nghĩa với sự quyến rũ của Hollywood, đã qua đời hôm 23/3 tại Los Angeles ở tuổi 79.

Một nữ phát ngôn viên của bệnh viện Cedars-Sinai cho biết bà Taylor qua đời lúc 1 giờ 28 phút sáng giờ Thái Bình Dương. Đại diện của bà, Sally Morrison, nói rằng nguyên nhân là do biến chứng bệnh suy tim sung huyết. Bà gặp hàng loạt vấn đề sức khỏe trong nhiều năm và phải nhập viện sáu tuần trước vì bệnh tim.

Trong một thế giới của những hình ảnh luôn thay đổi, Elizabeth Taylor là một ngôi sao bất biến. Xuất hiện lần đầu trên màn ảnh ở tuổi lên mười, bà trưởng thành ở đó, chưa bao giờ bước qua tuổi mới lớn. Một bước nhảy nhanh chóng từ National Velvet đến A Place in the Sun và sau đó là Cleopatra, khi bà lột xác từ một diễn viên nhỏ tuổi mong manh thành một nữ hoàng điện ảnh quyến rũ.

Trong sự nghiệp kéo dài 70 năm với hơn 50 phim, bà đã đoạt hai giải Oscar Nữ diễn viên xuất sắc với vai diễn một gái gọi trong BUtterfield 8 (1960) và Martha miệng lưỡi cay độc trong Who’s Afraid of Virginia Woolf? (1966). Mike Nichols, đạo diễn phim Virginia Woolf, nói rằng ông coi bà là “một trong những nữ diễn viên điện ảnh vĩ đại nhất”.

Elizabeth Taylor đoạt giải Oscar Nữ diễn viên xuất sắc với vai gái gọi trong BUtterfield 8

Khi Elizabeth Taylor được Hội Điện ảnh thuộc Trung tâm Lincoln vinh danh năm 1986, Vincent Canby đã viết trên tờ New York Times, “Hơn bất cứ ai tôi có thể nghĩ tới, Elizabeth Taylor tượng trưng cho một hiện tượng điện ảnh hoàn hảo – điện ảnh vừa là nghệ thuật vừa là nền công nghiệp và ý nghĩa của điện ảnh đối với chúng ta, những người lớn lên cùng việc xem phim trong bóng tối.”

Sự nổi tiếng của Elizabeth Taylor xuyên suốt cuộc đời bà nhưng đôi khi những nhà phê bình rất kiệm lời khi khen ngợi diễn xuất của bà. Điều này có lẽ do vẻ đẹp ấn tượng của bà. Liệu có ai dễ thương như Elizabeth Taylor cũng tài năng không? Câu trả lời đương nhiên là có.

Nếu xét đến việc không được đào tạo chuyên nghiệp, phạm vi diễn xuất của bà quả thực đa dạng đến kinh ngạc. Bà vào vai những người đàn bà xấu xa và những nạn nhân bị tổn thương. Bà là Cleopatra trên chiếc du thuyền bóng lộn; chú mèo Maggie của Tennessee Williams; Catherine Holly, đối diện với nỗi kinh hoàng mùa hè trước và Kate của Shakespeare. Những vai diễn thống thiết của bà lẽ ra nên xuất hiện trong các phim truyền hình.

Joseph L. Mankiewicz, đạo diễn phim Suddenly, Last SummerCleopatra, lần đầu tiên nhìn thấy bà ở Cannes năm bà 18 tuổi. “Cô ấy mang một vẻ dễ thương lạ thường chưa từng thấy,” ông nói. “Và cô hoàn toàn ngây thơ.”

Mankiewicz khâm phục sự chuyên nghiệp của bà. “Bất cứ điều gì kịch bản yêu cầu, cô ấy đều thực hiện,” ông nói. “Điểm mấu chốt là cô ấy thực sự là một nghệ sĩ. Điều đó nằm trong con người cô.”

Cũng chính Mankiewicz nói rằng đối với Taylor “sống là diễn xuất” và bà “sống trên màn ảnh”.

