Tin tức

Cleopatra: Những điều chưa bao giờ tiết lộ về bộ phim kinh điển của Elizabeth Taylor

10/07/2013

Mọi người khen ngợi nữ hoàng Ai Cập, còn được biết đến là bộ phim sử thi kinh điển Cleopatra được phát hành cách đây 50 năm, vào ngày 12/6/1963. Bộ phim gây tranh cãi này nổi tiếng không chỉ với việc khơi mào mối tình tai tiếng giữa Elizabeth Taylor và Richard Burton, mà còn vì ngân sách khổng lồ, thất bại ê chề đầu tiên ở phòng vé, và những mâu thuẫn dai dẳng.

Lễ kỷ niệm bộ phim tròn 50 tuổi đã được tổ chức hồi tháng 5 tại Liên hoan phim Cannes với buổi chiếu đặc biệt bản Blu-ray mới được phục chế. Nhằm tôn vinh tác phẩm kinh điển, Moviefone khai quật lại những thông tin đã chôn vùi để hé lộ những điều thú vị về bộ phim mà có thể bạn chưa biết. Từ cơn ác mộng ngân sách đến những điều bị lãng quên và những hợp đồng, hãy đọc tiếp để hiểu vì sao bộ phim đoạt giải thưởng Viện hàn lâm Cleopatra quả là một thiên sử thi hoành tráng.

1. Phim Cleopatra mang tai tiếng vì đánh dấu điểm khởi đầu mối tình sôi nổi giữa Burton và Taylor mãi đến khi ông qua đời vào năm 1984. Tuy nhiên, Liz và Rick đã gặp nhau từ rất lâu trước khi có nhân vật nữ hoàng Ai Cập và Marc Antony. Người ta nói rằng trước đó Elizabeth thấy Burton là người thô lỗ và vũ phu. Nhưng khi Burton xuất hiện ở buổi quay đầu tiên của ông với cái đầu đau dữ dội đến nỗi Taylor phải giúp ông uống một tách cà phê, dường như bà khám phá rằng ông rất thú vị.

2. Trong thời gian đầu thực hiện, Taylor mắc phải căn bệnh có tên cúm châu Á hay sốt Malta. Bà không chịu đi khám bệnh ở London và nhanh chóng bị hôn mê. Cuối cùng, Taylor phải làm phẫu thuật mở khí quản khẩn cấp để giữ lấy tính mạng. Vết sẹo của quá trình phẫu thuật có thể thấy ở nhiều cảnh trong phim.

3. Do Taylor bị bệnh nên việc sản xuất phải ngưng lại sáu tháng và sau cùng chuyển địa điểm từ London sang Rome vì thời tiết ở Anh không tốt cho sức khỏe của Taylor.

4. Bộ phim nổi tiếng là một trong những phim đắt tiền nhất từng được thực hiện và suýt khiến hãng 20th Century Fox phá sản. Ngân sách của phim lúc đó là 44 triệu đôla, tương đương 334 triệu đôla ở năm 2013.

Richard Burton (trái) trong vai Marc Antony

5. Dù bộ phim sử thi này có ngân sách ban đầu là 2 triệu đôla nhưng chi phí đã tăng lên đến 44 triệu đôla chủ yếu do các cảnh dựng công phu và những bộ trang phục lộng lẫy lúc đầu được dùng ở London, sau phải dựng lại hoàn toàn ở Rome.

6. Những cảnh dựng bị bỏ hoang ở Pinewood Studios, London đã được sử dụng cho phim hài Carry On Cleo năm 1964.

7. Lý do khác của việc chi phí sán xuất tăng là do mất đi hai diễn viên Stephen Boyd và Peter Finch, họ bỏ đi do việc trì hoãn kéo dài và còn có cam kết với những dự án phim khác. Richard Burton và Rex Harrison vào thế vai Marc Antony và Julius Caesar của họ.

8. Khi việc quay phim bắt đầu năm 1960 ở London, Rouben Mamoulian được chỉ định làm đạo diễn. Tuy nhiên, cuối cùng ông đã từ bỏ dự án vào năm 1961. Do hợp đồng của Taylor cho phép bà phê chuẩn việc chọn đạo diễn, bà chỉ cho hãng phim hai lựa chọn để thay thế Mamoulian: George Stevens và đạo diễn Joseph L. Mankiewicz của phim All About Eve. Lúc đó, Stevens đang bận quay phim The Greatest Story Ever Told nên Mankiewicz được chọn.

