Nhân vật & Sự kiện

Điện ảnh Mỹ đã tiến những bước dài trong việc đối diện trực tiếp vấn đề chủng tộc

02/12/2013

Xem bộ phim 12 Years a Slave hay đến đau nhói của Steve McQueen tại Liên hoan phim quốc tế Toronto, tác giả bài viết này chợt nhận ra nhiều thứ. Những khía cạnh nghệ thuật của bộ phim – kịch bản, diễn xuất, hình ảnh – đều tuyệt vời. Mỗi giây phút của phim đều đẹp và đau đến thắt lòng.

Nhưng khi nhìn ở góc độ rộng hơn, phim là một tuyên bố mạnh mẽ về sự thay đổi trong sắc thái của các cuộc trò chuyện về chủng tộc qua lăng kính điện ảnh trong những năm gần đây, từ khi Barack Obama lên làm tổng thống.

Nói đơn giản thì có những phim đặc biệt chỉ ra va chạm giữa người da trắng và người da đen theo cách hiện đại – sự đa dạng trong tương tác của con người bị đóng khung bằng màu da của người đó.

12 Years a Slave

Không có phim nào trong số đó là kén người xem. Các nhà làm phim đang tìm cách chạm đến, và xoay chuyển, con tim, tâm trí cũng như lương tri của khán giả phổ thông bằng cách dùng ngôn ngữ thô mộc, thẳng thắn đối mặt với vấn đề. Để nói lên sự thật, các thông điệp ẩn đều quan tâm đến việc đem bất đồng ra ánh sáng, rồi kết nối mọi người.

Trong quá khứ, có thể mỗi năm chỉ có một phim danh giá nói về vấn đề chủng tộc, nhưng năm nay ngoài 12 Years rõ đã là một ứng cử viên mạnh tranh Oscar, còn có Mandela: Long Walk to Freedom, Fruitvale Station, The Butler42 cùng các phim khác.

Nói vậy không phải là để chối bỏ di sản các phim trước để lại. Do the Right Thing năm 1989 và các phim khác của Spike Lee, The Color Purple của Steven Spielberg năm 1985, Mississippi Burning năm 1988, phim về xung đột sắc tộc đa văn hóa Crash năm 2004 và gần như mọi tác phẩm của Sidney Poitier đều đã mang lại những tuyên bố mạnh mẽ. Nhưng chưa tạo được lực đẩy nào đáng kể.

The Color Purple

Thay vào đó, Hollywood tiếp tục công việc của mình như thường lệ. Thi thoảng có phim hạng A. Các hãng phim nhanh chóng nhắm những tài năng Mỹ gốc Phi vào phim đại chúng, đưa Morgan Freeman, Denzel Washington, Will Smith, Samuel L. Jackson, Halle Berry, Eddie Murphy và nhiều người khác lên hàng sao. Và có những phim “da đen” dành riêng cho khán giả “da đen”. Hãng Madea của Tyler Perry những năm gần đây đã làm “trùm” thể loại này.

Mầm mống của sự thay đổi đó khởi nguồn từ sự xuất hiện chính thức đầu tiên của Obama trong chiến dịch tranh cử. Khi khuôn mặt ông chiếm lĩnh hình ảnh trong ngày, tuần này qua tuần khác, và ý nghĩ về việc ông có thể sẽ điều hành nước Mỹ có chỗ đứng trong tâm tưởng mọi người, guồng quay Hollywood bắt đầu thay đổi. Dù sao thì, phần lớn các thành công của ngành công nghiệp điện ảnh đều là canh bạc có tính toán, dự đoán khán giả muốn xem gì và sẽ trả tiền để xem gì.

Precious

Thường thì các nhà làm phim độc lập có kết luận đúng trước các hãng phim. Với tác giả, ranh giới bắt đầu năm 2009, khi bộ phim chua chát mãnh liệt Precious của đạo diễn Lee Daniels, do Geoffrey Fletcher chuyển thể từ tiểu thuyết của Sapphire, làm rung động Liên hoan phim Sundance. Đó không phải là một phim đẹp đẽ - Precious là một cô bé béo phì bị bạn trai của mẹ cưỡng hiếp đến có mang. Trong vai diễn người mẹ do Mo’Nique đảm trách đã đoạt Oscar, Daniels phô bày toàn bộ cơn giận dữ do cái nghèo kiết xác làm dậy sóng, toàn bộ sự tự căm thù đó.