Elizabeth Taylor trong Suddenly, Last Summer

Hiện thân của cái đẹp

Marilyn Monroe là nữ thần tình dục, Grace Kelly nữ hoàng băng giá, Audrey Hepburn vẻ đẹp vĩnh cửu. Elizabeth Taylor là hiện thân của cái đẹp. Như đạo diễn George Stevens nói khi chọn bà cho bộ phim A Place in the Sun, vai diễn yêu cầu một “cô gái xinh đẹp trên chiếc Cadillac vàng mui trần mà bất cứ chàng trai Mỹ nào cũng nghĩ mình sẽ cưới làm vợ”.

Những vai diễn của Taylor không chỉ phảng phất hình ảnh của chính bà. Bà diễn xuất với sức hút trong tính cách của mình. Mặc dù bà có thể thay đổi vẻ bề ngoài cho một vai diễn – tăng cân cho vai Martha trong Virginia Woolf hay mặc những trang phục cổ xưa cầu kỳ – bà không phải là một chú tắc kè hoa, thay đổi mình phù hợp với màu sắc của vai diễn. Thay vào đó, bà mang nhân vật lại gần với mình. Với bà, diễn xuất “hoàn toàn là trực giác”. Bà nói, “Điều tôi cố gắng đạt tới là tạo nên hiệu ứng cảm xúc mạnh nhất với ít cử động hình ảnh nhất.”

Đôi khi những vai diễn dường như là chiếc gương phản chiếu cuộc đời bà. Nhiều hơn hầu hết các ngôi sao điện ảnh, dường như bà người của công chúng. Bà bị các phóng viên ảnh săn đuổi và bị tòa thánh Vatican lên án. Nhưng đằng sau những hành động có vẻ tai tiếng này là một người phụ nữ hiểu đạo lý; bà thường xuyên kết hôn với người mình yêu. Người ta quan sát và nhẩm đếm, thấy vui lây với bà, khi thấy bà trở thành Elizabeth Taylor Hilton Wilding Todd Fisher Burton Burton Warner Fortensky – kết hôn đủ nhiều để gọi bà là người vợ hàng loạt. Khi được hỏi vì sao bà kết hôn thường xuyên như vậy, bà giả bộ kéo dài giọng: “Tôi cũng chẳng biết nữa, cưng à. Hôn nhân cứ liên tiếp đến với tôi.”

Trong cuộc đời có nhiều vấn đề về cảm xúc và sức khỏe, bệnh tật và tai nạn trầm trọng, và nhiều lần suýt chết, Taylor vẫn sống. “Tôi đã gặp may suốt cả cuộc đời,” bà nói khi bước sang tuổi 60. “Mọi thứ đều đến với tôi. Vẻ đẹp, tiếng tăm, giàu có, danh vọng, tình yêu. Tôi chưa từng phải chiến đấu vì điều gì. Nhưng tôi phải trả giá cho may mắn đó bằng những bất hạnh.” Ở tuổi 65, bà nói trên chương trình 20/20 của đài ABC: “Tôi sống như một minh chứng cho việc con người có thể vượt qua và sống sót. Tôi không giống bất cứ ai. Tôi là chính tôi.”

Cuộc đời bà đã khiến báo chí tốn nhiều giấy mực: hàng dặm những bài báo và tạp chí, một thiên hà hình ảnh và một tủ sách đầy những cuốn tự truyện, mỗi thứ lại vẽ nên một bức chân dung khác nhau. “Máy bay, tàu hỏa, mọi thứ đều dừng lại vì Elizabeth Taylor, nhưng công chúng không có khái niệm nào về việc bà là ai,” Roddy McDowall, một trong những bạn diễn đầu tiên và là người bạn suốt cuộc đời của bà, nói. “Những kẻ chỉ trích bà mong muốn có thể làm những điều họ nghĩ bà đã làm đến chết đi được.”

Elizabeth Taylor - hiện thân của cái đẹp

Có một điểm tất cả đều nhất trí: vẻ đẹp của bà. Như các nhiếp ảnh gia nhận ra, gương mặt bà cân đối một cách hoàn mỹ; bà không có góc chụp nào xấu và đôi mắt bà mang sắc tím sâu thẳm nhất.

Một người có ý kiến trái ngược về vẻ đẹp của bà nổi bật nhất và có lẽ đáng ngạc nhiên nhất lại là Richard Burton, từng hai lần kết hôn với bà. Việc coi vợ ông là “người phụ nữ đẹp nhất thế giới hoàn toàn là điều vớ vẩn,” ông nói. “Cô ấy có đôi mắt tuyệt đẹp,” ông nói thêm, “nhưng cô ấy có lớp mỡ dưới cằm, bộ ngực quá cỡ, và chân khá ngắn.”

