Tin tức

Làm sao mà 2013 lại trở thành năm của phim về nô lệ

16/04/2013

Không phải một vài mà là bảy phim mới về chế độ nô lệ ra rạp trong năm nay. Giờ các nhà phê bình đang đặt câu hỏi: Vầy có phải là chuyện hay không?

Với chiến thắng lẫy lừng của Django Unchained (đã phát hành ở Việt Nam với tựa Hành trình Django) — câu chuyện nô lệ báo thù của Quentin Tarantino — tại phòng vé và giải Oscar năm nay, lẽ ra không có gì đáng ngạc nhiên khi không phải một, không phải hai, mà là cả một dọc bảy phim chủ đề nô lệ được lên lịch ra mắt trên màn ảnh rộng năm nay.

Các phim này sẽ đề cập đến một thời kỳ đau thương trong lịch sử nước Mỹ mà người ta cho rằng chưa bao giờ nhận được sự chú ý đầy đủ xứng đáng. Nhưng trong khi có một sự chú ý dồn dập như vậy, nhiều người khác lại bảo rằng việc cho ra mắt những phim này trong thời vị tổng thống da màu đầu tiên tái đắc cử là hoàn toàn khó hiểu nếu không nói là gây rối trí.

Cảnh trong phim 12 Years a Slave

Trong số bảy phim tập trung vào đề tài nô lệ ra rạp năm nay, có khả năng thành công ở phòng vé nhất là là bộ phim do Brad Pitt sản xuất, 12 Years a Slave. Với Steve McQueen đạo diễn, các diễn viên chính trong phim gồm Pitt, nữ diễn viên nhí vừa được đề cử Oscar Quvenzhané Wallis, Alfe Woodward, Paul Giamatti, và Chiwetel Ejiofor. Câu chuyện xoay quanh một người đàn ông da đen tự do (Ejiofor) sống ở New York vào những năm 1800 cho đến khi anh bị bắt cóc và bị bán làm nô lệ ở Deep South.

Các phim khác là:

Savannah, diễn viên chính: James Caviezel và, lại là Ejiofor; phim phỏng theo quyển sách Ducks, Dogs and Friends của John Eugene Cay Jr., kể câu chuyện về một tay đi săn người da trắng có học thức đã phát triển tình bạn với một người da đen tự do

Something Whispered, diễn viên chính: Cuba Gooding Jr. trong vai một người đàn ông nỗ lực giải phóng gia đình mình thoát khỏi kiếp nô lệ ở một đồn điền trồng thuốc lá năm 1850

The North Star, diễn viên chính: Keith David, câu chuyện có thật về Big Ben Jones, một nô lệ đào thoát khỏi một đồn điền ở miền Nam năm 1848 và được những người theo phong trào tôn giáo Quakers địa phương giúp đỡ

• The Keeping Room, một phim chính kịch về cuộc Nội chiến kể chuyện ba người phụ nữ miền Nam buộc phải bảo vệ nhà mình chống lại quân Liên bang miền Bắc

Belle, lấy bối cảnh những năm 1700, câu chuyện về một cô gái lai phải lòng một người ủng hộ giải phóng nô lệ

And Tula, diễn viên chính: Danny Glover, tập trung vào vụ nổi dậy của nô lệ ở thuộc địa Curaçao của Hà Lan năm 1795.

Một cảnh quay phim Something Whispered

Đáng nói là đạo diễn của 12 Years a Slave, Steve McQueen, là người Anh gốc Phi và rằng trong số sáu bộ phim còn lại thì nhiều phim được kể từ góc nhìn của nhân vật người da đen. Có hai phim trong số đó là tác phẩm độc lập và không do các hãng phim lớn của Hollywood sản xuất.

Tuy nhiên, sự hội tụ những phim này với việc Obama tái đắc cử tổng thống khiến một số người trong nghề nghĩ ngợi, tại sao lại là lúc này? “Những phim như Django Lincoln là những ý tưởng đã được triển khai từ lâu trước khi Tổng thống Obama đắc cử, vì thế không đáng lưu ý ở đây,” đạo diễn Reginald Hudlin, cũng là nhà sản xuất Django Unchained, nói. “Nhưng… Tôi có cảm giác [rằng] có phim sắp ra mắt là kết quả của việc nhớ lại những ngày đã bị cho qua và chối bỏ ở nơi chúng ta đang sống bây giờ. Ý tôi muốn nói Tổng thống Obama từng là đối tượng của một sự bất kính rất lớn thế nên không ngạc nhiên khi những câu chuyện về những ngày người Mỹ gốc Phi không có những quyền mà giờ đây chúng ta ai cũng có. Một kiểu hồi tưởng thời đã qua.”

Sử gia điện ảnh và tác giả người Mỹ gốc Phi nổi tiếng Donald Bogle thú nhận rằng ông ngạc nhiên trước sự đúng lúc của cái danh sách dài những phim đề tài nô lệ này. “Khó mà không đặt nghi vấn về sự đúng lúc của những phim này và điều đó thực sự có nghĩa là gì,” Bogle nói, ông giảng dạy về nghiên cứu điện ảnh tại Tisch School of the Arts của New York University. “Nhưng tôi cũng không chắc liệu có phim nào trong số đó sẽ có sức thu hút đã khiến người ta đi xem Django không. Phim đó kể câu chuyện về chế độ nô lệ theo một cách hết sức độc đáo chưa từng có trước giờ và có lẽ sẽ không bao giờ có nữa. Chế độ nô lệ không phải là một đề tài trên phim khiến người ta đổ xô đi xem.” Bộ phim gần đây nhất của Hollywood xoay quanh vấn đề nô lệ là Amistad của Steven Spielberg năm 1997. Bất chấp truyền thông đại chúng đều đưa tin, phim này chỉ đạt thành công phòng vé khiêm tốn.