Đó là dạng phim Hollywood chưa bao giờ làm, chưa bao giờ nghĩ sẽ thành công. Vậy mà nó lại thành công. Được giới phê bình khen ngợi, được sáu đề cử Oscar và thắng ở hai hạng mục, doanh thu phòng vé tốt giữ phim được chiếu ở rạp lâu hơn bất kỳ ai từng trông đợi. Phim đã khơi lên nhiều tranh luận trong các hãng phim về viễn cảnh làm phim thách thức tương tự.

Những cuộc bàn thảo bắt đầu dữ dội lên, bề mặt các câu chuyện trên phim bắt đầu thay đổi. Cuối năm 2009, The Blind Side, phim đã mang về một giải Oscar cho Sandra Bullock, nhìn trực diện vào cảm giác tội lỗi đó của người da trắng. Nhưng diễn viên da đen vẫn chỉ đảm nhận các vai phụ, chủ đề chủng tộc chỉ để làm nền. Dù có nhược điểm đó, các câu chuyện dựa trên vấn đề chủng tộc vẫn kéo người xem đến rạp, và tình hình kinh tế khá khẩm làm ngành công nghiệp điện ảnh chú ý.

Octavia Spencer trong The Help

Trong The Help năm 2011 (phát hành ở Việt Nam với tựa Người giúp việc), câu chuyện về phút tàn hơi của sự chia rẽ, dù vai chính vẫn là Skeeter của Emma Stone, nhưng nhân vật phản diện là người da trắng và tiếng nói bất đồng có sức ảnh hưởng thuộc về các cô hầu người Mỹ gốc Phi. Octavia Spencer đã đoạt một giải Oscar cho vai diễn trong phim này.

Sự mỉa mai khi người da đen giúp nuôi dạy thế hệ tiếp theo của người da trắng ở miền Nam giữa sự kiện ba nhà hoạt động nhân quyền bị giết ở Mississippi là xương sống của bộ phim. Một lần nữa rạp lại đầy khách, khán giả da trắng và da đen tranh luận và Hollywood ghi chú lại điều này.

Mùa thu năm 2013 này, Daniels trở lại cùng bộ phim nhẹ nhàng hơn nhưng không kém phần mạnh mẽ The Butler. Dựa trên chuỗi ngày tại chức của một người đàn ông Mỹ gốc Phi đã phục vụ nhiều đời tổng thống tại Nhà Trắng trong giai đoạn cuối thời kỳ chia cắt, phim đưa vấn đề xung đột sắc tộc vào trung tâm. Forest Whitaker, Oprah Winfrey và các diễn viên khác đều chỉ là vai phụ. Kịch bản của Danny Strong đầy những đoạn đối thoại khéo léo hướng sự chú ý vào thái độ về thân phận và danh phận đang thay đổi. Như Precious, phim được kể từ góc nhìn của người Mỹ gốc Phi. Không như Precious, phim được thiết kế nhắm đến thị trường phổ thông và tranh giải.

The Butler

Một chuỗi các sự kiện trong suốt mùa hè năm nay đã thúc đẩy sự thay đổi quan điểm của chúng ta về chủng tộc. Vào tháng 7, George Zimmerman, một người đàn ông ở Florida bị khởi tố vì đã giết một thanh niên người Mỹ gốc Phi 17 tuổi tên Trayvon Martin được trắng án. Vụ án này đã làm dậy nên làn sóng phẫn nộ và một phản ứng trước nay chưa từng có của Obama: “Nếu tôi mà có con trai thì con tôi cũng nhìn giống như Trayvon vậy” đã mở ra rằng việc phân biệt chủng tộc không còn là chuyện của riêng ai nữa.