Cả trong và ngoài màn ảnh, Taylor là sự kết hợp gợi cảm giữa một thiên thần và một người đàn bà quyến rũ. Tất cả những hiện thân của bà đều mang nét gợi tình mạnh mẽ. Nhưng ẩn trong đó còn có điều gì khác ngoài sự tầm thường, giống như việc bà yêu thích những đồ trang sức phô trương. “Tôi biết mình tầm thường,” bà nói với người hâm mộ với sự thẳng thắn đặc trưng, “nhưng bạn có chấp nhận tôi với một hình ảnh khác không?”

Trong nhiều năm, bà luôn xếp hàng đầu trong danh sách ngôi sao phòng vé. Thậm chí cả khi phim của bà không thành công hay trong những năm cuối sự nghiệp khi bà không diễn xuất thường xuyên, bà vẫn giữ được sự nổi tiếng của mình: chỉ có một Liz duy nhất (tên gọi mà bà rất ghét), và càng tồn tại lâu trước con mắt công chúng thì sự nổi tiếng của bà càng tăng lên. Bà không thể làm gì với điều đó. “Con người của tôi trong mắt công chúng,” bà nói, “con người mang tên Elizabeth Taylor, đã trở nên vô nghĩa và giả tạo – toàn những thứ ngớ ngẩn – và tôi thấy có chút ghê tởm bà ta.”

Cuối đời, bà trở thành một nhà hoạt động xã hội. Sau khi người bạn Rock Hudson qua đời, bà giúp thành lập Tổ chức nghiên cứu AIDS Hoa Kỳ và gây quỹ cho tổ chức này. Năm 1997, bà nói, “Giờ đây tôi đang sử dụng danh tiếng của mình khi tôi muốn làm việc thiện và giúp đỡ mọi người.”

Bà hai lần đóng vai chính trong những vở kịch Broadway, năm 1981 trong bản dựng lại Little Foxes của Lillian Hellman và hai năm sau đó trong Private Lives của Noël Coward cùng với Burton, khi đó hai người đã ly hôn. Trong vở kịch đầu tiên, bà nhận được nhiều lời khen ngợi; trong vở kịch thứ hai, bà và Burton bắt chước chính mình. Nhưng kịch nghệ không phải lĩnh vực lý tưởng của bà; điện ảnh mới là nơi bà để lại dấu ấn.

Trong cuộc đời có nhiều điều đáng ngạc nhiên, một trong những điều kỳ quặc nhất là việc khi còn là một đứa bé sơ sinh, bà bị coi là một con vịt xấu xí. Elizabeth Rosemond Taylor sinh ra tại London vào ngày 27/2/1932, người con thứ hai của đôi vợ chồng người Mỹ gốc Kansas. Cha bà, Francis Lenn Taylor, là một người buôn bán tranh nghệ thuật chuyển từ New York đến London; mẹ bà, Sara Viola Warmbrodt, từng là diễn viên kịch tại New York với nghệ danh Sara Sothern trước khi kết hôn. (Anh trai bà, Howard, sinh năm 1929). Khi mới sinh, mẹ bà nói bà có “gương mặt nhỏ đến nỗi trông như thể bị đóng khung và không bao giờ mở ra được.”

Elizabeth Taylor khi còn là một cô bé

Khi còn nhỏ Elizabeth sống tại Anh. Chính tại đây, ở tuổi lên ba, bà đã học cưỡi ngựa, kỹ năng giúp bà có được vai diễn chính đầu tiên. Ngay trước Thế chiến thứ hai, gia đình bà trở về Mỹ và cuối cùng định cư tại Beverly Hills.