Cảnh trong phim Amistad

Nhà làm phim Ava DuVernay, người phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên đoạt giải Đạo diễn xuất sắc tại Liên hoan phim Sundance năm 2012 cho bộ phim Middle of Nowhere, cho rằng tất cả những phim này chỉ ngay ra cái sự thật về nỗi bực dọc kéo dài với người Mỹ gốc Phi trong sự căng thẳng hiện tại. Cô nói, “Tôi thường dễ kiếm được tiền để làm phim về cuộc sống của chúng tôi trong quá khứ hơn là về người da màu sống, yêu, và là chính mình trong hiện tại. Điểm hết các phim trong vòng 10 năm qua, trừ [Tyler] Perry ra và bạn sẽ thấy một sự bất cân xứng giữa hình tượng điện ảnh đương thời và lịch sử về người da màu. Và đừng nói chi đến hình tượng tương lai. Lần gần đây nhất bạn thấy một phim về người da màu lấy bối cảnh không gian là khi nào vậy?” Theo quan điểm của Du Vernay, bộ phim truyền hình thập niên 70 Good Times — dựa trên một gia đình người da màu thương yêu nhau nhưng rất nghèo sống trong khu nhà dành cho người thu nhập thấp ở Chicago — giờ đang được lên kế hoạch làm phim màn ảnh rộng.

Những người khác trong cộng đồng người Mỹ gốc Phi nói lẽ ra họ không phiền cho lắm về sự bùng nổ của những phim này nếu điều đó có nghĩa là giờ đây sẽ bắt đầu diễn ra một cuộc thảo luận mở và thành thật về chế độ nô lệ, ý nghĩa và tác động còn tiếp tục của nó lên cuộc sống của người Mỹ gốc Phi cho đến tận ngày nay. Nhưng William Jelani Cobb, giáo sư về lịch sử và đạo diễn của Viện nghiên cứu về người Mỹ gốc Phi tại University of Connecticut, không tin rằng đó là chuyện sắp xảy ra. “Tôi không xem phim nên tôi chỉ có một ý niệm mơ hồ về điều mà những phim này nói đến. Nhưng tôi thực sự không xem đây là một phong trào tiến bộ vì người Mỹ gốc Phi và chẳng có dấu hiệu nào cho thấy đây là cuộc thảo luận về chế độ nô lệ nếu như đó là cách để chế độ nô lệ được giải quyết trên phim trong quá khứ.” Cobb công khai chỉ trích bộ phim Lincoln và sự khắc họa hình tượng Tổng thống Lincoln như thánh và đấng cứu thế của nô lệ người Phi trên đất Mỹ. “Có sự nhấn mạnh trong việc chỉ kể phần câu chuyện về chế độ nô lệ, nhất là khi nói đến Tổng thống Lincoln và điều đó không nhằm mục đích tốt,” Cobb nói. “Lincoln không giải phóng nô lệ vì tình yêu của ông dành cho người da màu hay vì ông cảm thấy người da màu là bình đẳng. Ông ấy đã lên kế hoạch đưa người da đen xuống tàu đến Haiti sau khi chế độ nô lệ bị bãi bỏ.”

Cảnh từ loạt phim truyền hình thập niên 70, Good Times

Ca sĩ nhạc jazz Wynton Marsalis làm nên lịch sử vào năm 1997 khi đoạt giải Pulitzer cho tác phẩm oratorio có sức tác động vô cùng rộng lớn của ông, Blood on the Fields. Tác phẩm này tiết lộ thảm kịch đau thương về chế độ nô lệ qua những bản nhạc mạnh mẽ như 40 Lashes và được nhìn qua đôi mắt của hai người yêu nhau. Hơn hai thập kỷ sau Marsalis đã trình diễn lại tác phẩm này tại Trung tâm Lincoln hôm 22/3/2013 cho một thế hệ người hâm mộ mới và nói rằng ông tin con người nên nỗ lực răn mình về lịch sử người da đen ở Mỹ và trong đó bao gồm cả lịch sử đen tối của chế độ nô lệ.

“Trước hết tôi không nghĩ đây là một xu thế liên quan đến Tổng thống Obama vì Tổng thống Obama là tổng thống của nước Mỹ chứ không chỉ là tổng thống của người Mỹ đen,” Marsalis nói. “Tôi không rõ tại làm sao lại có quá nhiều phim về nô lệ ra mắt đúng ngay lúc này nhưng tôi biết rất rõ rằng chúng ta không thể lệ thuộc vào phim ảnh để kể câu chuyện về lịch sử người da đen. Nếu bạn muốn biết về chế độ nô lệ hay là về Lincoln hay bất cứ gì, bạn cần phải học ở trường, đọc sách hoặc hỏi dân tộc của bạn xem chuyện gì đã xảy ra. Đó là cách để bạn biết sự thật. Đơn giản vậy thôi.”

Dịch: © Hoàng Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Daily Beast


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi

+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.