Từng có thời phim kinh dị Hồng Kông thường xuyên ám ảnh màn bạc, nhưng
từ khi chuyển sang thiên niên kỷ mới, quỷ yêu và ma cà rồng khó mà tìm
thấy ở điện ảnh Hồng Kông – cho đến năm nay. Bài viết này tìm hiểu lịch
sử thể loại phim ma Hồng Kông, tại sao nó biến mất, và liệu có phải một
sự hồi sinh đang đến…
Như các nhà làm phim đã làm đến nay,
Tales from the Dark, hợp tuyển hai phim về chuyện ma ra rạp trong mùa hè vừa qua, không có gì khác với
Rigor Mortis, bộ phim ma cà rồng Trung Quốc ra rạp vào cuối tháng 10.
Trong khi
Tales from the Dark
có một dàn diễn viên kỳ cựu hạng A và những ngôi sao trẻ (Nhậm Đạt Hoa,
Lương Gia Huy, Trần Pháp Lai, và Trần Tĩnh), được một nhóm đạo diễn gạo
gội chỉ đạo, và đại gia sản xuất phim Giang Chí Cường của Edko Films
sản xuất,
Rigor Mortis gồm các diễn viên trung niên, chưa có
vai diễn nổi bật nào trong hơn một thập kỷ qua, và do một nhà làm phim
tân binh đạo diễn.
Bất chấp những khác biệt đó, cả hai phim đều
có cùng một mục đích: phim được làm không chỉ để tưởng nhớ, mà còn để
tái sinh, phim ma Hồng Kông, một thành phần quan trọng của điện ảnh Hồng
Kông những năm 80 và 90, hầu như đã biến mất trong thập niên vừa qua.
Cũng
như phim võ thuật, phim ma Hồng Kông lúc nào cũng khác với phim ma
Hollywood, đa phần là vì ma trong văn hóa Trung Quốc khác với ma trong
văn hóa phương Tây.
Cảnh trong phim Tales from the Dark
Giáo sư Ho King-kay tại Chinese University chuyên về tập tục văn hóa,
nói rằng, không như ma phương Tây, thường được miêu tả thuần độc ác, ma
Trung Quốc đầy lý trí và logic.
“Ma trong văn hóa Trung Quốc
thường là phụ nữ,” giáo sư Ho giải thích. “Ma trong nền văn hóa của
chúng ta, từ hàng ngàn năm trước đến khi xuất hiện trong văn chương,
thường có lý do để hành động. Văn hóa Trung Quốc tin vào nghiệp chướng.”
Mùa
thu năm ngoái, giáo sư Ho, cùng nhiều giáo sư và học giả về điện ảnh
khác tại Chinese University và Lingnan University, khởi động một chương
trình điện ảnh có tựa đề ‘Ma ám trên màn bạc: Phim ma Hồng Kông’, chuyên
nghiên cứu về ma trong văn hóa Trung Quốc. Họ tin thể loại phim này, dù
cực kỳ nổi tiếng từ vài thập niên trước, chưa từng được các nhà phê
bình và học giả điện ảnh phân tích một cách nghiêm túc.
“Điện ảnh
Hồng Kông đã đưa vào yếu tố ma quái và sự đầu thai từ thập niên 50,”
giáo sư Ho nói. “Ý niệm chết thanh thản hay là không, là yếu tố quan
trọng trong niềm tin và văn hóa của người Trung Quốc. Nếu chúng ta chết
oan uổng hay còn chưa hoàn tất chuyện gì chúng ta rất muốn làm hoặc cần
phải làm, chúng ta sẽ làm ma quay về. Linh hồn của chúng ta không thể
đầu thai khi nào chưa giải quyết xong chuyện.”
Ý niệm đó là cốt
chuyện chủ yếu cho đại đa số phim ma Hồng Kông, bắt đầu từ thập niên 50 –
thập niên hậu chiến mà điện ảnh Hồng Kông thực sự trở thành một ngành
công nghiệp – với
The Living Corpse của Chu Thạch Lân, đến thập niên 60 có
Mid-Nightmare,
do tượng đài màn bạc Lạc Đế trong vai một ảo ảnh-giống ma, đến sự bùng
nổ của ngành công nghiệp này (và thể loại phim ma) trong thập niên 80
với những phim như
A Chinese Ghost Story and
Rouge.
The Living Corpse (1958)
Đặc biệt, thập niên 80 và 90 – được gọi là ‘kỷ nguyên vàng của điện ảnh
Hồng Kông' – có những phim ma không chỉ gây kinh sợ, mà còn có ma thân
thiện, và khao khát tình yêu (
Spiritual Love, do nữ diễn viên
xinh đẹp Chung Sở Hồng trong vai một ma nữ phải lòng nhân vật của
Châu Nhuận Phát) hay ma hài hước (loạt phim
Happy Ghost, do Huỳnh Hạo Nhiên đóng vai chính).