Một khởi đầu không may

Elizabeth Taylor và mẹ bà có chung tình yêu với điện ảnh, chính mẹ bà là người ủng hộ bà đến với diễn xuất. Elizabeth lần đầu đóng phim vào năm 1942 với vai Gloria Twine trong bộ phim bị rơi vào quên lãng There’s One Born Every Minute cùng Carl Switzer, được biết đến nhiều nhất với vai Alfalfa, cậu bé có chỏm tóc trong loạt phim Our Gang. Giám đốc phụ trách tuyển diễn viên nói về bà: “Cô bé chẳng có gì cả.” Bất chấp một khởi đầu không may, Sam Marx, một nhà sản xuất của MGM đã biết đến gia đình Taylor tại Anh, sắp xếp cho cô con gái thử vai cho phim Lassie Come Home. Bà đã vượt qua buổi thử vai. Trong quá trình làm phim, đóng cùng với Roddy McDowall, một quay phim đã nhầm cặp lông mi dài của bà là mi giả và bảo bà bỏ ra.

Sức quyến rũ của bà thể hiện rõ nét ngay từ năm 1944, trong National Velvet. MGM đã có bản quyền cuốn tiểu thuyết của Enid Bagnold mà bộ phim dựa theo từ nhiều năm trước nhưng gặp khó khăn trong việc tìm một nữ diễn viên nhỏ tuổi có thể nói giọng Anh và biết cưỡi ngựa. Ở tuổi 12, Elizabeth Taylor đáp ứng được những yêu cầu này, mặc dù ban đầu bà bị từ chối vì quá thấp bé. Có thông tin nói rằng bà đã luyện tập chăm chỉ để đáp ứng yêu cầu về ngoại hình cho vai diễn: Velvet Brown, một cô bé đam mê cưỡi ngựa và đã chiến thắng trong giải đua ngựa Grand National. “Tôi biết nếu tôi là lựa chọn đúng đắn cho vai Velvet,” bà nói, “Chúa sẽ giúp tôi trưởng thành.”

Elizabeth Taylor đóng National Velvet khi mới 12 tuổi

Có một cảnh chú ngựa của bà, được bà đặt tên là Pie, sắp chết, và Taylor phải khóc – lần đầu tiên bà được yêu cầu thể hiện cảm xúc như vậy trên màn ảnh. Bạn diễn của bà Mickey Rooney, một diễn viên nhiều kinh nghiệm hơn đã cho bà vài lời khuyên để diễn cảnh khóc: tưởng tượng rằng cha bà sắp qua đời, mẹ bà phải làm công việc giặt là để kiếm sống và chú chó nhỏ của bà bị cán chết. Nghe thấy kịch bản buồn thảm đó, Taylor phá ra cười vì sự ngớ ngẩn. Về cảnh phim đó, sau này bà nói: “Tất cả những gì tôi nghĩ đến là chú ngựa đang rất yếu và tôi là cô chủ nhỏ bé của chú ngựa. Và nước mắt cứ thế rơi.”

Taylor đã có một vai diễn khiến những người đàn ông và phụ nữ trưởng thành cũng phải rơi lệ, chưa nói tới những cô gái đồng cảm với Velvet. Trong bài bình luận phim trên tờ The Nation, James Agee, một nhà phê bình nghiêm khắc, thừa nhận rằng lần đầu tiên nhìn thấy Taylor trên màn ảnh, ông đã “lặng người với một tình cảm yêu mến mà tôi có lẽ sẽ cảm thấy nếu hai chúng tôi học cùng lớp ở trường tiểu học.”

Ông nói bà “xinh đẹp vô ngần”.

“Tôi nghĩ cả cô và bộ phim đều tuyệt vời, tôi không biết và cũng không quan tâm đến việc cô có diễn được hay không.”

Bộ phim đã đưa bà trở thành một ngôi sao. Nhiều thập kỷ sau, bà cho biết National Velvet vẫn là “bộ phim thú vị nhất” bà từng đóng. Nhưng cũng có một hạn chế. Để đóng bộ phim này, bà phải ký một hợp đồng dài hạn với MGM. Như bà nói, bà “trở thành vật sở hữu của họ cho tới khi đóng Cleopatra.”

Ban đầu bà đóng vai những thiếu nữ điển hình (trong Life With Father, A Date With Judy Little Women). Ở tuổi 16, bà là “một cô bé đầy cảm xúc ẩn trong hình hài một thiếu nữ,” như bà nói. Nhưng trái với những diễn viên nhỏ tuổi khác, bà dễ dàng chuyển sang những vai diễn trưởng thành. Năm 1950, bà đóng Father of the Bride của Vincente Minnelli với Spencer Tracy. Và cuộc sống cũng đi theo phim ảnh, chính bà trở thành cô dâu vào năm 1950, kết hôn với người thừa kế hệ thống khách sạn Hilton Conrad N. Hilton Jr., được biết đến với cái tên Nicky. Sau chín tháng không hạnh phúc, bà ly hôn và lấy nam diễn viên người Anh Michael Wilding, hơn bà 20 tuổi.

