Tin tức

Hollywood tương đồng với chính trị nước Mỹ thế nào? Xơ cứng sáng tạo như nhau

12/01/2018

Thường có cảm giác Washington đã hết ý tưởng: Các cuộc tranh luận về chính sách chẳng mang lại điều gì mới – thường là còn chẳng về chính sách nữa. Để hiểu được sự mệt mỏi sáng tạo đang phủ lên chính trị của nước Mỹ, và các động cơ khiến chuyện này sẽ còn kéo dài, hãy xem xét qua bộ phim Star Wars mới nhất.

Chẳng có mấy ý tưởng mới trong The Last Jedi. Dù không sáng tạo như tiền nhiệm, The Force Awakens, trong sự tận tụy với bộ ba phim gốc thập niên 70, The Last Jedi chủ yếu bao gồm những yếu tố quen thuộc, được phối lại và tái sử dụng. Có những người hùng và ác nhân quen thuộc, những trận đánh khốc liệt trên mặt đất và vũ trụ, và dĩ nhiên, các con thú ngoài hình tinh dễ thương, gọi là Porgs, mà sau khi rời rạp, tiện có sẵn để mua trong hình hài thú bông đủ kích cỡ bạn muốn..

BB-8 trong Star Wars: The Last Jedi

Bộ phim được làm tốt và đôi chỗ gây xúc động và thậm chí thỏa mãn. Nhưng nó chẳng bao giờ hơn một món ăn điện ảnh khuây khỏa, và như mọi món ăn khuây khỏa khác, sức hấp dẫn của nó chủ yếu dựa vào sự kết hợp giữa ngon miệng và hoài niệm.

Disney đã đặt ván cược bom tấn đơn giản nhất. Nếu thích Star Wars, bạn sẽ thích thêm Star Wars nữa: một phim riêng về Han Solo trẻ dự kiến ra rạp hè năm nay, và một phần tiếp theo nữa vào 2019. Disney đã đặt biên kịch-đạo diễn Rian Johnson để trù liệu một loạt phim ba phần (dù có lẽ không mới lắm) đảm bảo là câu chuyện – hay ít nhất thương hiệu này – được duy trì.

Hollywood không còn kể những câu chuyện thẳng tuột nữa. Thay vào đó nó tạo ra những vũ trụ – những chuỗi phim trải dài, đan kết tự làm quảng cáo cho nhau trong khi những người xem cần cù được thỏa mãn cứ quay lại lần nữa lần nữa.

Các chuyên gia chính trị có thể gọi đó là chiến lược tiếp cận đám đông. Theo từ chuyên môn của giới mọt phim, đó gọi là “fan service” – dịch thô là “phục vụ, đãi fan”. Dù là gì, ý định là để kích thích những trung tâm khoái lạc của bộ não trong khi không đi quá xa các công thức đã hiệu nghiệm nhiều lần hàng chục năm nay. Và trong cả chính trị lẫn giải trí, lợi ích và rủi ro của mô hình này là, nếu không y như đúc thì cũng tương đồng đến kinh ngạc.

Các hãng phim đang làm ít phim hơn nhưng tốn nhiều tiền hơn. Justice League tháng 11/2017 được biết có kinh phí gần 400 triệu USD

Có những ý định tài chính rõ ràng cho cách tiếp cận này: Các hãng phim lớn đang làm ít phim hơn trong các thập niên qua, và phim của họ tốn nhiều tiền hơn để sản xuất và quảng bá. Justice League tháng 11/2017 được biết có kinh phí gần 400 triệu USD.

Tương tự, các chiến dịch chính trị ở nước Mỹ đã trở nên đắt đỏ đụng trời. Cuộc bầu cử tổng thống năm ngoái đã tốn khoảng 2,4 tỉ đôla, bao gồm các cuộc bầu cử sơ bộ; một cuộc bầu cử đặc biệt cho một chiếc ghế Hạ viện duy nhất tại Georgia trong năm nay có giá hơn 50 triệu đôla.

