Tin tức

Phim cấp ba Hồng Kông xưa và nay

04/12/2012

Nếu bạn yêu cầu khán giả kể tên những phim Trung Quốc ấn tượng nhất năm 2011, nhiều người sẽ nêu Love Is Not Blind hoặc You Are the Apple of My Eye. Một vài người cũng có thể kể tên Sex and Zen: Extreme Ecstasy, một phim cấp ba dạng 3D được sản xuất ở Hồng Kông.

Mặc dù phim võ thuật và găng-xtơ từ lâu đã gắn với Hồng Kông, nhưng phim cấp ba Hồng Kông, tương đương phim xếp loại R ở phương Tây, cũng tự hào có danh tiếng của riêng mình.

Sau khi Vulgaria ra mắt ở Hồng Kông hồi tháng 8/2012, Due West: Our Sex Journey / Nhất lộ hướng tây dấy lên các cuộc thảo luận về phim cấp ba đang giành lại vị thế.

Phim cấp ba ám chỉ những phim có nhiều cảnh quan hệ tình dục sinh động, cực kỳ bạo lực, kinh dị và ngôn ngữ tục tĩu. Các phim như thế bị giới hạn chỉ dành cho những người trên 18 tuổi. Đôi khi, phim cấp ba được quy vào phim khiêu dâm.

Cảnh trong phim Vulgaria

Vào thời kỳ hoàng kim những năm 1990, những phim cấp ba này không chỉ phổ biến ở Hồng Kông mà còn thịnh hành ở chợ đen Trung Hoa Đại lục. Vì Trung Hoa không có một hệ thống phân loại, những phim như thế bị cấm.

Lịch sử vắn tắt

Chưa rõ bộ phim cấp ba đầu tiên của Hồng Kông là phim nào, nhưng nhìn lại thì những phim thực hiện trong những năm 1970 khá là táo bạo.

Theo bài báo của New Express, tờ nhật báo có trụ sở ở Quảng Châu, những phim cấp ba hồi đầu của Hồng Kông chịu ảnh hưởng từ cuộc vận động tự do ở những nước phương Tây trong những năm 1960. Một trong những phim đầu tiên, Sampan, do một người phương Tây thực hiện vào năm 1969. Tư tưởng tình dục là điều cấm kỵ lúc bấy giờ. Mặc dù bộ phim dấy lên sự tranh luận nhưng cuối cùng không để lại nhiều dấu ấn trong thị trường.

Từ những năm 1970 về sau này, các nhà làm phim Hồng Kông bắt đầu sản xuất phim cấp ba, bao gồm Intimate Confessions of a Chinese Courtesan / Ái nô (1972) do Sở Nguyên đạo diễn, Legends of Lust / Phong nguyệt kỳ đàm (1972) và The Golden Lotus / Kim Bình song diễm (1974) do Lý Hàn Tường đạo diễn.

Cảnh trong phim Ái nô

Những năm 1990 chứng kiến sự lên ngôi của phim cấp ba Hồng Kông, với Sex & Zen (1991), Pretty Woman (1992), Ancient Chinese Whorehouse / Thanh lâu thập nhị phòng (1994), Viva Erotica / Sắc tình nam nữ (1996) và Happy Together / Xuân quang xạ tiết (1997). Trong thời gian này, thuật ngữ “phim cấp ba” ra đời.

Một số diễn viên, như Từ Cẩm Giang, Diệp Ngọc Khanh, Thư Kỳ và Diệp Tử My nổi tiếng qua những phim cấp ba. Nhiều đạo diễn, bao gồm cả đạo diễn phim hành động Mạch Đương Hùng và Nhĩ Đông Thăng, cũng làm phim thể loại này.

Những phim này trải qua sự suy giảm vào cuối những năm 1990. Nhà phê bình phim Phương Lưu Hương cho rằng điều này là do sự gia tăng phim lậu, Hồng Kông được trao trả về Trung Quốc, và ảnh hưởng từ phim nước ngoài. Tuy nhiên Chu Du Minh, tổng giám đốc của China 3D Entertainment, có quan điểm khác.