Elizabeth Taylor và Montgomery Clift trong A Place in the Sun

Như bà tự đánh giá, bà “huýt sáo và ngâm nga” suốt những bộ phim đầu tiên. Nhưng điều đó đã thay đổi vào năm 1951 khi bà đóng A Place in the Sun, vai diễn hình mẫu của bà với một mộng tưởng tình yêu không thể đạt tới. Bà cho biết bộ phim là “lần đầu tiên bà nghĩ đến việc diễn xuất khi còn trẻ.”

Trong phim, bà vào vai một cô gái trẻ giàu có, có địa vị xã hội, là chất xúc tác tạo nên bi kịch nước Mỹ của Montgomery Clift. Trước sự ngạc nhiên của những kẻ hoài nghi, bà đã thể hiện được mình bên cạnh Clift và Shelley Winters.

Sau A Place in the SunIvanhoe, Beau BrummelThe Last Time I Saw Paris. Sau đó bà đóng hai tác phẩm điện ảnh liên tiếp Giant (với Rock Hudson và James Dean, nam diễn viên qua đời sau khi hoàn thành cảnh quay của mình) và Raintree County (với Clift, người đã trở thành bạn thân của bà). Vai diễn của Taylor trong Raintree County (1957), Susanna Drake, một cô gái xinh đẹp người miền Nam trong Nội chiến Mỹ kết hôn với một người theo chủ nghĩa giải phóng nô lệ ở bang Indiana, đã mang về cho bà một đề cử Oscar Nữ diễn viên xuất sắc. Đây là đề cử đầu tiên trong số bốn đề cử liên tiếp, trong đó đề cử cuối cùng đem về cho bà chiến thắng với BUtterfield 8.

Taylor đang quay phim Cat on a Hot Tin Roof với Paul Newman năm 1958 khi người chồng thứ ba, trưởng đoàn biểu diễn Mike Todd và ba người khác chết khi chiếc máy bay nhỏ mang tên Lucky Liz bị tai nạn ở New Mexico. Hai người kết hôn được hơn một năm và có một cô con gái mới sinh, Liza.

Một cảnh trong Cat on a Hot Tin Roof

Taylor được bạn thân nhất của chồng, ca sĩ Eddie Fisher, an ủi, người đã kết hôn với nữ diễn viên Debbie Reynolds, một trong những người được cả nước Mỹ yêu mến. Không lâu sau, nước Mỹ choáng váng khi biết Debbie và Eddie đã kết thúc và Fisher kết hôn với Taylor, tiếp tục chuỗi sự kiện hôn nhân. (Năm 1993, tại một sự kiện quyên góp cho bệnh nhân AIDS, Reynolds xuất hiện 20 phút trước Taylor và nói, “Tôi đang đứng ở đây, và dùng chung một thứ với Elizabeth.” khiến mọi người cười ồ.) Fisher qua đời năm 2010.

Sau khi Taylor quay xong Cat on a Hot Tin Roof, MGM yêu cầu bà hoàn thành hợp đồng và đóng phiên bản điện ảnh BUtterfield 8 của John O’Hara. Vai diễn gái gọi Gloria Wandrous đã mang về cho bà giải Oscar Nữ diễn viên xuất sắc năm 1961.

Giải thưởng được trao chưa tới sáu tuần sau khi bà phải phẫu thuật cấp cứu mở khí quản tại London do viêm phổi và bị bất tỉnh, một trong vô số lần các báo đưa tin bà cận kề cái chết. Bà và nhiều người khác cho rằng giải Oscar được trao vì thương cảm với bệnh tình của bà hơn là tôn vinh diễn xuất. Tiếp sau đó là Cleopatra, trong đó bà là nữ diễn viên đầu tiên được nhận thù lao triệu đô. Làm việc thêm giờ, bà còn được nhận hơn gấp đôi số tiền đó. Bộ phim quay tại Rome với chi phí khổng lồ (40 triệu đôla, một kỷ lục vào thời đó) và kéo dài đến mức gần như khiến 20th Century Fox phá sản và gây ra rạn nứt không bao giờ xóa nhòa giữa nhà sản xuất Darryl F. Zanuck và đạo diễn Mankiewicz.

