Tin tức

Những kẻ khát tình: Một câu chuyện - hai cách nhìn qua hai đạo diễn khác giới

18/07/2017

Một người Mỹ bị thương trốn trong lãnh thổ thuộc Liên minh miền Nam Hoa Kỳ được một cô gái 12 tuổi tìm thấy trong những ngày tàn của Nội Chiến. Được đưa đến trường nội trú của cô bé ở gần đó, viên hạ sĩ được chăm sóc vết thương đồng thời anh lột trần tâm lý của sáu học sinh và hai cô giáo trong cơ sở toàn nữ này.

Một phân đoạn dài chất chứa nghi ngờ và quyến rũ diễn ra trong The Beguiled (phát hành ở Việt Nam với tựa Những kẻ khát tình), bộ phim mang về giải đạo diễn xuất sắc cho Sofia Coppola ở Cannes hồi tháng 5. Dựa trên A Painted Devil, tiểu thuyết năm 1966 của Thomas Cullinan, đã lên màn ảnh rộng năm 1971 dưới tay Don Siegel.

Colin Farrell và Nicole Kidman (đứng) trong phiên bản làm lại của The Beguiled của Sofia Coppola

Cả Siegel, qua đời năm 1991, và Coppola đều hoán vị cuộc Nội Chiến thành một cuộc chiến thô bạo giữa một người đàn ông đơn độc và một nhóm phụ nữ. Đó là những điểm tương đồng duy nhất. Trong bản của Siegel, với Clint Eastwood vai Hạ sĩ John McBurney, ông đóng câu chuyện trong tính gothic bối cảnh miền Nam, với hiệu trưởng của trường, cô Martha (Geraldine Page) và học sinh là những người phụ nữ hung hãn muốn hại đàn ông. Trong phiên bản tái thể hiện khô khốc của Coppola, Colin Farrell là một người lính và Nicole Kidman là cô Martha, một cô giáo truyền thống nhưng mạnh mẽ nhìn viên hạ sĩ như Sói Lớn Độc Ác.

“Bạn có thể thấy sự khác biệt khi phụ nữ xử lý cùng tư liệu một nam giới làm,” Gene Seymour, từng là nhà phê bình phim cho Newsday, nhận xét sau buổi chiếu The Beguiled. Bộ phim của Siegel cộc cằn và máu me, ông nói; phim của Coppola mỏng manh sắc phấn, và “làm hay hơn phim của Siegel”.

Dù có những thay đổi về tập tục, phim của Coppola và tiền nhiệm mang lại những câu hỏi gây phấn khích về việc liệu những phim do phụ nữ đạo diễn có khác với phim của nam giới làm không. Chỉ là hai đạo diễn khác nhau, hay vấn đề giới tính cũng có liên quan? Khi phụ nữ đứng sau máy quay, hay kịch bản, liệu có cái nhìn của phụ nữ không?

Clint Eastwood và Elizabeth Hartman (đứng) trong The Beguiled của Don Siegel (1971)

Sự khác biệt giữa cái nhìn của nam và nữ đã được tranh luận từ thập kỷ 70, khi những sử gia hội họa, đặc biệt John Berger, phân tích cách các họa sĩ nam như Goya sắp đặt phụ nữ thành đối tượng tình dục thụ động còn họa sĩ nữ như Mary Cassatt sắp đặt họ là những chủ thể xã hội chủ động. Trong bài tiểu luận có sức ảnh hưởng năm 1975, nhà lý thuyết điện ảnh Laura Mulvey tranh luận rằng phim Hollywood kinh điển khuyến khích người xem đồng cảm với người nam chủ động và chiêm ngưỡng người phụ nữ bị dục tính hóa thụ động. Mulvey gọi đây là “cái nhìn của nam giới”.

Gần đây phụ nữ ở Hollywood đã nói về cái nhìn của phụ nữ. Jill Soloway, nhà sáng tạo loạt phim truyền hình Transparent, đã có nhiều bài phát biểu về đề tài này, và Emma Frost, điều hành phim truyền hình The White Princess, nói với Los Angeles Tímes rằng cái nhìn của phụ nữ không làm nam giới biến mất nhưng công nhận phụ nữ. “Khán giả cần có khả năng đồng cảm với nhân vật chính dù mang giới tính nào, chừng nào nhân vật được xây dựng là con người,” cô nói. “Vấn đề luôn là trong lịch sử, các nhân vật được xây dựng là người luôn là nhân vật nam.”

Có dữ liệu chắc chắn cho thấy phim của đạo diễn nữ dễ có nhân vật nữ chính hơn.

