Vào ngày 25/7/2010, hai sự kiện không liên quan gì nhau xảy ra trong
khoảng thời gian 60 phút đã thay đổi cuộc đời của Benedict Cumberbatch
mãi mãi. 9 giờ tối hôm đó, BBC phát sóng tập phim Sherlock đầu tiên. Rồi lúc 10 giờ, tờ New York Times và Der Spiegel xuất bản số đầu của chuỗi bút ký chiến tranh Afghanistan, với sự hỗ trợ từ WikiLeaks.
Tối đó Cumberbatch không biết về sự kiện thứ hai, vì lúc ấy tên của anh
đang trở thành xu hướng tìm kiếm trên Twitter và điện thoại anh rung
liên hồi. Nam diễn viên này bỗng thấy mình thăng từ mức diễn viên được
các nhà phê bình trân trọng lên đỉnh cao danh tiếng; các bút ký chiến
tranh ở Afghanistan là thứ cuối cùng anh nghĩ đến. Anh thậm chí còn chưa
bao giờ nghe đến WikiLeaks hay Julian Assange, và không thể ngờ rằng
hai cái tên này sẽ bám lấy anh hai năm sau đó, khi người đại diện của
anh gọi cho anh lúc anh đang đi dự tiệc sinh nhật bạn.
“Tôi còn nhớ rất rõ,” anh nói. “Tôi phải vào khu cầu thang để nghe rõ
hơn. Tôi nghe người bên tôi nói, ‘Họ thật sự muốn để cho anh đóng vai
Julian Assange.’ Lúc đó có tin về một chương trình truyền hình sắp làm,
nên tôi nghĩ đây là vụ đó, tôi nói, “Tuyệt, tôi không nhận ra là có phim
truyền hình về việc này.’ Họ nói, ‘Không, là phim của DreamWorks cơ.’ ‘
DreamWorks làm phim về Julian Assange!?’ ‘Vâng, và họ muốn anh vào vai
đó.’”
Lúc ấy Cumberbatch đang trên đà tiến mà mọi diễn viên đều mơ đến. Trước
Sherlock,
anh là dạng diễn viên có vẻ ngoài hơi kỳ quái quen với cái sự, theo lời
anh gọi là, “nhận vai lớn trong phim nhỏ, và vai nhỏ trong phim lớn”,
đã từng đóng Stephen Hawking, Van Gogh và William Pitt, cũng như các vai
phụ trong
Atonement và
The Other Boleyn Girl. Tuy
vậy, vai Sherlock Holmes thời hiện đại là vai “phá quan” của anh: mắt
sắc lạnh, khó giữ bình tĩnh, nói nhanh, như một iPad bằng xương bằng
thịt mang chút hơi hướm của chứng Asperger (một dạng tự kỷ). Steven
Spielberg đã tuyên bố anh là Holmes tuyệt nhất trên màn ảnh. Từ mùa phim
đầu đã được 10 triệu lượt xem chỉ riêng ở Vương quốc Anh trở đi,
Cumberbatch đã đóng trong
War Horse, Star Trek Into Darkness và
Tinker Tailor Soldier Spy, đoạt một giải Olivier cho diễn xuất trong vở
Frankenstein của
Danny Boyle tại Nhà hát Quốc gia, và được bầu là người đàn ông hấp dẫn
nhất hành tinh. Nhưng Assange là vai lớn nhất của anh từ trước đến nay.
Vào
tháng 1/2013, anh bay qua Iceland để quay phim. Người mà anh phải diễn
lúc đó đã bị cảnh sát canh giữ tại đại sứ quán Ecuador trong hơn sáu
tháng, và đã từ chối mọi lời yêu cầu gặp mặt của nam diễn viên này. Ngay
ngày trước hôm khởi quay, khi anh đang thử tóc giả và hóa trang lần
cuối, Cumberbatch nhận được một email dài 10 trang khuyên anh đừng tham
gia phim. Lá thư đó là của Assange.