Khi Cleopatra cuối cùng cũng ra mắt vào năm 1963, bộ phim gây thất vọng. Nhưng phim đã trở thành huyền thoại với chuyện tình đằng sau màn ảnh giữa những ngôi sao trong phim, Elizabeth Taylor, khi đó đang là vợ của Fisher, và Richard Burton, khi đó là chồng của Sybil Williams.

Cleopatra trở thành huyền thoại với chuyện tình
đằng sau màn ảnh giữa Taylor và Burton

Sức hút đối lập

Taylor và Burton: dường như đó là một cuộc gặp gỡ, hay một sự va chạm giữa hai con người đối lập, ngôi sao điện ảnh nổi tiếng nhất thế giới và người đàn ông nhiều người tin rằng là nam diễn viên kinh điển tuyệt nhất trong thế hệ của ông. Điểm chung giữa hai người là niềm đam mê khác thường với người kia và với việc sống hết mình. Vòng xoáy tình yêu của hai người được báo chí thế giới ghi chép lại và coi họ như một thực thể thống nhất mang tên Dickenliz.

Sau khi hoàn thành bộ phim, Taylor cùng Burton đến Toronto, nơi ông đang có chuyến lưu diễn trước khi trình diễn Hamlet tại Broadway. Ở Toronto và sau đó tại New York, hai người đạt tới đỉnh cao địa vị ngôi sao của mình, với một đoàn tùy tùng theo sau đông như của Quốc vương Brunei và luôn bị người hâm mộ vây kín, những người khiến mỗi lần xuất hiện trước công chúng của Taylor và Burton trở nên hỗn loạn. Tại New York, khoảng 5.000 người tập trung bên ngoài nhà hát Lunt-Fontanne trên phố 46 Tây sau mỗi buổi biểu diễn Hamlet, hy vọng Taylor có mặt ở hậu trường và háo hức được thấy cặp đôi xuất hiện.

Hai người kết hôn năm 1964 và Taylor cố gắng lui về hậu trường nhưng không thành công. “Tôi không nghĩ mình là Taylor,” bà thành thật nói. “Tôi muốn mình là Burton hơn.” Bà nói với chồng, “Nếu em đủ béo, người ta sẽ không mời em đóng phim nữa.” Mặc dù tăng cân nhưng bà vẫn tiếp tục diễn xuất.

Dickenliz có cuộc sống xa hoa. Hai người sở hữu biệt thự tại nhiều đất nước, thuê cả tầng khách sạn và phung phí tiền vào xe hơi, tranh nghệ thuật và trang sức, trong đó có viên kim cương Cartier 69,42-carat và viên kim cương Krupp 33,19-carat. (Năm 2002, Taylor xuất bản cuốn My Love Affair With Jewelry, một hồi ký được kể qua lăng kính những viên đá quý cao cấp.)

Từ khi còn nhỏ, Taylor đã sống bên cạnh những con thú cưng. Khi không được phép mang chó đến London vì luật kiểm dịch, bà đã thuê một du thuyền cho chúng với chi phí 20.000 đôla và thả neo trên sông Thames.

Sau Cleopatra, đôi vợ chồng đóng chung trong những bộ phim mang đến cho công chúng những chuyện tình hào nhoáng như The V.I.P.’sThe Sandpiper, và một phim chính kịch mạnh mẽ về những rạn nứt trong hôn nhân, phiên bản điện ảnh vở kịch Who’s Afraid of Virginia Woolf? của Edward Albee. Vào vai người vợ Martha, một nhân vật già hơn bà 20 tuổi, Taylor đã tăng 10kg và khiến mình trông xơ xác. Sau khi nhận giải Oscar thứ hai, Burton, đóng vai người chồng George, hài hước phát biểu: “Cô ấy đoạt giải Oscar, thật cay đắng, còn tôi thì không, cũng cay đắng không kém.”

Elizabeth Taylor (giữa) trong Who’s Afraid of Virginia Woolf?

