Nhân vật & Sự kiện

Sợ hãi và phẫn nộ trên màn ảnh: những căng thẳng ở Hồng Kông lên phim

30/06/2014

Các nhà làm phim thương mại đang bắt nhịp với những âu lo phổ biến về tương lai của Hồng Kông trong loạt phim thu hút khán giả nơi đây.

Hồng Kông không còn như trước nữa. 16 hành khách cùng người lái xe minibus đã nghĩ vậy khi biết họ bị bỏ rơi trên một mảnh đất thuộc khu Đại Phố sau khi đi qua đường hầm Lion Rock, một cảnh trong bộ phim mới The Midnight After. Nhóm hành khách nhận ra họ là những người duy nhất sống sót sau một thảm họa bao trùm thành phố.

Nhóm người sống sót trên xe minibus trong bộ phim ly kỳ hậu tận thế
The Midnight After, bộ phim đã nhận phản hồi mạnh mẽ từ khán giả

“Thành phố đã biến mất trong lúc ta đi qua đường hầm,” một hành khách do Huệ Anh Hồng thủ vai thét lên. “Luật lệ, đạo đức – không còn tác dụng gì nữa.”

Bộ phim ly kỳ hậu tận thế của đạo diễn Trần Quả là chủ đề nóng hổi ở Hồng Kông. Bộ phim đã mang về hơn 14 triệu đôla Hồng Kông tại phòng vé từ khi ra rạp ngày 10 tháng 4. Dựa trên một tiểu thuyết ăn khách trên mạng, Lost on a Red Minibus to Taipo, của tác giả với bút danh Pizza, phiên bản điện ảnh đã được chờ đón nồng nhiệt. Cốt truyện – mang nặng tính chính trị và những vấn đề xã hội địa phương như nỗi lo về quan hệ xuyên biên giới – đã kết nối với khán giả. Số phận hiểm nghèo của các hành khách trở thành một tấm gương phản chiếu những người dân Hồng Kông bình thường.

“Hành khách trên chiếc xe đỏ bị mắc kẹt. Và chúng ta cũng bị kẹt trong hiện thực,” đạo diễn Trần nói. “Rất nhiều thứ đẹp đẽ về Hồng Kông đang dần biến mất.”

The Midnight After là ngọn sóng mới nhất của trào lưu phản ánh trên phim thương mại những căng thẳng trong năm thứ 17 Hồng Kông được trả về cho Trung Quốc và những phân vân quanh quyền bầu cử được hứa hẹn bấy lâu. Các bộ phim cố ý nhấn mạnh tính “Hồng Kông” của mình, dùng thoại tự nhiên, trong bối cảnh ảnh hưởng ngày càng tăng của Đại lục lên đặc khu và những đối kháng biên giới.

Enthralled

Một số phim là sản phẩm hợp tác sản xuất giữa Hồng Kông và Đại lục được Trung Quốc hỗ trợ kinh phí một phần.

Ra rạp tháng 4 rồi là Enthralled, bộ phim đầu tay của nhà phỉnh bút Chip Tsao, đề cập đến những sự kiện nhạy cảm như các cuộc biểu tình ngày 4 tháng 6 hàng năm phản đối cuộc trấn áp ở Thiên An Môn. Bộ phim hài gợi cảm 3-D Naked Ambitions do diễn viên hài có tiếng nói chính trị Đỗ Vấn Trạch đóng chính, anh vào vai một tác giả truyện khiêu dâm thuộc một tờ báo ở Hồng Kông dấn thân vào làng phim khiêu dâm Nhật Bản. Bộ phim có nhiều cảnh khỏa thân để không phải cập bến các màn ảnh Đại lục, tạo nên “tinh thần Hồng Kông” trên sự quyết tâm và đề tài khó nhằn.

Tháng 5 và 6 đón chờ hai tác phẩm hợp tác sản xuất giữa Hồng Kông và Đại lục với nội dung về đặc khu tự trị này. Aberdeen của Bành Hạo Tường ra rạp tháng 5 sau khi công chiếu tại Liên hoan phim quốc tế Hồng Kông hồi tháng 3 rồi. Được quảng bá là một bộ phim gia đình, đạo diễn họ Bành nói Aberdeen còn khắc họa những áp lực đang đối mặt người dân Hồng Kông. Trong một cảnh phim, một bé gái hỏi bác mình ý nghĩa cuộc sống là gì. Người bác chỉ dẫn cô bé: “Hít vào, giữ hơi, rồi thở ra.”