“Trong thời đại của DVD và Internet, khán giả Trung Quốc có thể xem phim dành cho người lớn của châu Âu, Mỹ và Nhật Bản. Phim cấp ba dường như không còn mới mẻ,” ông cho biết. “Các nhà làm phim Hồng Kông không có tính sáng tạo. Hầu hết bọn họ sản xuất các phim cấp ba kém chất lượng.” Ông Chu nói, tuy nhiên, số lượng phim cấp ba gia tăng trong thời gian này.

Cảnh trong phim Pretty Woman

Văn hóa và ý nghĩa

Phim cấp ba không chỉ là những tác phẩm nông cạn chứa những cảnh khiêu dâm và ngôn ngữ tục tĩu. Nhiều phim phân tích các vấn đề xã hội và chính trị.

Trong một mục báo của Southern Metropolis Entertainment Weekly, nhà phê bình phim Phương Lưu Hương viết, “Bên cạnh những cảnh phim thú vị, phim cấp ba còn thể hiện những tư tưởng… những phim này bày tỏ tự do ngôn luận.”

Theo Phương Lưu Hương, Vulgaria, do Bành Hạo Tường đạo diễn, tương tự như Gigolo of Chinese Hollywood của Vương Tinh. Cả hai chế nhạo ngành công nghiệp điện ảnh ở Hồng Kông.

Vulgaria phản ánh sự thay đổi chính trị năm 1997, khi Hồng Kông trả về cho Trung Quốc. Đã thường có thái độ thù hằn đối với du khách Đại lục, khi người Hồng Kông bản địa chống lại hệ tư tưởng chủ đạo và lo lắng về cuộc chiến giành tài nguyên.

“Ngôn ngữ tục tĩu được sử dụng [trong Vulgaria] tượng trưng cho cảm xúc của người dân,” Phương Lưu Hương nói.

Cảnh trong phim 3D Sex and Zen

Chu Du Minh tán thành. “Không thể đánh đồng [nhãn] phim cấp ba với chất lượng phim,” ông Chu cho Global Times biết. “Phim cấp ba là phim dành cho người lớn. Nội dung sâu sắc làm hài lòng khán giả trưởng thành.”

“Một phim cấp ba hay không đơn thuần phơi bày thân thể trần truồng… mà đi sâu thảo luận về lòng nhân đạo và những vấn đề khác,” Chu Du Minh nói, cho biết thêm rằng 3D Sex and Zen khai thác dục vọng, trong khi Due West, chuyển thể từ quyển tiểu thuyết trên mạng nổi tiếng, tập trung vào những người đàn ông trưởng thành ở Hồng Kông.

So sánh với phim khiêu dâm ở những quốc gia khác, phim cấp ba Hồng Kông có điểm đặc trưng riêng.

“Chúng chứa đựng hỗn hợp các kỹ năng, yếu tố tình dục và ứng dụng của nó,” ông Chu nói

Ông giải thích rằng phim khiêu dâm Nhật thường mang tính nghệ thuật. Phim Hàn Quốc có nhiều khung cảnh đẹp. Phim châu Âu thì cổ điển, và phim Mỹ thì bạo hơn.

Cảnh trong phim Due West

Hiện tượng thoáng qua?

Trong mục báo của mình trên Southern Metropolis Entertainment Weekly, Phương Lưu Hương viết rằng phim cấp ba Hồng Kông đang trở lại.

Trong bài phỏng vấn với Global Times, ông Phương nói rằng sự phổ biến của công nghệ 3D đã giúp phim cấp ba. Hơn nữa, phim cấp ba giờ có vẻ mới mẻ hơn khi xem xét lại.

Reeve Wong, một nhà phê bình phim Hồng Kông không tán thành. “Đây là hiện tượng nhất thời,” ông nói, tin rằng sự phổ biến gần đây của thể loại phim này là kết quả từ ảnh hưởng của công nghệ 3D.

Chu Du Minh tán thành ý kiến của Reeve Wong. “Màn thể hiện thành công của 3D Sex and Zen, VulgariaDue West ở phòng vé chứng tỏ những đề tài này thu hút thị hiếu công chúng. Điều này phản ánh vẫn còn chỗ cho phim cấp ba Hồng Kông trên thị trường. Cũng có nghĩa là thể loại phim này đang phục hồi,” ông nói.

Dịch: © Minh Phát @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Global Times


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi

+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.