Benedict Cumberbatch (trái) trong vai Sherlock Holmes,
cùng Martin Freeman trong vai John Watson
“Đó là một bài viết rất có cân nhắc, đầy đủ, lôi cuốn và thông minh cho
biết lý do ông ấy nghĩ việc tôi là một phần của thứ mà ông cho là sẽ có
thiệt hại thật sự, không chỉ với nhận thức của người ngoài mà còn với
hậu quả thực tế sắp xảy đến với ông, rằng về mặt đạo đức, vai diễn đó là
một sai lầm. Ông tự đánh giá mình là người tị nạn chính trị, và với
buổi xử án sắp tới của [Bradley] Manning, và những người ủng hộ
WikiLeaks đã hoặc sẽ bị quản thúc, và chính tổ chức này – tất cả đều sẽ
bị đe dọa nếu tôi tham gia phim.”
Thế Cumberbatch có lung lạc
không? “Dĩ nhiên có chứ. Đây là thư từ chính người đàn ông đó, vào ngày
ngay trước buổi khởi quay mà? Dĩ nhiên tôi có thể nghe thấy và cảm nhận
sự phản đối của người tôi sắp trở thành trên phim. Tôi là một con người
mà.”
Nếu khi đó Assange thuyết phục được anh rút vai,
Cumberbatch nay đã không trong tư thế có khả năng được đề cử Oscar. Tác
giả bài viết này đã xem phim ngay trước lúc phỏng vấn anh, và anh khắc
họa thuyết phục đến mức có lúc tác giả thật sự bị rối rắm và nghĩ là
mình sắp được gặp Assange thật.
Ngoài đời thực, Cumberbatch
không có nét nào trông giống nhà sáng lập WikiLeaks. Anh cũng không
giống bất kỳ một diễn viên nào tác giả từng gặp. Tác giả gặp anh lần đầu
vào hè 2012, khi anh mới quay xong
Star Trek ở Hollywood, và
anh đầy sức cuốn hút như thể được trời ban một mớ vẻ quyến rũ dùng không
hết. Gò má cao chóng mặt, mũi hếch và đôi mắt xanh lục kiên định đã
khiến người ta hay liên tưởng anh với con rái cá, nhưng vai Sherlock đã
làm anh xuất hiện khắp nơi, và anh vui vẻ nhìn nhận rằng mình tận dụng
tối đa điều đó. Khi tác giả gặp lại anh ở Liên hoan phim Toronto, nơi
The Fifth Estate
được công chiếu, anh đã được hằng hà sa số người làm quảng bá, người
cầm tập hồ sơ, nhà tạo mẫu và những người khác, nhưng tính thân thiện
thoải mái, không dè dặt của anh vẫn giữ nguyên.
Trong vai Julian Assange trong phim The Fifth Estate
Anh không phải là diễn viên duy nhất giữ được tính cách thân thiện vốn
có sau khi nổi tiếng, nhưng phần lớn các diễn viên khác kia đều kém thú
vị hơn nhân vật họ đã đóng. Có lẽ bạn sẽ thấy tại sao anh cuốn hút tới
vậy khi từ cách anh diễn tả thư phúc đáp cho Assange: “Tôi không muốn đi
vào chi tiết, nhưng tôi đã tốn bốn giờ để viết thư và ý chính là: đây
không phải phim tài liệu, đây không phải là mẩu bằng chứng hợp pháp có
thể dùng trong tòa án, phim sẽ không bóp méo theo cách làm tổn hại danh
tính chính trị của ông một chút nào cả. Những ai đi xem phim này sẽ đủ
khôn ngoan để nhìn ra bản chất của nó; phim là khởi điểm, vừa phải gợi
suy nghĩ vừa mang tính giải trí. Phim sẽ là đề tài cho người ta bàn tán,
nhưng cuộc sống của ông, cuộc sống riêng của ông, nhân cách của ông, đã
theo số phận hòa vào sứ mệnh của ông rồi – ông không thể tránh được
việc này. Và nói thực lòng thì, tôi nghĩ hướng nhìn nhận chung chung về
ông vẫn còn vang vọng những sự bóp méo hình ảnh ông đã tồn tại từ lâu,
bắt đầu với những đợt rò rỉ thông tin đầu tiên, và giờ đang được đẩy lên
cao với những lời cáo buộc về vụ bê bối tình dục ở Thụy Điển, nên giờ
người ta biết đến ông như một tên quái đản người Úc tóc trắng bị truy nã
vì tội cưỡng hiếp ở Thụy Điển đang chui nhủi ở đại sứ quán nào đó gần
Harrods. Nếu có thông tin gì sai lệch về ông, những thông tin đó đã tồn
tại rồi.”