Trailer The Beguiled của Don Siegel (1971)

Coppola nói cô không nghĩ tới cái nhìn của phụ nữ, nhưng có thấy sự khác biệt trong cách cô và Siegel xử lý cùng một tư liệu. “Siegel nói phim của ông nhìn từ phía người nam bị những phụ nữ điên rồ vây quanh. Tôi kể bộ phim của tôi qua lăng kính những ham muốn bị kìm nén của phụ nữ,” cô nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại. Cô nhớ lại khi Anne Ross, nhà dựng phim thường xuyên của cô, gợi ý cô xem bản phim năm 1971, đến cuối đạo diễn nghĩ, Hãy kể câu chuyện từ phía những người phụ nữ.

Trong phiên bản của Siegel, phụ nữ được chọn vào vai những khuôn mẫu như cô nàng lẳng lơ, cô gái già đơn thân, người hầu, vân vân, làm như đó là đại diện cho phổ con người nữ giới. Coppola, không như Siegel không phán xét về tính dục nữ, có nhiều nhân vật được phát triển cho phụ nữ hơn. Cô nói, Kidman, Kirsten Dunst và Elle Fanning mang lại cho cô, “những người phụ nữ ở độ tuổi và sự chín chắn khác nhau.”

Coppola nói bộ phim cũ khiến cô suy nghĩ: “Tôi không hiểu tại sao câu chuyện nhất nhất phải từ cái nhìn của người nam.” Nên cô quay lại với quyển sách. “Dù do đan ông viết, nó cũng kể câu chuyện từ cái nhìn của các nhân vật nữ và giúp tôi hiểu rõ hơn họ là ai, và có một cuộc tranh giành quyền lực giữa nhân vật nam và những người phụ nữ.”

Trailer The Beguiled của Sofia Coppola (2017)

Phiên bản mạnh bạo của Siegel là về nỗi sợ kẻ thù, phiên bản nói giảm của Coppola tô đậm sự tò mò – và thận trọng – về cái Kia.

“Tôi không nghĩ nhất thiết có sự khác biệt giữa đạo diễn nam và nữ,” Fanning nói qua email. Trong The Beguiled cô vào vai quan trọng tên Alicia, một thiếu nữ thích tán tỉnh cuối cùng có mục tiêu cho các kiểu làm dáng của mình khi McBurney đầy thương tích đến trường của cô. Fanning đã làm việc với nhiều nhà làm phim trong ngành: : J. J. Abrams (Super 8); Coppola (Somewhere); cha của Coppola, Francis Ford Coppola (Twixt); và Mélanie Laurent (Galveston sắp tới).

Fanning nói, sự khác biệt rõ rệt trên phim trường của Coppola. “Cô nói chuyện theo một cách khác,” nữ diễn viên nói thêm: “Theo một cách nào đó, cô nói chuyện bằng thần giao cách cảm, và có thể nhận ra qua ánh mắt hay cái nhìn. Khá giống bộ phim của chúng tôi, có rất nhiều ánh mắt.”

Đạo diễn Don Siegel, phải, chỉ đạo Clint Eastwood (giữa) trên trường quay The Beguiled (1971)

Điều này trùng với những khám phá của các nhà khoa học thần kinh vẽ bản đồ bộ não của nam và nữ. “Trong các nghiên cứu của chúng tôi, phụ nữ mọi nhóm tuổi nhạy với biểu cảm trên mặt hơn,” tiến sĩ Raquel Gur, giào sư tâm lý trị liệu tại Đại học Pennsylvania, nói. Thông tin khớp với việc “một đạo diễn nữ căn chỉnh bằng cảm xúc nhiều hơn đạo diễn nam.”

Như Fanning, Coppola không rõ có khác biệt giữa nam và nữ nhìn qua ống kính. Nhưng – nói theo quan sát của tiến sĩ Gur về việc đạo diễn nữ có khả năng kết nối với người xem qua cảm xúc của nhân vật hơn – nhà làm phim suy ngẫm, “Tôi chưa bao giờ nghĩ tới điều đó, nhưng có vẻ phụ nữ nói nhiều hơn về cảm xúc, và phần lớn sự trao đổi của họ thông qua giọng nói và ánh mắt.”

Giờ cô đã kể lại The Beguiled, liệu Coppola có cân nhắc làm The Godfather: Phần IV nhìn từ phía Kay?

Đạo diễn Sofia Coppola, phải, trên trường quay The Beguiled (2017) với Elle Fanning

.“Tôi không có nhúng tay vào đó đâu,” cô nói và cười lớn. Sau hai nhịp, cô thừa nhận, “Kể câu chuyện từ quan điểm của Kay và Connie có thể sẽ thú vị.”

Dịch: © Phương Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The New York Times


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.