Tựa đề tiếng Trung tại Hồng Kông của bộ phim có nghĩa là Cậu bé Hồng Kông hay Hồng Kông bé nhỏ. Ở Đại lục, bộ phim có tựa đề khác hoàn toàn, Nhân gian, tiểu đoàn viên

Lý Mân Quế trong Aberdeen

Theo sau là bộ phim gay cấn hình sự Overheard 3 / Thiết thính phong vân 3 trong tháng 6. Phần thứ ba của loạt phim được đạo diễn bởi Trang Văn Cường, xoay quanh một âm mưu tư lợi liên quan đến quyền xây nhà của cư dân bản địa ở khu Tân Giới.

Các bộ phim này là lời cảnh cáo cho xã hội, nhà phê bình và học giả tại Khoa Giáo dục Quốc tế thuộc Đại học Baptiste Pierre Lam, nói. Làn sóng chủ nghĩa địa phương trong điện ảnh cho thấy những chỉ trích về tình trạng của đặc khu đã trở thành quan điểm chủ đạo. “Thành phố này đã đến vạch báo động,” ông Lam nói. “Người dân đang lo rằng bản sắc Hồng Kông, nhịp sống của thành phố và những giá trị gốc sẽ dần trôi vào quên lãng.”

Đây không phải đầu tiên vấn đề phân biệt địa phương rồi chính trị tràn vào phim ảnh thương mại Hồng Kông, ông Lam nói thêm.

Tằng Giang trong Overheard 3

Trần Quả, đã đạo diễn bộ ba phim “1997” nặng tính chính trị – Made in Hong Kong (1996), The Longest Summer (1998) và Little Cheung (1999) – nói rằng cư dân Hồng Kông có truyền thống trung dung về chính trị. Trong thập kỷ 1980, việc được trả về cho Trung Quốc năm 1997 dường như là viễn cảnh xa vời. Nhưng sau cuộc biểu tình ở Thiên An Môn năm 1989, người Hồng Kông bản xứ đều sợ hãi và di tản khi có điều kiện, đạo diễn họ Trần nói.

Thập kỷ 1990, những phim hài châm biếm trút hộ người dân nỗi lo ngại về bước chuyển đổi năm 1997, Pierre Lam nhận xét. Her Fatal Ways (1990) của Trương Kiên Đình giảm nhẹ nỗi sợ về hư không trong câu chuyện anh cảnh sát địa phương mâu thuẫn với một nữ cảnh sát Đại lục ái quốc được mời tới phá án. Ngày Hồng Kông “hết hạn” – 1 tháng 7 năm 1997 – cũng là một chủ đề lặp lại trong nhiều phim cùng thời, trong đó có Trùng Khánh sâm lâm / Chungking Express của Vương Gia Vệ.

Làn sóng gần đây nhất của điện ảnh thể hiện khuynh hướng chính trị bắt đầu năm 2012, Lam nói. “Trùng hợp thay, đó cũng là năm Lương Chấn Anh thắng cử trưởng đặc khu hành chính.”

Một đoạn phim của Trần Quả trong bộ phim kinh dị tổng hợp Tales from the Dark 1, một tay trùm tội phạm với tên Lương Chấn Anh – nhưng khác tự trong tiếng Hoa – tìm cách triệt hạ đối thủ bằng cách tới đường Thiên Lộc và trả tiền để một người phụ nữ đánh hết vận xấu khỏi người y bằng dép lê dưới cầu vượt Vạn Từ. Để tạo nên nhân vật trung niên vô dụng nhưng cố gắng lãnh đạo nhóm người trong The Midnight After, đạo diễn nói ông lấy cảm hứng từ Lương Chấn Anh.

Đỗ Vấn Trạch trong 3D Naked Ambitions

Các bộ phim đậm vị Hồng Kông cũng thu nhập tốt nhất khu vực năm 2012. Cold War, thu về 42,8 triệu đôla Hồng Kông, là phim gay cấn tội phạm về lực lượng an ninh Hồng Kông. Bộ phim hài đầy ngoa ngữ Vulgaria, với Đỗ Vấn Trạch trong vai một đạo diễn thất bại, cũng khắc họa một số bất đồng rõ rệt giữa Hồng Kông và Đại lục; bộ phim thu về 30 triệu đôla Hồng Kông. Các câu chuyện ở Hồng Kông với thật nhiều tiếng lóng Quảng Đông đang trở thành vàng cho phòng vé.

Theo Lam, người dân Hồng Kông cảm thấy vô vọng về những căng thẳng biên giới, đổi mới chính trị cũng như quyền bỏ phiếu toàn khu, cho rằng mọi quyết định đã nằm trong tay Bắc Kinh.