Với kinh phí quá cao, cả Hollywood và Washington đã chọn phản ứng bằng việc tập trung vào các sản phẩm đã có khán giả sẵn. Trong ngành phim, điều này nghĩa là một đống phim tái khởi động và chuyển thể, phần tiếp theo và ăn theo, và dần dà, những vụ trũ giao thoa xây dựng trên những mặt hàng phổ biến. Đó cũng là cách những thương hiệu văn hóa đại chúng có doanh thu tiềm năng – từ Transformers tới The Fast and the Furious tới những dòng đồ chơi thập niên 80 chẳng ai nghe tới – đứng xếp hàng chờ được xếp vào vũ trụ mở rộng. Đúng, có những thể loại phim khác ngoài rạp, đặc biệt là vào mùa giải thưởng, nhưng đấy là những phim đòi hỏi nguồn đầu tư lớn nhất, là nền tảng giờ đây dựng nên các hãng phim lớn.

Loạt phim G. I. Joe, dù chẳng mấy thành công, cũng đang chuẩn bị có bản tái khởi động vào năm 2020, có tiềm năng mở một vũ trụ điện ảnh mới, kết nối các đồ chơi của hãng Hasbro

Trong chính trị, điều này có nghĩa các ứng cử viên đã chỉ huy nguồn lực cá nhân và chính trị đáng kể – các cá nhân có danh tiếng lớn và, trong nhiều trường hợp, có của cải riêng và mạng lưới chính trị. Đây là một lý do cử tri năm ngoái cuối cùng phải chọn giữa Hillary Clinton và Donald Trump, hai ứng viên đã có chỗ đứng trong tiềm thức công chúng.

Tư duy thúc đẩy những quyết định này là khi phải đặt cược quá nhiều thứ, cái gì chưa qua thử nghiệm là quá nhiều rủi ro. Nhưng chiến lược này cũng có rủi ro của riêng nó, trong đó có việc không có đủ tài sản để hỗ trợ một ván đầu tư vào nhiều phim liền: Ngay cả trong những người hoài niệm thập niêm 80 tận tụy nhất, có ai thật sự khao khát, ví dụ, một phim G. I. JoeMicronauts, công thêm những phim giao thoa và ăn theo đáng giá nhiều năm không?

Những nỗ lực gần đây để phát triển các vũ trụ với các sản phẩm đã được biết cũng chới với: phim hành động-phiêu lưu của Tom Cruise hè này, The Mummy, định là để khởi động một “Vũ trụ Bóng tối” chứa những quái vật phim kinh điển ngày xưa với Cruise ở trung tâm, nhưng đã trở thành một trong những thất vọng lớn nhất năm 2017.

The Mummy tái khởi động với ý định làm nên vũ trụ điện ảnh quái vật kinh điển, là một thất vọng lớn của 2017

Ta cũng thấy những xu hướng quen thuộc này trong chính trị, với những ứng cử viên chưa-thật-sự-sẵn-sàng-cho-thời-gian-bổ-nhiệm như Scott Walker và những ứng cử viên lẽ-ra-chắc-ăn như Jeb Bush, có những chiến dịch về bản chất là những chuỗi phim mở rộng thất bại.

Ngay đến những vũ trụ điện ảnh thành công nhất – Star Wars và phim truyện tranh Marvel – đôi khi cũng dính thói nhút nhát và trì trệ sáng tạo.

Cũng như các phần sau của Star Wars thời thuộc về Disney vay mượn nhiều từ các tiền bối thập kỷ 70 và 80, các sáng kiến chính sách lớn ở lưỡng đảng của Mỹ thường chỉ là xào nấu lại những ý tưởng cũ hướng tới dân thường, được cập nhật chút đỉnh cho hợp thời đại.

Bên Dân chủ, một trong những ý tưởng chính sách trong nước nóng hổi nhất, một người trả tiền duy nhất, đã nằm trong từ vựng của đảng này hằng thập kỷ liền. Dự luật thuế của đảng Cộng hòa hiện đang tiến hành thông qua Quốc hội Mỹ là một điều luật mang tính quy ước nhằm cắt giảm thuế cho các cá nhân và các tập đoàn theo cách mà chắc chắn sẽ gây thâm hụt tăng vọt và nợ nần chồng chất.

Porgs nhồi bông đủ kích cỡ sẵn sàng cho 'fan'

Cũng như các phim tái khởi động chào bán ý niệm về tính chắc chắn cho các nhà điều hành hãng phim đặt cược công việc của họ vào một ván cược phim 400 triệu, cách tiếp cận này đưa ra sự an toàn cho tầng lớp chính trị lo âu: Nếu bạn thích Star Wars, bạn sẽ thích thêm nhiều Star Wars. Nếu bạn thích giảm thuế, bạn sẽ thích giảm thuế nhiều hơn.

Nhưng trong công cuộc tìm kiếm sự lường đoán được, cả chính trị và giải trí đã chọn cách tiếp cận có tính tưởng thưởng cho sự lặp lại thay vì đổi mới. Đó là chiến lược tạo ra một câu chuyện không thực sự được thiết kế để trở thành những câu chuyện, ít nhất không phải là mở bài, thân bài và kết thúc. Cả chính trị và giải trí đều là, theo cách khác nhau, những hành động kể chuyện. Và như các hãng phim Hollywood, giai cấp chính trị Mỹ phần lớn đã quên cách kể những câu chuyện hấp dẫn, mới mẻ, và kể sao cho hay.

Quá thông thường, những phần tiếp theo và ăn theo ngày nay đến như những đoạn giới thiệu và quảng cáo sản phẩm có thời lượng của phim lẻ thay vì là một cái kết hoàn chỉnh. Chúng chỉ đứng lưng chừng. Chúng hiện diện để khơi hứng thú cho những thứ đến sau và bán đồ thú bông của thương hiệu, thay vì chìm trong khoảnh khắc điện ảnh và đưa ra cái kết cho câu chuyện.

Stronger Together, cuốn sách Hillary Clinton dùng để đề xuất những chính sách muốn áp dụng cho nước Mỹ, phát hành trong thời gian cuộc tranh cử tổng thống năm 2016

Tranh cử vào chức vụ chính trị quốc gia, đã trở thành phương tiện cho những tham vọng ít hoặc chẳng liên quan đến luật pháp hay điều hành đất nước: bán sách, hay thúc đẩy đế chế kinh doanh của gia đình, hoặc có lẽ trở thành tổng thống. (Tác giả bài viết này thà có Porgs nhồi bông còn hơn). Các cuộc bầu cử Mỹ diễn ra như những chiến dịch đấu tranh văn hóa không có điểm dừng, tập trung vào việc giới thiệu mơ hồ những cuộc chiến xã hội và chính trị của ngày mai nhiều ngang với tập trung vào việc giải quyết dứt điểm những vấn đề của hôm nay.

Có sự khác nhau, dĩ nhiên: Hollywood được căn chỉnh tiệm cận với nhu cầu của thị trường hơn, trong khi Washington cầm quyền trực tiếp trên cuộc sống người dân Mỹ hơn.

Nhưng hiểm nguy dài hạn của cả hai như nhau: Cái kết sẽ đến chỉ khi người xem chán chường và các hãng phim – hay đảng chính trị – đã dành quá nhiều thời gian đào xới quá khứ oanh liệt, không còn ý tưởng nào mà tái chế nữa.

Nếu bạn đã thích Star Wars, bạn sẽ thích thêm nhiều Star Wars: Han Solo trẻ dự kiến ra rạp hè 2018

Ở Washington, cũng như Hollywood, luôn có rủi ro lù lù trong dài hạn của bệnh xơ cứng sáng tạo cũng như sự bất mãn của số đông, và khả năng là cử tri Mỹ – hay người xem – sẽ trở nên thất vọng và chán chường, và cuối cùng nói: ta đã xem bộ phim này quá nhiều lần rồi. Ta cần những câu chuyện mới, những chính sách mới và những ý tưởng mới, nhưng ngay lúc này, cả Hollywood lẫn Washington không có vẻ gì sẵn sàng đem lại được điều đó.

Dịch: © Phương Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The New York Times


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.