“Tôi nói: nghe này, bộ phim này sẽ khám phá những gì
ông đã làm được, điều gì đã khiến ông được cả thế giới chú ý, theo cách
tôi nghĩ sẽ chỉ mang tính tích cực mà thôi. Tôi thừa nhận mình nhận vai
này vì tôi đang khát vai. Tôi muốn có thể nói rằng, vâng, tôi đang đóng
vai chính. Đây là một bước tiến cực lớn trong sự nghiệp của tôi. Nhưng
tôi không vì thế mà bất chấp đạo đức. Tôi đã cân nhắc, và dù có chuyện
gì đi nữa, tôi muốn mang đến nhiều sự phức tạp và thấu hiểu về ông hết
mức có thể.”
Nếu tác giả là Assange, hẳn đã nghĩ, chà, hắn thế
nào mà chả nói vậy? Nhưng khó mà không nhận ra tính trí tuệ trong câu
nói này, và dù Assange có thể không tin anh ấy, Cumberbatch vẫn đang nói
sự thật.
Phim mở đầu ở năm 2008, theo bước nhà thành lập
WikiLeaks từ một hacker hoạt động vì lý tưởng thành một tên khủng bố
toàn cầu trong con mắt của Nhà Trắng, hoặc là anh hùng công nghệ hào
nhoáng trong con mắt người hâm mộ. Phim tập trung vào tình bạn cực kỳ
phức tạp rốt cục bị hủy hoại giữa Assange và cánh tay phải của anh, một
hacker người Đức tên Daniel Domscheit-Berg, cũng như là mối quan hệ cẩn
trọng cuối cùng bị sụp đổ giữa ông và tờ
Guardian. Nhưng mọi
thứ đã kết thúc trước lúc những cáo buộc cưỡng hiếp tại Thụy Điển đã
khiến ông bị bắt bỏ tù và quản chế tại gia trong một năm, và trước khi
ông được chuyển đến viện tâm thần và bị giữ vô thời hạn ở đại sứ quán
Ecuador ở London.
Cumberbatch từng đóng hai vai Tiến sĩ Frankenstein (trái)
và Quái vật xen kẽ trong các đêm diễn vở kịch Frankenstein
Tác giả đã phỏng vấn Assange tại đại sứ quán năm 2012, và có những lúc
trong phim khiến người ta tin rằng người trên màn ảnh chính là ông ta.
Diễn xuất của Cumberbatch không phải là gợi lên, mà là “sống” trong tính
cách của ông, và sự chính xác trong giọng nói, biểu hiện cơ thể và
phong thái quả thật kỳ bí. Anh nắm được khả năng phi thường của Assange
trong việc thu hút và rù quến, truyền hứng thú và thâu tóm con người,
cùng lúc đó lại cho thấy được sự cô lập của ông.
Khi Cumberbatch
mới đọc kịch bản, anh lo rằng phim sẽ thể hiện Assange là một kẻ xấu
kiểu châm biếm. “Tôi nghĩ là mình sẽ bị Disney phản pháo vì nói như thế,
nhưng ai cũng đồng tình.” Anh chìm đắm vào việc nghiên cứu, đọc tài
liệu không ngừng và phỏng vấn những ai từng biết Assange, và kịch bản
dần chuyển thành một bản khắc họa tinh tế. Diễn xuất của anh dựa nhiều
vào những nghiên cứu của anh về tuổi thơ của Assange. “Tôi biết đó là
lối mòn theo thuyết của Freud, ‘À, hồi nhỏ tôi thế này nên bây giờ…’,
nhưng, nói thật lòng, với Julian điều này hoàn toàn đúng. Là một đứa trẻ
sống với người mẹ đơn thân, bị người cha bạo hành là thành viên của một
hội kín truy đuổi khắp nước – ông đã không được sống trong bất kỳ hoàn
cảnh nào phù hợp để có thể khám phá ra vai trò của mình trong mối quan
hệ với người khác – và rồi trở thành hacker hoạt động theo lý tưởng thời
thanh thiếu niên, rồi tiến lên thành một phóng viên kỹ thuật số. Bản
thân tác giả bài viết này nhận thấy điều này hoàn toàn có lý. Và đến nay
ông vẫn là người đào tẩu. Tác giả nhận thấy điều này thật sự xúc động.
