Nhân vật & Sự kiện

Liệu Nhật Bản có thể khiến ngành công nghiệp hoạt hình nở rộ lần nữa?

12/05/2017

Với hiện tượng phòng vé Your Name dẫn đầu xu hướng, phim hoạt hình Nhật Bản đang trên đà thành công, nhưng để tồn tại với một dân số đang già đi của đất nước này, ngành công nghiệp hoạt hình phải thu hút nhiều họa sĩ trẻ hơn và thực sự toàn cầu hóa.

Khó bỏ qua những phong thanh gần đây xung quanh giới hoạt hình Nhật Bản. Ngành công nghiệp này vừa cho thấy những thành công lớn nhất trong lịch sử của họ với Your Name của Makoto Shinkai thu về 330 triệu đôla tại phòng vé toàn cầu, phim chuyển thể người thật đóng của Hollywood với sự góp mặt của Scarlett Johansson Ghost in the Shell thu hút sự chú ý hơn bất kỳ bản chuyển thể nào trước đây ra rạp vào tháng 3, và doanh thu hải ngoại của các phim hoạt hình nhiều tập tăng mạnh nhờ hạ tầng VOD (phim theo yêu cầu) và lượng cầu ngày càng lớn từ Trung Quốc. Cùng lúc đó, có tin đồn cho rằng bậc thầy phim hoạt hình Hayao Miyazaki sẽ quay lại với một tác phẩm cuối cùng.

Your Name

Bất chấp những thành công đó, mảnh đất hoạt hình không hẳn tươi tốt trên mọi phương diện: phim hoạt hình truyền hình tiếp tục thua lỗ khi phát sóng trong nước, trong khi tiền lương thấp cho các họa sĩ hoạt hình trẻ tuổi dẫn đến tình trạng thiếu hụt họa sĩ hoạt hình bước chân vào ngành công nghiệp này. Dân số Nhật Bản tiếp tục giảm, phim hoạt hình cần phải có những thành công hơn nữa trên thị trường toàn cầu. Nhưng với sự thiếu hụt tài năng mới điều này đơn giản không thể xảy ra.

Theo những số liệu từ tổ chức của ngành công nghiệp này là Hiệp hội Phim hoạt hình Nhật bản (AJA), doanh thu toàn ngành tăng trưởng 12% đạt 16 tỉ đôla năm 2015, với lượng bán quyền phát sóng cho Trung Quốc tăng 79%, và năm ngoái có vẻ đã tiếp tục tăng (bởi nhiều công ty Nhật Bản có năm tài chính tính đến cuối tháng 3, nên nhiều số liệu của năm 2016 chưa được công bố). Lấy con số 16 tỉ đôla làm gốc, doanh thu phòng vé toàn Nhật Bản năm ngoái là 2,1 tỉ đôla, một kỷ lục, và một tác phẩm đã đem lại sự tăng trưởng đáng kể trong nước 220 triệu đôla là Your Name.

Thành công rực rỡ của câu chuyện hoán đổi thân xác tuổi mới lớn của Shinkai này chắc chắn đã gia tăng sự chú ý vào phim hoạt hình trên mọi khía cạnh. Đại diện kinh doanh của một công ty giải trí Nhật Bản lớn nói rằng tại các thị trường giải trí quốc tế gần đây tràn ngập trong yêu cầu về phim hoạt hình, thậm chí cả những tác phẩm mà công ty không bán, bởi những người mua mong muốn có một Your Name tiếp theo. Tuy nhiên, Haruka Kasai, đến từ bộ phận bản quyền và kinh doanh quốc tế của hãng phim lớn Toei Animation, nói rằng Your Name là "một trường hợp đặc biệt" và sẽ không đem lại khác biệt quan trọng cho thị trường này. Genki Kawamura, nhà sản xuất những phim thành công đình đám của Toho, người đứng sau Your Name, cũng không tin làn sóng đang lên này sẽ nâng tất cả những con thuyền.

In This Corner of the World

"Chắc chắn đây là thời điểm tốt cho phim hoạt hình. Cho đến gần đây, ngoài những phim của Studio Ghibli, không có nhiều phim hoạt hình thành công lớn, nhưng nay đã có nhiều nhà sản xuất tài ba với những câu chuyện xuất sắc. Nhưng ngay cả trong thời điểm này, chỉ những phim có chất lượng tốt mới có thể thành công," Kawamura nói với The Hollywood Reporter.