9. Thực ra, Mankiewicz bị sa thải trong giai đoạn hậu kỳ. Do không có kịch bản quay thực sự nào vì không có thời gian để viết lại, Mankiewicz đã viết khi quay phim. Tuy nhiên, hãng 20th Century Fox nhận ra rằng chỉ có Mankiewicz có thể biên tập bộ phim đàng hoàng nên họ đã thuê ông trở lại để hoàn tất bộ phim.

Một cảnh thiết triều lộng lẫy trong phim

10. Joan Collins, Audrey Hepburn và Susan Hayward được cân nhắc đầu tiên cho vai Cleopatra. Sau nhiều vấn đề, nhà sản xuất Walter Wanger gọi điện cho Taylor khi bà đang ở trường quay của bộ phim mới nhất của bà khi đó Suddenly, Last Summer đề nghị bà nhận vai này thông qua người sau này trở thành chồng bà, Eddie Fisher. Taylor nói đùa, trả lời “Được thôi, nói anh ta là tôi sẽ nhận vai với giá một triệu đôla.” Dù một đề nghị như thế chưa từng có vào thời đó, nhưng nó được chấp thuận, và năm 1959, Taylor trở thành diễn viên Hollywood đầu tiên nhận thù lao một triệu đôla cho một phim.

11. Họp đồng của Taylor quy định rằng mức lương một triệu đôla của bà sẽ được trả như sau: 125.000 đôla cho 16 tuần làm việc và thêm 50.000 đôla cho một tuần sau đó, cộng với 10% tổng doanh thu (không tính điểm hòa vốn). Vào lúc việc sản xuất tái khởi động ở Rome năm 1961, lúc đó bà đã kiếm trên hai triệu đôla. Sau vụ kiện 50 triệu đôla dai dẳng giữa hãng phim với Taylor và Burton năm 1963 và vụ Taylor kiện ngược lại, rốt cuộc hãng phim đã dàn xếp ổn thỏa với nữ diễn viên này vào năm 1966. Số tiền bà nhận được chung cuộc là 7 triệu đôla.

12. Trong số những đòi hỏi của Taylor có yêu cầu rằng phim sẽ được quay ở hệ thống định dạng màn ảnh rộng của Todd-AO. Bà giữ bản quyền hệ thống này vì bà là vợ góa của Michael Todd, có nghĩa là số tiền bà được trả sẽ còn nhiều hơn nữa.

13. Rex Harrison, diễn viên đóng vai Julius Caesar, có điều khoản trong hợp đồng quy định là bất cứ khi nào hình của Richard Burton xuất hiện trên quảng cáo thì cũng phải có hình của ông. Sau khi một biển hiệu lớn được dựng ở Broadway chỉ có hình Burton và Taylor, luật sư của Harrison khiếu nại và hãng phim đã đặt hình của Harrion ở một góc của tấm bảng quảng cáo.

Riêng trang phục cho Taylor trong phim đã làm tiêu tốn 194.800 đôla

14. Bản chỉnh sửa đầu tiên của phim Cleopatra dài sáu tiếng và Mankiewicz đề nghị cắt thành hai phim riêng, mỗi phim dài ba tiếng, Caesar and CleopatraAntony and Cleopatra. Hãng Twentieth Century Fox phản đối đề xuất này, họ nghĩ là sẽ không thể lợi dụng sự quan tâm nóng hổi của công chúng xoay quanh chuyện tình của Burton và Taylor vì nhân vật của Burton mãi đến phần hai mới xuất hiện. Thay vào đó, Cleopatra được phát hành, như chúng ta đã biết ngày nay, với độ dài 4 tiếng 11 phút – mặc dù 49 trang kịch bản phải quay lại được yêu cầu phải hợp lý với những cảnh cắt bỏ. Rõ ràng họ nỗ lực hé lộ những cảnh phim còn thiếu để tung ra bản chỉnh sửa của đạo diễn cho nguyên bộ phim dài sáu tiếng.

15. Mặc dù được nhiều người biết đến như là một trong những thất bại phòng vé lớn nhất mọi thời đại, đây vẫn là phim có doanh thu cao nhất hồi thập niên 60. Rốt cuộc phim thu lại phần nào kinh phí từ doanh thu phòng vé toàn cầu và từ việc bán hai suất quảng cáo của phim cho đài ABC-TV với giá năm triệu đôla năm 1966. Sau cùng khi phim hòa vốn năm 1973, hãng phim giữ bí mật toàn bộ tiền lời sau đó để không phải trả cho những người được hứa sẽ nhận phần trăm lợi nhuận.

