Nhân vật & Sự kiện

Sự thật không mấy dễ chịu về ngành công nghiệp truyền hình Hàn Quốc

26/08/2013

Phim truyền hình Hàn Quốc là sản phẩm văn hóa được ưa chuộng toàn cầu.

Trong vòng 48 tiếng sau khi mỗi tập phim truyền hình được phát sóng ở Hàn Quốc, phụ đề tiếng Anh sẽ lên sóng trực tuyến. Trong vòng ba đến bốn ngày, cũng tập đó đã có thể xem với khoảng 20 ngôn ngữ khác. Trang mạng truyền hình Mỹ Drama Fever tại địa chỉ www.dramafever.com chiếu các phim truyền hình Hàn Quốc nổi tiếng gần như tức thời. Mọi người có thể tìm thấy phim truyền hình được phát sóng gần đây I Hear Your Voice trên trang mạng này, và Gu Family Book cũng có mặt ngay khi phim được phát sóng ở Hàn Quốc. Theo Cục sáng tạo nội dung Hàn Quốc, phim truyền hình chiếm tới 82% tỷ trọng xuất khẩu nghệ thuật của Hàn Quốc với 167 triệu đôla.

Cảnh phim I Hear Your Voice

Tuy nhiên, đối với thị trường toàn cầu thì phim truyền hình Hàn Quốc không phải là sản phẩm tinh tế sâu sắc. Kang Myeong Gu, giám đốc Trung tâm châu Á thuộc Đại học quốc gia Seoul, nói rằng nghiên cứu về phim truyền hình Hàn Quốc tại thị trường Trung Quốc cho thấy người Trung Quốc có học thức và thu nhập cao thích phim truyền hình Nhật Bản và Mỹ hơn, tầng lớp trung lưu thích phim truyền hình Trung Quốc và Hồng Kông, và tầng lớp thấp có xu hướng xem phim truyền hình Hàn Quốc và Đài Loan. Những người xem phim truyền hình Hàn Quốc vừa xem vừa phàn nàn về cốt truyện vô lý, nói, “Đúng là một mớ hổ lốn! Một mớ hổ lốn!”

Hong Seok Gyeong, giáo sư về thông tin truyền thông tại Đại học quốc gia Seoul nghiên cứu phim truyền hình Hàn Quốc ở thị trường châu Âu, nói rằng những người hâm mộ châu Âu liệt kê 10 điều răn về phim truyền hình Hàn Quốc dựa trên những sự kiện thường xảy ra trong phim Hàn. Sau đây là một vài trong số các điều răn: “Nam chính đều giàu và có vấn đề về nhân cách”, “Ung thư giết các nhân vật chính” và “Bất cứ vấn đề phức tạp nào cũng có thể giải quyết sau một trận đánh lớn.”

Phim truyền hình Hàn Quốc hiện đang gặp khó ngay tại các thị trường phim truyền hình chất lượng thấp. Mặc dù phim truyền hình Hàn Quốc được thế giới yêu mến, môi trường sản xuất vẫn rất nghèo nàn, thường lên báo là các vấn đề xã hội. Diễn viên đảm nhận vai chính của các phim truyền hình thành công đâm đơn kiện đòi nhận thù lao. Phim truyền hình Equator Man được sản xuất dựa trên kịch bản được viết từng phần một, và mỗi tập phim chỉ hoàn thành ngay trước thời điểm phát sóng. Càng về cuối, thời lượng chiếu càng rút ngắn.

Kim Jong Hak (trái) và nam diễn viên Lee Min Ho trên trường quay The Great Doctor,
bộ phim được cho là gây ra những vấn đề tài chính dẫn đến việc Kim Jong Hak tự tử

Han Ye Seul, đóng chính trong phim Spy Myeong Wol, không phải bồi thường cho việc chậm phát sóng một tập phim do cô không đến trường quay. Sau khi Kim Jong Hak, một nhà sản xuất nhiều phim truyền hình thành công toàn cầu, tự tử vì vấn đề tài chính do bộ phim truyền hình cuối cùng của ông - The Great Doctor - gây ra, không ai biết đã có chuyện gì sai với bộ phim truyền hình nổi tiếng ở mức độ vừa phải này. Nhiều công ty sản xuất phim truyền hình mới khởi nghiệp với mức vốn khởi điểm dưới 100 triệu won (89.000 đôla Mỹ) bắt đầu sản xuất phim truyền hình với kinh phí hơn 5 tỉ won (4,5 triệu đôla Mỹ) mà không ký lấy một hợp đồng. Việc này đã khiến các công ty sản xuất bị phá sản dù cho phim của họ có nổi tiếng đến đâu.