Tuy nhiên, sáu trong số 10 thành công phòng vé năm 2016 là phim hoạt hình. Trong khi Your Name là vô địch phòng vé không đối thủ, phim đã thua trong cuộc đua giành danh hiệu phim hoạt hình xuất sắc nhất của Viện Hàn lâm Nhật Bản về tay In This Corner of the World (Kono Sekai no Katasumi ni). Do Sunao Katabuchi đạo diễn và viết kịch bản, lại không được xưởng phim lớn nào chống lưng, câu chuyện về một Hiroshima trong thời chiến và vụ ném bom nguyên tử chỉ gọi vốn đầu tư được một phần của kinh phí khoảng hơn 2 triệu đôla một chút. Thu hút bộ phận khán giả lớn tuổi - là phân khúc dân số quan trọng của một Nhật Bản đang già hóa - hơn các phim hoạt hình khác, bộ phim này đã thu về 20 triệu đôla trong nước và đảm bảo cho một sự ra mắt quốc tế rộng rãi, trong đó có Mỹ thông qua Shout Factory.

Dân số già hóa nhanh chóng và thu hẹp dần của Nhật Bản đồng nghĩa với việc ngành công nghiệp hoạt hình này có rất ít lựa chọn ngoài tập trung vào thị trường quốc tế, điều mà ngành đã làm với kết quả pha tạp trong quá khứ. Sự sụp đổ của thị trường DVD toàn cầu - từng là kênh thu nhập ngoài nước lớn nhất của ngành này - đã ảnh hưởng lớn đến ngành công nghiệp hoạt hình Nhật Bản. Nhưng sự nổi lên của các hạ tầng VOD như Netflix hay Amazon đang mang đến những cơ hội mới.

A Silent Voice

Thành viên của các diễn đàn người hâm mộ phim hoạt hình cuồng nhiệt thường dịch và làm phụ đề các phim Nhật Bản được phát hành, đăng các phiên bản không chính thức một cách miễn phí trực tuyến, làm giảm doanh số DVD và doanh thu tiềm năng phòng vé. Các hãng phim và các nhà phân phối đã phản ứng bằng cách đẩy ngày ra mắt ở nước ngoài đồng loạt trên màn ảnh lớn và màn ảnh nhỏ.

Ko Mori, điều hành Eleven Arts, một nhà phân phối phim Nhật có trụ sở tại Los Angeles, nói rằng sự thay đổi này đã giúp thúc đẩy thị trường Mỹ đối với phim hoạt hình anime những năm gần đây.

"Mặc dù chỉ là một thị trường ngách, ngày càng nhiều phim được ra mắt tại các rạp, điều này được hỗ trợ bởi việc rút ngắn khoảng cách giữa ngày ra mắt ở Nhật Bản với ngày ra mắt ở Mỹ," Mori nói. "Chúng tôi không muốn cho ra mắt phim hoạt hình tại Mỹ sau khi DVD hoặc VOD Nhật Bản ra mắt, bởi nạn ăn cắp bản quyền." Eleven Arts đã cho ra mắt Sword Art Online The Movie: Ordinal Scale vào ngày 9/3 tại Mỹ, chỉ khoảng ba tuần sau khi phim mở màn và đứng hạng nhất tại Nhật Bản với doanh thu 3,7 triệu đôla chỉ trong hai ngày đầu, dù chỉ chiếu tại 150 rạp. Phim ra mắt ở Mỹ trên khoảng 600 rạp, gần như gấp đôi số lượng rạp ra mắt của những phim hoạt hình lớn khác do Eleven Arts phụ trách.

Sword Art Online The Movie: Ordinal Scale

Thị trường quan trọng nhất vẫn là Đông Á, nhưng phim hoạt hình Nhật Bản mới trở lại với rạp chiếu Trung Quốc chưa đến hai năm, sau ba năm tạm ngừng do một loạt tranh chấp lãnh thổ liên quan đến một nhóm đảo. Sự trở lại của điện ảnh Nhật Bản dẫn đầu với sự ra mắt màn ảnh rộng vào hè 2015 của Stand by Me Doraemon, phim đã thu về hơn 80 triệu đôla, đánh bại doanh thu phòng vé ở thị trường quê nhà. Đây là biểu hiện thành công nhất đối với một phim Nhật Bản tại Trung Quốc, chỉ bị đánh bại bởi Your Name vào cuối năm ngoái.

Mỉa mai thay, sự căng thẳng về địa chính trị nay lại là một yếu tố tích cực đối với phim hoạt hình, khi Trung Quốc đã (một cách không chính thức) cấm mọi chương trình giải trí và phim từ Hàn Quốc. Động thái đáp lại việc triển khai hệ thống phòng vệ tên lửa THAAD của Mỹ của Seoul đã tạo ra một khoảng chân không ở một nơi mà giải trí Hàn từng rất phổ biến.

"Bởi giờ họ không thể chiếu các chương trình giải trí của Hàn Quốc, người xem Trung Quốc bắt đầu tìm kiếm chương trình giải trí Nhật Bản," Kasai của Toei Animation nói. Joseph Chou, nhà sản xuất phim truyện và phim hoạt hình, cũng là chủ tịch hãng phim Sola Digital Arts tại Nhật Bản, chỉ ra rằng mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Hàn Quốc là "hoàn toàn bất ngờ", nhưng điều tương tự cũng có thể xảy ra với Nhật Bản.