16. Alfred Hitchcock được liên hệ hai lần liên quan đến phim Cleopatra, một lần là khi nhà sản xuất Wagner nhờ ông làm đạo diễn sau khi Mamoulian từ bỏ và lần kia là lúc Mankiewicz hỏi ông liệu Martin Landau trong phim North by Northwest có thể diễn không. Về yêu cầu đầu tiên, Hitchcock đã từ chối lời đề nghị và tiếp tục thực hiện phim The Birds.

17. Trong số 26.000 bộ trang phục của phim, có 65 bộ được làm cho Taylor và riêng khoản này tiêu tốn 194.800 đôla, mức cao nhất thời đó cho một diễn viên điện ảnh. Một trong những bộ váy của nhân vật Cleopatra thậm chí được may bằng vải dát vàng 24 cara.

18. Cảnh phim nổi tiếng khi Cleopatra tiến vào Rome, cần cả ngàn diễn viên quần chúng và vận chuyển chiếc thuyền Ai Cập khổng lồ chở bà, phải cắt và quay lại vì một trong những máy quay của công ty Panavision quay trúng một người bán kem trên trường quay. Một phân cảnh khác của đoạn này suýt nữa phải quay lại thêm lần nữa khi các diễn viên quần chúng vô tình kêu lớn “Liz! Liz!” thay vì “Cleopatra! Cleopatra!” khi bà tiến vào.

19. Một nhóm nữ diễn viên quần chúng đóng vai người hầu và nô lệ của Cleopatra đã đình công yêu cầu bảo vệ họ trước những bạn diễn người Ý do những người này thường xuyên véo mông họ. Hãng phim cuối cùng đã thuê một bảo vệ đặc biệt để bảo vệ những nữ diễn viên quần chúng này.

20. John Hoyt, vào vai Cassius, kẻ chủ mưu chống lại Julius Caesar, cũng từng thủ vai Decius Brutus, một kẻ mưu đồ khác trong cả hai tác phẩm của Orson Welles: một vở kịch dựng năm 1937 dựa theo tác phẩm Julius Caesar của William Shakespeare và một phiên bản phim (1953) của hãng MGM dựa theo vở kịch.

21. Người ta nói Taylor đã bỏ đi ngay khi bà xem bộ phim hoàn chỉnh lần đầu tiên.

22. Nhà thiết kế sản xuất John Decuir phải xây lại cảnh dựng thành phố Alexandria tại Anzio đến ba lần. Trong một lần xây lại, hai công nhân xây dựng đã thiệt mạng do một quả mìn chưa nổ còn sót lại từ Thế chiến thứ 2.

23. Tổng cộng phim đã làm 79 cảnh dựng. Việc này cần quá nhiều gỗ và vật liệu thô đến nỗi vật liệu xây dựng trở nên khan hiếm ở những nơi khác của nước Ý.

Một đại cảnh hoành tráng trong phim

24. Theo lời của Rex Harrison trong cuốn tự truyện của ông, hãng phim làm riêng đôi giày ống của Julius Caesar trong khi đôi của Richard Burton được dùng lại từ khi Stephen Boyd được chọn cho vai diễn. Có vẻ Harrison ngạc nhiên khi Burton không phàn nàn về chuyện này.

25. Do một sai lầm của hãng phim, Roddy McDowall hụt mất một đề cử giải thưởng Viện Hàn lâm hạng mục Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất cho vai diễn Caesar Augustus Octavian. Hãng phim vô tình đưa anh vào danh sách diễn viên chính thay vì diễn viên phụ, và lúc họ yêu cầu sửa lại thì Viện Hàn lâm đã in xong số phiếu bầu. Hãng Fox cho đăng một thư ngỏ trên sách bìa mềm thay lời xin lỗi McDowall với nội dung như sau:

“Chúng tôi xem là quan trọng rằng ngành điện ảnh công nhận diễn xuất đầy cảm xúc của anh trong vai Octavian trong phim Cleopatra, mà các nhà phê bình nhất trí chọn là một trong những diễn xuất phụ xuất sắc nhất của một diễn viên năm nay, không đủ điều kiện nhận đề cử giải thưởng của Viện Hàn lâm trong hạng mục đó … là do sai sót đáng tiếc của hãng 20th Century-Fox.”

Dịch: © Minh Châu @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Moviefone


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi

+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.