Vợ chồng Burton cũng đóng chung trong Doctor Faustus (1968), trong đó hình tượng của bà được xây dựng như một Helen của thành Troy; The Comedians (1967), với Taylor trong vai người vợ ngoại tình của một đại sứ tại Haiti; phiên bản điện ảnh The Taming of the Shrew (1967) của Franco Zeffirelli, trong phim Taylor vào vai Katharina nhẹ dạ trước Petruchio của Burton đang săn tìm vợ; Boom! (1968), dựa theo vở kịch The Milk Train Doesn’t Stop Here Anymore của Tennessee Williams, Taylor vào vai một người phụ nữ giàu có nhưng ốm yếu trên một hòn đảo; Under Milk Wood (1972), chuyển thể từ vở kịch của Dylan Thomas; và Hammersmith Is Out (1972), kể lại truyền thuyết về Faust trong đó bà vào vai một người hầu bàn. Riêng phần mình, Taylor đã vào vai người vợ ngoại tình của đại tá quân đội trong Reflections in a Golden Eye (1967), bên cạnh Marlon Brando; một gái bán hoa đau buồn trong Secret Ceremony (1968); một người phụ nữ trong dàn hợp xướng ở Las Vegas đang dần già đi trong The Only Game in Town (1970), đóng cùng Warren Beatty; một góa phụ giàu có chứng kiến một vụ giết người trong Night Watch (1973); và một người vợ cố gắng cứu lấy cuộc hôn nhân bằng việc phẫu thuật thẩm mỹ trong Ash Wednesday (1973).

Sau mười năm sống xa hoa và nồng nhiệt bên nhau, hai vợ chồng Burton ly hôn năm 1974, tái hôn 16 tháng sau đó (tại một ngôi làng nhỏ ở Botswana), chia tay một lần nữa vào tháng 2 sau đó và đưa đơn ly hôn vào tháng 7/1976 tại Haiti.

Burton qua đời vì xuất huyết não năm 1984 ở tuổi 58 tại Thụy Sĩ. 13 năm sau, Taylor cho biết Todd và Burton là tình yêu của đời bà, và nếu Burton vẫn còn sống, hai người có thể kết hôn lần thứ ba. Nhiều năm sau khi ông qua đời, bà nói với The Times năm 2000 rằng bà không dám xem những bộ phim hai người đã đóng khi phim được chiếu trên truyền hình.

Taylor và Burton: cuộc gặp gỡ giữa hai con người đối lập

Sau khi ly hôn Burton lần thứ hai, bà kết hôn với John W. Warner, một chính trị gia người Virginia, hoạt động tích cực trong chiến dịch tranh cử của ông – và đã thành công – vào Thượng nghị viện Hoa Kỳ. Bà giữ vai trò vợ của một chính trị gia ở Washington trong vòng năm năm, bà cho biết, “đó là một con người cô đơn nhất thế giới.” Bị phiền muộn xâm chiếm, bà đến Trung tâm Betty Ford tại Rancho Mirage, California. Sau đó bà thừa nhận rằng đã bị đối xử như “một kẻ nghiện rượu và ma túy”.

Chiến đấu với ma túy và thức ăn

Ngoài nghiện rượu và ma túy, bà gặp vấn đề với việc ăn uống quá độ, và điều đó đã trở thành chủ đề cho trò đùa của nghệ sĩ hài Joan Rivers. (“Bà ấy có nhiều cằm hơn cả một cuốn danh bạ điện thoại Trung Quốc” – cách chơi chữ đồng âm giữa từ “chin” nghĩa là “cằm” trong tiếng Anh với từ “chin” xuất hiện rất nhiều trong danh bạ điện thoại Trung Quốc, nhằm chế giễu những người béo). Sau đó Rivers xin lỗi Taylor qua một người bạn, mặc dù Taylor chẳng mấy để tâm đến sự xúc phạm này và nói “chúng chẳng chạm tới được nơi tôi đang sống.” Rivers cho biết, “Kể từ đó, tôi cực kỳ yêu mến bà ấy.” Taylor đã viết một cuốn sách về vấn đề cân nặng của mình Elizabeth Takes Off: On Weight Gain, Weight Loss, Self-Image & Self-Esteem (1988). Khi bà trở lại Trung tâm Ford tiếp tục điều trị, bà gặp Larry Fortensky, một công nhân xây dựng và cũng là bệnh nhân. Trong một đám cưới thu hút nhiều sự chú ý năm 1991, bà và Fortensky kết hôn tại Trang trại thung lũng Neverland của Michael Jackson ở Santa Ynez, California, với những người khách nổi tiếng đứng cùng với hươu cao cổ, ngựa vằn và lạc đà của Michael Jackson. Năm năm sau, vợ chồng Fortensky ly hôn. Taylor, một người bạn lâu năm của Jackson đã có mặt tại đám tang của ông năm 2009.

