Tin tức

Ai đang lấy đi sức ảnh hưởng của các ngôi sao Hollywood

15/12/2021

Các tranh chấp lao động ở Hollywood thật là đầy kịch tính.

Khi Scarlett Johansson kiện Disney vào tháng 7, tuyên bố rằng cô đã bị trả lương quá ít cho vai diễn trong Black Widow, hãng phim đã tung ra một cuộc công kích dồn dập xứng tầm Oscar nhắm vào “sự coi thường nhẫn tâm những ảnh hưởng khủng khiếp và kéo dài của đại dịch covid-19 trên toàn cầu” của nữ diễn viên.

IATSE, công đoàn đại diện cho 60.000 lao động làm phim nhóm kỹ thuật ở Mỹ, đã đạt được thỏa thuận với các hãng phim để có lương bổng và điều kiện làm việc tốt hơn

Vào tháng 9, các đoàn làm phim đã diễu hành biểu tình yêu cầu điều kiện làm việc tốt hơn, giương cao những tấm biển được những người làm đạo cụ giỏi nhất nước Mỹ thiết kế. Và khi WarnerMedia quyết định phát hành Dune trên dịch vụ trực tuyến của họ cùng ngày phim ra rạp vào 21 tháng 10, đạo diễn của bộ phim, Denis Villeneuve, đã bừng bừng giận dữ “xem Dune trên TV… chả khác gì lái thuyền cao tốc trong bồn tắm.”

Cuộc cách mạng phát trực tuyến đã tuôn tiền vào Hollywood khi các hãng phim ganh đua thu hút thuê bao đăng ký. Netflix khoe rằng lịch nội dung phát hành quý 4 của họ sẽ là mạnh nhất từng có, với những tựa phim mới như Don’t Look Up, có Leonardo DiCaprio đóng chính, và mùa cuối của Money Heist, thiên truyện cướp nhà băng của Tây Ban Nha. Ngày 12 tháng 11, Disney công bố cơn bão nội dung được đặt làm mới nhất, với những chương trình được chờ đợi bao gồm các ngoại truyện của Star Wars và Marvel. Theo Bloomberg, tổng cộng kinh phí cho nội dung của các công ty phát trực tuyến có thể lên tới 50 tỉ USD trong năm nay.

Nhưng bất chấp sự đầy ắp này, ở Tinseltown vẫn đang là thời kỳ hỗn loạn, khi từ sao hạng A tới nhân viên đoàn phim làm tóc cho họ đều đang khiêu chiến với các hãng phim. Một số tranh chấp đã nổi lên vì đại dịch khiến lịch sản xuất và phát hành bị đảo lộn. Nhưng sự căng thẳng có nguyên do sâu hơn. Với dịch vụ trực tuyến phá rối ngành điện ảnh và truyền hình, cách nhân tài được đền bù cũng đang thay đổi. Phần lớn người làm công sẽ khá hơn, nhưng quyền lực siêu sao thì đang suy yếu.

Ngày 12 tháng 11, Disney đã công bố cơn bão nội dung được đặt làm mới nhất, với những chương trình mới được chờ đợi bao gồm các ngoại truyện của Star Wars và Marvel

Hãy bắt đầu với đại dịch. Khi rạp đóng cửa, các hãng phim cuống cuồng tìm màn ảnh cho phim của họ. Một số phim, như phần James Bond mới nhất của MGM, bị lùi hơn một năm. Một số phim khác lên thẳng các nền tảng trực tuyến — đôi lúc không cần có sự đồng ý từ diễn viên hay đạo diễn. Những người có tiền thù lao dính tới doanh thu phòng vé được đền bù, dù ở hậu trường (như WarnerMedia làm trong trường hợp của Dune) hay sau những cuộc cãi vã công khai (như giữa Disney và Johansson).

Kể cả trước covid, dịch vụ phát trực tuyến đã thay đổi thế cân bằng quyền lực giữa các hãng phim và người sáng tạo. Đầu tiên, có nhiều việc để làm hơn. “Có nhu cầu choáng ngợp về nhân tài, từ các nền tảng trực tuyến và số tiền họ đang chi trả mà ra,” Patrick Whitesell, giám đốc của Endeavour, sở hữu công ty đại diện nhân tài WME có những cái tên như Charlie Chaplin trong số khách hàng. Ba năm trước có sáu nhà thầu chính cho các dự án mới, trong đó Netflix cạnh tranh với năm hãng lớn ở Hollywood. Giờ, với sự có mặt của Amazon, Apple và nhiều bên khác, con số lên tới gần một tá. Các hãng phát trực tuyến trả 10-50% cao hơn những bên còn lại, theo một đại diện khác ước tính.

Những lao động kỹ thuật, như quay phim và kỹ sư âm thanh, cũng bận rộn hơn. Cạnh tranh giữa các hãng phim đã tạo ra “thị trường của người bán,” Spencer MacDonald từ Bectu, một công đoàn Anh Quốc, nơi Netflix sản xuất phim nhiều nhất bên ngoài Bắc Mỹ, nói. Ở Mỹ số lượng việc làm diễn xuất, quay phim và biên tập sẽ tăng một phần ba trong vòng 10 năm tới 2030, gấp bốn lần tỷ lệ tăng trưởng việc làm nói chung ở Mỹ, Cục Số liệu Lao động ước tính.

Bên cạnh Netflix là các nền tảng phát trực tuyến Amazon, Apple và nhiều bên khác, nâng con số các nhà thầu tranh giành dự án nội dung lên tới gần một tá

Cơn đói sự đa dạng của các công ty phát trực tuyến đồng nghĩa các mùa phim của họ chỉ có một nửa số tập phim so với chương trình của đài truyền hình, và thường ít được sản xuất tiếp nhiều phần. Có nghĩa “mọi người phải gắt gao tìm việc thường xuyên hơn,” một thư ký trường quay nói. Một tai nạn gây tử vong trên trường quay Rust, phim có Alec Baldwin đóng chính, đã khơi lên cuộc tranh luận về tốc độ sản xuất chóng mặt. Nhưng các mùa phim ngắn và lương hậu hĩnh của các nền tảng phát trực tuyến cho phép nhiều dự án bên lề nhằm đánh bóng hồ sơ hơn, và công việc cũng có tưởng thưởng sức sáng tạo hơn. IATSE, công đoàn đại diện cho 60.000 lao động nhóm kỹ thuật ở Mỹ, đã đạt được thỏa thuận với các hãng phim để có lương bổng và điều kiện làm việc tốt hơn; các thành viên của họ đã bắt đầu bỏ phiếu cho thỏa thuận này vào ngày 12 tháng 11.

Gây tranh cãi hơn là mô hình trả tiền của các hãng phát trực tuyến, đang tạo ra những kẻ thắng người thua mới. Các ngôi sao sáng tạo nhận phí trả trước và một thỏa thuận “chốt hậu” hứa hẹn phần ăn chia doanh thu tương lai của dự án. Đối với các hãng phát trực tuyến, giá trị của một phim dài tập khó tính toán hơn vì nó nằm ở khả năng thu hút và giữ chân thuê bao thay vì lôi người ra phòng vé. Các hãng phim cũng muốn tự do đưa nội dung lên thẳng trực tuyến thay vì vật lộn với một ngôi sao như Johansson, có thù lao dựa vào doanh thu phòng vé. Kết quả là các hãng phim đang theo chân Netflix “bồi thường” nhân tài bằng những khoản phí trả trước lớn, sau đó là các phần thưởng thêm tối thiểu nếu có khi dự án có thành quả tốt.

Các diễn viên đang nhận thù lao tưởng kếch xù từ các phim chiếu trực tuyến — chẳng hạn Dwayne Johnson (ảnh) được đưa tin nhận 50 triệu USD cho phim Red One của Amazon — trong quá khứ họ có thể nhận được gấp đôi con số đó từ các hợp đồng chốt hậu

Điều đó cũng hợp với đa phần các nhà sáng tạo. “Tiền bồi thường rất ổn với các nhân tài,” Whitesell nói. “Trước giờ bạn phải đàm phán cho riêng nội dung này thành công phải là thế nào, và giờ bạn được đảm bảo thành công đó cho riêng mình.” Hơn nữa, thay vì đợi lên đến 10 năm mới nhận tiền, “bạn nhận nó ngay ngày phim ra mắt.” Năm ngoái, 50.000 diễn viên Mỹ kiếm được trung bình 22 USD một giờ khi họ không đỗ xe và đổ xăng, nên số đông vui vẻ cầm tiền trước và để hãng phim gánh mọi rủi ro. Một đại diện khác chia sẻ một số khách hàng nổi tiếng thích việc các hãng phát trực tuyến giữ bí mật tỷ suất người xem của hơn là mổ xẻ công khai các phim bom xịt phòng vé.

