Tin tức

Phim Trung Quốc chuyển thể tài sản trí tuệ đến lúc hết thời?

12/10/2016

Bất cứ ai quen thuộc với điện ảnh Trung Quốc đều đã nghe tới tài sản trí tuệ (intellectual property - IP). Đó là một phần không thể thiếu trong ngành điện ảnh Trung Quốc nhiều thập kỷ qua, nhưng 2016 có vẻ là năm mà xu hướng này cuối cùng cũng sa sút.

Trong ngành điện ảnh, phim IP chuyển thể từ chất liệu có tác quyền được ưa chuộng, như trò chơi, âm nhạc và tiểu thuyết. Quyền chuyển thể được mua trọn từ sớm và phim IP chiếm tỷ trọng lớn trong điện ảnh Trung Quốc hai thập kỷ qua.

Uông Đông Thành, trái, trong một cảnh phim Tomb Mystery năm 2016

Nhưng trong khi những phim này đã mở rộng các nhãn hiệu nội địa Trung Quốc, cũng đáng lưu ý rằng mặc dù số lượng phim IP được phát hành trong năm 2016 bằng với năm 2015, doanh thu phòng vé lại giảm đi đáng kể.

Ví dụ, bom tấn hè năm nay Tomb Mystery, chuyển thể từ loạt tiểu thuyết Grave Robbers’ Chronicles của Từ Lỗi, thu về 300 triệu tệ (45 triệu USD) ít hơn bộ phim năm ngoái Mojin: The Lost Legend, chuyển thể từ tiểu thuyết trên mạng Ghost Blows Out the Light của tác giả Thiên Hạ Bá Xướng. Điều này khá lạ vì cả hai tác giả đều nổi tiếng ngang nhau.

Đây cũng là trường hợp với nhiều phim năm 2016 so với các năm trước, và có vẻ như ngành công nghiệp chuyển thể đang bắt đầu xuống dốc. Trước năm nay, cảm tưởng như bất cứ gì nổi tiếng đều có thể đem dựng thành phim. Nhưng sự xuống dốc gần đây của ngành này không hẳn là một cú sốc – nó đã nhen nhóm từ nhiều năm.

Mặc cho giới phê bình "ném đá", chuỗi phim Tiny Times
vẫn cứ hốt bẫm nhân dân tệ

Chính ra, phim chuyển thể cũng sẽ gặp phải nhiều thử thách và sai sót như phim kịch bản gốc, và cũng có thể sáng tạo nghệ thuật như bất cứ kịch bản gốc nào. Chúng chắc chắn không phải trào lưu mới trong ngành điện ảnh – To LiveHeat of the Sun, đều được đánh giá cao và đều được chuyển thể từ tiểu thuyết, là những ví dụ từ năm 1994. Cả hai dự án này đều thuê một đội ngũ chuyên nghiệp để biến các tiểu thuyết nổi tiếng thành phim. Và kể cả khi một số phim thời đó cho thấy sự thiếu sót về công nghệ của điện ảnh Trung Quốc đương thời, chúng vẫn được giới phê bình và khán giả đón nhận nhiệt tình.

Tuy nhiên, đây không phải là chuyện của thời buổi này. Sự bùng nổ phim chuyển thể đã làm cho ngành điện ảnh bắt đầu làm những sản phẩm kém chất lượng với số lượng lớn chỉ để thu lợi nhuận. Những sản phẩm chuyển thể như loạt phim Tiny Times – phim hài lãng mạn bối cảnh Thượng Hải – là một ví dụ. Mặc dù nhận nhiều đánh giá tiêu cực từ giới phê bình, doanh thu bộ phim vẫn rất lớn.

Những bộ phim “PowerPoint” – gọi vậy bởi mỗi cảnh phim đều rất đẹp nhưng đơn giản, như một bài thuyết trình bằng phần mềm PowerPoint – đang nhảy nhót trên sự nổi tiếng của trào lưu chuyển thể, và mang đến những cái tên tệ hại cho ngành điện ảnh. Chúng đặt nhiều quảng cáo hàng hóa trong phim và sử dụng mô hình kinh doanh thời đại internet để lôi kéo khán giả tới rạp, tạo ra thứ gì đó hoàn toàn trống rỗng về nghệ thuật. Tuy nhiên, con số doanh thu khổng lồ mang lại cho bất cứ doanh nhân thành đạt nào lý do để trở thành một nhà sản xuất hay thậm chí đạo diễn dưới danh nghĩa quản lý sản xuất. Tình thế này đã biến ngành điện ảnh ở Trung Quốc trở thành nơi điên loạn.

Từ thành công của Tiny Times, nhà văn-doanh nhân Quách Kính Minh
một bước thành đạo diễn phim. Tuy nhiên, phim kỳ ảo
L.O.R.D (ảnh)
dựa theo tiểu thuyết của đạo diễn Quách, ra rạp năm nay lãnh cú đúp: giới phê bình vẫn chê bai và doanh thu mở màn thất vọng

Chẳng có gì sai khi mua quyền chuyển thể cả. Cũng hợp lý khi các nhà sản xuất muốn chuyển thể một thương hiệu nổi tiếng lên phim, nhưng không nhất thiết phải hy sinh nghệ thuật. Nhà sản xuất kiêm biên kịch Eva Cao nói khi các công ty ở Hollywood mua bản quyền, họ thuê biên kịch chuyên nghiệp để biến nguyên tác thành một kịch bản – một điều tiên quyết để làm ra bất kỳ bộ phim tử tế nào. Quan trọng là phải để những người chuyên nghiệp xử lý.

Điều này khác hoàn toàn với tình hình ở Trung Quốc, khi mà bộ phận quảng cáo và bán hàng bon chen vào cả quá trình sáng tạo, và số liệu thống kê định hình thứ mà đạo diễn và biên kịch tạo ra. Phương pháp định hướng lợi nhuận, dựa theo thị trường này làm méo mó nền điện ảnh và suy giảm nghệ thuật làm phim.

Tìm kiếm lợi nhuận là không thể tránh khỏi khi nói về làm phim thương mại. Cũng hợp lý khi phát triển các sản phẩm dựa trên những thứ đang nổi tiếng với khán giả, nhưng người ta tới rạp là để được giải trí, không phải để làm tăng doanh thu. Họ tới để thết đãi đôi mắt và trái tim mình. Đó mới nên là điểm mấu chốt của bất cứ bộ phim chất lượng nào.

In the Heat of the Sun, do Khương Văn biên kịch và đạo diễn. Bộ phim năm 1994 chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết Wild Beast của nhà văn Vương Sóc đến nay vẫn ghi dấu ấn là một phim chuyển thể điện ảnh có tính nghệ thuật

Kinh doanh nên được tính tới, nhưng không phải là mục đích duy nhất của làm phim. Đã tới lúc thức tỉnh giấc mơ viển vông về phim chuyển thể, và bắt đầu trân trọng phim cũng như khán giả. Sự suy thoái của phim chuyển thể là kết cục còn đỡ hơn sự xuống dốc của toàn bộ nền điện ảnh Trung Quốc.

Dịch: © Ngô Bình @Quaivatdienanh.com
Nguồn: China Film Insider


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.