Cùng lúc đó, một phim nhỏ mang tên Fruitvale Station đang gây chú ý. Được nhà làm phim người Mỹ gốc Phi trẻ đang nổi tên Ryan Coogler viết kịch bản và đạo diễn, phim là câu chuyện đầy cảm xúc về cái chết của Oscar Grant tại trạm tàu điện ngầm Bay Area năm 2008. Cảnh sát khu tàu là người bắn và Grant là người hứng đạn. Kết quả vụ án giết người này cũng gây tranh cãi.

Nhưng thay vì đi theo hướng đó, Coogler cho ta thấy một bản mô tả Grant không hoàn mỹ, anh có vấn đề tự mình gây ra. Và diễn viên chính tài năng Michael B. Jordan đã khéo léo phô bày một cuộc sống nội tâm để đến khi Grant chết trên phim, khán giả cảm giác như đang chứng kiến hàng ngàn cái chết khác của thanh thiếu niên Mỹ gốc Phi do nỗi sợ, thành kiến, và cơn giận dữ gây nên.

Những phim như Fruitvale Station cho thấy sự chuyển đổi trong quan điểm
về chủng tộc dưới thời tổng thống Obama
[Ảnh: Ron Koeberer, Weinstein Co.]

Vấn đề nô lệ cũng đang được đánh giá lại trên phim. Django Unchained năm 2012 của Quentin Tarantino (phát hành ở Việt Nam với tên Hành trình Django), có sự tham gia của Jamie Foxx, Kerry Washington, Christoph Waltz và Leonardo DiCaprio, là một tác phẩm châm biếm nhức nhối về miền Nam trước nội chiến và việc mua bán nô lệ. Sự hài hước của phim đi kèm với mỉa mai và trách nhiệm. Các cảnh quay người da đen bị đánh bằng roi da, thi thể bị phanh, con người bị trói gô đầy trong phim.

Theo một góc nhìn thì Django là bước đệm hoàn hảo cho 12 Years a Slave. Cũng đọa đày như phim của Tarantino, phim của McQueen bổ vào thực tại hơn. Không có cường điệu, y như trong câu chuyện gốc của Solomon Northup. Người đàn ông tự do này, từng bị bắt cóc và bán làm nô lệ vào giữa thế kỷ 19, đã viết lại rõ ràng chi tiết, và giảm nhẹ một cách mạch lạc. Như thể ông được dẫn dắt bởi ý niệm rằng bản thân sự thật đã có thể giải phóng chúng ta – toàn bộ chúng ta. Với đạo diễn McQueen và biên kịch John Ridley, bộ phim là một sự khải hoàn. Với Chiwetel Ejiofor, đó là một màn diễn xuất chưa ai sánh bằng. Với khán giả, theo ý người viết thì đây sẽ làm thay đổi cuộc đời nhiều người.

Cả tình hình và sư chú tâm làm năm 2013 này bội thu như thế. Bội thu nhà làm phim mạnh mẽ dấn sâu vào cuộc tranh luận. Bội thu hãng phim sẵn sàng tài trợ. Bội thu những hình ảnh dữ dội thẳng thắn nắm bắt khả năng hủy diệt của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Bội thu những câu chuyện van nài người Mỹ biến đất nước họ trở thành nơi thật sự hoàn thành lời hứa bình đẳng của hiến pháp. Bội thu những màn diễn xuất chứa đựng toàn bộ lý do vì sao giấc mơ của mục sư Martin Luther King Jr. sẽ trở thành hiện thực.

Tác giả đã đi xem The Butler cùng những láng giềng chịu chi. Buồn là họ không đa dạng lắm. Lần cuối kiểm lại thì lượng khán giả Mỹ gốc Phi chỉ là 2%. Còn trong buổi tác giả đi xem thì không có ai trong số họ cả. Nhưng đến khi dòng credit cuối chạy lên, đã có một màn đứng lên vỗ tay tán thưởng. Câu chuyện về người da đen, ngôi sao da đen, trải nghiệm của người da đen, và khán giả da trắng chấp nhận. Điều đó thật khác biệt. Đó chính là sự thay đổi.

Dịch: © Mai Khanh @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Los Angeles Times


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi