Tin tức

3D hay không 3D: Hãy chọn vé đúng để xem Cuộc đời của Pi

10/12/2012

Life of Pi / Cuộc đời của Pi được xem là Avatar của năm nay, bộ phim 3D hoành tráng này phải được xem trên màn ảnh rộng, phải được xem hơn một lần, và phải được xem là sự kiện cho người mê phim gia đình. Cả một đống áp lực như vậy, nhưng với cái tên của đạo diễn Lý An và rất nhiều lời ca ngợi của giới phê bình, có lẽ là Life of Pi đủ sức đáp ứng, nếu không hẳn làm nên lịch sử ở phòng vé.

Nhưng liệu bộ phim 3D này có chất lượng đến thế không, nhất là vì chúng ta đã xem quá nhiều bom tấn 3D kể từ sau Avatar ra mắt? Trong bài viết mới nhất của chuyên mục 3D hay không 3D của Cinema Blend mà Quái vật Điện ảnh dịch và giới thiệu để bạn đọc tham khảo, chúng ta sẽ phân tích mọi yếu tố làm cho 3D có giá trị, và giúp bạn đọc quyết định liệu Life of Pi có đáng để bạn phải chi thêm tiền hay không. Hãy xem qua hướng dẫn này trước khi đi coi phim, và để chúng tôi giúp bạn tiết kiệm -- hoặc yên chí rằng 3D quả thực đáng tiền.

Tính phù hợp

Đừng trông mặt mà bắt hình dong. Life of Pi là câu chuyện về một cậu bé lênh đênh trên biển trên thuyền cứu sinh, không có gì ngoài một con cọp làm bạn đồng hành trên đại dương vô định. Không có nhiều cơ hội cho phép thuật 3D ở đây… nhưng cũng là chỗ cho một thiên tài như Lý An thể hiện. Life of Pi đầy ắp hành động và cái đẹp, từ cảnh đắm tàu đầu phim đến cảnh cá voi đưa thuyền cứu sinh của Pi đến hòn đảo đầy chồn mangut gần cuối phim. Đa phần những chuyện này xuất phát từ cuốn sách của Yann Martel, như ta đã thấy, nên mặc dù bạn có thể cho rằng câu chuyện phim hoàn toàn bị giới hạn về mặt hình ảnh, Lý An thừa biết rằng ông đã chọn được một nhà vô địch 3D.

Điểm: 5/5

Kế hoạch & Công sức

Nhiều đạo diễn đã từng thử làm Life of Pi từ khi cuốn sách được xuất bản năm 2001, và ngay cả khi cuối cùng Lý An quyết tâm làm dự án này, ông phải mất hơn ba năm để hoàn thành -- phần lớn là vì công nghệ 3D. Lý An nói rằng lẽ ra ông không bao giờ làm được bộ phim này không có công nghệ 3D hiện nay, và dễ dàng thấy ra vì sao, khi ông kết hợp nhuần nhuyễn CGI với hiệu ứng thật (bao gồm nhiều con cọp thật), và lên kế hoạch quay hoàn toàn bằng 3D, thậm chí thay đổi tỷ lệ thâm dụng hiệu ứng 3D của bộ phim. Thế nên không chỉ có những khoảnh khắc cho bạn nín thở trước kỹ xảo 3D; mà có hàng đống khoảnh khắc như thế. Vẻ đẹp đó không thể nào có được mà không lên kế hoạch nghiêm túc.

Điểm: 5/5

Trước màn ảnh

Đây là một thủ thuật hào nhoáng của 3D ngày nay thường sử dụng, nhất là trong những phim hành động người thật đóng chủ đề nghiêm túc như Life of Pi. Nhưng kỳ quan của thủ thuật 3D này trong phim là phim không hề ngần ngại cho bạn một khoảnh khắc nhảy vọt lên khỏi ghế, quăng đủ thứ thú vật, gương mặt và thậm chí vũ khí ra đằng trước máy quay sao cho như thể chúng vọt ra khỏi màn hình. Khoảnh khắc kích động nhất là khi một bầy cá bay vọt qua đầu Pi và con cọp trên thuyền, nhưng còn một cảnh trong đó Pi chọc gậy về phía con cọp một cách đe dọa, hay thậm chí khi khuôn mặt con cọp dường như xồ ra khỏi màn ảnh. Trong một câu chuyện hầu như giới hạn trên con thuyền bé tí, Life of Pi không ngại ném mọi thứ vào mặt bạn.