Suốt những năm 1980, 1990, Taylor không thường xuyên xuất hiện trên màn ảnh, bà đóng trong các vở kịch The Little FoxesPrivate Lives tại Broadway, và xuất hiện trên truyền hình với vai Louella Parsons trong Malice in Wonderland năm 1985 và vai nữ diễn viên đang già đi Alexandra Del Lago trong Sweet Bird of Youth của Tennessee Williams năm 1989.

Năm 1994, bà đóng vai mẹ vợ của Fred Flintstone trong The Flintstones, và năm 1996 bà xuất hiện trong bốn phim hài tình huống của CBS. Năm 2001, bà cùng Shirley MacLaine, Joan Collins và Debbie Reynolds tự lấy hình ảnh của mình ra đùa trong These Old Broads, một phim truyền hình được đón nhận không mấy nồng nhiệt – do Carrie Fisher, con gái của Reynolds và Eddie Fisher viết kịch bản – kể về những ngôi sao điện ảnh đang già đi (trong đó Taylor xuất hiện với thời lượng ngắn, trong vai người đại diện của họ) coi thường nhau nhưng tập hợp lại trong một chương trình truyền hình đặc biệt.

Taylor luôn được coi là bức biếm họa về chính mình, “đầy sự trơ trẽn không hề vô lý”, như Margo Jefferson viết trên tờ The Times năm 1999, và nói thêm, “Cho dù bà bao nhiêu tuổi hay mặc trang phục gì đi nữa, bà đã khiến những nguyên tắc về cái tốt và cái xấu đều trở nên vô nghĩa.”

Elizabeth Taylor và Elton John trong buổi hòa nhạc quyên góp vì bệnh nhân AIDS năm 2001

Về sau này, Taylor chia sẻ thời gian giữa hoạt động từ thiện, trong đó có hỗ trợ người Do Thái (bà đã chuyển sang đạo Do Thái vào năm 1959), và công việc quảng cáo, trong đó có một dòng nước hoa được quảng cáo dưới danh nghĩa của bà. Bà đã giúp gây quỹ 100 triệu đôla nhằm đẩy lùi bệnh AIDS. Tháng 2/1997, bà tổ chức tiệc sinh nhật lần thứ 65 để gây quỹ cho hoạt động nghiên cứu AIDS. Sau bữa tiệc, bà phải vào bệnh viện Cedars-Sinai Los Angeles để phẫu thuật u não.

Bà còn gặp nhiều vấn đề sức khỏe khác. Trong những năm gần đây, bà phải ngồi xe lăn vì chứng loãng xương và vẹo cột sống. Năm 2009 bà đã phẫu thuật tim. Năm nay bà từ chối phẫu thuật lưng, nói rằng bà đã phẫu thuật quá nhiều và không muốn tiếp tục nữa. Vào tháng 2, bà nhập viện lần cuối cùng vì bệnh suy tim sung huyết.

Bà có hai con trai Michael và Christopher Wilding; con gái Liza Todd; và một người con gái khác, Maria Burton; mười người cháu và bốn người chắt.

Năm 2002, Taylor nằm trong danh sách năm người được Trung tâm Kennedy vinh danh trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật.

Kết hôn hay độc thân, bệnh tật hay khỏe mạnh, trong hay ngoài màn ảnh, Elizabeth Taylor không bao giờ hết khao khát được trải nghiệm. Cuối đời, bà nhận được nhiều lời mời viết hồi ký, bà từ chối và nói bằng một phong cách rất đặc trưng, “Không, tôi vẫn còn đang xây dựng những hồi ức của mình.”


Dịch: © Hồng Hạnh @Quaivatdienanh.com
Nguồn: New York Times

+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.