Doraemon the Movie 2017: Nobita’s Great Adventure in the Antarctic Kachi Kochi

Rủi ro chính trị là một trong những nguyên nhân khiến các công ty Trung Quốc ngày càng hợp tác với các hãng phim Nhật Bản. DandeLion Animation Studio của Nhật Bản và công ty flycam hàng đầu của Trung Quốc Da-Jiang Innovations Science and Technology đã công bố hợp tác làm RoboMasters: The Animated Series. Chương trình truyền hình sáu tập này sẽ dựa theo một cuộc thi rôbô chiến đấu thực với các đội đến từ 200 trường học tại Trung Quốc. Dự án này tốn hai năm để hoàn thiện và được lên lịch phát sóng lần đầu ở Trung Quốc, theo DandeLion.

Nhưng trong lúc nhu cầu xem phim hoạt hình tại Trung Quốc đang cao, khán giả giờ đây trở nên khó tính hơn, theo Kasai của Toei Animation, nói "trong quá khứ họ sẽ mua gần như bất cứ thứ gì miễn sao đó là phim hoạt hình Nhật."

Nhà sản xuất và chủ tịch hãng phim Chou nói rằng mặc dù dòng vốn và nhu cầu đến từ Trung Quốc đang tạo nên một sự nở rộ, thì dòng tiền này không chảy vào những nhà sáng tạo và họa sĩ hoạt hình, với những hệ quả tiềm ẩn nghiêm trọng đối với tương lai của ngành công nghiệp này. "Nếu bạn nhìn vào ống dẫn đầu ra của phim hoạt hình, sẽ thấy không có gì cho đến 2018, 2019 hoặc thậm chí 2020; nhiều trong số đó đã được nói đến rồi. Nếu thị trường không giảm sút, thì đây sẽ trở thành một vấn đề," Chou nói.

RoboMasters: The Animated Series

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất phim hoạt hình Nhật Bản, một tổ chức nghề nghiệp, một họa sĩ hoạt hình chính ở độ tuổi giữa 30 có thể kiếm trung bình 24.500 đôla hàng năm, trong khi những trợ lý trẻ tuổi của họ chỉ kiếm được 9.750 đôla.

Những con số này không phản ánh tình trạng thực tế, theo Naoki Ishikawa của AJA. "Sự thật là có nhiều họa sĩ hoạt hình kiếm được 5 đến 10 triệu yen [43.500 đến 87.000 đôla]. Những người kiếm được khoản tiền này chắc chắn không nói vậy, nhưng những người làm ra không nhiều thường nói nhiều về vấn đề này. Vì vậy mọi người nghĩ rằng tất cả đều kiếm được ít," Ishikawa nói. Mức lương trung bình không cao, Ishikawa thừa nhận, quy hiện tượng này cho mô hình kinh doanh kỳ lạ đối với việc phát sóng phim truyền hình nhiều tập, là chỗ dựa chính cho ngành công nghiệp này.

"Với phim hoạt hình truyền hình, các nhà sản xuất về cơ bản là chịu thua lỗ khi phát sóng. Họ chỉ bắt đầu kiếm được lợi nhuận khi người hâm mộ xem phim rồi mua vật phẩm," Ishikawa giải thích. Như thể hiện tượng này còn chưa đủ tệ, tất cả tài chính cho các hoạt động diễn ra trong quá trình phát sóng phim truyền hình tại Nhật bản đến từ các công ty sản xuất. "Vì vậy không có doanh thu hiệu quả từ việc phát sóng truyền hình và không có sự thúc đẩy nào để tăng doanh thu từ hoạt động đó," Ishikawa nói. "Nếu vật phẩm ăn theo không bán được, thì họ sẽ thua lỗ."

Vật phẩm ăn theo nhân vật hoạt hình Nhật Bản trưng bày tại Anime Expo 2012 ở Los Angeles

Trên thực tế, ngành công nghiệp hoạt hình tạo ra gấp đôi lợi nhuận bằng việc thu tiền bản quyền nhân vật từ pachinko - một trò chơi cá cược Nhật Bản - hơn là từ truyền hình và phòng vé cộng lại, và gấp đôi lần nữa từ bán vật phẩm. "Những hãng phim thành công đang bơi trong các đề nghị, nhưng những hãng nhỏ hơn, với chỉ một nguồn cung, đang gặp khó khăn do thiếu nhân lực; các hãng phim nhỏ ngày càng khó kiếm họa sĩ," Chou nói.

Kết hợp với vấn đề này là sự thiếu hụt tài năng trẻ, một thách thức lần nữa lại xuất phát từ dân số đang già hóa của Nhật Bản. Chou cho biết thêm: "Rất nhiều tài năng đang ở độ đuổi 40, 50 hoặc 60, nhưng dù vậy cũng chẳng còn nhiều."

Dịch: © Chi Nguyễn @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Hollywood Reporter