Nhân vật & Sự kiện

Hoạt hình Nhật Bản cuối cùng đã kiếm tiền được ở nước ngoài?

15/07/2015

Một nền tảng ‘fan’ trung thành trên toàn cầu trong quá khứ đã không chuyển hóa thành tiền, nhưng những thành công gần đây thì đầy hứa hẹn.

Hoạt hình Nhật Bản đã hấp dẫn một lượng người sùng bái khắp thế giới bao thập kỷ, nhưng lâu nay vẫn chật vật đánh cuộc lượng ‘fan’ đó với doanh thu.

Stand By Me Doraemon

Những thu xếp về tác quyền phức tạp ở Nhật, chậm phát hành quốc tế và các bản sao chép lậu được ‘fan’ làm phụ đề thảy đều góp phần hạn chế kết quả tài chính cho cả phim hoạt hình truyền hình lẫn điện ảnh trên thị trường toàn cầu.

Tuy nhiên, phim Doraemon mới nhất đã thu về gần 100 triệu đôla bên ngoài nước Nhật, còn Dragon Ball Z: Resurrection 'F' huých chỏ lấy 50 triệu đôla từ 74 quốc gia.

Trong khi đó, hoạt hình truyền hình đang được phát hành quốc tế nhanh chóng hơn, gồm cả phát hành đồng thời trên nhiều nền tảng truyền thông (day-and-date release). Với thị trường nội địa đang teo tóp, áp lực phải bẩy lên lực lượng ‘fan’ toàn cầu từng giúp hoạt hình anime trở thành một trong những biểu tượng văn hóa Nhật Bản được nhận biết nhiều nhất.

Phim hoạt hình Nhật thành công nhất tính đến nay là bộ phim đoạt giải Oscar năm 2003 Spirited Away của Hayao Miyazaki, lấy được 85% trong tổng số 275 triệu đôla doanh thu toàn cầu trên thị trường nội địa. So sánh để thấy rõ hơn, Stand by Me Doraemon kiếm được gần gấp đôi doanh thu ngoài Nhật Bản của Spirited Away chỉ trong 11 ngày phát hành ở Trung Quốc.

. .

Ấy thế mà, Toho, đơn vị phát hành nội địa và quốc tế bộ phim này, cho rằng còn quá sớm để nói đã phá giải được câu đố phòng vé nước ngoài hóc búa đối với phim hoạt hình.

"Tôi nghĩ đó là do sức mạnh của bản thân bộ phim. Và thương hiệu Doraemon rất mạnh, nhất là ở châu Á," Takemasa Arita thuộc bộ phận quốc tế của Toho nói với The Hollywood Reporter. "Bây giờ không phải bất kỳ phim hoạt hình nào từ Nhật Bản cũng tự động thành công quốc tế."

Stand by Me Doraemon không hề luộm thuộm ở quê nhà, lấy 70 triệu đôla hồi năm ngoái trước khi kiếm được 3,2 triệu ở Italy, 3 triệu ở Indonesia, 2,7 triệu ở Hàn Quốc và 1,2 triệu ở Thái Lan. Đây là một phim thu kỷ lục 5 triệu hơn ở thị trường Hồng Kông nhỏ xíu nhưng là tiền trạm cho thành tích ở Đại lục.

Ra rạp ngày 28/5 – do căng thẳng chính trị, phim Nhật đầu tiên có mặt ở các rạp chiếu Trung Quốc trong vòng gần ba năm qua – chú mèo máy đã càn quét 86,9 triệu đôla trong chưa đến hai tuần. Dù sự lên ngôi của khổng lồ phòng vé Trung Quốc là người làm thay đổi cuộc chơi cho nền điện ảnh toàn cầu, hoạt hình Nhật cũng đang được tưởng thưởng ở nhiều nơi khác.

. .

Dragon Ball Z: Resurrection 'F' là phần phim thứ 19 trong loạt và không phải là phim đầu tiên được phát hành rộng rãi quốc tế. Dragon Ball Z: Battle of Gods năm 2013 đã kiếm gần 40% trong số 50 triệu doanh thu toàn cầu từ bên ngoài nước Nhật, và Resurrection 'F' đang trên đường vượt mức đó. Đồng sản xuất với Fox International, bộ phim hoạt hình điện ảnh này ra mắt ở Los Angeles hồi tháng 4. Vẫn đang làm ăn tốt ở thị trường Mỹ Latinh nhưng phim còn ra mắt ở hai thị trường khủng là Mỹ và Trung Quốc.

Toei Animation, công ty đứng sau Dragon Ball, là một trong năm hãng phim, cùng với hai hãng quảng cáo, đã tung ra nền tảng trực tuyến Daisuki năm 2013, nhắm vào ‘fan’ hoạt hình truyền hình ngoài Nhật Bản. Đến cuối năm 2014, Cool Japan Fund đã đầu tư 8 triệu đôla và liên doanh hình thành nên Japan Anime Consortium, để đẩy mạnh sự hiện diện của mình trên toàn thế giới.

"Nhiều chủ sở hữu chương trình phim hoạt hình Nhật là những công ty nhỏ, và họ khó tiến vào thị trường toàn cầu, với tất cả chi phí bội địa hóa các xuất phẩm," một phát ngôn viên của Cool Japan Fund nói với The Hollywood Reporter. "Sao chép lậu cũng là một vấn nạn lớn, và kế hoạch là phát hành một số phim bộ hoạt hình cùng lúc chúng được phát sóng ở Nhật."

Bên cạnh việc cung cấp các gói thuê bao và nội dung độc đáo, kênh mạng Daisuki còn bán vật phẩm ăn theo hoạt hình.

Phim hoạt hình truyền hình Nhật Bản phát trên Daisuki

Dân số Nhật giảm hơn 260.000 vào năm ngoái và đang già đi nhanh chóng. Người dưới 25, thành phần chủ lực cho ‘fan’ hoạt hình, giờ chỉ chiếm khoảng 20% dân số, và số người trẻ vẫn đang tiếp tục giảm.

Giữa những xu hướng đó, ngành hoạt hình Nhật sẽ phải học cách khai thác nhiều hơn thị trường toàn cầu để sống còn.

Dịch: © Xuân Phong @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Hollywood Reporter


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.