“Mọi người đều bi quan về tương lai của Hồng Kông. Và họ không làm gì để thay đổi được,” ông Lam nói. “Khán giả muốn xem phim Hồng Kông. Họ thích nghe ngoa ngữ Quảng Đông vì nó giảm bớt căng thẳng và củng cố bản chất Hồng Kông của họ.”

Nghệ sĩ Hoàng Quốc Tài, phó giáo sư thiết kế tại Đại học Bách khoa, nói rằng lo lắng về tương lai thành phố đã trở thành một chủ đề thường thấy trong các môn nghệ thuật sáng tác ở đây. Khi sự căng thẳng được đem vào văn hóa quần chúng như phim ảnh, đó là bởi sự tức giận đã quá rõ ràng đến độ khó lòng bỏ qua, anh nói.

Vulgaria (2013)

“Người dân đang đấu tranh trên mặt trận văn hóa nhằm chống lại sự đàn áp của Đại lục,” nghệ sĩ Hoàng nói. “Trong quá khứ chỉ có một số nhỏ nghệ sĩ cảm thấy điều đó, nhưng giờ đó là tinh thần của đám đông. Mọi người đều thấy cần phải bảo vệ hệ thống và văn hóa của thành phố.”

Truyền thông Đại lục đã nhận thấy nét Hồng Kông mạnh mẽ này. Một bài luận của tác giả Yi Dongying, phát hành ngày 15 tháng 4 trên trang web Sina.com phê bình phim Hồng Kông vì đẩy mạnh bản chất riêng thay vì nét Trung Quốc chung. “Sao một nơi nhỏ như Hồng Kông lại có giá trị riêng được?” tác giả này viết. Bài viết đã được độc giả Hồng Kông lan truyền rộng rãi cũng như bài trừ.

Trần Quả nói người dân Hồng Kông đã đi từ tính trung dung từ thời thuộc địa tới quan tâm và cả hành động. Trong bộ ba phim 1997, các nhân vật bị coi thường. Trong The Midnight After, Hồng Kông hiu quạnh là nhân vật bị Đại lục bỏ ngoài tầm ngắm.

Chính trị khu vực cũng là tâm điểm của bộ phim tài liệu độc lập Lessons in Dissent của nhà làm phim người Anh Matthew Torne, đã được chiếu tại Metroplex Cinema ở Vịnh Cửu Long trong tháng 4. Theo chân hai nhà hoạt động thiếu niên Wong Chi-fung và Ma Jai, bộ phim phê bình sự áp đặt ngày càng tăng của Bắc Kinh lên thành phố cảng và niềm tin chung rằng chính quyền của Lương Chấn Anh đã chịu khuất phục.

Cảnh trong phim tài liệu Lessons in Dissent của nhà làm phim người Anh Matthew Torne

Là cựu học sinh Oxford, Torne nghiên cứu chính trị và bản sắc Hồng Kông cho khóa luận tốt nghiệp, nói anh muốn hiểu người Hồng Kông là như thế nào. Anh nói Wong Chi-fung và Ma Jai đại diện cho một thế hệ mới đã bỏ đi thái độ di cư của cha ông, lúc đó chỉ coi Hồng Kông là trạm dừng chân trước một điểm đến khác.

“Đây là thành phố của họ, là nơi cho họ bản sắc,” Torne nói về những người thiếu niên. “Họ chiến đấu. Họ đứng dậy bảo vệ thành phố của mình.”

Những bất ổn xã hội dẫn tới những tác phẩm nghệ thuật chất lượng, Torne nhận xét. Nhiều phim Hồng Kông được làm cho người dân ở đây hơn, anh nói.

Liệu làn sóng phim chính trị đại chúng gần đây có biến thành hành động trong người dân vẫn là vấn đề đang được bàn luận. Tanya Chan, phó chủ tịch Đảng Công dân kiêm người điều hành nhóm ủng hộ phong trào phản kháng phi bạo lực, tin rằng các bộ phim gần đây sẽ đẩy mạnh tính sáng tạo trong thành phố, nhưng bà cũng không nghĩ chúng sẽ có sức ảnh hưởng trực tiếp đến lựa chọn chính trị của người dân. “Cần phải có ý thức bản sắc và quan tâm tới thành phố để giữ khả năng sáng tạo,” bà nói.

Cảnh trong phim Tales from the Dark 1 (2013) của đạo diễn Trần Quả

Trong khi đó, đạo diễn Trần Quả mong muốn tiếp tục với cách kể chuyện đậm sắc Hồng Kông của mình. “Cần trân trọng bản sắc và sự tự do ta có hiện giờ,” ông nói. “Tôi không muốn rời bỏ Hồng Kông.”

Dịch: © Phương Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: South China Morning Post


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi