Nhân vật & Sự kiện

Roger Ebert an nghỉ: Một cuộc đời với điện ảnh

15/04/2013

Mỗi người đàn ông đều là người hùng trong bộ phim của đời mình. Bộ phim của Roger Ebert là một câu chuyện tình — một chuyện tình với Chicago và báo chí, với phim ảnh và bạn đọc, với vợ ông, Chaz.

Và mặc dù câu chuyện của nhà phê bình điện ảnh đột ngột kết thúc vào ngày thứ năm 4/4, ở tuổi 70, câu chuyện ấy vẫn là một sử thi trong cảm nhận.

Roger Ebert tại buổi ký tặng cuốn sách Great Movies II của ông ở nhà bán lẻ sách Barnes & Noble
ngày 7/3/2006 tại Santa Monica, California
[Ảnh: David Livingston/Getty Images]

Ebert đã chiến đấu với bệnh ung thư từ năm 2002, dữ dội như 12 vòng đấu của nhân vật Rocky. Hôm thứ ba 2/4 nhà phê bình đã công bố ông sẽ giảm công việc bình luận phim, vì ung thư tái phát. Nhưng đây sẽ là "leave of presence" (tạm dịch: thôi có mặt) ông tuyên bố, chứ không phải vắng mặt. Ông sẽ vẫn viết.

"Dù giữa trận chiến với ung thư của riêng mình, Roger vẫn năng suất cũng như không nản lòng," Tổng thống Barack Obama phát biểu, "tiếp tục chia sẻ niềm đam mê và tầm nhìn của ông với thế giới."

Và ông đã làm được, gần như đến tận giây phút cuối cùng.

Chuyện bắt đầu vào năm 1967, khi nhà phê bình điện ảnh của Chicago Sun-Times nghỉ hưu. Một biên tập viên mời Ebert đến — lúc đó 24 tuổi và đang chia thời gian giữa việc viết lách với việc lấy tiến sĩ (Ph.D.) về tiếng Anh — và bảo Ebert rằng anh là nhà bình luận phim mới.

"Chuyện từ trên trời rơi xuống," về sau Ebert nói, cho đến lúc đó vẫn ước mơ trở thành một người đứng chuyên mục như thần tượng của ông, Mike Royko.

Roger Ebert nhận ngôi sao thứ 2.288 trên Đại lộ Danh vọng Hollywood
vào ngày 23/6/2005
[Ảnh: Frazer Harrison/Getty Images]

Ông đánh giá phim theo phẩm chất của từng phim, và theo một thang đối chiếu. Ông tuyên bố, đòi hỏi một phim bom tấn hè theo cùng những tiêu chuẩn áp dụng với phim nghệ thuật là bất công; ông tặng sao trên cơ sở một bộ phim đạt được mục tiêu nó đã đặt ra tốt đến mức nào, bất kể là mục tiêu gì. (Đó là lý do tại sao ông thích Speed 2 — và ghét Blue Velvet).

Bao năm qua Ebert đã thực hiện nhiều bước để cải thiện sức khỏe. Ông đã thôi hút thuốc; ông đã giảm cân. Nhưng cuối cùng bệnh ung thư ập tới, phá hủy tuyến giáp và các tuyến nước bọt của ông, sau rốt đòi hỏi một cuộc phẫu thuật làm biến dạng gương mặt ông. Đến năm 2006 ông không thể nói, cũng không thưởng thức thức ăn được nữa.

Nhiều người sẽ ngã gục với chuyện như vậy; lẽ ra ông cũng đã ngã gục. Nhưng điều tồi tệ nhất của Ebert đã đem lại điều tốt nhất của ông.

Dung mạo của ông khiến người ta sợ ư? Ông quấn một chiếc khăn choàng quanh phần dưới của khuôn mặt bị tàn phá. Ông không còn có thể tự mình phỏng vấn người ta nữa sao? Đã có phần mềm đổi chữ thành lời (text-to-speech software). (Một người nhiệt tình với công nghệ mới, Ebert là một blogger sôi nổi, và đã kiếm cũng bộn từ việc đầu tư vào một công ty mới thành lập gọi là Google.)

Ông tiếp tục làm việc. Ông tiếp tục hăng hái.

Roger Ebert nhận sự hoan nghênh từ những người ủng hộ ông khi lần đầu xuất hiện trước
công chúng kể từ sau phẫu thuật điều trị ung thư năm 2006 tại Overlooked Film Festival
(tạm dịch liên hoan dành cho những phim không được chú ý tới) ở Champaign, Illinois,
ngày 25/4/2007
[Ảnh: Associated Press]

Với những người rất yêu phim như ông, rốt cuộc Ebert hẳn phải biết rằng kịch bản phim về cuộc đời riêng của ông lẽ ra phải sử dụng một cú huých nào đó. Vai nữ chính xuất hiện rất muộn (mãi đến tuổi 40 ông mới kết hôn, một người phụ nữ ông gọi là "điều tuyệt vời nhất trong đời tôi.") Và không có vai phản diện lớn nào ở đây - trừ phi bạn xem đó là bệnh ung thư.

Nhưng vấn đề thực sự là độ dài. "Không có bộ phim hay nào quá dài," ông từng nói, "và không có cuốn phim dở nào đủ ngắn." Bạn có thể nói tương tự như thế về những cuộc đời. Cuộc đời của Ebert là một cuộc đời đòi hỏi thêm một vài cuộn phim nữa. Đó là một câu chuyện mà khán giả đã yêu mến mất rồi. Cảnh cuối mờ dần rồi tắt hẳn đã đến quá sớm.

Vì sao Roger Ebert quan trọng đối với người yêu phim khắp nơi

Có thể Roger Ebert bắt đầu sự nghiệp là một nhà phê bình điện ảnh. Nhưng trước khi ra đi mãi mãi vào thứ năm 4/4 ông đã trở nên nhiều hơn thế: Chủ trì chương trình truyền hình (chương trình của ông trở đi trở lại nhiều lần từ 1975-2011), người khai mở cho một liên hoan phim 15 năm tuổi "Ebertfest", người làm cho phong cách "ngón cái chỉ lên/ngón cái chỉ xuống" trở thành đại chúng hóa trong bình luận tức thời, tác giả của 15 cuốn sách, biên kịch (Beyond the Valley of the Dolls) và nhà phê bình văn hóa nhiệt thành (tạp chí trên mạng của ông nói về mọi thứ từ biến đổi khí hậu đến tôn giáo đến mọi điều tốt (và xấu) về Chicago... và bên ngoài).

Gene Siskel (trái) và Roger Ebert tiết lộ lựa chọn Oscar của họ trong chương trình đặc biệt
tại Giải Oscar lần thứ 16: "Siskel & Ebert: If We Picked the Winners" (Siskel & Ebert:
Nếu chúng tôi chọn người thắng cuộc)
[file ảnh năm 1998]

Ông là một người vĩ đại, cực kỳ vĩ đại -- nhưng không hề mưu cầu danh tiếng cho riêng mình. Điện ảnh là tất cả, và đến cuối cùng, rõ ràng ông chưa bao giờ hạnh phúc hơn khi hiện diện trong nghệ thuật của điện ảnh.

"Phê bình điện ảnh là quan trọng vì điện ảnh quan trọng," ông nói trong một cuộc phỏng vấn năm 2005. "Điện ảnh quan trọng vì đó là dạng nghệ thuật của thế kỷ 20... Điện ảnh có thể có ảnh hưởng tốt lẫn xấu đến xã hội."

Đó là một kiểu tiếp cận đã đem lại cho ông giải Pulitzer về phê bình, nhà phê bình điện ảnh đầu tiên làm được điều đó, vào năm 1975. Theo cách nhìn của ông, sứ mạng của Ebert không chỉ là đãi cát tìm vàng khi nói về phim ảnh; ông không chỉ chăm chăm đề cao tác phẩm học thuật và tìm ra những cách mới mẻ để chê bai những phim bom tấn kinh phí lớn. Ông cũng nhận thức rằng quan điểm của ông về một phim "hay" phải là như thế nào thay đổi theo năm tháng, cũng như con người ông thay đổi. Ông trung thành với những quyết định phê phán của mình, ngay cả khi ông tự chỉ trích bản thân vì thiếu nhất quán.

"Tôi không chú tâm vào sự 'nhất quán,'" ông viết.

Nhưng ông nhất quán trong nhiều lĩnh vực: Ông thường xuyên chống đối hệ thống phân loại phim của Hiệp hội điện ảnh Hoa Kỳ (Motion Picture Association of America - MPAA), nổi giận vì một phim như Whale Rider bị dán nhãn PG-13 và The Passion of the Christ không bị xếp loại X vì tính bạo lực của nó. Ông cũng thường xuyên tranh luận với những nhà sáng tạo video game và người chơi về việc liệu video game có là nghệ thuật không.

Roger Ebert chụp trên trường quay chương trình truyền hình "Roger Ebert on Film" [file ảnh tháng 6/2000]

Tuy nhiên, lý do khiến ai cũng muốn tranh luận với ông ngay từ đầu đó là Roger Ebert tìm ra cách làm cho phê bình điện ảnh thú vị và đương thời, một hình thức nghệ thuật riêng. Những lập luận của ông ở mục "At the Movies" cùng với nhà phê bình điện ảnh của tờ Chicago Tribune Gene Siskel (đã mất năm 1999) khiến tên của cả hai trở thành cửa miệng, đưa những tranh luận của họ lên những vũ đài truyền hình khác như "The Tonight Show". Cả hai đã làm cho những khán giả bình thường cũng hiểu được rằng hai cảnh rất đối nghịch nhau trên cùng một bộ phim đều có thể đúng. Bộ đôi, và sau này là một mình Ebert, ảnh hưởng đến nhiều thế hệ nhà phê bình mới nổi.

"Đối với những người thường xuyên làm công việc phê bình chúng ta, Ebert là một người thầy theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen, có khả năng dành thời gian đáp lại yêu cầu của hàng trăm nhà phê bình đầy tham vọng bao năm nay, trong đó có cả người viết này," Eric Kohn của Indiewire viết, ghi nhận rằng Ebert theo kịp thời đại -- ông Tweet và lên mạng để tương tác với những nhà phê bình thế hệ kế tiếp đó.

Trong khi ấy, những quyển sách đủ loại của Ebert từ tổng kết về những album hay nhất trong những album hay nhất cho đến những cuốn có tựa đề hài hước như I Hated, Hated, Hated this Movie (2000). Ông còn là đồng tác giả (với Daniel Curley) một cuốn sách về những con đường nhỏ ở London năm 1986, và năm 2011 cuối cùng đã thắng giải một cuộc thi chú thích biếm họa trên tờ New Yorker, một mục tiêu theo đuổi đã lâu.

Roger Ebert đến Lễ trao giải Film Independent's Spirit Awards lần thứ 25
tổ chức ngày 5/3/2010 ở Los Angeles, California
[Ảnh: Kevin Winter/Getty Images]

Rồi, bệnh tình của Ebert theo cách riêng của nó, chỉ là một lĩnh vực khác nữa để khám phá và hiểu biết qua viết lách và dấn thân. Sự từ bỏ việc trốn tránh -- cả khi phẫu thuật điều trị ung thư đã làm gương mặt ông biến dạng nghiêm trọng -- còn gì khác hơn là can đảm, nhưng việc này theo nghĩa đen đã đặt một diện mạo mới lên sự nghiệp của ông: Đúng, ông vẫn viết bình luận, nhưng bài viết của ông bây giờ gồm cả bàn luận về bệnh tình của ông và về một thế giới bên kia lớn hơn. Khi ông thông báo vào hôm thứ ba 2/4 rằng ông sẽ lùi lại với nhiệm vụ viết bình luận thường xuyên, gọi đó là một sự "leave of presence" (thôi có mặt) rõ ràng ông đã có ý định tiếp tục viết, nhưng với những chủ đề tùy ý ông.

Cuối cùng, Ebert có thể không là "nhà phê bình của nhà phê bình" như huyền thoại Pauline Kael -- nhưng ông là bộ phim về người nổi tiếng của người yêu phim: không bao giờ chỉ là một nhà phê bình, không bao giờ chỉ là người hâm mộ, mà luôn là sự pha trộn của cả hai. Những lời cuối cùng của ông được đăng tải (từ bài 'post' "thôi có mặt" của ông) nói lên tất cả: "Cám ơn vì đã đi cùng tôi trong cuộc hành trình này. Hẹn gặp lại các bạn trên phim."

Dịch: © Yên Khuê @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Star-Ledger và msnbc


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi

+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.