“Ông
ấy cứ tự cô lập mình. Bất cứ mối liên hệ nào ông từng xây dựng ông cũng
hủy hết. Và đôi lúc tôi hiểu ra vì sao, vì con đường ông ngắm đến khác
người. Vì vậy, ông không thể tạo nên những mối quan hệ bình thường. Và
điều đó là bi kịch.”
Những người biết Assange từng đưa ra những
giả định ông có dấu hiệu của bệnh tự kỷ. Cumberbatch cho biết anh không
thể khẳng định điều này có chính xác hay không nhưng nhiều khả năng là
không.
Benedict Cumberbatch trong một chùm ảnh gần đây của The Hollywood Reporter
“Xu hướng đốt cầu nối của ông ta có thể là tâm lý tích lũy từ bé. Sao
ông có thể dễ dàng tin tưởng ai khi đã bị lấy đi quá nhiều thứ?”
Anh không tin rằng Assange đơn thuần chỉ là kẻ ích kỷ cho mình là trên hết.
“Bạn
hoàn toàn có thể đáp trả với lý lẽ là ông đã khiến bản thân phải đối
mặt với nguy hiểm vì một tư tưởng – có thể là cứng nhắc – mà ông thực sự
tin. Tư tưởng đó không thể được thỏa hiệp. Có thể là hơi theo chủ nghĩa
duy tâm một chút, nhưng mà đó là vì ông ta đang cố giữ tư tưởng của
mình.”
Đây cũng là một tư tưởng Cumberbatch đồng ý, nhưng chỉ
phần nào. Anh không đồng ý với cuộc chiến ở Iraq và từng đi biểu tình
cùng hàng triệu người khác chống lại cuộc chiến này vào năm 2003.
“Hôm
đó thật đầy ấn tượng,” anh nói. Rồi cười khúc khích, anh tiếp, “Nhưng
thật ra ấn tượng mạnh nhất vẫn là một người đi biểu tình cầm biển ghi
“Bush duy nhất tôi tin tưởng là lùm cây nhà tôi.” (Một trò chơi chữ tên
Tổng thống Bush, có nghĩa là bụi cây. – ND) Nhưng đó là thứ duy nhất
buồn cười về hôm đó. Ngoài ra, chỉ có cảm giác nản lòng là tất cả không
hề có ý nghĩa gì cả.”
Van Gogh (trên) và Stephen Hawking – hai vai truyền hình được đánh giá cao của Benedict Cumberbatch
Khi đọc các bài báo về WikiLeaks trên tờ
Guardian vào năm 2010,
về những hoạt động của binh lính phương Tây trên chiến trường, anh
không khỏi kinh hãi. “Những cuộc bắn súng hàng loạt, số dân thường
thương vong, những người lính không đủ vũ khí, nhiều thất bại chiến lược
và sự bạo lực hóa quân lính và hoạt động khủng bố dân thường: tất cả
những nối sợ lớn nhất của chúng ta về chiến tranh dường như ập về cùng
một lúc, và tôi đã nghĩ điều này thật phi thường.”
Nhưng trước
khi những người ủng hộ Assange tỏ ra quá thích thú, Cumberbatch có ý
kiến khá mâu thuẫn về những gì WikiLeaks và những “người thổi còi” trực
tuyến như Edward Snowden đã và đang làm. Anh hoảng hốt với khái niệm
theo dõi dân chúng của Cơ quan An ninh Quốc gia và Tổng hành dinh Thông
tin Chính phủ, và không thích ý tưởng có người nào khác đọc thư từ cá
nhân của mình – “không phải việc của anh!” – nhưng rồi lại thêm, “Nhưng
cũng có thể việc theo dõi đó đã khiến anh ngăn được việc tôi bị giết
trên tàu điện ngầm hôm thứ tư tuần trước. Nếu họ cứu được mạng sống
thường dân, làm sao ta có thể cho rằng việc theo dõi này không quan
trọng bằng tự do công dân? Khi chết bạn chẳng có tự do công dân gì cả.
Phải chăng việc đòi hỏi ta được biết tất cả hoạt động hành tung của
chính phủ, nhưng cùng lúc đó không cho họ chút thông tin gì về bản thân
là việc quá đỗi đạo đức giả?”
Assange từng đấu tranh để có được
sự minh bạch hoàn toàn trong các tổ chức quyền lực, nhưng ngược lại cho
phép công dân được giữ hoàn toàn các bí mật riêng tư.