Tất
nhiên, ma truyền thống chỉ chiếm phân nửa số lượng phim ma Hồng Kông
trong kỷ nguyên vàng này. Tất cả những hồn ma tìm kiếm tình yêu hay trả
thù đã chia sẻ màn ảnh với một thế lực siêu nhiên khác – ma cà rồng nhảy
tưng tưng của Trung Quốc, nổi tiếng với cách gọi theo tiếng địa phương
là cương thi.
Wei Ping, học giả về điện ảnh làm việc cho Viện tư
liệu phim Hồng Kông, Lingnan University và UCLA nói rằng ma cà rồng lần
đầu xuất hiện trên phim Hồng Kông là những năm 50 và 60, với các phim
như
The Living Corpse và
The Voyage of the Dead của Dương Công Lương.
Bà Wei Ping nói “Không có phim ma cà rồng Hồng Kông ‘chân thực’ cho đến khi
The Shadow Boxing được phát hành năm 1979.”
Do nhà làm phim huyền thoại vừa qua đời Lưu Gia Lương đạo diễn,
The Shadow Boxing đánh dấu lần đầu tiên cương thi xuất hiện trong trang phục chính thức đời Thanh.
“
The Shadow Boxing
còn là một trong những phim đầu tiên, nếu không muốn nói chính là phim
đầu tiên, miêu tả nhấn mạnh vào sự bí ẩn của các nghi lễ Lão giáo để
chống lại ma cà rồng,” bà Wei bổ sung.
The Shadow Boxing
Người theo Lão giáo chống ma cà rồng được nhấn mạnh hơn trong phim
Mr Vampire
năm 1985, được nhiều người xem là phim đã đẩy trào lưu cương thi lên
thành văn hóa đại chúng Hồng Kông. Wei lập luận rằng sự có mặt của
những nhân vật Lão giáo chính nghĩa là điều đã khiến cho phim cương thi
trở nên khác biệt.
“Lão giáo có một lịch sử lâu đời ở Hồng Kông
và sự phát triển hiện đại của Lão giáo có thể truy về thời Thế chiến thứ
II khi nhiều đạo sĩ Lão giáo ở Quảng Đông bỏ chạy sang Hồng Kông,” bà
Wei nói. “Sau đó trong môi trường tự do tôn giáo và phát triển kinh tế
Hồng Kông, Lão giáo phát triển mạnh ở đây vào thập niên 1980.”
Điều
đó khiến cho những người hùng theo Lão giáo trong phim ma Hồng Kông trở
nên quan trọng vì giúp định nghĩa những phim này là ‘sản phẩm địa
phương’ chứ không phải hàng nhái theo phim của phương Tây. Mặc dù khác
biệt với phương Tây là điều quan trọng, Wei chỉ ra rằng năm 1997, là
thời điểm bước ngoặt cho phim cương thi Hồng Kông.
“Tất cả những phim
[cương thi] trước năm 1984 hầu hết được dựng cảnh kiểu sân khấu không
có sức kể chuyện,” bà Wei nói. “Nhưng trong
Mr Vampire, phát hành năm 1985, cương thi trở thành những kẻ xâm lăng tấn công vào khán giả nói tiếng Quảng Đông.”
Cương thi trong Mr. Vampire (1985)
Tiến sĩ Sylvia J Martin, phó giáo sư chuyên về nhân loại học tại Pomona
College, Nam California và một nhân vật kỳ cựu trong ngành truyền hình
và điện ảnh đã dành thời gian ở Hồng Kông nghiên cứu nền công nghiệp
điện ảnh và mối tương quan nhân loại học, nhất trí rằng phim ma Hồng
Kông thường được dùng để thể hiện những nỗi lo lắng của người Hồng Kông –
ngay cả hiện nay. Bà lấy ví dụ bộ phim
Tales from the Dark năm nay: “Trong [
Tales from the Dark],
chúng ta thấy nhân vật của Nhậm Đạt Hoa đương đầu với nghèo khổ cùng
cực và và cuộc sống eo hẹp mà người Hồng Kông ngày càng phải đối mặt. Có
rất nhiều bức xúc của công chúng đối với các tay trùm địa ốc và cách
biệt kinh tế-xã hội ngày càng tăng. Thể loại phim ma diễn tả sự mất mát
rất hiệu quả: mất cơ hội, mất tự chủ, mất phẩm giá, mất mạng. Nhưng nó
còn cung cấp tiềm năng phục hồi và chuộc lỗi – cho những hồn ma yên
nghỉ. Thế nên ngoài khía cạnh giải trí, phim ma có thể đề cập đến nhiều
vấn đề nghiêm túc.”