Trong thực tế, các vấn đề trong ngành công nghiệp truyền hình Hàn Quốc được nhận biết từ năm 2004 khi Winter Sonata / Bản tình ca mùa đông xuất hiện ở thị trường Nhật Bản đánh dấu sự bắt đầu của Làn sóng Hàn. Chính phủ Hàn Quốc chỉ bắt đầu thực hiện các biện pháp để giải quyết các vấn đề này sau cái chết của nhà sản xuất đại tài Kim Jong Hak. Chính phủ nói rằng giao kết một hợp đồng mẫu có thể giải quyết các vấn đề phát sinh giữa nhà đài và công ty sản xuất, trong đó có vấn đề trả phí lên sóng thấp, thực hiện sản xuất gần sát thời gian do chậm trễ có kịch bản phim truyền hình, và lợi tức về phân phối. Tuy nhiên, các biện pháp của chính phủ lại bỏ qua vấn đề then chốt.

Chính phủ không đề cập đến vấn đề lớn nhất đã đẩy chi phí sản xuất lên cao đó là: thù lao diễn viên và biên kịch. Lee Yeong Ae, nữ diễn viên chính trong phim truyền hình thành công lớn toàn cầu Jewel in the Palace / Nàng Dae Jang Geum, nhận được 6 triệu won (5.350 đôla) mỗi tập phim vào thời điểm 10 năm trước, nhưng nay giá trị của cô lên gấp 10 lần. Tỷ lệ thù lao của các siêu sao trong kinh phí sản xuất một phim truyền hình Hàn Quốc cao hơn năm lần so với các phim Mỹ và Nhật Bản. Hầu hết biên kịch nổi tiếng thường nhận được 10 triệu won (9.000 đôla Mỹ) cho mỗi tập phim năm 2000 nhưng nay còn gấp năm lần. Chính phủ Hàn Quốc nên giải quyết vấn đề này kết hợp với hiệp hội diễn viên và biên kịch. Cùng với việc đẩy mạnh dân chủ hóa nền kinh tế, chính phủ Hàn Quốc phải có khả năng giải quyết những vấn đề nhỏ như hợp lý hóa thù lao diễn viên.

Lee Yeong Ae vai nàng Dae Jang Geum

Chính phủ cũng nên đề ra biện pháp đảm bảo tính hiệu quả và minh bạch trong sản xuất phim truyền hình. Các nhà sản xuất phim truyền hình Mỹ sử dụng phần mềm để quản lý toàn bộ hoạt động sản xuất phim từ lên lịch trình đến sử dụng vốn. Lịch trình cho biết ngày quay của mỗi diễn viên, các thiết bị cần thiết cho mỗi ngày và phim trường, khoảng thời gian sản xuất mỗi ngày và thống kê tình trạng sản xuất.

Tại đất nước Hàn Quốc mạnh về IT, các nhà sản xuất phim truyền hình vẫn lên lịch trình và kế hoạch sử dụng vốn một cách thủ công. Chính phủ có thể xây dựng phần mềm cho việc quản lý sản xuất và phân phối phim truyền hình. Nếu chính phủ không có ý định gì ngoài hợp đồng mẫu được công bố vào ngày 30/7, người hâm mộ phim truyền hình Hàn Quốc trên các thị trường quốc tế có thể đưa cả việc “Các công ty sản xuất phim truyền hình Hàn Quốc phá sản khi làm được một phim nổi tiếng” vào danh mục những điều răn về phim truyền hình Hàn Quốc.

Dịch: © Chi Nguyễn @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Dong-A Ilbo


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi

+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.