“Nhưng khi
anh là một công dân tự do đang chất bom vào xe đi giết người và hủy
hoại xã hội dân chủ vì những mục tiêu chính trị của bản thân, lúc đó anh
không đơn thuần chỉ là một cá nhân nữa.”
Vai Khan trong Star Trek Into Darkness của Cumberbatch được giới phê bình đánh giá cao
Nói về Bradley, giờ đổi tên thành Chelsea, Manning, một sĩ quan quân đội
Mỹ trẻ từng làm rò rỉ hàng nghìn báo cáo chiến tranh, thư từ ngoại giao
và những bí mật quốc gia của Mỹ khác cho Assange và gần đây bị kết án
35 tù giam, về mặt nhân đạo, Cumberbatch tỏ ra thông cảm được phần nào.
“Nhưng anh ta phạm pháp. Anh ta biết mình đã làm gì.”
Manning đã xin ân xá của tổng thống, nhưng Cumberbatch không cho rằng Obama nên đáp ứng.
“Anh
ta làm những việc đó vì tin rằng cần phải có một hồi chuông cảnh báo.
Nhưng cấp trên của anh ta hoàn toàn có quyền nói rằng, nhiệm vụ của anh
và cấp bậc của anh không yêu cầu anh phải lo về những thứ này, và đó là
lý do anh ta phải được kết tội. Anh ta đã tuyên thề, và không giữ lời
thề đó.”
Nghe những lời này, có vẻ đây là lời của một
Cumberbatch đã qua lò giáo dục tư, nhưng tác giả không thể nói ra điều
đó, vì anh quá mệt mỏi với dòng chỉ trích trong nước Anh rằng anh quá
“thượng lưu” để xứng đáng với thành công hiện nay. Nhưng trên thực tế,
cha mẹ anh đều là diễn viên người Anh khá trung lưu, Tim Carlton (
Minder, Bergerac) và Wanda Ventham (
Only Fools And Horses),
và họ đã phải khó khăn lắm mới có đủ tiền cho con trai duy nhất của
mình theo học ở trường Harrow (một trường trung học tư hàng đầu của Anh,
bằng tầm với trường Eton nơi các thành viên hoàng gia nam hay theo học –
ND).
Benedict Cumberbatch khi mới ra đời cùng cha mẹ
Họ cố gắng với hy vọng nền giáo dục cao cấp sẽ mở đường cho con mình có
một sự nghiệp ổn định hơn nghiệp diễn. Anh trải qua những năm vui vẻ ở
Harrow, nhưng ngay sau đó đến nộp đơn thẳng vào học diễn xuất tại một
trường hí kịch ở Manchester, và giờ vẫn bị gắn với cái mác “cậu ấm” bị
báo chí thổi phồng lên. Khi được hỏi về những ngộ nhận về bản thân khiến
anh bực mình nhất, anh nói, “Tôi nghĩ
Daily Mail Online đã viết hết tất cả rồi.”
Giới
báo đời tư cũng đang thích thú với trạng thái độc thân của anh, và mỗi
tuần đều có những tấm ảnh và tin đồn mới về một “người đẹp bí ẩn”. Nhưng
anh từng yêu diễn viên Olivia Poulet trong vòng 12 năm. Cô từng đóng
vai Emma Messinger trong phim truyền hình Anh,
The Thick of It,
và họ gặp nhau khi còn học đại học. Mối quan hệ của họ kết thúc vào năm
2011 và Cumberbatch khá bực mình với những lời gièm pha rằng anh bỏ
người yêu sau khi nổi tiếng với
Sherlock. Anh thường chia sẻ ý muốn có con của mình, nhưng ở tuổi 37, vẫn chưa có cơ hội gì.
Nhưng
cũng có thể anh chưa bao giờ kể ý muốn này với báo chí. Cumberbatch đến
giờ đã có được sự nổi tiếng tới mức bất cứ cử chỉ, lời nói suông nhỏ
nhất đều bị thổi phồng và rêu rao khắp nơi như những ước mơ thầm kín
nhất. Một tin đồn gần đây cho biết anh thần tượng Matt Damon và rất ao
ước được giới thiệu với nam diễn viên này.