Tuy nhiên, cho những diễn viên và biên kịch hàng đầu, hệ thống mới này đang tỏ ra đắt đỏ. “Người ta đang bị trả quá ít khi thành công và quá nhiều khi thất bại,” John Berlinski, luật sư tại Kasowitz Benson Torres đại diện cho các tên tuổi hạng A, nói. Các hợp đồng cũ như “vé xổ số”, ông nói. Tạo ra một phim dài tập ăn khách chiếu sáu bảy mùa thì bạn có thể thu về lên tới 100 triệu USD tiền chốt hậu; làm một hiện tượng như Seinfield thì bạn có thể thu về 1 tỉ USD ngon lành.

Một số nhà điều hành phim truyền hình ngôi sao như Shonda Rhimes, sản xuất các phim truyền hình ăn khách liên tục, đang làm việc cho Netflix, vẫn có thể tung ra những hợp đồng trị giá chín chữ số. Và dù các diễn viên đang nhận thù lao tưởng kếch xù từ các phim chiếu trực tuyến — chẳng hạn Dwayne Johnson được đưa tin nhận 50 triệu USD cho phim Red One của Amazon — trong quá khứ họ có thể nhận được gấp đôi con số đó từ các hợp đồng chốt hậu.

Thương vụ mua bản quyền lớn nhất của Netflix là kho nội dung của nhà văn viết truyện thiếu nhi Roald Dahl

Một số nhà sáng tạo cằn nhằn rằng những người mới đơn giản là không hiểu ngành giải trí. AT&T, người khổng lồ cáp đã mua lại WarnerMedia năm 2018, với “tâm thế của một công ty điện thoại”, đã biến hãng phim nhiều tầng nhất Hollywood thành “một trong những bến đỗ cuối cùng bạn muốn dừng chân,” một đại diện phàn nàn. Sếp mới của Disney, Bob Chapek, thăng tiến qua chi nhánh công viên giải trí của công ty. Các hãng trực tuyến Silicon Valley thoải mái với bảng tính hơn là bụi sao.

Nhưng việc họ không sẵn lòng tôn thờ các cái tên hạng A cũng có cơ sở kinh tế. Hệ thống ngôi sao, nơi những diễn viên như Archibald Leach được biến hóa thành thần tượng như Cary Grant, được các hãng phim tạo ra để giảm rủi ro cho việc làm phim đầy rủi ro tài chính. Một phim bom tấn ngày nay tốn 200 triệu USD để quay cộng thêm từng ấy tiền để quảng bá, có cơ hội mong manh để hòa vốn ở phòng vé. Ván cược sẽ bớt rủi ro nếu một ngôi sao đảm bảo lượng khán giả.

Ngày nay, các hãng phim đang giảm rủi ro cho phim của họ bằng tài sản trí tuệ chứ không nhờ vào ngôi sao. Disney thống trị phòng vé dựa trên các chuỗi phim như Marvel, có thành công không xê dịch dù diễn viên nào bị nhét vào bộ đồ bó sát. Dự án đắt tiền nhất của Amazon tính tới thời điểm này là phim ăn theo Lord of the Rings kinh phí 465 triệu USD không có cái tên siêu sao nào. Thương vụ mua bản quyền lớn nhất của Netflix là kho nội dung của nhà văn viết truyện thiếu nhi Roald Dahl, được mua lại vào tháng 9 với giá khoảng 700 triệu USD.

Cách của Netflix “giống một cuộc đi dạo ngẫu nhiên hơn, ở đó ‘phim ăn khách’ đầu tiên do người dùng phát hiện, rồi được đẩy mạnh bằng... thuật toán.” Thành công lớn nhất của họ, Squid Game, có dàn diễn viên đa phần vô danh ngoài Hàn Quốc

Thêm vào đó, các hãng trực tuyến tiếp cận cách khác để tạo ra phim ăn khách. Thắng ở phòng vé cần cược lớn vào một số dự án cực đại, cách của Netflix “giống một cuộc đi dạo ngẫu nhiên hơn, ở đó ‘phim ăn khách’ đầu tiên do người dùng phát hiện, rồi được đẩy mạnh bằng... thuật toán,” MoffettNathanson, một công ty của các nhà phân tích, cho biết. Netflix tung ra 824 tập mới trong quý ba năm nay, nhiều hơn bốn lần Amazon Prime hay Disney+. Thành công lớn nhất của họ, Squid Game, có dàn diễn viên đa phần vô danh ngoài Hàn Quốc.

“Cạnh tranh không giới hạn ở việc ai có nội dung hay nhất; nó còn đóng khung trong việc ai có công nghệ tốt nhất” để tìm ra nội dung đó, MoffettNathanson nói. Ở Hollywood mới, ngôi sao không được làm nên cũng chẳng được sinh ra: họ được thuật toán đẩy ra.

Dịch: © Phương Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Economist


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.