Nhưng dù phim ma lấy bối cảnh hiện thực
đương đại – thời đại của chúng ta, thế giới của chúng ta – có thể nói
lên nỗi lo lắng của Hồng Kông, còn có một dòng phim ma phụ trong thập
niên 80 lấy từ văn hóa cổ Trung Quốc: những chuyện ma dân gian.
Nổi tiếng nhất chính là
A Chinese Ghost Story,
một phim thành công vang dội năm 1987 đã đưa nữ diễn viên Vương Tổ Hiền
lên hàng siêu sao khắp châu Á. Phỏng theo một truyện ngắn của tác giả
Bồ Tùng Linh năm 1770 đời Thanh, bộ phim đã giúp khởi đầu xu hướng phim
ma theo truyện ma dân gian. Những phim này lấy từ lịch sử và tín ngưỡng
hàng ngàn năm của Trung Quốc, và cho khán giả Hồng Kông cơ hội kết nối
với cội nguồn.
Vương Tổ Hiền trong phim A Chinese Ghost Story
“
A Chinese Ghost Story khởi đầu cho dòng phim phụ [về những câu
chuyện ma dân gian], có giọng điệu nhẹ nhàng hơn – ma không hiện hình
để ám ảnh hay giết chóc – và cảm động hơn,” giáo sư Ho giải thích. “Phim
không cần bận tâm bối cảnh xã hội và những vấn đề của người Hồng Kông.”
Phim ma tiếp tục là thể loại phim được ưa chuộng của điện ảnh
Hồng Kông đến thập niên 90, dù chúng trở thành những phim kinh phí thấp,
hạng B so với những phim kỳ ảo, tham vọng hơn như
Rouge hay
A Chinese Ghost Story.
Thập niên 90 là thời kỳ diễn viên kỳ cựu La Lan, đã bước vào tuổi lục
tuần với hơn bốn thập niên kinh nghiệm, có được sự hồi sinh trong sự
nghiệp bằng vai bà ma già, và Cổ Thiên Lạc – trước khi trở thành nam diễn
viên hạng A ngày nay – đóng trong một chuỗi phim ma rẻ tiền (loạt phim
The Troublesome Night, có đến 18 – vâng, 18! – phần từ năm 1997 đến 2003).
Tiến
sĩ Martin, trong thời gian nghiên cứu việc sản xuất phim ở Hồng Kông
gắn với đủ loại phim trong thập niên 90, nói các nhà làm phim tại đây
bảo cô rằng làm phim ma hiệu quả hơn vì giá thành sản phẩm rẻ hơn – những
cảnh tối tăm, suy cho cùng, ít tốn điện. Và Bành Thuận, có lẽ nổi tiếng
với việc đồng đạo diễn bộ phim ma được xem là đỉnh nhất trong những năm
2000 của Hồng Kông (
The Eye năm 2002) tán thành ý kiến. “Phim ma rất dễ làm,” ông nói. “Dựng một cảnh đáng sợ rất dễ dàng, nhanh chóng và rẻ tiền.”
Vậy
nếu làm phim ma hiệu quả đến thế và thể hiện văn hóa địa phương đến
thế, tại sao thể loại phim này suy giảm trong 10-12 năm qua? Dù tính đến
đầu ra giảm đi của ngành công nghiệp này so với thời đỉnh cao những năm
90, phim ma đã chiếm một tỷ lệ quá thấp trong điện ảnh Hồng Kông thập
niên vừa qua (Wei ước tính rằng phim ma chiếm hơn 20% tổng số phim sản
xuất trong những năm 90; mấy năm gần đây, tỷ lệ này là gần 5%), còn phim
cương thi đã hoàn toàn biến mất trong hai thập niên vừa qua.
Nữ
diễn viên Bào Khởi Tịnh, một diễn viên kỳ cựu đã xuất hiện trên hơn 30
phim điện ảnh và 50 phim bộ truyền hình trong một sự nghiệp dài bốn thập
niên, góp phần vào sự suy giảm của phim ma vì chuyển sang đóng phim
tinh tế hơn.
The Eye (2002)
“Tôi nghĩ phim ma vốn dĩ là hạng B rồi và phù hợp với điện ảnh Hồng Kông
những năm 80,” Bào Khởi Tịnh nói. “Điện ảnh Hồng Kông ngày nay tinh tế
hơn nhiều, với những phim có giá trị cao và phong cách làm phim phương
Tây. Trong những năm 80, phim thường được làm theo kiểu mì ăn liền.”
