Tin tức

Giải Oscar: Dunkirk có làm được điều chưa phim Christopher Nolan nào làm được?

27/07/2017

Bộ phim Thế chiến II đã lấy lòng được cộng đồng phê bình và làm dậy sóng bàn tán diện rộng về giải thưởng, nhưng vẫn chưa rõ liệu vậy đã đủ để đưa nhà làm phim tới đề cử Oscar Đạo diễn xuất sắc nhất đầu tiên cho mình không.

Liệu bộ phim Dunkirk lấy bối cảnh Thế chiến II của Christopher Nolan, ra rạp thứ sáu tuần trước, có phải là “bộ phim chiến tranh hay nhất mọi thời đại”, như một nhà phê bình danh tiếng ngụ ý trong bài phê bình phim của mình? Không, nói vậy hơi quá – nhưng nó là một trong những phim xuất chúng của 2017, hầu hết ai xem xong cũng đồng ý vậy, cũng như được phản ánh trong số điểm 98% khen ngợi trên Rotten Tomatoes. Và đó, dĩ nhiên, làm dấy lên một câu hỏi khác: Bộ phim của Warner Bros. sẽ là tay chơi mùa giải Oscar mạnh như thế nào trong vòng vài tháng nữa?

Dựng phim Dunkirk được làm trên quy mô khổng lồ

Chủ ý hay hay không, Dunkirk pha trộn các yếu tố của nhiều phim chiến tranh thời xưa đã được Viện Hàn lâm ưa chuộng: phim thắng giải Phim hay nhất đầu tiên và thứ ba, lần lượt là Wings năm 1927, với những cảnh quay tráng lệ của một trận đánh trên không kịch liệt, và All Quiet on the Western Front năm 1930, một tuyên ngôn về sự ảm đạm và vô ích của chiến tranh; ba đề cử Phim hay nhất từ 1942, In Which We ServeMrs. Miniver (đoạt Oscar), khắc họa người Anh cứng rắn lạnh lùng và đứng lên đương đầu trong Thế chiến II, và Wake Island, bộ phim giao chiến Thế chiến II đầu tiên, thuật lại quân Đồng minh đối mặt với một đợt tấn công ác liệt mà không có hy vọng được cứu viện; và vô số các phim đề cử Phim hay nhất khác về những nhóm quân từ nhiều mảnh đời đoàn kết với nhau trong các trận đánh trong Thế chiến II, từ Battleground năm 1949 (trận Ardennes) tới Saving Private Ryan năm 1998 (cuộc đổ bộ vào Normandy).

Liệu vậy có nghĩa là Viện Hàn lâm cũng chào đón Dunkirk nồng nhiệt, bộ phim thuật lại cuộc di tản Dunkirk? Ở thời điểm còn sớm này, còn chưa xem những gì sẽ được phát hành tiếp trong năm nay, và biết rằng một phần năm số lượng thành viên của Viện Hàn lâm mới gia nhập trong vòng một năm trở lại đây, khó mà đoán được. Nhưng theo cây bút Scott Feinberg của The Hollywood Reporter thì có có bốn khả năng xảy ra…

Đạo diễn Christopher Nolan (giữa) trên trường quay Dunkirk

(1) Viện Hàn lâm lờ tịt bộ phim đi, cũng như bộ phim đầu tay của Nolan là Following (1998), Insomnia (2002) và The Dark Knight Rises (2012). Chuyện này sẽ không xảy ra với Dunkirk, là phim thân thiện với Viện Hàn lâm nhất anh từng làm, đúng món tủ của họ hơn là những thể loại khoa học-viễn tưởng, kinh dị hay chuyển thể truyện tranh.

(2) Viện Hàn lâm công nhận những yếu tố làm phim và kỹ thuật trong phim, và có lẽ kịch bản của nó, nhưng không có gì hơn, cũng như đã làm với Memento (2000), được đề cử kịch bản và biên tập phim; The Prestige (2006), mang về đề cử chỉ đạo nghệ thuật và quay phim; Batman Begins (2006), được đề cử quay phim; và Interstellar năm 2014, mang về một giải thưởng hiệu ứng và đề cử cho nhạc nền, dựng phim, biên tập âm thanh và phối âm. (Tác giả cũng ném luôn The Dark Knight năm 2008 vào nhóm này, vì khó mà nghĩ nó sẽ ôm được giải nam diễn viên phụ, hay thậm chí đề cử - cùng giải biên tập âm thanh và đề cử cho chỉ đạo nghệ thuật, quay phim, biên tập phim, hóa trang, phối âm và hiệu ứng – nếu như Heath Ledger không chết trước đó.) Nhiều người diễn giải việc phim Nolan ít được công nhận vậy là cách Viện Hàn lâm nói rằng họ tôn trọng khả năng làm phim của anh nhưng không cảm thấy đặt nặng cảm xúc vào các phim ấy.

Góc công sự trên một con phố đẹp như tranh trong phim

(3) Viện Hàn lâm công nhận nghệ thuật làm phim và các khía cạnh kỹ thuật và bản thân bộ phim, nhưng không phải tài chỉ đạo của Nolan, như đã làm với bộ phim Viện Hàn lâm thích nhất, Inception năm 2010, thắng giải quay phim, biên tập âm thanh, phối âm và hiệu ứng, và cũng có đề cử phim hay nhất, kịch bản gốc, nhạc nền và chỉ đạo nghệ thuật.

(4) Viện Hàn lâm yêu điêu đứng bộ phim và công nhận hết tất cả, hay hầu hết, các lĩnh vực đã nói trên, cũng như tài chỉ đạo của Nolan.

Theo cá nhân tác giả, các kết cục có khả năng nhất là ba, hoặc bốn.

Theo tác giả gần như chắc chắn Dunkirk sẽ áp đảo trong các hạng mục phụ mà các phim Nolan trong quá khứ đã có thu hoạch tốt: quay phim (những cảnh trên không là tuyệt vời), biên tập (với các cảnh biên tập xen kẽ không chỉ giữa các tuyến truyện mà còn cả các khoảng thời gian), dựng phim (trước đây gọi là chỉ đạo nghệ thuật, được làm trên quy mô khổng lồ), biên tập âm thanh, phối âm và hiệu ứng. Tác giả sẽ không loại bỏ thiết kế trang phục, nam diễn viên phụ (Mark Rylance từng thắng Oscar có diễn xuất tác giả thấy là bật lên nhất để được đề cử) hoặc kịch bản nữa. Và trong thời đại Viện Hàn lâm có thể đề cử từ 5 tới 10 phim cho giải Phim hay nhất, thay vì chỉ 5 – một thay đổi trong luật lệ ra đời trong cơn thịnh nộ khi bỏ qua The Dark Knight cho giải phim hay nhất – khó mà tưởng tượng Viện Hàn lâm không dành chỗ cho phim này trong hạng mục cao quý của mình.

Ông Dawson (áo màu sáng) đã lái du thuyền của mình đi cứu binh lính bị kẹt ở Dunkirk. Phút giây lặng lẽ của ông trên sân ga, giữa những người lính mà ông đã cứu sống được đặt chân lên đất liền trở về nhà, nổi bật lên qua diễn xuất của Mark Rylance

Tác giả ít tự tin hơn về đề cử đạo diễn, không phải vì Nolan không xứng đáng – theo quan điểm của tác giả, anh là một trong những bậc thầy của thế hệ mình và chuyện anh chưa từng được đề cử là vô lý – mà vì anh có một số yếu tố không thuận lợi.

Một là, ngày phát hành tháng 7 của phim nghĩa là nó sẽ lùi một bước vào ký ức của những người bỏ phiếu khi họ ngập mặt trong các phim mang phẩm chất Oscar ngay trước thềm bỏ phiếu đề cử bắt đầu vào tháng 12. (Cân nhắc từ chuyện xảy ra với Saving Private Ryan, ra rạp ngày 24 tháng 7, và từ đó đến cuối năm là ứng cử viên số một nhưng rồi lại thua bộ phim tháng 12 Shakespeare in Love.)

Thứ hai, Nolan không thực sự thích bỏ sức cho cuộc đua khi vào mùa giải. (Thật là tiếc vì tác giả thấy anh là một người thông minh, khiêm nhường và dễ mến, nhưng để có giải thưởng cá nhân mà không tham gia vào tay bắt mặt mừng đôi chút thì rất hiếm.)

Saving Private Ryan, bộ phim Thế chiến II năm 1998, phát hành vào tháng 7, thu về nhiều phản hồi tích cực cũng như đề cử Oscar, nhưng lại vuột mất giải Phim hay nhất

Và cuối cùng, có người đã lập luận rằng điểm yếu của Dunkirk y hệt những phim khác của anh – cảm giác nó quá lạnh lẽo và sạch sẽ và đã có thể mang lại những lao lực cảm xúc lớn hơn nếu cho thấy những cuộc nói chuyện giữa những người đồng đội, phô ra đầu rơi máu chảy và khuôn mặt của kẻ thù.

Dịch: © Phương Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Hollywood Reporter


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.