“Tôi phải giải thích
một chút về Matt Damon,” anh cười. “Tôi hâm mộ anh, tôi thấy anh ấy
tuyệt. Tôi từng nói điều này trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại, và
người phỏng vấn có vẻ rộn cả lên – “ anh chuyển sang chất giọng Mỹ cao,
háo hức – “’Thật à? Anh thích anh ta? Thật ư? Tại sao?’ Và tôi hỏi lại,
‘Tại sao à? À…thì anh ta là diễn viên tài năng, anh ta đã làm được
nhiều tuyệt vời trong sự nghiệp và tôi nghĩ anh ấy rất tuyệt. Tôi nghĩ
được gặp anh ấy cũng rất tuyệt.’ ‘Anh muốn gặp anh ấy?’ ‘Ờ…thì tất nhiên
được gặp anh ấy sẽ rất vui.’ ‘Chúng tôi sắp xếp cho hai người gặp nhau
được đấy!’ ‘Thế à. Hay quá. Nhắn với anh ấy hộ tôi là tôi thích những gì
anh ấy làm và rất muốn gặp mặt.’”
Vai Christopher Tietjens trong phim truyền hình Parade’s End
đã mang về cho anh đề cử Emmy năm 2013
Kể đến đây, anh đảo mắt.
“Đến ngày hôm sau, báo chí rêu rao về ‘Tình bạn thắm thiết giữa Benedict Cumberbatch và Matt Damon!’ và những đều tương tự.”
Anh có bực mình không?
“Thỉnh
thoảng cũng không tránh được. Nhưng phần lớn tôi cảm thấy buồn cười.
Không thể cứ để tâm quá nhiều về những thứ như thế.”
Anh không cho rằng giờ đây anh là diễn viên giỏi giang hơn thời trước
Sherlock khi
anh không phải đối mặt với những sự chú ý điên cuồng này. “Tôi chỉ
nghĩ, bây giờ tôi được mời nhiều phim hơn. Và khi xuất hiện nhiều hơn,
người khác cũng bắt đầu tin tưởng những gì bạn có thể làm nhiều hơn.”
Sự chú ý đó chắc chắn sẽ không biến mất nhanh chóng: năm nay anh có hai phim lớn nữa ra mắt,
August: Osage County và
12 Years A Slave, và anh cũng vừa quay xong phần ba phim truyền hình
Sherlock.
Trong August: Osage County, anh vào vai một người thất nghiệp, hậu đậu,
dự tính là vai diễn “phá cách” rất khác so với nhân vật thông minh, lịch lãm thường gặp
“Trong ngày quay phim cuối cùng, tôi cảm thấy tình cảm rộn rực khi nghĩ
về việc lại phải lần nữa từ biệt vai Sherlock. Anh ta là một vai diễn
vất vả, luôn là thế, nhưng tôi rất yêu vai diễn này, và khi phải xa anh
một thời gian cũng không tránh được cảm giác buồn bã.”
Anh
không tiết lộ bất cứ điều gì về phần phim mới nhất, ngoài câu mớm láu
lỉnh, “Có một cuộc hội ngộ không suôn sẻ cho lắm, rồi có một sự kiện
khiến Sherlock và Watson tái hợp một cách khăng khít. Có một cuộc hòa
hợp mới, một đám cưới, và Sherlock cũng có phần trong đó, thế nên ta cứ
chờ xem.”
Trước khi để anh đi bắt đầu quá trình tập diễn cho phim mới nhất,
The Imitation Game,
lại đưa anh vào vai một nhân vật có thật khác Alan Turing, phóng viên
hỏi một câu hỏi cuối cùng. Anh đoán được câu hỏi trước khi nó kết thúc.
Hiện nay, anh đang đóng vai Alan Turing trong phim The Imitation Game
“Anh có bao giờ nghĩ, ngay bây giờ…”
“Ông ta vẫn còn ở đó? Tôi nghĩ nhiều về điều này chứ.”
Assange
vẫn còn tị nạn ở sứ quán Ecuador, và Cumberbatch từng nhiều lần đi qua
nơi này, tự hỏi liệu sẽ có ngày ông được bước ra ngoài hay không.
“Mọi việc sẽ đi đến đâu? Tôi không biết. Hoàn toàn có thể tưởng tượng rằng 20 năm sau ông ta vẫn ở đó.”
Dịch: © Mai Khanh – Xuân Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Guardian
Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên
Facebook của chúng tôi