Điểm: 5/5

Sâu trong màn ảnh

Và chưa hết, với mọi điều vừa nói về "trước màn ảnh", bộ phim này còn làm kinh ngạc sững sờ hơn khi thám hiểm những độ sâu kinh hoàng của đại dương, với 3D tạo ra một không gian mở sâu vào "cửa sổ" màn ảnh một cách không thể tin nổi. Cảnh đắm tàu là một ví dụ tốt nhất cho điều này, thể hiện Pi trên chiếc thuyền tí hon của cậu ta lúc con tàu to lớn chứa cả nhà cậu lao xuống biển sâu. Nhưng còn một cảnh ảo giác khoảng giữa phim gần như là cảnh tượng kỳ diệu, với Pi tưởng tượng ra đủ loại thú vật trong sở thú biến hình thành đại dương và tinh tú -- 3D khiến bạn cảm thấy như thể mình bị cuốn vào như cậu bé. Chiều sâu trong phim 3D thường được sử dụng để diễn giải cái bao la của đại cảnh hoặc những đoàn quân không lồ, nhưng trong Life of Pi nó thể hiện tâm lý và thường là thương tâm. Sau Hugo, việc sử dụng chiều sâu ở phim này là sự kết nối tuyệt nhất giữa công nghệ 3D với nội dung.

Điểm: 5/5

Độ sáng

Life of Pi là một phim được thiết kế cẩn thận đến độ hầu như không có cách gì nó rơi vào bẫy rập đã sập xuống những phim 3D kém hơn, khi đó hình ảnh tối tăm, lại thêm cái kính 3D, bạn hầu như không thấy được gì. Từ cảnh mở màn trong Sở thú Pondicherry, Life of Pi đầy màu sắc lộng lẫy, và những màu sắc đó càng phong phú hơn và lạ lùng hơn khi Pi trôi giạt trên biển. Không có khoảnh khắc nào mà màu sắc không lấp lánh, nhưng tất nhiên, phần lớn còn tùy thuộc máy chiếu ở rạp bạn đi xem -- vì thế hãy đảm bảo bạn chọn rạp 3D tốt nhất để xem phim này.

Điểm: 5/5

Thử bỏ kính

Cách thử rất đơn giản: nếu giữa chừng đang xem phim mà bạn dám gỡ kính ra, bạn có thể nhận thấy hình ảnh nhòe đi rất nhiều mà khi đeo kính bạn không thấy như vậy. Nói chung, bạn mà thấy càng nhòe khi bỏ kính thì công nghệ 3D được sử dụng càng nhiều ở cảnh đó khi bạn đeo kính trở lại. Tác giả bài viết này phải thừa nhận là khó mà nhớ thử gỡ kính ra trong lúc xem Life of Pi vì phim thâm dụng 3D quá rõ.

Điểm: 4/5

Sức khỏe khán giả

Life of Pi đôi lúc trở nên căng thẳng, từ vụ đắm tàu hoành tráng đến một số miêu tả thẳng thừng về cuộc sống thiếu thốn ngoài biển nhiều tuần lễ liền có thể ra sao với cả người lẫn cọp. Nhưng 3D và chuyển động máy quay đi kèm dứt khoát không gây vấn đề với bao tử của bạn. Bộ phim này do một bậc thầy làm ra. Ông thừa biết phải làm sao.

Điểm: 5/5

BẢNG ĐIỂM
 Tính phù hợp
5
 Kế hoạch và công sức
 5
 Trước màn ảnh
 5
 Sâu trong màn ảnh
 5
 Độ sáng
 5
 Thử bỏ kính
 4
 Sức khỏe của khán giả
 5
Tổng điểm
34 (trên tối đa 35 điểm)

Kết luận Trước giờ tác giả chỉ mới dành điểm tối đa cho phim Hugo của Martin Scorsese, nhưng Life of Pi đến gần sát sạt thành tích của Hugo. Thật tuyệt vời xem công nghệ 3D hiệu quả thế nào trong bàn tay của một đạo diễn biết rõ phải làm gì với công nghệ đó, và có kế hoạch chặt chẽ để đảm bảo khai thác công nghệ này sao cho đáng giá. Life of Pi là một ví dụ huy hoàng về một phim 3D đỉnh.

Dịch: © Hoàng Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Cinema Blend


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi

+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.