Tiền Tiểu Hào, một trong ba vai chính của
Mr Vampire và đóng chính trong
Rigor Mortis, cũng có cùng quan điểm, nhất là khi nói đến sự suy thoái của phim cương thi.
“Tôi nghĩ rằng phim cương thi chúng tôi làm hồi trước [
Mr Vampire
và các phần tiếp theo, cùng cả đống phim ăn theo và làm nhái] phù
hợp với gu điện ảnh Hồng Kông những năm 80 và 90,” Tiền Tiểu Hào nói.
“Đó là thời kỳ phim lồng tiếng, cốt truyện điên rồ, và nói chung là hạng
B. Khi thập niên 2000 đến, điện ảnh Hồng Kông trở nên nghiêm túc, và
những phim ma như thế không còn hợp thời.”
Cách mạng nghệ thuật
của điện ảnh Hồng Kông chỉ là một phần lý do của sự suy thoái dòng phim
ma. Nguyên nhân chủ yếu, theo tất cả những người được phỏng vấn, là sự
kiểm duyệt của Đại lục.
“Nguyên nhân chính khiến phim ma biến mất
[hơn một thập niên qua] là vì Trung Quốc không trình chiếu những phim
ấy,” Bành Thuận nói. “Công nghiệp điện ảnh Hồng Kông đã gia tăng làm
phim cho thị trường Đại lục, thế nên đó là lý do tại sao không có nhiều
phim ma.”
Bành Thuận, cùng với người anh Bành Phát, có lẽ là
những người làm phim ma nổi tiếng và làm được nhiều phim ma nhất ở Hồng
Kông trong thập niên 2000, cũng công nhận rằng ông chẳng vội quay lại
với thể loại này.
“Tôi không nghĩ mình sẽ kiếm được kinh phí nếu
làm một phim ma khác,” ông nói. “Nhưng nếu tôi muốn làm một phim thảm
họa hành động 3D ư? Vô khối người đầu tư.”
Baby Blues 3D (2013) [phát hành ở Việt Nam với tựa Búp bê ma ám]
Có vẻ 2013 là năm các nhà làm phim Hồng Kông nỗ lực hồi sinh thể loại
phim ma, vì đây là năm mà điện ảnh ‘truyền thống’ Hồng Kông được cho là
đang trở lại.
Tại Hội chợ phim năm nay – hội chợ dành cho các
nhà sản xuất và phát hành phim châu Á quảng bá và bán phim của mình –
Giang Chí Cường, chủ tịch hãng Edko Films, cùng nhiều nhà làm phim và
nhà sản xuất như Trần Quả và Đặng Hán Cường, công bố một dự án mới,
Movie Addict Productions, nhắm vào việc làm phim theo phong cách Hồng
Kông.
Ông Giang nói vào lúc công bố dự án trên: “Khán giả địa
phương nóng lòng được xem những phim thuần kiểu Hồng Kông, đã được chứng
minh qua những thành công gần đây của một loạt các phim địa phương.
Điều thú vị trong việc làm phim thuần kiểu Hồng Kông là không có rào cản
hay giới hạn về mặt sáng tạo.”
Bộ phim Hồng Kông đầu tiên ‘không có rào cản, không có giới hạn’ này mà công ty của ông sản xuất là phim gì?
Tales from the Dark của năm nay.
Về
cơ bản, nói gọn như vầy: phim ma Hồng Kông có thể trở về từ cõi chết,
nếu các nhà làm phim ở địa phương này sẵn lòng chấp nhận khó khăn về tài
chính và chấp nhận làm những phim không để bán ở thị trường Đại lục.
Rigor Mortis
Đối với Mạch Tuấn Long, bộ phim
Rigor Mortis của anh chắc chắn
thành công dù không trình chiếu ở Đại lục – nhận được những bình luận
khen ngợi tại các liên hoan phim trên thế giới và đã có những hợp đồng
phát hành ở Bắc Mỹ và nhiều nơi ở châu Á – phim ma có thể được hồi sinh
trên màn ảnh Hồng Kông.
“Nhưng hãy đừng gọi đây là ‘sự trở lại của xu
thế phim ma’. Tôi nghĩ từ ‘xu thế’ (‘trend’) là rất ngắn hạn,” Mạch
Tuấn Long nói. “Mọi chuyển xảy ra theo chu kỳ – thời trang, âm nhạc, và
hiển nhiên là, phim ảnh.”
Nói cách khác – đừng gọi đây là một sự trở lại (của phim ma). Phim ma đã có mặt ở đây bao năm rồi.
Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: TimeOut Hong Kong
Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên
Facebook của chúng tôi